Chương 39. Thực Tại Song Song - Giao Điểm (1)
Khánh Đường nhận ra thằng Khiêm trở nên yên tĩnh đến lạ thường, tuy nhiên không gượng gạo như mấy ngày trước. Đường thử kiếm cớ kéo áo hỏi cậu mấy thứ linh tinh, cậu vẫn chậm rãi giải đáp nhưng tuyệt nhiên không nhiều lời thêm bất cứ thứ gì, cũng không hở ra là trêu chọc nó nữa.
Mọi thứ cứ yên bình như thế cho đến hết tiết ba, Đường nghe thấy tiếng cô Văn giảng bài trên bục, văn bản Sống, hay không sống – đó là vấn đề trích từ Hồi thứ III trong vở kịch Hamlet của nhà soạn kịch William Shakespeare.
Có lẽ do thời tiết thay đổi quá đột ngột, Khánh Đường liên tục sụt sịt, đầu óc hơi choáng váng, tai nghe bài giảng của cô Văn không được chuyên tâm, chỉ thấy lùng bùng chữ được chữ không. Nó díp mắt vào như muốn nằm xuống bàn mà ngủ.
Dùng chút tỉnh táo còn sót lại, nó cố gắng tham gia vào bài giảng, chú ý vào từng câu hỏi của cô Văn đặt ra cho cả lớp.
Cô Văn: "Lời thoại của các nhân vật trước khi Hamlet xuất hiện cho thấy điều gì về bầu không khí xã hội bao quanh chàng?"
Yến Linh xung phong: "Mọi người xung quanh chàng đều nỗ lực tìm hiểu liệu chàng có thực sự điên loạn hay chỉ đang giả vờ như vậy."
Cô Văn: "Sự xung đột với cả thời đại đã để lại dấu ấn như thế nào trong nội tâm Hamlet?"
Khánh Đường đột ngột lên tiếng: "Nội tâm của Hamlet đầy rẫy sự căm phẫn và chán ghét cuộc sống, tâm trí chàng chỉ luôn đắm chìm trong ý nghĩ trả thù..."
Khắc Khiêm nghiêng người, nhìn về phía sau một giây rồi lên tiếng bổ sung: "Dẫu vậy, chàng vẫn giữ vững sự tỉnh táo, đề phòng khả năng rằng đây có thể là một linh hồn tà ác đến để cám dỗ chàng thực hiện những việc sai trái, nhằm dẫn dắt linh hồn của chàng vào cõi Địa Ngục.."
Từng câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra, Khánh Đường cơ thể bắt đầu nóng lạnh thất thường, nó phát hiện mình sắp không ổn khi thấy đầu thằng Khiêm trước mặt hình như đang tách ra làm hai. Cơn âm ỉ từ phần bụng ập tới, kèm theo đầu óc như trên mây, toàn thân bất giác run rẩy.
Đường đổ người về phía trước, đột nhiên bên tai nó lại xuất hiện tiếng máy móc tít tít không biết từ đâu phát ra.
Trên bục giảng cô Từ vẫn tiếp tục đặt câu hỏi:
"Phân tích ý thức của Hamlet về những "khổ nhục trên cõi thế" mà con người phải gánh chịu. Theo em, Hamlet sợ "nỗi khổ nhục" gì ở cõi "mênh mang sau khi chết"?"
Lớp trưởng Lý Công Bằng: "Hamlet đã thể hiện thái độ khinh thường và chán ghét xã hội đương thời. Con người phải chịu đựng những roi vọt, khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng,..."
Khánh Đường giọng nói có phần run rẩy: "Hamlet luôn trăn trở và suy tư về cách tìm ra sự thật, tự hỏi liệu bản thân có bị cuốn vào những thói hư tật xấu hay không. Trong mọi hoàn cảnh, chàng không đánh mất lý trí và niềm tin của mình, mà vẫn kiên định với những giá trị mà mình theo đuổi."
"Chỉ ra tính chất bi kịch của xung đột được thể hiện qua lời độc thoại của Hamlet."
Khắc Khiêm: "Tính chất bi kịch của xung đột được thể hiện qua lời độc thoại của Hamlet, là sự mâu thuẫn giữa việc đấu tranh để bảo vệ chính mình trước hiện thực xấu xa hay cứ sống chịu đựng, sống với lí tưởng nhân văn."
Trung Kiên: "Hamlet hiện lên như một nhân vật đáng thương, với tâm hồn chỉ ngập tràn nỗi đau, bi quan và đầy những trăn trở. Qua hình ảnh của thái tử, tác giả còn ngầm phản ánh hiện thực xã hội thời bấy giờ, một thời kỳ trung cổ trì trệ và tù túng, nơi mà cái bể khổ của tội ác lan tràn đã khiến cho trí tuệ con người phải rơi vào tình trạng tuyệt vọng, gần như "phát điên". Sự bi tráng trong số phận Hamlet không chỉ là nỗi niềm riêng của một cá nhân mà còn là tiếng kêu gào phản đối thực tại tăm tối mà con người phải đối mặt."
"Theo em, trong xã hội hiện đại, xung đột đó có còn tồn tại hay không? Căn cứ để em nêu ý kiến về vấn đề này là gì?"
Phùng Khánh Đường phát biểu câu cuối cùng cũng là lúc cơn đau chuyển từ âm ỉ chuyển sang quặn thắt:
"Trong xã hội hiện đại, xung đột này vẫn tiếp diễn. Bởi lẽ, những thực trạng tăm tối vẫn tồn tại song song với những lý tưởng nhân văn, tạo nên một mâu thuẫn sâu sắc và gay gắt mà chưa có giải pháp triệt để..."
Tiếng tít tít trong đầu nó ngày càng lớn, nhịp độ ngày càng nhanh. Cơ thể Khánh Đường run rẩy, mặt mũi tím tái, nó gục đầu xuống. Vươn tay bám lấy áo người ngồi đằng trước.
"Tao... tao đau quá."
Khắc Khiêm hoảng hốt quay đầu lại, Thanh Trúc đang mải mê chép bài bây giờ mới phát hiện ra sắc mặt Khánh Đường lúc này đã biến chuyển cực kỳ tệ.
Khánh Đường từ đầu đến bụng đều đau đến phát khóc, tay bám chặt áo thằng Khiêm run rẩy:
"Khiêm ơi, tao đau quá, đau chết mất..."
Giọng nói con Đường to bất thường, cô Văn vội vã dừng bài giảng chạy lại gần. Phát hiện biểu hiện của cô học sinh này không giống với cảm sốt thông thường, mặt mũi từ tím tái chuyển sang trắng bệch. Dần dần mất đi sự tỉnh táo, vội vã xốc lên lưng thằng Khiêm cõng nó xuống phòng y tế, đồng thời gọi điện đi báo với giáo nhiêm chủ nhiệm gọi điện cho phụ huynh.
Thằng Khiêm cảm thấy sợ hãi khi nhận ra rằng, trong lúc cõng Đường chạy, cánh tay đang ôm trên cổ của nó đột nhiên buông thõng xuống. Phần da cổ của cậu không còn cảm nhận được hơi thở của nó nữa, khiến trong lòng cậu dấy lên một nỗi lo lắng mơ hồ.
Cảm giác lạnh lẽo từ từ lan tỏa tới vùng sau gáy, hình ảnh ngày 3 tháng 11 đột ngột quay trở lại.
Khắc Khiêm không rõ có phải là do bản thân quá lo lắng mà sinh ra ảo giác hay không, cảm nhận ấy hình như chỉ tồn tại trong vài phút. Lúc đỡ Đường vào phòng y tế, cậu đã cảm nhận lại được sự ấm nóng đến từ má của nó áp lên cổ. Lúc này hòn đá nặng trĩu trong lòng cậu mới được bỏ xuống.
Nhưng, Khánh Đường cứ nằm đó, mãi không thức dậy, bác sĩ kiểm tra toàn bộ, thông báo không kiểm tra ra vấn đề gì cả ngoài triệu chứng cảm sốt thông thường.
Những tiết sau đó, Khắc Khiêm, Thanh Trúc và Trường Minh có ghé qua phòng y tế vài lần. Thằng Minh lo lắng không biết phải làm gì, cậu ta nghe Trúc kể lại cảnh con Đường nằm bò ra bàn kêu đau, trong lòng liền nảy sinh hoang mang. Lúc trống vào lớp báo tiết cuối cùng, trước khi tách ra, cậu căng thẳng hỏi Khắc Khiêm:
"Có khi nào... có khi nào do ly cacao hồi sáng của tao..."
Khắc Khiêm lắc đầu, vỗ lưng Minh:
"Không phải đâu." Sau đó Khắc Khiêm rất không tình nguyện chia sẻ thêm sở thích của Khánh Đường cho cậu ta, "Đường vốn dĩ không thích uống cacao, lần sau mày nên thay bằng sữa đậu nành..."
Trường Minh kinh ngạc nhìn Khiêm, nói như vậy nghĩa là, thằng Khiêm đang có ý giúp cậu?
"Từ đã, không phải mày mới tỏ tình với Đường xong à?"
"Thì sao?" Khắc Khiêm hơi cười, "Nhưng Đường muốn đón Giáng Sinh cùng mày, thì tao cũng đâu có cản được."
"Mày bỏ cuộc?"
Khắc Khiêm miệng cười, hai cái răng khểnh lộ ra, thái độ dửng dưng: "Làm gì có chuyện đó."
Sau đó cậu xoa đầu thằng bạn lớp A một cái như xoa đầu con Milu nhà Đường rồi cho tay vào túi quần nghênh ngang bước về lớp.
