cau6tthcm
Nội dung 6: Xây dựng một Nhà nước thực sự do nhân dân lao động làm chủ
Nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ quyền lợi cho ai. Năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta đã hy sinh làm kách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc. Sau khi giành độc lập, Người khẳng định, “nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân... nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đó là điểm khác nhau giữa nhà nước ta với nhà nước bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử.
a) Nhà nước của dân
Đó là một Nhà nước thể hiện đầy đủ tư tưởng bao nhiêu quyền hạn đều của dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nguồn gốc của quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân. Điều 1 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Năm 1946) nói: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Điều 32, viết: Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết... thực chất đó là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ đề ra khá sớm ở nước ta.
Theo Hồ Chí Minh, trong nhà nước của dân, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, mà trước hết là quyền bầu ra nhà nước, bầu ra chính quyền các cấp. Nhà nước chỉ là tổ chức do dân lập ra để thực hiện quyền lực nhân dân. Chủ trương tổng tuyển cử của Hồ Chí Minh thể hiện rõ tinh thần đó: “Tổng tuyển cử là một dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà; do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là một chính phủ của toàn dân”[1].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân không chỉ bao hàm ý nghĩa nhà nước do dân tín nhiệm bầu ra, mà còn là dân phải kiểm soát nhà nước. Người đã từng nhắc nhở: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ thật trung thành, tận tụy của nhân dân ta”[2]. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Nhà nước của dân thì mọi người dân là chủ, người dân có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Những vị đại diện do dân cử ra chỉ là thừa uỷ quyền của dân, chỉ là công bộc của dân.
b) Nhà nước do dân : Nhà nước đó do nhân dân lựa chọn bầu ra những đại biểu của mình, nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để chi tiêu, hoạt động; nhà nước đó lại do dân phê bình xây dựng, giúp đỡ. Do đó Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ nghĩa là khi cơ quan nhà nước không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân có quyền bãi miễn nó. Hồ Chí Minh khẳng định: mỗi người có trách nhiệm ghé vai gánh vác một phần vì quyền lợi, quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.
Nhà nước do dân phản ánh mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng, còn nhân dân mà không có chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường”; lực lượng bao nhiêu đều ở dân hết, công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Nhà nước do dân tức là công việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân. Do đó phải phát huy được vai trò của mặt trận, các đoàn thể trong công tác quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước muốn điều hành quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, nhất định phải dựa vào lực lượng của dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân. Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là “dân tự làm, tự lo thông qua các mối quan hệ xã hội, qua các đoàn thể, chứ không phải do nhà nước bao cấp, lo thay cho dân. Chức năng của nhà nước là điều hành vĩ mô, Chính phủ chỉ giúp kế hoạch, cổ động”. CHính vì vậy mà nhà nước do dân là nhà nước tin dân và dân tin nhà nước.
c) Nhà nước vì dân
Đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính. Trong nhà nước đó, cán bộ từ chủ tịch trở xuống đều là công bộc của dân.
“Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm,
Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Nhà nước vì dân là nhà nước làm lợi cho dân, theo Hồ Chí Minh không chỉ làm lợi cho dân, mà còn phải yêu dân, kính dân “chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu chúng ta”. Nhà nước vì dân là nhà nước mọi chủ trương chính sách, mọi quy định của pháp luật từ trung ương xuống địa phương đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân , cả lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, cả lợi ích cá nhân và tập thể và xã hội trong sự kết hợp hài hòa. Nhà nước vì dân phải “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân co chỗ ở; làm cho dân có học hành”. Nhà nước vì dân là nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước dân, Người nói: “Nếu để dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu để dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu để dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi”. Nhà nước vì dân là nhà nước sống trong lòng dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 133
[2] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội. 1985, tr. 221
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top