câu7- QLHC: tính chất chủ yếu của QLHCNN

3. Những tính chất chủ yếu của nền hành chính nhà nước Việt Nam

a) Tính lệ thuộc vào chính trị và hệ thống chính trị:

          Xét theo góc độ nhà nước, các nhà cầm quyền đất nước có 2 loại nhiệm vụ :

Nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ lãnh đạo, đưa ra quan điểm, đường lối, chính sách. Chính trị biểu hiện ý chí nhà nước theo sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Nhiệm vụ hành chính là thực thi nhiệm vụ chính trị, những vấn đề cơ bản về chính trị ở nước ta là :

- Kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng, với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới của thời đại.

- Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chống chệch hướng xã hội chủ nghĩa, chống diễn biến hoà bình. Đó là ý thức chính trị, tư tưởng đòi hỏi các nhà hành chính phải có.

          Đảng cộng sản Việt nam là trung tâm lãnh đạo, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tham gia và giám sát quản lý nhà nước, kể cả sự đóng góp ý kiến của các tập thể lao động và của công dân.

b) Tính pháp luật:

          Với tư cách là quyền lực nhà nước, hành chính nhà nước mang tính cưỡng chế hành chính đòi hỏi mọi tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước và công dân phải tuân thủ các mệnh lệnh hành chính, đảm bảo và giữ vững kỷ cương, chính quy hiện đại.

          Tính pháp luật đòi hỏi các cơ quan hành chính và công chức phải đảm bảo tính quyền uy, nghĩa là phải nắm vững quyền lực, sử dụng đúng đắn quyền lực đồng thời phải có  uy tín bao gồm uy tín về chính trị, uy tín về phẩm chất đạo đức và uy tín về năng lực trí tuệ.

          Quyền uy là thể thống nhất quyền lực và uy tín, các nhà quản lý hành chính nhà nước phải có quyền  uy thì mới phát huy tính pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước. Cá nhân và tổ chức nào vi phạm pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật.

c) Tính thường xuyên ổn định và thích nghi:

          Nhiệm vụ hành chính nhà nước là phục vụ công vụ và công dân. Do vậy, hoạt động hành chính nhà nước không được làm theo lối “phong trào” “chiến dịch”. Đội ngũ công chức phải ổn định và có năng lực, phẩm chất đạo đức ngang tầm nhiệm vụ trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước.

          Nhà nước là một sản phẩm xã hội, đời sống xã hội biến chuyển không ngừng, do đó, nền hành chính nhà nước cũng phải thích nghi với hoàn cảnh thực tế xã hội trong từng thời kỳ nhất định đồng thời phải phù hợp với xu thế chung của thời đại.

d) Tính chuyên môn hoá và nghề nghiệp cao:

          Đây là vấn đề nghiệp vụ quan trọng của một nhà nước và của một nền hành chính nhà nước khoa học, văn minh, hiện đại. Do vậy, đối với các công chức nhà nước thì trình độ kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý điều hành thực tiễn là tiêu chuẩn và chính đó là trình độ nghề nghiệp của công chức. Tính chuyên môn hoá và nghề nghiệp cao là cơ sở để đảm bảo thực hiện mục tiêu chiến lược, kế hoạch chính sách, chương trình dài hạn.

e) Tính hệ thống thứ bậc chặt chẽ:

          Hành chính nhà nước là hệ thống thông suốt từ trên xuống dưới. Mỗi cấp, mỗi cơ quan, mỗi công chức đều có thẩm quyền riêng và quyền lợi chính đáng. Tính thứ bậc chặt chẽ đòi hỏi cấp dưới phải phục tùng cấp trên, nhân viên phải phục tùng trung ương, cả nước phục tùng Chính phủ trong việc thực hiện quyết định. Bên cạnh tính thứ bậc chặt chẽ, mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước phải sát dân, sát cơ sở, phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt.

g) Tính không vụ lợi:

          Hành chính nhà nước chỉ có nhiệm vụ phục vụ lợi ích công và lợi ích công dân không theo đuổi mục tiêu doanh lợi. Các cơ quan, công chức đều phải thể hiện tính công tâm, trong sạch, liêm khiết, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

h) Tính nhân đạo:

          Bản chất Nhà nước ta là dân chủ, là Nhà nước do dân, của dân và vì dân. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện trong luật pháp, cụ thể là trong pháp luật hành chính, những thể thế, quy tắc, thủ tục hành chính phải xuất phát từ lợi ích của dân, từ tấm lòng thật sự thương dân, phải đơn giản, trong sáng, tôn trọng con người và đem lại sự thuận lợi cho dân. Các cơ quan hành chính và công chức không được quan liêu, độc đoán, cửa quyền gây phiền hà, không đòi hối lộ, không tham nhũng.

          So với nhiều nước khác trên thế giới, quản lý nhà nước ở nước ta có ba giá trị cốt lõi sau đây:

- Quản lý nhà nước được tiến hành trong điều kiện hệ thống chính trị một Đảng lãnh đạo là Đảng cộng sản Việt Nam.

- Quản lý nhà nước thực hiện trong một cơ cấu quyền lực nhà nước thống nhất không phân chia, nhưng có sự phân công hợp lý giữa ba quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

- Quản lý nhà nước được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: