cau5_duongloi

Câu 5 : Chủ trương Tổng Khởi nghĩa CM tháng 8-1945:

Đến giữa tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần đã cuồn cuộn dâng lên từ Bắc đến Nam. Trong khi đó, quân Đồng minh đã đánh bại quân đội phátxít Nhật. Ngày 14-8-1945, vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Còn thực dân Pháp thì ráo riết quay trở lại xâm lược Đông Dương. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi, đã đến lúc nhân dân ta vùng dậy giành lại quyền độc lập của mình. Trước cơ hội có một không hai ấy, tại Tân Trào, thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15-8-1945, quyết định Đảng phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, “thống nhất tổ chức… thống nhất chính trị…phát triển và củng cố Đảng” (6), “thi hành 10 chính sách Việt Minh”, phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào tước vũ khí quân đội Nhật. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 người do đồng chí Trường Chinh phụ trách và 23 giờ ngày 13-8-1945 Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 khẳng định:

“Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!  Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”. “Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!” (7).

Hồ Chí Minh đề nghị hội nghị sớm bế mạc để các đại biểu nhanh chóng trở về các địa phương, kịp thời  mang mệnh lệnh khởi nghĩa phát động, lãnh đạo quần chúng tổ chức vùng lên giành chính quyền.

Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, chiều ngày 16 và ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội đại biểu đã họp tại Tân Trào dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh. Hơn 60 đại biểu tham dự đại hội, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và kiều bào ta ở nước ngoài, đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Quốc dân Đại hội thực sự là hình ảnh của khối toàn dân đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh:

1- Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh.

2- Đại hội kêu gọi nhân dân cả nước, đoàn kết để thi hành Mười chính sách của Việt Minh và hiệu triệu toàn dân vùng lên đấu tranh để giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

3- Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với một Uỷ ban Thường trực gồm 5 người – tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời một chính phủ hợp pháp do nhân dân cử ra.

Quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội trong thời điểm lịch sử quan trọng này là một sáng tạo tài tình, thể hiện sự nhạy bén trước thời cuộc của Hồ Chí Minh. Hoạt động và những quyết sách của Quốc dân Đại hội thực sự tiêu biểu cho ý chí cách mạng sôi sục của nhân dân, cho ý chí “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đánh giá sự kiện này, Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp khẳng định:

“Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng ch­ưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hoà dân chủ của nư­ớc ta, cho một Chính phủ lâm thời của n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi cách mạng đã thành công” (8).

Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra khẩn trư­ơng và thắng lợi trong đêm tr­ước của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, mang tầm vóc lịch sử như­ một Quốc hội của nư­ớc Việt Nam mới. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta suốt gần một thế kỷ bị thực dân Pháp thống trị. Hoạt động và những quyết nghị của Quốc dân Đại hội Tân Trào đã cho thấy Đại hội thực sự biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc, phản ánh nguyện vọng và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành độc lập của toàn thể nhân dân, đáp ứng đư­ợc những quyền về dân sinh, dân chủ của nhân dân lao động.

Ngay sau đại hội, ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa:

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” (9).

Thực hiện quyết định của Đảng và của Quốc dân Đại hội Tân Trào, chớp đúng thời cơ, toàn dân ta từ Bắc đến Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị đã đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phátxít Nhật. Sức mạnh của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bùng lên thành bão táp cách mạng, quyết giành lại độc lập, tự do. Ngày 19-8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, và ngày 25-8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công. Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Trước khi quân Đồng minh kéo vào, chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương đã được thiết lập, thay thế cho chính quyền của phátxít Nhật và tay sai. Nhân dân ta đã đón quân Đồng minh với tư cách là chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #spidey