cau6

Câu 6. Hàng hóa là gì? Phân tích các thuộc tính của hàng hóa và lượng giá trị của hàng hóa?

1. Hàng hóa là một vật phẩm của lao động có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và đi vào tiêu dùng thông qua trao đổi (mua - bán). Vì vậy, không phải bất kỳ vật phẩm nào cũng là hàng hóa. Những vật phẩm đi vào tiêu dùng không thông qua trao đổi (mua - bán) thì không phải là hàng hóa. Chẳng hạn, thóc của người nông dân sản xuất để tiêu dùng cho bản thân họ thì không phải là hàng hóa. Nhưng nếu thóc đó được đem bán thì nó là hàng hóa.

2. Hàng hóa có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị.

a) Giá trị sử dụng:

Giá trị sử dụng của vật phẩm là công dụng của nó, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người như gạo để ăn, vải để may mặc,

nhà để ở...Giá trị sử dụng của vật phẩm do thuộc tính tự nhiên của vật phẩm quy định. Xã hội loài người càng phát triển, càng phát hiện ra được nhiều thuộc tính tự nhiên có ích của vật phẩm và lợi dụng những thuộc tính tự nhiên đó để tạo ra nhiều loại giá trị sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, than đá từ xa xưa chỉ được dùng làm nhiên liệu (đốt nóng), đến nay còn là nguyên liệu của nhiều sản phẩm với giá trị sử dụng cao. Do đó, giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là vật mang giá trị trao đổi.

b) Giá trị:

Muốn hiểu giá trị của hàng hóa phải nghiên cứu từ giá trị trao đổi của nó.Giá trị trao đổi biểu hiện mối quan hệ trao đổi hàng hóa trên thị trường. Đó là mối quan hệ tỷ lệ về lượng giữa những hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau đem trao đổi với nhau. Thí dụ: 1m vải trao đổi với 5kg thóc. Sở dĩ vải và thóc là hai hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau có thể trao đổi được với nhau theo một tỷ lệ nhất định, vì vải và thóc đều là sản phẩm của lao động, có cơ sở chung là sự hao phí lao động của con người. Sự hao phí lao động đó chính là giá trị của hàng hóa.

Vậy, giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa đó.

Do đó, giá trị là cơ sở của giá trị trao đổi; còn giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị.Giá trị phản ảnh mối quan hệ xã hội giữa những người sản xuất hàng hóa. Do đó, giá trị là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong kinh tế hàng hóa.

3. Lượng giá trị của hàng hóa:

Nếu giá trị là lao động xã hội của những người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa thì lượng giá trị chính là lượng lao

động xã hội hao phí để sản xuất ra hàng hóa. Trong sản xuất hàng hóa, hao phí lao động cá biệt tạo thành giá trị cá biệt của hàng hóa. Trên thị trường, không thể dựa vào giá trị cá biệt để trao đổi mà phải dựa vào giá trị xã hội của hàng hóa.Giá trị xã hội của hàng hóa được tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết (tất yếu) để sản xuất một loại hàng hóa nào đó. Đó là thời gian cần thiết để sản xuất hàng hóa trong điều kiện sản xuất trung bình của xã hội với trình độ kỹ thuật trung bình, trình độ thành thạo trung bình, cường độ lao động trung bình. Thông thường thời gian lao động xã hội cần thiết của một loại hàng hóa nào đó gần sát với thời gian lao động cá biệt của người sản xuất đại bộ phận hàng hóa đó trên thị trường.Giá trị hàng hóa thay đổi phụ thuộc vào năng suất lao động. Năng suất lao động là hiệu suất của lao động được đo bằng số lượng sản phẩm tạo ra trong một đơn vị thời gian, hoặc lượng thời gian lao động hao phí để tạo ra một đơn vị sản phẩm. Năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật của người lao động, mức trang bị kỹ thuật của lao động, phương pháp tổ chức, quản lý và các điều kiện tự nhiên. Tăng năng suất lao động thể hiện ở chỗ: hao phí lao động không tăng, nhưng số lượng sản phẩm làm ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, do đó giá trị của một dợn vị hàng hóa giảm xuống. Điều đó có nghĩa: giá trị của hàng hóa biến đổi tỷ lệ nghịch với năng suất lao động. Cần phân biệt tăng năng suất lao động với tăng cường độ lao động.

Cường độ lao động là mức độ hao phí lao động trong một đơn vị thời gian. Tăng cường độ lao động sẽ làm tăng thêm mức hao phí lao

động, và do đó, làm tăng số lượng sản phẩm một cách tương ứng, vì vậy giá trị một đơn vị hàng hóa không thay đổi.

Lao động của người sản xuất hàng hóa có trình độ thành thạo khác nhau.

Nó được chia thành hai loại:

lao động giản đơn là lao động không cần rèn luyện, đào tạo và lao động phức tạp phải qua quá trình học tập rèn luyện... Trong cùng một đơn vị thời gian, lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn.

Trong quá trình trao đổi hàng hóa, mọi lao động phức tạp đều được quy thành bội số của lao động giản đơn trung bình một cách

tự phát trên thị trường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #cau6