cau17as

Câu 17: Tầm quan trọng và nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại của Đảng ta hiện nay?

TRẢ LỜI

1. Tầm quan trọng của chính sách đối ngoại:

Chính sách đối ngoại là sự tiếp nối chính sách đối nội, là một bộ phận quan trọng trong đường lối chính trị và chính sách của mọi quốc gia, dân tộc. Trong các thời kỳ của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đều rất coi trọng chính sách đối ngoại.

Thực hiện đường lối đối ngoại nhân đạo, hòa bình thể hiện mục tiêu, bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta và nguyện vọng của nhân dân ta, phù hợp với quy luật vận động của thời đại và xu hướng chủ yếu của thế giới.

Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống chính sách, thể hiện ở chỗ:

- Thông qua việc thực hiện chính sách đối ngoại, chúng ta có thể khai thác tốt nhất những tiềm năng, kinh nghiệm, nguồn vốn, thành tựu văn hóa khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới để phát triển đất nước.

- Thông qua mở rộng quan hệ quốc tế mà nhân dân ta và bạn bè năm châu hiểu rõ nhau hơn, nâng cao địa vị và uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn và rộng mở, chúng ta đã tích cực mở rộng quan hệ với tất cả các nước (đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã giữ vững, mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với 200 Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới; là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và có quan hệ thương mại trên 150 nước và nhiều công ty của hơn 70 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam).

- Cách mạng nước ta là một bộ phận của cách mạng thế giới và vận động trong bối cảnh chung của thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với trình độ ngày càng cao làm tăng nhanh lực lượng sản xuất và quá trình quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống xã hội trên thế giới đã tạo ra nhiều thời cơ và thách thức lớn, nhất là đối với các nước nghèo, kinh tế chưa phát triển. Vì vậy, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta không tách rời những biến đổi trên thế giới, không thể khép kín mọi hoạt động của mình trong phạm vi một quốc gia hoặc bất cứ một khu vực nào.

- Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã tổng kết bài học lớn là luôn luôn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

2. Những vấn đề cơ bản của chính sách đối ngoại hiện nay ở nước ta.

a. Mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của chính sách đối ngoại:

- Mục tiêu chung của chính sách đối ngoại:

+ Chính sách đối ngoại không có mục đích tự thân, nó phải gắn liền với nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ quốc tế và phải quán triệt lập trường có tính nguyên tắc là: kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong điều kiện lịch sử mới.

+ Chính sách đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu chung: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" nên mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là kết hợp hài hòa lợi ích dân tộc, sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

- Các nhiệm vụ cơ bản của chính sách đối ngoại:

+ Củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; CNH,HĐH đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

+ Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

b. Những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại:

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.

- Giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình.

- Tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

c. Nội dung chính sách đối ngoại:

- Chủ trương của chính sách đối ngoại:

+ Củng cố và tăng cường quan hệ với các Đảng Cộng sản, công nhân, Đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới.

+ Tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền.

+ Phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm: "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả".

+ Chủ động tham gia đấu tranh chung vì quyền con người.

+ Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại.

- Nhiệm vụ trước mắt của công tác đối ngoại:

+ Đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân tất cả các nước.

+ Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

+ Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về công tác đối ngoại với sự tham gia và phát huy trí tuệ của các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học.

+ Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: