Câu2 : Điều kiện xã hội hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh?

Câu2 : Điều kiện xã hội hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh? Vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng với thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 77 năm qua?

1. Điều kiện xã hội hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng giống như tư tưởng của nhiều vĩ nhân khác được hình thành dưới tác động, ảnh hưởng của những điều kiện lịch sử-xã hội nhất định của dân tộc và thời đại mà nhà tư tưởng đã sống. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam, ra đời do yêu cầu khách quan và là sự giải đáp thiên tài của Hồ Chí Minh về những nhu cầu bức thiết đó của cách mạng Việt Nam đặt ra từ đầu thế kỷ XX tới ngày nay. Những điều kiện lịch sử-xã hội tác động, ảnh hưởng tới sự ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh có thể khái quát những vấn đề chính như sau:

Điều kiện lịch sử-xã hội Việt Nam

Cho đến năm 1958, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam thì nước ta vẫn là một xã hội phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, trì trệ. Khi thực dân Pháp xâm lược, lúc đầu triều đình nhà Nguyễn có chống cự yếu ớt, sau đã từng bước nhân nhượng, cầu hoà và cuối cùng là cam chịu đầu hàng để giữ lấy ngai vàng và lợi ích riêng của hoàng tộc. Nhân dân ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn chưa bao giờ có là cùng một lúc phải chống "cả Triều lẫn Tây".

Từ năm 1958 đến cuối thế kỷ XIX, dưới ngọn cờ phong kiến, phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp bởi tinh thần yêu nước nhiệt thành và chí căm thù giặc sôi sục đã rầm rộ bùng lên, dâng cao và lan rộng trong cả nước: từ Trương Định, Nguyễn Trung Trực... ở Nam Bộ: Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng... ở miền Trung đến Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích... ở miền Bắc. Nhưng đường lối kháng chiến chưa rõ ràng nên trước sau đều thất bại. Rõ ràng ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến đã bất lực trước đòi hỏi giành lại độc lập của dân tộc.

Sang đầu thế kỷ XX trước chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam bắt đầu có sự biến chuyển và phân hoá, các tầng lớp tiểu tư sản và mầm mống giai cấp tư sản bắt đầu xuất hiện. Đồng thời các "tân thư" và ảnh hưởng của cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Phong trào chống Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản với sự xuất hiện của các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang phục hội... Các phong trào chưa lôi cuốn lớp nhân dân và chủ yếu vẫn do các sĩ phu phong kiến cựu học dẫn dắt nên có rất nhiều hạn chế và cuối cùng cũng lần lượt bị dập tắt.

Cuối thập niên đầu của thế kỷ XX, khi Nguyễn Tất Thành lớn lên, phong trào cứu nước đang ở vào thời kỳ khó khăn nhất. Muốn giành thắng lợi, phong trào cứu nước của nhân dân ta phải đi theo một con đường mới.

Gia đình và quê hương

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc-một nhà nho cấptiến, có lòng yêu nước thương dân sâu sắc, có ý chí kiên cường vượt qua gian khổ, khó khăn, đặc biệt có tư tưởng thương dân, chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho mọi cải cách chính trị-xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đối với sự hình thành nhân cách của Nguyễn Tất Thành. Tiếp thu tư tưởng trên của người cha, sau này Nguyễn ái Quốc nâng lên thành tư tưởng cốt lõi trong đường lối chính trị của mình.

Quê hương của Hồ Chí Minh là Nghệ Tĩnh, một miền quê giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, xuất hiện nhiều anh hùng như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... Ngay mảnh đất Kim Liên đã thấm máu anh hùng của bao liệt sĩ như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến... Anh chị của Nguyễn Tất Thành cũng hoạt động yêu nước, bị thực dân Pháp bắt giam cầm và lưu đầy hàng chục năm.

Quê hương, gia đình, đất nước đã chuẩn bị cho Nguyễn Tất thành nhiều mặt và có vinh dự đã sinh ra vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn hoá kiệt xuất.

Điều kiện thời đại

Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chúng vừa tranh giành xâu xé thuộc địa vừa vào hùa với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ yếu trong vòng kìm kẹp thuộc địa của chúng. Bởi vậy, cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa đã trở thành cuộc đấu tranh chung của các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc thực dân gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản quốc tế.

Khi còn ở trong nước, Nguyễn Tất Thành chưa nhận thức được đặc điểm của thời đại. Tuy vậy, Người cũng thấy rõ con đường cứu nước của các bậc cha anh là cũ kỹ, không thể có kết quả. Nguyễn Tất Thành xác định phải đi ra nước ngoài, đi tìm một con đường mới. Nguyễn Tất Thành đã vượt ba đại dương, bốn châu lục, tới gần 30 nước-quan sát nghiên cứu các nước thuộc địa và các nước tư bản. Nguyễn Tất Thành trở thành người đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết phong phú nhất.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh về sống và hoạt động ở Pari-thủ đô nước Pháp. Gắn bó với phong trào lao động Pháp, với những người Việt Nam, với những nhà cách mạng từ các thuộc địa Pháp, Nguyễn Tất Thành đã đến với những người phái tả của cách mạng Pháp và sau đó gia nhập Đảng xã hội Pháp (1919)- một chính đảng duy nhất của Pháp bênh vực các dân tộc thuộc địa.

Năm 1919, Hội nghị hoà bình được khai mạc ở Vécxây, Nguyễn ái Quốc đã có hoạt động mang nhiều ý nghĩa. Người đã nhân danh những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nước ta. Bản yêu sách đã không được chấp nhận. Từ đó, Nguyễn ái Quốc đã rút ra kết luận: Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra và giành thắng lợi đã mở ra thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

Trước sự phân hoá về đường lối trong các Đảng Dân chủ Xã hội- Quốc tế II, tháng 3-1919, Lênin sáng lập ra Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III)- là tổ chức có sứ mệnh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới, và dẫn dắt phong trào cách mạng thế giới. Quốc tế Cộng sản ra đời có ý nghĩa và tác động to lớn tới phong trào cách mạng trên thế giới.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, đến giữa năm 1920, Nguyễn ái Quốc đã có những nhận thức kế cận với những quan điểm của chủ nghĩa Lênin. Nguyễn ái Quốc đã nhận thức về quan hệ áp bức dân tộc đến nhận thức về quan hệ áp bức giai cấp; từ quyền của các dân tộc đến quyền của con người; từ xác định rõ kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc đến nhận rõ bạn đồng minh là nhân dân lao động ở các nước chính quốc và thuộc địa. Bởi vậy, giữa tháng 7-1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn ái Quốc thấy những điều mình nung nấu bấy nay được Lênin diễn đạt một cách đầy đủ và sâu sắc. Từ đây Người hoàn toàn tin tưởng theo Lênin.

Nguyễn ái Quốc cùng các đảng viên khác trong Đảng xã hội Pháp tham gia vào cuộc tranh luạn về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng. Đến Đại hội lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp (12-1920) kết thúc cuộc tranh luận kéo dài này đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình trong trào lưu cách mạng thế giới.

Như vậy, trong điều kiện lịch sử Việt Nam và thế giới cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX, với trí tuệ lớn của Hồ Chí Minh đã trở thành hợp điểm gặp gỡ quan trọng của trí tuệ Việt Nam và trí tuệ thời đại, giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top