Chương 41. Tái Sinh - Khoảng Cách.

Sự việc Phùng Khánh Đường có triệu chứng của bệnh trầm cảm như một cú đánh giáng xuống tất cả mọi người, bao gồm bố Trung, mẹ Tâm, ngay cả giáo viên chủ nhiệm của nó và thằng bạn thân Huỳnh Khắc Khiêm.

Tất cả mọi người đều cho rằng sự việc rơi xuống nước suýt chết vừa rồi của Khánh Đường chính là hành vi tự tử, đặc biệt là sau khi nhìn thấy hai bản báo các xác nhận tình trạng sức khỏe tâm thần có chỉ rõ mức độ trầm cảm và báo cáo kết quả kiểm tra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) của nó.

Trầm cảm mức độ nặng, triệu chứng rối loạn tăng động giảm trí nhớ ở mức trung, đang dần chuyển sang nặng.

Chỉ có Đường hiểu rõ nhất, bản thân nó không có lý do gì để làm chuyện dại dột ấy, hơn nữa nó càng không biết gì về hai bản báo cáo kia. Khi mẹ Tâm nhẹ nhàng đưa cho nó và hỏi đã đi tìm bác sĩ tâm lý từ khi nào, Đường đã ngạc nhiên và nó thậm chí còn tưởng những thứ này phải là của con Hiền mới đúng.

Mẹ Tâm thấy xấp giấy này được đặt ngay dưới tấm đệm dày trong lúc vào phòng thay chăn ga mùa đông cho nó, Khánh Đường bình thường không có lý do gì để lật đệm lên xem xét cả. Nó tất nhiên không biết sự có mặt của hai bản báo cáo tình trạng bệnh này.

Đường tuy kinh ngạc, nhưng không thấy sốc, vì nó biết thứ này không phải là của nó. Nó đang nghĩ lại những nghi hoặc trước đây của mình, khi trong lời nói của mọi người đều thể hiện rất rõ trong quá khứ nó kém cỏi và yếu đuối vô hại đến nhường nào. Bây giờ mới lờ mờ hiểu lý do vì sao.

Một người mắc chứng trầm cảm sao có thể mạnh mẽ được, một người mắc ADHD mức độ trung chuyển nặng làm sao có thể đạt được những thành tích mĩ mãn được.

Tuy nhiên Khánh Đường cũng không đính chính lại với mọi người sự thật rằng nó không có ý định tự tử, vì dù có nói ra lý do thực sự đi chăng nữa thì cũng chẳng ai tin được chuyện có một lực hấp dẫn nào đó cứ thế dẫn nó tìm đến cái hồ nước sau trường.

Trong lúc ngủ mê man dưới phòng y tế, tiếng máy móc đột ngột vang lên inh ỏi bên tai khiến Khánh Đường ngay lập tức thức tỉnh.

Trong cơn mơ màng, hệt như có người nắm tay dắt đi, nó cứ chạy miết về phía bờ hồ sau trường học, nơi mà nó và Hiền từng rơi xuống. Dường như có ai đó thì thầm trong tâm trí, nói rằng đây chính là nơi bắt đầu của tất cả những sự việc quái lạ xảy ra. Bao gồm cả âm thanh máy móc và tiếng người khóc lóc trong những giấc mơ nó từng nghe thấy.

Đây có lẽ là lời thông báo cuối cùng dành cho Phùng Khánh Đường, rằng bản thân nó ở thế giới kia đã thực sự chết đi. Và những âm thanh trong những giấc mơ này sẽ mãi mãi không còn xuất hiện nữa.

***

Chuyện trong trường có học sinh tự tử vốn không phải là chuyện đẹp mặt để phơi bày ra, nên ngoài gia đình, một vài giáo viên cùng với Khắc Khiêm thì chuyện này không còn ai biết nữa, đặc biệt là chuyện về sức khoẻ tinh thần của Phùng Khánh Đường.

Cô giáo Từ đã dành riêng một buổi sinh hoạt để làm công tác giáo dục về vấn đề bạo lực học đường và lên tiếng cảnh cáo về mọi hành vi ngoài đời và cả trên mạng có liên quan đến bạo lực học đường cho cả lớp.

Sự việc con Đường khóc lóc và chỉ điểm Phan Diệu Nhi có hành vi và lời nói không đúng đắn, lúc đầu các giáo viên chỉ nhận định là xích mích cá nhân, Phan Diệu Nhi lại là học sinh năm tốt nên tình tiết được lèo lái sang hướng lời nói không kiểm soát, cãi vã cá nhân vô tình tạo ảnh hưởng xấu đến tâm trạng bạn học, nghĩ rằng chỉ cần từ từ hòa giải là được.