Minh chợt có ảo giác, thằng Khiêm đang bị con Đường đồng hóa, ngay cả nụ cười và cách nói năng, đến cả cử chỉ và cách đi đứng, càng ngày càng giống nó y hệt.
Từ một con sư tử suốt ngày gầm gào cắn xé, giờ nhìn chẳng khác gì một con mèo kiêu ngạo, khoan thai, không để ai vào mắt.
***
Đây là một ngày lễ Giáng Sinh kỳ quái nhất trong năm.
Năm giờ ba mươi phút chiều, trống báo tan trường vừa vang lên, bầu trời đột nhiên tối sầm lại, mây đen ùn ùn kéo tới, gió cuốn lá bay theo bụi mù cả khoảng sân, hất tung rèm cửa các lớp học kèm theo những tiếng va đập mạnh từ những chiếc cửa sổ chưa kịp đóng chốt.
Tiếp theo đó, mất điện toàn thành phố.
Không một sự chuẩn bị, không một lời báo trước.
Một mảng xám xịt bao trùm tầm nhìn của Huỳnh Khắc Khiêm, học sinh nhốn nháo nhộn nhạo vội đóng tất cả các cửa sổ, nhặt nhạnh đống giấy tờ vừa bị thổi bay khắp hành lang và trong lớp học.
Khắc Khiêm hướng mắt về phòng y tế, chưa kịp nhấc chân thì đã thấy Thanh Trúc từ bên ngoài hớt hải chạy vào, nét mặt vô cùng hoang mang:
"Cô Tâm đến trường đón con Đường rồi. Nhưng mà..."
"Sao thế?"
"Nhưng mà con Đường không có ở dưới phòng y tế, không thấy nó đâu cả!"
Khắc Khiêm nhíu mày: "Đã hỏi y tá chưa? Hỏi thầy quản sinh chưa?"
"Hỏi rồi..." Trúc thở dốc, "Mọi người nói, nửa tiếng trước nó vẫn còn ngủ li bì ở trong phòng, nhưng khi nãy các thầy cô đi họp, lúc quay lại thì không thấy nó đâu cả."
Trống ngực đập mạnh, Khắc Khiêm vội vã lao ra khỏi lớp, trước đó con Trúc còn kéo tay cậu lại:
"Vừa nãy tao gặp ông Triết với thằng Minh, hai người đấy cũng đang tìm quanh trường rồi. Nhưng nếu trong trường không có, thì nó chắc đã ra ngoài... mà ra ngoài, nó có thể đi đâu?"
Nếu không ở trong trường, con Đường liệu có thể đi đâu?
Nơi con Đường có thể đi rất ít, có thể nói là không có. Nếu là công viên Xanh, với khoảng cách xa như thế, nó không thể chạy bộ đến được.
Khắc Khiêm vừa chạy qua chạy lại giữa các dãy hành lang các lớp học, vừa vắt óc suy nghĩ xem liệu cô gái của cậu có thể đi đến nơi nào trong tình trạng yếu ớt như thế.
Trời vẫn nổi gió mạnh nhưng chẳng đổ mưa, tiết trời âm u như đang cố gắng che đậy đi vầng sáng vốn chẳng mạnh mẽ của buổi chiều tà. Đoạn đường cậu chạy càng lúc càng mất dần ánh sáng, mất điện khiến cho vạn vật xung quanh trở nên u tối, nhen lên trong lòng cậu một nỗi lắng lo mơ hồ.
Khắc Khiêm chợt khựng lại nhìn thấy mẹ Tâm đứng ngồi không yên trong phòng giáo vụ, các thầy cô cũng bắt đầu chia nhau đi tìm quanh trường. Lần đầu tiên cậu thấy Dương Lệ Tâm khóc lóc đau lòng đến thế, trước nay trong mắt của cậu, mẹ của Phùng Khánh Đường luôn bày ra dáng vẻ của một người lãnh đạo, từ ngoài xã hội đến trong gia đình, bà nghiêm khắc và nhiều khi lạnh lùng và xuống tay nhẫn tâm đến mức cậu đã có nhiều lần từ tận đáy lòng thấy ghét bà ấy. Dù bà ấy là mẹ của người cậu yêu thương nhất trên đời.
Nhưng trong tình huống này, Khiêm không đành lòng, cậu định tiến tới trấn an bà vài câu nhưng chẳng ngờ bà cũng vừa vặn muốn tìm cậu.
"Mọi người đều đang đi tìm nó rồi, cháu ngồi xuống đi. Cô có chuyện hỏi cháu."
Khắc Khiêm hơi ngạc nhiên, nhưng nhận được cái gật đầu của cô Từ, cậu lễ phép ngồi xuống. Chiếc đèn tích điện trên bàn trà được bật sáng một góc bàn, trái tim cậu đột nhiên nhảy điên cuồng khi thấy trước mặt cậu là một mớ giấy tờ:
Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe tâm thần.
Báo cáo kết quả kiểm tra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Thông tin bệnh nhân: Phùng Khánh Đường.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top