cau3as
Câu 3: Phân tích nội dung và ý nghĩa quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại?
TRẢ LỜI
1. Vị trí của quy luật.
Quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại (còn gọi là quy luật lượng chất) là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Quy luật này chỉ ra cách thức vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng.
2. Nội dung quy luật:
Mọi sự vật đều là sự thống nhất giữa lượng và chất, sự thay đổi về lượng trong khuôn khổ của độ tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất của sự vật thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Quá trình tác động đó diễn ra liên tục làm cho sự vật không ngừng biến đổi và phát triển.
a. Khái niệm chất và lượng:
- Chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của các sự vật, là sự thống nhất hữu cơ các thuộc tính, làm cho nó là nó và phân biệt nó với cái khác.
+ Mỗi sự vật có muôn vàn thuộc tính, mỗi thuộc tính của sự vật cũng có một phức hợp những đặc trưng về chất của mình, khiến cho mỗi thuộc tính lại trở thành một chất. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi sự vật có vô vàn chất.
+ Với tư cách là những khía cạnh của chất được bộc lộ ra trong các mối quan hệ, các thuộc tính của sự vật có vị trí khác nhau; trong đó, có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản. Tổng hợp những thuộc tính cơ bản tạo thành chất căn bản, đó là loại chất mà sự tồn tại hay mất đi của nó quy định sự tồn tại hay mất đi của bản thân sự vật.
- Lượng là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật, biểu thị về quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật cũng như của các thuộc tính của nó.
+ Trong thực tế, lượng có thể được xác định bằng những đơn vị đo lường cụ thể và chính xác như chiều dài; độ lớn (to - nhỏ); quy mô (lớn - bé)... Song, có những tính quy định về lượng chỉ có thể biểu thị dưới dạng trừu tượng và khái quát như: trình độ (cao - thấp); tốc độ (nhanh - chậm); màu sắc (đậm - nhạt)...
+ Cũng như chất, lượng của sự vật cũng mang tính khách quan. Trong sự tồn tại của mình một cách khách quan, sự vật có vô vàn chất; do đó, nó cũng có vô vàn lượng.
b. Mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất:
- Lượng đổi dẫn đến chất đổi: Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có chất và lượng. Trong quá trình vận động và phát triển, chất và lượng của sự vật cũng biến đổi. Sự thay đổi của lượng và của chất không diễn ra độc lập đối với nhau, trái lại, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng không phải bất kỳ sự thay đổi nào của lượng cũng ngay lập tức làm thay đổi căn bản về chất của sự vật. Lượng của sự vật có thể thay đổi trong một giới hạn nhất định mà không làm thay đổi căn bản chất của sự vật đó.
Sự thay đổi lượng chưa dẫn tới sự thay đổi chất trong những giới hạn nhất định. Vượt quá giới hạn đó sẽ làm cho sự vật không còn là nó, chất cũ mất đi, chất mới ra đời. Khuôn khổ mà trong đó, sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật được gọi là "độ".
+ Độ là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là khoảng giới hạn mà trong đó, sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật.
Sự thay đổi về lượng khi đạt tới "điểm nút" sẽ dẫn đến sự ra đời chất mới.
+ Điểm nút là những điểm giới hạn mà tại đó sự thay đổi về lượng sẽ làm thay đổi chất của sự vật.
Sự thống nhất giữa lượng và chất mới tạo thành một độ mới với điểm nút mới. Sự vận động và phát triển là không cùng. Do đó, sự vận động, biến đổi của các sự vật sẽ hình thành một đường nút của những quan hệ về độ.
+ Sự thay đổi về chất do những thay đổi về lượng trước đó gây ra gọi là "bước nhảy". Bước nhảy là một phạm trù triết học dùng để chỉ giai đoạn chuyển hoá về chất của sự vật do những thay đổi về lượng trước đó gây ra.
- Chất mới ra đời tác động trở lại sự thay đổi của lượng:
+ Chất mới có thể làm thay đổi quy mô tồn tại của sự vật.
+ Chất mới có thể làm thay đổi nhịp điệu sự vận động và phát triển của sự vật đó.
Từ những điều trình bày trên, có thể rút ra nội dung cơ bản của quy luật này như sau:
Bất kỳ sự vật nào cũng là sự thống nhất giữa lượng và chất; sự thay đổi dần dần về lượng vượt quá giới hạn của độ sẽ dẫn tới thay đổi căn bản về chất của sự vật thông qua bước nhảy; chất mới ra đời sẽ tác động trở lại tới sự thay đổi của lượng.
3. Ý nghĩa phương pháp luận:
- Đối với nhận thức: Để có tri thức đầy đủ về sự vật, ta phải nhận thức cả mặt lượng và mặt chất của nó. Những nhận thức ban đầu về chất của các sự vật chỉ trở nên đúng đắn và làm sâu sắc thêm khi đạt tới tri thức về sự thống nhất giữa chất và lượng của các sự vật đó.
- Đối với hoạt động thực tiễn:
+ Vì sự thay đổi về lượng và thay đổi về chất có mối quan hệ biện chứng với nhau, nên trong hoạt động thực tiễn phải dựa trên sự hiểu biết đúng đắn vị trí, vai trò và ý nghĩa của mỗi loại thay đổi nói trên để hành động có hiệu quả.
+ Chống khuynh hướng "tả" khuynh, chủ quan, nóng vội, chưa có sự tích luỹ về lượng đã muốn thực hiện bước nhảy về chất. Hoặc thái độ coi nhẹ sự tích luỹ về lượng, chỉ nhấn mạnh bước nhảy dễ dẫn đến phiêu lưu, mạo hiểm...
+ Chống khuynh hướng "hữu" khuynh, bảo thủ, trì trệ, ngại khó không dám thực hiện bước nhảy về chất khi có đủ tích luỹ về lượng.
+ Muốn duy trì sự vật ở trạng thái nào đó phải nắm được giới hạn độ, không để cho lượng thay đổi vượt quá giới hạn của độ gây ra bước nhảy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top