Nhưng trước sự hiện diện của bản báo cáo kiểm tra chẩn đoán mức độ trầm cảm của Phùng Khánh Đường thì mọi người đều thấy đây không còn là chuyện nhỏ nữa.

Tuy không biết cặn kẽ lý do tại sao buổi sinh hoạt lớp cô Từ lại đột ngột nghiêm mặt nói về vấn đề này, nhưng có tới một nửa lớp cảm thấy tâm tình hơi nặng nề.

Sau đó Lý Công Bằng đã ngay lập tức xóa hết tất cả những bài viết không liên quan đến thông báo học tập ở trong nhóm lớp, tước quyền quản lí nhóm của một vài thành viên trong lớp. Hắn phát hiện ra số bài đăng thông báo học thêm, đăng ký đội tuyển, đăng ký câu lạc bộ, nói chung là liên quan đến hoạt động trường lớp chỉ chiếm khoảng 40%.

Còn lại đều là tám nhảm, hoặc là bàn luận về người khác, hay là các sự kiện khác trong trường trong tình trạng ẩn danh.

"Bạo lực không chỉ là đơn giản là tương tác vật lý giữa người này và người kia, chúng ta ở trong môi trường học đường, cần làm rõ điều này để tránh phạm phải những sai lầm vô tình làm tổn thương đến những người bạn đồng hành cùng chúng ta trong những năm tháng đáng nhớ ngồi trên nhà trường."

Cô Từ vừa nói, ánh mắt nhìn về phía Khánh Đường đang chống tay lên cằm nhìn lơ đễnh ra cửa sổ.

"Những hình thức được xem là bạo lực học đường:

1. Thứ nhất, tác động vật lý: đẩy, kéo, đánh đập, nói chung là dùng vũ lực gây tổn thương cho người khác.

2. Thứ hai, là bạo lực tinh thần, gây tổn thương tâm lý.

Xúc phạm, châm chọc: Đe dọa, chế nhạo, nói xấu, công kích bằng lời nói nhằm tổn thương đến danh dự của người khác, công kích về ngoại hình cũng là một trong số đó.

Ngăn cản giao tiếp xã hội: Cô lập bạn học, không hoan nghênh bạn khác tham gia vào hoạt động chung, hoặc cố ý chia rẽ bạn học với các thành viên khác trong lớp.

3. Thứ ba, bạo lực qua mạng xã hội.

Bắt nạt trực tuyến: Sử dụng mạng xã hội, tin nhắn, email để bắt nạt, đe dọa hoặc xúc phạm người khác.

Đăng tải thông tin sai lệch: Phát tán tin giả, hình ảnh riêng tư hoặc thông tin nhạy cảm của người khác trên mạng, mục đích hạ bệ và công kích cá nhân. Khiến cho những người khác có cái nhìn sai lầm về chủ thể.

4. Thứ tư, đe dọa.

Sử dụng ngôn ngữ đe dọa: Học sinh có thể bị đe dọa bằng lời nói, tạo ra cảm giác sợ hãi và không an toàn.

Hành động đe dọa: Những hành động như đưa tay ra, tạo dáng hung hãn mà không thực sự tiếp xúc cũng có thể gây hoang mang.

5. Thứ năm, hiếp đáp.

Tạo áp lực: Tạo áp lực cho bạn khác, buộc người khác phải làm điều gì đó trái với ý muốn của họ.

Thao túng tâm lý: Sử dụng các chiến thuật tâm lý để kiểm soát hoặc khiến nạn nhân cảm thấy yếu đuối và phụ thuộc.

6. Cuối cùng, sự thờ ơ hoặc không can thiệp.

Im lặng trước bạo lực: Những nhân chứng không biết cách hoặc không muốn can thiệp khi thấy một hành vi bạo lực xảy ra, điều này sẽ góp phần duy trì vòng lặp bạo lực."

Khi nói xong tới đây, Khắc Khiêm nhìn thấy cô Từ đánh mặt một vòng xuống dưới lớp, lặng người nhận ra có đến gần cả lớp đều đang cúi mặt xuống, không đủ dũng khí để ngồi thẳng lưng.

Sau đó cô Từ phát hiện giữa những cái đầu đang cúi xuống ở dưới kia, cái đầu của Lý Công Bằng đang từ từ nghiêng sang nhìn về phía Khánh Đường.

Hắn đột nhiên nhớ đến cái khoảnh khắc con Đường túm áo con Nhi tát nó điên cuồng.

"Nếu chúng mày từ đầu đến cuối đều đóng vai kẻ ngoài cuộc, thì tốt nhất bây giờ cứ tiếp tục coi như mù, câm, điếc luôn đi."

Đây là điều thứ sáu: Im lặng trước bạo lực.

Cô Từ thu hồi ánh mắt nhìn thằng Bằng. Tiếp tục nói:

"Hậu quả của bạo lực học đường:

Trầm cảm, lo âu: Nạn nhân có thể phát triển các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, tự ti.

Giảm hiệu suất học tập: Học sinh bị bạo lực có thể gặp khó khăn trong việc tập trung và học tập, dẫn đến hiệu suất học tập giảm.

Hành vi tiêu cực: Một số học sinh có thể phản ứng lại bằng cách trở thành kẻ bạo lực hoặc tham gia vào các hành vi không an toàn khác."

Cô Từ kết thúc bài giảng được năm phút, lớp học vẫn không có một tiếng động. Nhìn đồng hồ còn vài phút giải lao, cô Từ chuẩn bị giáo án cho vào cặp táp, nhỏ nhẹ:

"Còn một tuần nữa là bước sang năm mới, kỳ khảo sát tháng sẽ được hủy bỏ để tập trung chuẩn bị cho tổng kiểm tra cuối kỳ tất cả các môn trước khi nghỉ Tết. Các em còn khoảng ba tuần để rà soát lại kiến thức tất cả các môn học... Sau Tết bắt đầu chuyển sang học kỳ 2, theo như thông lệ, chúng ta sẽ bình bầu lại ban cán sự lớp vào mỗi đầu kỳ học mới. Hy vọng các em đều có tính toán cho mình, chúc lớp có thể đạt được điểm số cao nhất và dành về cho lớp thứ hạng thi đua thật cao trong kỳ này."

Cả lớp dạ một cách lí nhí, cô Từ không dông dài thêm, xách cặp bước ra khỏi lớp ngay khi tiếng trống báo giải lao vang lên.

Chờ cho Thanh Trúc rời khỏi vị trí, Khắc Khiêm mới thận trọng quay xuống, nhìn Đường bình thản làm bài tập hệt như chưa từng có chuyện nó đột ngột nhảy xuống hồ nước vậy.

"Tại sao không nói cho tao biết?"

Đường hơi ngẩng đầu, song không nhìn cậu mà lại cúi xuống viết bài tiếp.

"Nói gì?"

"Chuyện đi tìm bác sĩ tâm lý... và mấy tờ báo cáo..."

Khiêm thấy Đường lặng im một lúc lâu rồi trả lời một cách khó hiểu:

"Nếu Khánh Đường không chia sẻ một chuyện gì đó cho mày, thì tức nghĩa là cậu ấy có lý do của mình."

Đường liếc mắt nhìn Khiêm, cảm giác xa cách hiện lên rõ rệt. Nó không nói gì thêm, gấp cuốn tập đang viết dở lại rồi cất bước đi thẳng ra khỏi lớp, đưa chân đến tòa đối diện, lớp 11A.

Huỳnh Khắc Khiêm cảm nhận rất rõ Khánh Đường đang bắt đầu vẽ lên một đường ngăn cách giữa cậu và nó, không lạnh lùng ghét bỏ nhưng rõ ràng là luôn tìm cách tránh né.

Khắc Khiêm đã mất ngủ cả đêm hôm qua, sau khi nhìn thấy hai tờ giấy đó, cậu đã dành cả đêm để tìm hiểu về bệnh trầm cảm và chứng ADHD của Đường. Sau đó, cậu đã cảm thấy bản thân vô cùng tồi tệ, tự trách tại sao không thể phát giác được sự khác thường của cô bạn trước đây.

Vì tuy rằng Đường ít nói, nhưng nó hay cười, thậm chí cười rất nhiều khi ở bên cạnh cậu. Chỉ là ngay cả khi cười, đáy mắt của Đường vẫn ánh lên nét buồn man mác. Nhưng có lẽ cậu không đủ tinh tế để nghĩ thêm sau ánh mắt đó còn có những gì, Khắc Khiêm chỉ đơn giản suy nghĩ đó là vấn đề của "sự thiết lập". Là trước giờ Đường vẫn thế.

***

BÁO CÁO KIỂM TRA TÌNH TRẠNG TRẦM CẢM

I. THÔNG TIN NGƯỜI BỆNH

- Họ và tên: Phùng Khánh Đường

- Giới tính: Nữ

- Ngày sinh: 02/07/2008

- Địa chỉ: Số nhà 11 đường A

- Số điện thoại: 093xxxxx

- Số hồ sơ bệnh án: 068/2023

- Đơn vị khám: Khoa Tâm lý - Bệnh viện Tâm thần thành phố HP

- Ngày khám lần một: 01/09/2023

- Thời gian khám gần nhất: 20/06/2024

II. TÌNH TRẠNG BỆNH NHÂN

Bệnh nhân Phùng Khánh Đường có biểu hiện dưới đây:

- Tâm trạng: Thường xuyên cảm thấy buồn chán, tuyệt vọng và không có động lực sống.

- Khó khăn trong cuộc sống hàng ngày:

- Khá nhiều hoạt động mà bệnh nhân từng yêu thích như đọc sách, vẽ tranh, nói chuyện với bạn bè.

- Không thể tập trung vào tất cả các việc bao gồm học tập, dẫn đến hiệu suất giảm sút.

- Rối loạn giấc ngủ: Khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ và thường xuyên tỉnh dậy vào giữa đêm.

- Kiệt sức vào ban ngày dù đã cố gắng ngủ đủ giấc.

- Ý nghĩ tiêu cực: cảm giác tội lỗi, tự trách, và cảm thấy mình không có giá trị.

- Xuất hiện ý nghĩ tự sát và cảm thấy như là gánh nặng cho gia đình.

III. THÔNG TIN CÁ NHÂN VÀ LỊCH SỬ BỆNH

- Lịch sử tâm lý:

- Có tiền sử bị trầm cảm nhẹ khoảng 1 năm trước, đã được điều trị bằng liệu pháp tâm lý nhưng không tiếp tục điều trị sau khi triệu chứng giảm.

- Lịch sử sức khỏe: Không có bệnh lý thể chất khác được báo cáo.

- Không sử dụng thuốc điều trị nào khác ngoài thuốc chống trầm cảm đã ngừng cách đây 1 năm.

IV. ĐÁNH GIÁ TÂM LÝ

1. Phương pháp đánh giá:

- Trắc nghiệm PHQ-9: Điểm số: 23/27 (gợi ý trầm cảm nặng).

- Beck Depression Inventory (BDI): Điểm số: 30/63 (gợi ý trầm cảm nặng).

- Phỏng vấn lâm sàng qua cấu trúc: Dựa trên DSM-5:

- Tâm trạng chán nản từ hơn 3 tháng liên tục.

- Khó chịu trong các hoạt động hàng ngày, mất hứng thú với mọi sự kiện.

- Tư duy tiêu cực về bản thân.

2. Triệu chứng lâm sàng:

- Tâm trạng: Bệnh nhân thể hiện thái độ buồn bã, không thiết tha với mọi sự kiện.

- Hành vi: Giao tiếp bị hạn chế, thể hiện sự chậm chạp trong tư duy và hành động.

- Tư duy: Ám ảnh về thất bại, tưởng tượng về cái chết, cảm giác vô giá trị.

- Cảm giác chán ăn.

V. CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG

- Chẩn đoán chính: Trầm cảm nặng (ICD-10: F32.2).

- Chẩn đoán phân loại: Phân loại theo DSM-5 là trầm cảm chính (Major Depressive Disorder).

VI. ĐỀ NGHỊ CAN THIỆP

1. Cải thiện tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân:

- Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (SSRI), đề xuất dùng Fluoxetine 20mg/ngày.

- Kiểm tra các tác dụng phụ và hiệu quả thuốc trong 2 tuần đầu.

2. Liệu pháp tâm lý:

- Đề nghị tham gia Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Lịch hẹn 1 lần/tuần với nhà trị liệu tâm lý.

- Hỗ trợ từ nhóm bệnh nhân cùng tình trạng.

3. Theo dõi và tái khám:

- Tái khám định kỳ sau 2 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị và cân nhắc những điều chỉnh cần thiết.

- Thực hiện các biện pháp an toàn trong trường hợp bệnh nhân có ý nghĩ tự sát hoặc hành vi tự hại.

4. Giáo dục bệnh nhân và gia đình:

- Cung cấp thông tin về bệnh lý trầm cảm, cách nhận biết triệu chứng nặng hơn, và các chiến lược đối phó.

- Khuyến cáo gia đình hỗ trợ tinh thần và tạo môi trường sống tích cực cho bệnh nhân.

VII. TỔNG KẾT

Phùng Khánh Đường có triệu chứng trầm cảm nặng, đòi hỏi cách can thiệp toàn diện bao gồm cả thuốc và liệu pháp tâm lý. Cần theo dõi chặt chẽ về tình trạng cảm xúc của bệnh nhân để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

VIII. CHỮ KÝ NGƯỜI THỰC HIỆN

[Ký tên]

Bác sĩ Trần Thị Lý

Chuyên khoa Tâm lý

Bệnh viện Tâm thần XYX.HP

-

*Lưu ý: Bản BÁO CÁO KIỂM TRA TÌNH TRẠNG TRẦM CẢM phía trên được viết bởi tác giả thông qua việc tham khảo thông tin trên các trang mạng + hư cấu thêm để phù hợp tình tiết truyện.

Không phải bản báo cáo chính thức của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Không có giá trị tham khảo và sử dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top