Chương III- Dọc miền Trung-Nam
Chúng tôi tiến vào cảng Nghi Sơn của Thanh Hóa để nhận hàng. Cảng Nghi Sơn này tôi từng đến rồi,nhưng ngày đó là theo ông anh họ đưa cậu em vào nhận tàu. Nhanh thật đấy,mới gần tết trước,mà giờ đã nửa năm rồi. Ngày đó anh em tôi đã có mấy hôm ăn uống no say ở đất Thanh Hóa,cũng từng mỏi mắt,hồi hộp chờ tàu em tôi đến. Giờ đây quay lại,với tôi chả khác gì về “sân nhà”. Chưa vào tới cảng,tôi đã nói cho anh em hết đường đi lối lại,bố trí quán ăn ngoài cổng. Cảm giác rất là oai… Ngày hôm sau có đoàn lên thăm tàu,mới ra khỏi cửa thấy cả đám người đang đi đi lại lại,thì ra có một gia đình, đang đi thăm quan cảng,thấy tàu tôi cũng to to lại toàn người Việt,nên mới ngỏ ý muốn cho con cái họ xem tận mắt một con tàu thật. Thế là anh phó hai dẫn họ đi loanh quanh ngắm nghía. Cũng may tàu mới được đại tu,sơn sửa nhiều,nên nhìn cũng không đến nỗi nào,không thì cũng hơi ê mặt.
Chị đại lý khá là trẻ,lại hay mặc váy, đầm lên tàu,mấy anh em đi ca cứ tranh nhau ra đón. Ông phó ba cũng người Thanh Hóa là nhiệt tình nhất, ông ấy là người đầu tiên tôi đi ca cùng,là một người rất vui tính và hay đùa,cái ác của ông ấy là đùa như thật mà thật như đùa. Tôi nhớ như in ngày mới lên,cầm tập giấy tờ đi nộp cho thuyền trưởng,thuyền trưởng lại bảo tìm rồi đưa cho phó ba,tôi lại đi vòng quanh tàu,tìm mãi mới thấy. Ông ấy nhận giấy tờ rồi quay sang hỏi “Thế phong bì đâu?”. Mặt rất hình sự,tôi ớ người ra một lúc,sao lại có tiết mục phong bì ở đây,hay ý ông ấy là lên tàu thì phải quà cáp. Thấy tôi mặt thộn ra, ông ấy nhăn nhở cười. Ngày mới đi ca,hai anh em kể cho nhau đủ thứ chuyện,trên trời dưới biển,chuyện ngày xửa ngày xưa,rồi thế nào cũng thành thân. Ông ấy trông buồn cười,lại hay làm trò,nên mọi người rất quý. Sau này tôi gặp lại ông ấy trên con tàu thứ hai,phải nói rằng,không có ông ấy,có lẽ những chuyến đi của tôi buồn hơn rất nhiều… Tôi muốn dành những trang sau này để khắc họa một con người vui tính,dễ thân và trở thành một phần động lực quá lớn giúp tôi trải qua khó khăn trên con tàu thứ hai hơn. Khi mà tình anh em thay thế tình đồng nghiệp. Những trang này,xin để dành cho những người anh em khác…
Phó hai là người sĩ quan thứ hai tôi đi ca cùng,nói chung tôi thân với anh hơn những sĩ quan khác,vì cả hai anh em cùng sinh ra và lớn lên ở một khu,tính cách cũng gần gần như nhau và cái quan trọng là chúng tôi hay đi cùng nhau. Anh là người đầu tiên đưa tôi đi bờ ở Indo,về Quy Nhơn cũng cùng tôi đi nhậu, đi ca hai anh em kể không hết chuyện,từ chuyện game đến chuyện tình yêu,chuyện cưa cẩm các cô nàng,lắm lúc đi ca cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh,hết ca trực mà câu chuyện vẫn dang dở nên đành nán lại tâm sự nốt. Anh là người rất trẻ,nhưng lại đi tàu từ sớm và đủ các kiểu tàu,mọi câu chuyện tàu bè anh kể cho tôi,từ chuyện của chính anh, đến những chuyện anh nghe kể từ người khác, đều giúp tôi hiểu biết thêm về cái ngành tôi đã chọn. Rồi từ đó,tôi thấy mình vẫn còn may mắn,khi còn có những con tàu,những chủ tàu tệ hại hơn rất nhiều. Sau này khi chia tay,thi thoảng chúng tôi vẫn liên lạc,vẫn ngồi nhậu cùng nhau,với tôi,anh giống một người anh trai hơn một người sĩ quan đồng nghiệp.
Anh đại phó đầu tiên tôi đi là con người của công việc,anh rất hiền,nhưng cứ động đến công việc thì anh như một người khác. Mặc dù giữa chúng tôi và anh hay có những mâu thuẫn nhỏ,nhóm mâu thuẫn thông thường giữa cấp dưới và cấp trên thôi. Nhưng tàu bè vất vả nên nhiều khi anh em cũng không vui vẻ được mấy. Anh thích chơi game,những lúc hết ca anh thường rủ chúng tôi làm vài trận. Anh đánh bình thường nhưng lại rất nhộn. Những buổi chơi game cùng anh giúp chúng tôi thoải mái hơn rất nhiều sau những ngày làm việc mệt mỏi,và cũng làm tôi cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn trong những chuyến hành trình dài ngày. Tôi nhớ nhất về anh là một buổi sáng vừa ra đi ca,anh bê từ trong bếp một đĩa mì xào thịt bò. Anh cứ mời tôi nếm thử miếng thịt bò trong đĩa,nói chung thì thực phẩm không thừa thãi,nên cả đĩa mì của anh có vài miếng thịt mỏng tang,vậy mà anh cứ bắt tôi nếm thử. Tôi đành nếm,cũng phải nói là anh xào mì khá là ngon,miếng thịt bò cũng đằm và thơm,thế rồi anh nhìn tôi cười cười “ăn thử đi,sau này có đi ca với anh thì nhớ xào mì thế này nhé” tôi lại bật cười… Và dù thế nào,anh vẫn là người Đại Phó đầu tiên tôi làm việc cùng,hay nói cách khác là người “sếp” đầu tiên của tôi,tôi luôn dành cho anh sự tôn trọng và cũng yêu quý anh…
Anh đại phó về sau thì tôi có phần thân thiết hơn,vì những tháng ngày làm việc cùng nhau,tôi đi ca với anh là chính. Tàu bè ca kíp thì thường sĩ quan và thủy thủ hay có những câu chuyện,để hiểu về nhau hơn và cũng để nhanh hết ca hơn. Tôi thì là người hay chuyện,nên đi ca với sĩ quan nào cũng hay tâm sự được với các anh. Mỗi câu chuyện của mỗi người có phần khác nhau,có người hay kể về gia đình,có người lại hay kể về những chuyến đi,có người lại thích kể những câu chuyện hài hước,nhờ những câu chuyện đó,ngày hôm nay tôi mới ngồi đây để kể lại với mọi người. Tôi vẫn nhớ cứ tầm sáng sớm và chiều tối,anh hay ngồi dò tin tức bóng đá,hai anh em lại căng tai lên nghe,vì sóng yếu lại nhiễu nên cứ lốp bốp,câu được câu chăng. Anh em tôi cũng cùng khẩu vị,nên hay nấu ăn cùng nhau,mà thực ra thì là tôi nấu,anh ăn,nên không có nhiều sự lựa chọn về khẩu vị cho anh lắm,vì tôi nấu theo khẩu vị của tôi… Chạy biển dài ngày,các món ăn lặp đi lặp lại,chúng tôi hay rang cơm hoặc chế biến thêm tí cho khác khẩu vị đi,tôi thì tính hay “no bụng đói con mắt”,lắm lần rang cả đĩa cơm đầy ự,capt nhìn thấy suốt ngày bảo tôi “thằng này nhỏ con mà ăn khỏe thế,hai anh em mày ăn hết đĩa cơm này thì no đến sáng mai à”. Anh có thói quen chỉ ăn đồ khô, đồ xào chứ không ăn đồ nước,nên từ ngày đi ca với anh,tôi đã xào từ mì,bánh đa,phở đến cả bún khô cũng xào. Chúng tôi hay kể về những câu chuyện hồi còn học đại học,những câu chuyện hồi ở kí túc xá,mỗi lần như vậy,tôi lại thấy nhớ da diết những tháng ngày nghịch ngợm,vui vẻ đó. Có lần tàu về Hải Phòng,anh đưa cậu con trai lên tàu,nhìn thằng bé lon ton,tôi bỗng muốn sau này cũng được như anh,dẫn con mình lên chơi,thăm nơi bố làm việc và khoe với mọi người những thiên thần nhỏ đáng yêu của tôi…
