Cau9 SuNinh
Câu 9: BẢN CHẤT, NGUYÊN NHÂN CỦA KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TRONG CNTB. TÍNH CHU KỲ CỦA KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TRONG CNTB ĐƯỢC THỂ HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Bản chất và nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế trong chủ nghĩa tư bản.
Trong sản xuất hàng hoá giản đơn, sự phát triển chức năng làm phương tiện thanh toán của tiền tệ đã làm xuất hiện khả năng khủng hoảng kinh tế. Trong chủ nghĩa tư bản khi nền sản xuất đã xã hội hoá cao độ, khủng hoảng kinh tế trở thành hiện thực. Hình thức đầu tiên và phổ biến của khủng hoảng kinh tế trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là khủng hoảng sản xuất "thừa". Khi khủng hoảng nổ ra hàng hoá không tiêu thụ được, sản xuất bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị vỡ nợ, phá sản, thợ thuyền bị thất nghiệp, thị trường bị rối loạn. Tình trạng thừa hàng hoá không phải là so với nhu cầu của xã hội, mà là "thừa" so với sức mua có hạn của quần chúng lao động.
Nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa bắt nguồn từ chính mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Đó là mâu thuẫn giữa tính chất và trình độ xã hội hoá cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Mâu thuẫn này biểu hiện ra thành các mâu thuẫn sau:
- Mâu thuẫn giữa tính tổ chức, tính kế hoạch trong từng xí nghiệp rất chặt chẽ và khoa học với khuynh hướng tự phát vô chính phủ trong toàn xã hội.
- Mâu thuẫn giữa khuynh hướng tích lũy, mở rộng không có giới hạn của tư bản với sức mua ngày càng eo hẹp của quần chúng do bị bần cùng hoá.
- Mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp tư sản và giai cấp lao động làm thuê.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên nổ ra vào năm 1825 ở nước Anh và cuộc khủng hoảng đầu tiên mang tính chất thế giới tư bản chủ nghĩa nổ ra vào năm 1847.
Tính chu kỳ của khủng hoảng kinh tế trong chủ nghĩa tư bản
Khủng hoảng kinh tế xuất hiện làm cho quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa mang tính chu kỳ. Trong giai đoạn tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản, cứ khoảng từ 8 đến 12 năm nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lại phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế. Chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản là khoảng thời gian nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vận động từ đầu cuộc khủng hoảng này đến đầu cuộc khủng hoảng sau. Chu kỳ kinh tế gồm bốn giai đoạn: khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi và hưng thịnh. Khủng hoảng là giai đoạn khởi điểm của chu kỳ kinh tế mới. Trong giai đoạn này, hàng hoá ế thừa, ứ đọng, giá cả giảm mạnh, sản xuất đình trệ, xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp hàng loạt, tiền công hạ xuống. Tư bản mất khả năng thanh toán các khoản nợ, phá sản, lực lượng sản xuất bị phá hoại nghiêm trọng. Đây là giai đoạn mà các mâu thuẫn biểu hiện dưới hình thức xung đột dữ dội.Tiêu điều: đặc điểm của giai đoạn này là sản xuất ở trạng thái đình trệ, không còn tiếp tục đi xuống nữa nhưng cũng không tăng lên, thương nghiệp vẫn đình đốn, hàng hoá được đem bán hạ giá, tư bản để rỗi nhiều vì không có nơi đầu tư. Trong giai đoạn này để thoát khỏi tình trạng bế tắc, các nhà tư bản còn sống sót tìm cách giảm chi phí bằng cách hạ thấp tiền công, tăng cường độ và thời gian lao động của công nhân, đổi mới tư bản cố định làm cho sản xuất vẫn còn lợi trong tình trạng hạ giá, tạo điều kiện cho sự phục hồi chung của nền kinh tế.Phục hồi: là giai đoạn mà các xí nghiệp được khôi phục và mở rộng sản xuất. Công nhân lại được thu hút vào làm việc; mức sản xuất đạt đến quy mô cũ, vật giá tăng lên, lợi nhuận của tư bản do đó cũng tăng lên. Hưng thịnh: là giai đoạn sản xuất phát triển vượt quá điểm cao nhất mà chu kỳ trước đã đạt được. Nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hoá tăng, xí nghiệp được mở rộng và xây dựng thêm. Nhu cầu tín dụng tăng, ngân hàng tung tiền cho vay, năng lực sản xuất lại vượt quá sức mua của xã hội. Do đó, lại tạo điều kiện cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Khủng hoảng kinh tế không chỉ diễn ra trong công nghiệp mà trong cả nông nghiệp. Nhưng khủng hoảng trong nông nghiệp thường kéo dài hơn khủng hoảng trong công nghiệp. Sở dĩ như vậy là do chế độ độc quyền tư hữu về ruộng đất đã cản trở việc đổi mới tư bản cố định để thoát khỏi khủng hoảng. Mặt khác, trong nông nghiệp vẫn còn một bộ phận không nhỏ những người tiểu nông, điều kiện sống duy nhất của họ là tạo ra nông phẩm hàng hoá trên đất canh tác của mình, vì vậy họ phải duy trì sản xuất ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Trong chủ nghĩa tư bản hiện nay, khủng hoảng kinh tế vẫn không tránh khỏi, nhưng nhờ có sự can thiệp tích cực của nhà nước tư sản vào quá trình kinh tế làm cho tác động phá hoại của khủng hoảng bị hạn chế bớt. Song sự can thiệp này không triệt tiêu được khủng hoảng và chu kỳ trong nền kinh tế. Khủng hoảng kinh tế nổ ra làm cho năng lực sản xuất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bị phá hoại dữ dội; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp tư sản với vô sản; giữa tư bản với các dân tộc thuộc địa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top