Xa xa, đảo Hải Nam dần xuất hiện,ngày xưa học địa lý,hay xem thời sự,cái tên đảo Hải Nam đã trở lên quá đỗi quen thuộc với tôi,nhưng lần đầu tiên được thực sự đến thì mọi thứ lại làm tôi quá choáng ngợp. Là một người Việt Nam,tôi cũng không thích Trung Quốc cho lắm,nhất là khi đó, đang có tranh chấp trên biển Đông,biết tin tôi sang đây ở nhà ai cũng lo lắng,nhưng dù thế nào thì vẫn phải công nhận, đất nước này quy hoạch quá tốt,một hòn đảo gần như biệt lập,nhưng lại quá đẹp và cân bằng,sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người,sự cân bằng giữa cổ kính và hiện đại,sự cân bằng trong kiến trúc… Tiến dần vào trong đảo,những cánh quạt gió khổng lồ xuất hiện,họ xây khá nhiều để tận dụng năng lượng từ gió,rồi những tấm kim loại thu nhiệt năng từ mặt trời phản quang,sáng lóa ở một góc khác,khu nhà máy,khu trường học,khu chung cư,khu vui chơi,tất cả đều bố trí rất hợp lý và khoa học. Cậu bạn tôi bỗng chỉ tay về phía xa xa,trên ngọn núi cao nhất,hướng ra biển,một cái “cổng trời” nằm cạnh một ngôi miếu cổ,chúng tôi không ai bảo ai, đều thốt lên “giá mà được lên đó thăm quan một lần”,vẻ đẹp từ những cái cổ xưa của Trung Quốc luôn quá khó để cưỡng lại… Thời điểm đó đang có những căng thẳng trong mối quan hệ đôi bên nên chúng tôi không được đặt chân xuống đảo,ngày ngày đi ca chỉ biết nhìn về phía ngọn núi đó mà tiếc nuối…
Sáng ra đi ca,anh phó ba khoe “sắp về Hải Phòng đấy”,trong lòng tôi rộn ràng,lại sắp được về nhà,lại sắp được về thăm mọi người rồi. Tôi còn vui hơn khi giờ tôi đi ca rồi,sẽ không phải trực tàu như lần trước nữa,tôi sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và cho người yêu. Cả buổi sáng tôi cứ hát thơ thẩn,ngày hôm đó đẹp hơn bao giờ hết,trời cao,trong xanh,nắng dịu,gió hiu hiu. Trong tim tôi ngập tràn hạnh phúc,tôi nghĩ nhiều về những kế hoạch,những dự định. Mà không chỉ mình tôi,anh em trên tàu ai cũng bàn bạc chuyện đi chơi ở đâu,làm những gì? Cả tàu sáng hôm đó nhộn nhịp hơn hẳn. Tôi mang niềm hân hoan về nghỉ trưa,chỉ sau một giấc ngủ,mọi thứ tan vỡ hoàn toàn,tôi lên nhận ca buổi tối với cái tin “tàu sẽ về Quảng Ninh,thay vì về Hải Phòng”. Quảng Ninh??? Tại sao lại thay đổi chóng mặt vậy,từ đó về nhà tôi cũng phải mất nửa ngày,còn chơi bời gì nữa,tôi sẽ về thăm nhà kiểu gì khi còn ca kíp,rồi làm việc,mọi kế hoạch,mọi dự định,tất cả tan biến chỉ trong phút chốc… Buổi tối,mọi người vẫn vui cười,vẫn bàn tán,riêng mình tôi thui lủi một chỗ,về Quảng Ninh khác gì không về…
Sau rất nhiều cố gắng,tôi nuốt trôi được nỗi khó chịu khi phải về Quảng Ninh thay vì Hải Phòng,dù sao, đây cũng lại là một vùng đất mới lạ mà tôi chưa từng đặt chân tới. Tàu cập cảng Cái Lân,khu vực cảng của Mỹ, đúng là nước ngoài xây dựng nên mọi thứ trông rất hiện đại và hoành tráng,công nhân cảng toàn được xe ô-tô đưa đi đón về trong khu vực cảng. Lần này chúng tôi phải chia tay anh Đại Phó cũ,anh ấy hết hạn hợp đồng được trở về nhà nghỉ. Mấy ngày cuối anh hay cho chúng tôi đi ăn nhậu và phần lớn là đi ăn…thịt chó. Tôi là một người yêu động vật, đặc biệt là chó,nhà tôi ngày xưa nuôi nhiều chó lắm,tôi lại là con một,không có anh chị em gì,nên chó là một con vật nuôi nhưng cũng đồng thời là một người bạn thân thiết với tôi. Tôi vẫn nhớ ngày học cấp một,nhà tôi bán đi con chó mà tôi rất thương, đi học về không thấy nó chạy ra đón,tôi ráo rác đi tìm,không thấy nó đâu,tôi hỏi mẹ thì mẹ bảo bán nó đi rồi,tôi đã khóc mấy ngày trời, đến tận khi mẹ mua cho con chó mới tôi mới chịu thôi,nhưng đến những năm tôi học cấp ba,thì nhà không nuôi chó nữa,mẹ tôi là người thích sạch sẽ,nhà lại mới xây khép kín nên sự hiện diện của một con vật nuôi sẽ đi kèm với rất nhiều “sản phẩm” của nó,mà nhà tôi ai cũng đi tối ngày nên mẹ quyết định không nuôi con gì hết. Còn tôi,thời điểm đó việc bận rộn với học hành,bạn bè và yêu đương giúp tôi dễ chấp nhận quyết định đó của mẹ tôi hơn. Tôi kể câu chuyện này như một minh chứng hùng hồn nhất về việc tôi yêu chó và rất yêu chúng là khác,nhưng cứ khi vị ngon của miếng thịt chó chạm đến đầu lưỡi,tôi bỗng thấy,sự hi sinh của một con chó có thể đem lại hạnh phúc cho bao người,nhất là những người đàn ông,bên chai rượu và rổ riềng,sả…xem chừng cũng đáng lắm thay… Mấy ngày liền anh em tôi đều ăn thịt chó và trở về tàu sau khi đã say xưa. Ngày đó để đi ra quán thịt chó,chúng tôi phải băng qua đường quốc lộ để vào tận khu dân cư mới có quán. Lần nào đi cũng phải bắt xe ôm cả,nhưng đến lúc về anh em tôi toàn đi bộ. Lắm lần say,vừa đi vừa nhảy múa hát hò,vửa cười đùa rượt đuổi nhau,vui lắm. Quãng đường về tàu thì xa nhưng cứ đi, đi mãi không thấy mỏi bởi lúc đó còn bận vui,nhưng về đến tàu thì cái cảm giác mệt lại không thể chối cãi được. Mấy ông nhậu xong lại phải đi giải trí,tôi là người khá dễ dàng chấp nhận mọi chuyện,những chuyện mà đã trở thành chân lý thì tôi chẳng bao giờ tự tìm cách phủ nhận cả,như chuyện “rượu-gái” là đôi bạn thân thì với tôi cũng chỉ là một điều tất lẽ dĩ ngẫu,mặc dù tôi cũng chưa ghép chúng bao giờ. Không phải tôi không thích con gái,cũng không phải tôi kỳ thị gì những cô gái làm nghề đó,nhưng bản thân tôi thường thấy không có cảm xúc gì khi nhìn họ,mặc dù có lần cũng là đối tượng ve vãn của một số chị em,nhưng thường tôi không thấy họ hấp dẫn,có thể là do khái niệm về “đẹp và hấp dẫn” của tôi bị giới hạn trong khuôn khổ cô bạn gái của tôi nên nó không giống những anh em khác cho lắm. Mặt khác thì tôi cũng sợ nữa,những bài học,những tấm gương sáng vẫn không chỉ của riêng ai,nên tôi vẫn luôn cố giữ khoảng cách với họ. Sau này cũng có từng động lòng trước một cô bé người Thailand,nhưng đó cũng chỉ là lòng thương... Đấy là với tôi thôi,chứ người khác thế nào tôi cũng không rõ và tôi cũng không phán xét hay đánh giá gì ai về chuyện này cả, đàn ông mà,ai cũng có những ham muốn và khó để làm chủ hơn khi trong hơi thở nồng nặc mùi men.
Bữa tiệc nào rồi cũng có lúc tàn,buổi sáng ra nhận ca,chúng tôi chia tay anh Đại Phó cũ,nhìn dáng anh bước lững thững trên cảng,tay xách túi hành lý trong lòng tôi không khỏi bồi hồi,bao giờ mới đến lượt mình đây? Dáng anh nhỏ dần,xa dần,bất giác,tôi bật lên thành lời ba chữ “cảm ơn anh” dù biết rằng anh chẳng thể nào nghe thấy,lời cảm ơn của một cậu sinh viên mới ra trường gửi đến một người đồng nghiệp,một người sếp đầu tiên và một người anh. Mong một ngày nào đó anh em mình sẽ gặp lại nhau,và lúc đó,em sẽ là một cấp dưới tốt hơn,sẽ không để anh phải mắng em không biết làm gì như những ngày đầu nữa…
Rời khỏi Quảng Ninh,chúng tôi tiến về thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ,ai cũng cảm thấy háo hức,bởi đó vốn dĩ được mệnh danh là chốn ăn chơi. Và thực sự,nó không khiến bất cứ ai thất vọng về sự xa hoa lộng lẫy của mình khi đặt chân đến nơi. Buổi trưa hôm đó,sau khi hết ca trực,tôi cùng cậu em bên máy,hai anh em bắt xe lên Quận I chơi. Ngày đó tôi vào cảng gần Nhà Bè,nên chỉ định bụng thấy cái xe nào chạy lên trung tâm thành phố là nhảy lên thôi,vì ở Sài Gòn mùa đó,nắng mưa thất thường,buổi sáng trời đang nắng chang chang,thế mà đùng cái,mây đen kéo đến,mưa nhu trút nước luôn. Đứng đợi xe một lúc thì trời mưa,hai anh em chạy vội vào quán caffe ở gần đó,uống được cốc caffe,xem được mấy chục phút phim,và hỏi chuyện được cô bán hàng dễ thương,hai anh em lại chạy ra nhảy vội lên cái xe có đề Nhà Bè-Quận I,lên tới nơi,tôi đi tới hỏi mua vé xe, ông tài xế hỏi đi đâu,tôi bảo lên Quận I thì ông ấy phanh kít xe lại luôn rồi đuổi bọn tôi xuống,hai thằng mắt chữ A mồm chữ O chẳng hiểu chuyện gì, ông ấy đóng cửa lại rồi ngoái ra nói đầy vẻ tức giận “Xe này chạy từ Quận I về Nhà Bè cha nội”. Hai anh em lai cười bò lăn ra,rồi lại đứng chờ một lúc nữa,mãi không thấy xe,chúng tôi vào quán phở bên đường gọi mỗi thằng một tô,nhưng trong này họ hay ăn đường nên món nước dùng ngọt ngọt lờ lợ làm tôi không nuốt trôi được, đứng dậy thanh toán,hỏi đường chị chủ quán thì chị ấy chỉ ra ngoài,có cái xe bus đang chạy qua, đúng là tuyến chúng tôi muốn đi,hai thằng lại chạy đuổi theo,không quên nói với lại câu “cảm ơn”…
Từ xa xa,thấy tòa nhà Petro cao vút với thiết kế hình búp sen hiện ra,tôi hồi hộp chờ đợi được đến gần,tòa nhà này tôi từng một lần đọc trên báovề kiến trúc đặc biệt của nó,giờ mới trực tiếp nhìn thấy,thực sự nó hoành tráng hơn mong đợi nhiều.Chiếc xe trả chúng tôi ở đúng trung tâm quận I,tôi đi có mấy chục met là đến chợ Bến Thành,hai anh em vật vờ trong khu chợ một hồi lâu, len lỏi giữa bao nhiêu con người,cả tây lẫn ta,bao gian hàng bày bán đủ thứ,nhìn gì cũng muốn thử,muốn mua,chỉ ngặt nỗi cái hầu bao không chiều lòng ham muốn,sau một hồi loanh quanh,chúng tôi mỗi thằng mua được một cái mũ,một túi nước mía rồi lại tiếp tục đi. Nhờ có G-map,chúng tôi tìm được đường ra nhà thờ Đức Bà,rồi thăm quan mấy cái công viên,khu phố Tây… Đứng giữa lòng Sài Gòn,tôi như bị quay cuồng bởi những tòa cao ốc,những khách sạn sang trọng và những món hàng cao cấp,người ta nói Quận I là đất người giàu quả là không sai,choáng ngợp và đáng kinh ngạc,chỉ mỗi điều tôi không thích ở Sài Gòn đó là những cơn mưa,nó đến bất chợt và vội vã đi qua,cũng như chính những con người nơi đây,ai cũng đều trông thật hối hả trong cuộc sống thường ngày. Những cơn mưa tai ác khiến chuyến thăm quan của chúng tôi bị gián đoạn,khi cứ phải trú mưa liên tục,lòng vẫn còn đầy háo hức,trên danh sách địa điểm của G-map vẫn còn rất dài,nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi lại phải gói ghém nỗi mong muốn để ra về cho kịp giờ đi ca. Vì chẳng nhớ nơi chúng tôi phải đứng bắt xe,nên đành nhảy lên xe ôm,nhờ chở ra bến xe gần đó,anh xe ôm lớn tuổi vui vẻ bắt chuyện rồi hỏi thăm, biết tôi người ngoài Bắc vào đi làm, ông ấy lại càng thao thao bất tuyệt về người họ hàng xa cũng sống ở Hải Phòng. Con gái miền Nam cũng đẹp chẳng kém gì ngoài Bắc,họ lại còn sexy nữa chứ, tôi đang ngó nghiêng đường xá,mặc kệ anh xe ôm cứ nói không ngừng nghỉ,thì có một chiếc xe chở hai cô gái trắng trẻo,xinh xắn, ăn mặc hở hang đi vọt qua,tôi vỗ vai chỉ chỉ cho anh xe ôm, ông ấy hiểu ý ngay liền vít ga đuổi theo,bắt kịp rồi, ông ấy vẫn giữ ga đi kè kè bên cạnh,tôi ngượng ngùng quay đi mà mãi ông ấy vẫn cứ đi sát cạnh, đến lúc hai em ấy quay sang nhìn nhìn,rồi nói với nhau câu gì đó tôi đành bảo anh xe ôm đi qua đi. Ông ấy quay lại cười nhăn nhở “nhìn đã chưa” tôi méo miệng cười đau khổ,không giải thích nổi cho ông ấy nỗi ngại ngùng của mình,nhưng phải công nhận là “cũng đã”…
Chúng tôi lên xe từ đầu bến nên vẫn còn chỗ,dù đã rất đông rồi,không có ghế liền nên hai thằng mỗi thằng ngồi một đầu,tôi mệt mỏi thiếp đi trong giây lát,buổi sáng chạy mưa mấy quả,trưa về không ngủ đi luôn,vừa rồi dính mấy hạt mưa nên người hơi uể oải. Chiếc xe giật lên từng hồi,tôi mở mặt nhìn quanh xem đã đi đến đâu rồi,bất chợt tôi nhận ra một dáng người rất quen, đang đứng trước mặt tôi,cũng vẫn kiểu tóc đó,khuôn hình đó,sao lại quen thuộc đến vậy, đôi mắt kính gọng hồng,giống hệt một cô gái mà tôi từng yêu. Nghĩ đến điều này,tôi chợt nhận ra,mọi mối tình của tôi từ xưa đến nay đều đeo kính,không phải trước thì cũng là sau khi yêu tôi,họ đều đeo kính,tôi chua chát cố nuốt trôi cái suy nghĩ “chắc vì họ thị lực kém thì mới yêu nổi tôi !!!” Trong lòng tôi lúc đó phấn khích kỳ lạ,tôi không phấn khích vì được gặp lại cô bé đó,mà phấn khích vì sự tình cờ,hai con người sống ở ngoài Bắc lại tình cờ gặp nhau trên một chiếc xe miền Nam,nếu đúng là cô bé đó thật thì quả là quá nhiều sự tình cờ. Tôi tò mò vô cùng,muốn gọi thử để xem có phải là có sự tình cờ đến vậy không,nhưng chợt nhớ ra,mọi mối tình của tôi đều kết thúc không được êm thấm cho lắm,rủi thay có gọi,quay lại và đúng là em thật thì cái bạt tai là điều khó tránh khỏi,nên tôi cố kìm lại. Nhưng cứ càng nhìn tôi lại càng thấy giống,giống đến khó tả,và cứ khi sự tò mò đẩy lên cao độ,tôi lại phải tự nhủ mình “cẩn thận không ăn tát đấy !” Cho đến tận khi cô gái đó xuống xe ở dọc đường,tôi mới cố nhoài người ngó theo nhưng cũng chẳng kịp nhìn rõ mặt,về sau này,tôi mới biết chẳng có sự tình cờ nào hay đến vậy,vì cô gái tôi yêu ngày đó vấn đang sống và học tập ở ngoài Bắc. Biết thế cứ vờ lên, ôm trộm một cái,vừa ôm vừa gọi “Hiền,Hoa,Hạnh… gì gì đó,anh nhớ em quá !” có khi lại lãi… Trời tối dần,chuyến xe vẫn chậm chạp lăn bánh,vừa đi vừa bắt khách,chẳng thấy dấu hiệu về kịp khi mà quãng đường vẫn còn rất xa,tôi bắt đầu thấy lo lắng,nhưng vẫn mệt mỏi nhắm mắt ngủ thêm lát. Đang thiu thiu,một bàn tay đập mạnh lên vai tôi,tôi giật mình tỉnh giấc quay sang nhìn,chỉ thấy một cô bé,dáng người nhỏ nhỏ, đang đứng cạnh ghế tôi ngồi,chắc nhỏ người quá,không với được cái quai tròn trên trần xe hoặc đã từng với và đã mỏi nên cô ấy bám vào thành ghế tôi ngồi,rồi không may khi xe qua chỗ xóc trượt tay đập mạnh lên vai tôi,thấy dáng vẻ khổ sở của cô ta,thêm cái balo to đùng,chắc sinh viên đi học,tôi đứng dậy lịch sự ngỏ ý muốn nhường ghế cho cô ta,cô ta lúng túng gật đầu rồi lí nhí câu cảm ơn. Tôi mỉm cười thân thiện,rồi quay đi. Con gái miền Nam thật dễ thương,giọng nói nhẹ nhàng,ngọt ngào hết biết…
Thật may khi nửa đoạn đường còn lại,anh tài xế không bắt thêm khách nữa và chạy nhanh hơn hẳn,chúng tôi vẫn về đến nơi trước giờ đi ca,thậm chí là còn sớm hơn rất nhiều,hai anh em lại rủ nhau vào quán bên đường ăn chút gì đó,thằng cu em cứ thấy cái gì ngon ngon lạ lạ là nó gọi,nó gọi ra cả đống phở cuốn,bò quấn lá lốt,bánh xèo rồi lại làm thêm ít chim quay nữa. Hai anh em ăn bễ nhễ,chợt nhớ ra ngày hôm nay đi còn mang trong mình nhiệm vụ quan trọng là mua cái an-ten về cho tàu xem bóng đá,tôi vội vàng chạy đi tìm,sau một hồi vất vả,mãi mới có một cửa hàng bán an-ten,mua được rồi mới yên tâm mà ăn uống. Thằng em đi cùng tôi cứ vừa ăn vừa quen mồm “đ…ậu m…á Sài Gòn” cả buổi tôi đã nhắc nó mấy chục lần rồi mà nó cứ quen mồm như vậy,thực ra thì cũng chỉ là quen mồm thôi,tôi cũng chẳng hiểu từ bao giờ và vì sao anh em tôi lại quen mồm câu nói đó,nhưng tôi biết chắc một điều rằng “đó chỉ là câu cửa miệng”,vì trên tàu có một anh người miền Nam và một cậu cũng từng sống trong Nam năm sáu năm rồi,chẳng ai lại đi chửi những người anh em mình cả. Nhưng nó cứ “quen mồm” như vậy suốt,và mỗi lần nó quen mồm,tôi lại phải nhắc nó rồi nhìn quanh quất xem có thanh niêm hung hãn nào nghe được không để còn chạy…
Tôi về tàu,mang theo cái an-ten và con vịt luộc,có đồ ăn thức uống rồi,tối nay tha hồ xem World Cup,thế là cả tối đó,tôi nhờ anh sĩ quan trông ca hộ, để đi đấu nối cái an-ten mới,thay cái vành xe méo xẹo que còn que mất_hình ảnh cuối cùng của cái anten cũ,mùa WC mà không xem được thì nhọ nhem quá… Kể từ ngày có WC tôi cũng ít ngủ hẳn,cứ đi ca đến 12h đêm,về làm gói mì tôm xem hai trận bóng đến tận năm giờ sáng mới ngủ,tám giờ lại đi ca luôn,nhưng cái niềm đam mê thì không thể dừng được,lại ngồi xem cùng anh em,bàn luận,hô hào,vui không tả xiết… Chiều hôm đó cuối tuần,tàu liên hoan,có lẩu cá kèo,anh em ăn uống say sưa rồi thì có hai ông cũng đứng tuổi lên tàu giới thiệu là từ cái ghe nhỏ đậu bên kia bờ,muốn mời anh em sang ghe nhậu cùng,thế là cả tàu lại kéo nhau mang cả nồi lẩu và két bia xuống nhậu với những người anh em lạ mặt. Kể ra thì cũng hài,những người xa lạ không hề quen biết nhưng lại quá đỗi nhiệt tình,hôm đó chúng tôi ăn uống tới tận khuya,cùng hò,cùng hát trên chiếc ghe đó suốt cả buổi tối,hệ quả của bữa nhậu là một số thanh niên ra về chân đất,nhưng sáng hôm sau cứ đi từng phòng tìm dép mình xem ai giấu đi…
Sau gần tuần ở mảnh đất thủ phủ của miền Nam,chúng tôi ra đi mang theo ấn tượng không thể phai mờ,từ những món ăn, đồ uống,con người,khung cảnh,mọi thứ quá đỗi thú vị khiến không ai không khỏi tiếc nuối. Trở lại Quy Nhơn với món lòng lợn xào dưa và can rượu hai mươi lít, đó là những tháng ngày ngập tràn trong hơi men khi chúng tôi lại sắp sửa chia tay một người anh em nữa,anh phó ba vui tính cũ được trở về nghỉ ngơi cùng gia đình. Tôi vẫn nhớ lúc đầu lịch tàu chạy ra Hải Phòng để giao bán tàu,anh đại phó bảo cậu thủy thủ đi bờ mua cho hai mươi lít rượu,uống dần ra đến Hải Phòng,không hết thì khi về lại uống tiếp. Nhưng trưa hôm đó lịch lại thay đổi,chạy về Quy Nhơn,nên anh ấy phải gọi cho cậu kia bảo là mua ít đi,tầm lăm,mười lít thôi,nhưng cuối cùng không gọi được thành ra cậu kia vẫn cứ đem về đủ hai mươi lít rượu nấu,anh em nhìn ngán ngẩm,thế này uống đến bao giờ mới hết. Vậy mà chạy có ba ngày,bữa nào cũng nhậu,vừa về đến Quy Nhơn,số rượu đó cũng vừa hết nhẵn. Ngày nào cũng quẩy,cũng uống,cũng hát hò,vui hơn tết,làm cho cuộc chia xa càng trở lên khó khăn hơn. Tôi vẫn nhớ trong bữa nhậu cuối cùng,anh phó ba cũ đã nói một câu “Lúc trước em thực sự muốn về,vì cũng đã đi mười ba tháng rồi,nhưng giờ,có các anh em mới lên,vui vẻ hơn,em lại chẳng muốn về nữa”. Chúng tôi cũng vậy,cũng không muốn anh về bởi anh là cây hài của tàu,một con người vui tính và nhiệt tình,chúng tôi quý và thực sự mong anh ở lại cùng chúng tôi đi nốt hai tháng cuối trước khi về giao tàu,nhưng không được nữa rồi,khi mọi kế hoạch đã được chốt và giờ phút chia tay là không thể tránh khỏi… Mỗi lần tàu về Quy Nhơn là lại mua một con gì đó còn sống để chạy ra ngoài mới làm thịt liên hoan,và lần này,kẻ xấu số là một con dê. Trưa hôm đó,đang thở không ra hơi vì vừa chạy đi chạy lại quá nhiều dưới cái nắng như thiêu như đốt,tôi ra sau lái kiểm tra dây,bỗng thấy một con dê,bị buộc trong một cái bao,thò mỗi đầu ra ngoài,đang nằm thở. Thiết nghĩ đến người cũng còn đang vỡ đầu với cái nắng này,sợ nó chết khô mất nên tôi bê nó sang bên mạn kia,tìm chỗ mát đặt nó nằm xuống. Nhìn con dê lại thấy tội tội,chắc nó biết mình sắp chết nên trông nó buồn so. Tôi chạy vào bếp,lấy cái nồi con con bơm nước vào đem ra cho nó uống,rồi vất nó nằm đó đi ca tiếp. Đến giờ cơm,đang ăn tự dưng nhớ đến con dê,tôi chạy ra xem nó uống hết nước chưa thì thấy trước mặt nó,trong cái nồi nước tôi đem ra có thêm ít…cơm. Tôi vừa buồn cười vừa bực,nếu con dê mà biết nói chắc nó chửi ầm ông nào đem cơm ra cho nó rồi. Tài thật,hôm nào chả có rau,không vất cho nó mấy cọng rau sống thừa mà lại đem cơm cho nó. Nó mà ăn được cơm thì đã không phải là cái con đang nằm đây chờ chết thế này…
Về đây,tôi bắt đầu đổi ca sang đi với phó hai,hết ca,hai anh em rủ nhau đi nhậu,rủ thêm được cậu em thợ máy,ba anh em lóc cóc ra quán bia gần khu chung cư của Hoàng Anh Gia Lai Group,phải nói rằng tôi rất thiện cảm với Quy Nhơn,từ mảnh đất đến con người,không khí thoáng đãng,quán ăn thì gần,người bán hàng nhiệt tình và đặc biệt là giá cả phải chăng,chưa ở đâu tôi thấy ăn nhậu rẻ đến vậy. Ba anh em ăn uống say sưa,lững thững bước về tàu,dọc đường chúng tôi dừng lại mua mấy cái bánh mì kẹp thịt,tôi gặp lại đúng bà bán hàng ngày trước,hỏi ra mới biết bà ấy nhà gần đây,nên bao lâu rồi vẫn bán ở chỗ này. Bên cạnh còn hai bà cô lớn tuổi nữa. Trong đội có cậu thợ máy,ít hơn tôi hai tuổi nhưng hay để râu xồm xoàm,nhìn trông rất già,mấy lần tôi mắng nó bảo nó cạo đi trông đỡ ghê mà nó không chịu. Thế là hôm đó,ba bà cô cứ gạ gả con gái cho ba thằng,anh phó hai chỉ thằng cu em trêu lại:
-Thế cô xem thằng này bao tuổi mà cô còn đòi gả con gái cho nó?
Ba bà bàn tán một hồi nhưng vẫn chưa ai đoán gì vì sợ làm nó tự ái,anh phó hai lại tiếp:
-Nó sinh năm 85 đấy cô ơi,có vợ con cả rồi.
Thằng em đang ú ớ định phân bua thì một bà reo lên:
-Đấy,thấy chưa. Tôi bảo nó còn trẻ mà,mới 85 thôi mà.
Trong khi thằng em sinh năm 92 chửi thề câu gì đó quay đi hai anh em tôi ôm bụng cười nghiêng ngả. Kể ra trông cũng trẻ thật,mới 85 thôi mà…Trên đường về,hai anh em tôi cứ trêu nó mãi về vụ này,nó phát bực gào lên “kệ em”,nhưng chắc cũng nhờ sau vụ đó,khi tàu về đến Hải Phòng,nó cạo râu,trông trẻ trung và dễ nhìn hơn hẳn. Những ngày tháng cuối cùng ở Quy Nhơn của chúng tôi ngập tràn hơi men,ngày ngày chị Hồng chuyên thu mua sắt vụn hay lên tàu và mua mấy món ăn đặc sản của Quy Nhơn lên theo. Cũng nhờ đó anh Đại Phó kiếm được ít mực khô và món mắn “Ruộc” hay mắn “Ruột” gì gì đó gửi về nhà làm quà qua xe Hoàng Long…
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top