Chương II: Đất khách!
...Nắng tắt dần trên biển xa,kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi nữa với quá nhiều nắng,muối,tôi lê bước chân nặng nề về căn phòng nhỏ,cuộn tròn trong đống chăn,một mình gặm nhấm nỗi nhớ nhà,cảm giác phải xa những gì đã trở nên quá đỗi quen thuộc thực sự khó khăn... Tiếng máy nổ rầm rầm,đã mấy ngày trôi qua nhưng tôi vẫn chưa thể quen được với cái âm thanh khó chịu này,đêm đêm,tôi vẫn thường hay giật mình tỉnh giấc vì sự ồn ào quá đỗi đó,và mỗi lần tỉnh giấc,tôi lại nghĩ về mọi người,không biết giờ này bố mẹ,người thân,bạn bè tôi đang làm gì,họ có nhớ về tôi như tôi đang nhớ họ thế này không? Và còn cô gái của tôi,phải xa nhau là điều không dễ dàng gì với cả hai,tôi biết khi tôi đi xa thế này,cô ấy sẽ buồn,sẽ tủi thân nhiều lắm,nhưng tôi lại chả làm được gì cả,chỉ biết nghĩ về cô ấy và cố tự an ủi bản thân bằng cái viễn cảnh ngày về đầy niềm vui,tôi sẽ lại được ở bên cô ấy và chúng tôi lại có những khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Từ ngày học đại học,tôi đã được nghe những câu chuyện về tình yêu với người thủy thủ,kiếm tìm được người con gái có thể chịu đựng được những thiệt thòi mà tình yêu đó mang lại quả là khó khăn,nhiều người không chịu nổi năm tháng,không chịu nổi nỗi cô đơn mà đã rời xa người con trai họ đã từng yêu tha thiết,đã từng cùng nhau thề nguyện. Vì thế,tôi luôn trân trọng cô gái của tôi,không phải vì tôi không còn sự lựa chọn,mà vì cô ấy đã bất chấp tất cả để yêu tôi. Cuộc đời mỗi người luôn tìm kiếm những điều quan trọng,và với tôi,tôi đã tìm được điều quan trọng nhất. Những ngày tháng vật vã trong nỗi nhớ làm tôi càng khó hòa nhập với cuộc sống mới hơn,ngày làm mệt,tối về ôm gối lủi thủi một mình nằm nghĩ về một nơi đã quá xa,cứ vậy,ngày qua ngày,đã có lúc tưởng chừng như không thể chịu được,đã có lúc tôi muốn từ bỏ tất cả để chạy về,để lại được sống những tháng ngày như xưa,bên những người tôi yêu quý,nhưng đã ra đi lại tay trắng trở về,tự mình phủ nhận con đường mình đi,tự mình thổi bay những cố gắng suốt bao năm qua,tự biến công lao của bố mẹ trở thành bọt biển...tôi không đành lòng. Thở dài một tiếng,lại tự nhủ mình phải cố gắng thôi. Sẽ có ngày tôi trở về,nhưng phải là khi tôi khằng định được điều gì đó.
Đất khách đầu tiên tôi đến là Bắc Hải (Beihai) của nam Trung Quốc. Đứng trên mũi,tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi dàn cẩu,đế quá hoành tráng của dân Tàu. Ngày đó thì chưa,nhưng sau này cũng được đi nhiều nước,từ giàu có như UAE,hiện đại như Nhật,tây như Úc,phát triển như Hàn...nhưng chưa đâu tôi gặp một hệ thống làm hàng ấn tượng đến vậy. Từng hàng cầu to,đẹp,mới thẳng hàng,đều tăm tắp,đứng như để thị uy với những tàu ngoại đang tiến vào. Bắc Hải làm tôi ấn tượng bởi hệ thống làm hàng còn Phòng Thành (Fangchen) thì mang nhiều cơn ác mộng đến cho tôi hơn. Phòng Thành mùa đó rét và lại hay có những con mưa bất chợt,mau đến,xối xả,rồi lại mau đi. Một đêm chúng tôi phải dậy đóng-mở hầm không biết đến bao lần,có lần đóng chưa xong,mưa đã tạnh,có lần đóng xong rồi,mưa tạnh,công nhân lại đòi mở hầm để xếp nốt ngáo hàng,xong lại đóng lại ngay. Đêm nào cũng như đêm nào,chạy ra trong mưa rét,về phòng tôi phải uống một cốc nước nóng rồi nằm cuộn tròn trong chăn suốt tiếng đồng hồ cũng không đỡ lạnh để còn ngủ... Có nhiều lần,đang đóng thì sự cố nắp hầm xảy ra,anh em lại lụi cụi kéo dây điện,đồ hàn ra,hàn cắt suốt mấy tiếng đồng hồ. Gió cứ rít qua khe trống,quẩn quanh lấy anh em tôi,mặc dù nhỏ người,tôi dễ tìm được chỗ nấp hơn các anh em khác,nhưng chằng chỗ nào là gió không thể lùa tới. Rét căm căm,gió như cắt da,cắt thịt...
Rời khỏi Trung Quốc,điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Indonesia. Buổi sáng đi làm về,thấy mấy anh bảo là chiều có sóng,làm tôi háo hức không ngủ nổi cả trưa. Trên này chúng tôi hay nói về hai loại sóng,một loại luôn sẵn,nhưng chẳng ai thích khi nó quá nhiều. Còn một loại thì thi thoảng mới có,mỗi lần có là lại tranh nhau. Những buổi chiều thế này,Đại phó chắc là người lo lắng nhất,cả tàu hai mươi hai người thì hai mươi người đứng một bên mạn,tàu phải nghiêng thêm mấy độ... Ông nào ông nấy ôm điện thoại,có ông thì gọi về nhà,gọi cho bố,mẹ,anh,chị,ông,bà,cô,dì,chú,bác...bạn bè,từ thằng thân thiết đến cả những thằng trăm năm rồi không gặp,hàng xóm,trưởng thôn,trưởng khu... nói chung ở thời điểm đó,còn ai nói chuyện được là còn gọi,có ông thì vừa gọi vừa sạc,tí lại bị sập nguồn,tí lại chửi thề vài câu. Chẳng ai thiết cơm cháo gì hết. Tàu có sóng điện thoại còn rộn ràng hơn ở nhà có Tết. Ngày đó mới đi chưa biết,lại dung sim Mobi,nhìn anh em ai nấy gọi điện mà bứt rứt. May,có ông gọi xong sớm mới mượn được điện thoại gọi về cho mọi người. Đúng là,ở trên biển,chả ông nào cạnh tranh được với ông Viettel.
Ngày... tháng... năm??? Tôi chẳng còn khái niệm về ba từ đó nữa,chạy biển dài ngày,thời gian trôi qua mà chẳng kịp đếm,cứ ngày làm,đêm ngủ,chả có gì giải trí,mà cũng chẳng có gì khác để làm. Hơn một tháng trời,tôi cũng dần quen với những công việc trên tàu,tay chân vẫn còn đau nhưng không còn yếu ớt như ngày mới đi nữa. Tôi trở lại với cái thùng phi,phải đục thêm hai cái nữa,lần này vẫn cái búa và cái đục đó,cuối cùng tôi cũng đục thủng được cái nắp. Hoan hỉ với cố gắng mới,tôi bắt đầu cảm thấy mình không quá vô dụng. Đang tự mãn,Bosun càu nhàu: "Mày đục thế thì mấy ngày mới xong được cái nắp?" Nói rồi ông ấy vơ cái búa,giã từng phát một,chắc nịch. Cứ một nhát giã thì thủng một lỗ,trong khi tôi phải mất ít nhất ba nhát búa mới được cái lỗ bé hơn. Ông ấy làm bốn năm nhát búa,thủng nửa cái nắp thùng phi,lườm lườm tôi rồi bỏ đi. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng,phải công nhận ông ấy quá khỏe. Ngẫm nghĩ một hồi tôi cũng nghiệm ra,ngày đó tôi vẫn ăn lương thực tập,bằng đúng một phần ba lương ông ấy,nên việc ông ấy gõ một nhát thủng còn tôi thì là ba,âu cũng nhẽ bình thường thôi...
Tàu đến Indo,cái nắng ở Indo còn kinh khủng hơn cả Quy Nhơn,chưa bao giờ nắng gắt đến vậy,nắng không thở nổi. Chúng tôi làm cứ nửa tiếng là lại phải tìm chỗ râm mát giải lao một lúc. Cảng đầu tiên tôi đến Indo là Surabaya,ngày đó tôi còn không thuộc nổi cái tên,sau này đi nhiều rồi đâm ra thành quen. Đây cũng là nơi đất khách đầu tiên tôi được "đi bờ". Vì là người mới nên tôi khá nhát khi phải hỏi xin hay nhờ vả ai cái gì đó,mấy cậu bạn động viên mãi mới dám xin đại phó cho đi bờ mấy tiếng. Thế là theo chân anh phó hai cùng hai cậu bạn bằng tuổi,tôi đặt chân lên đất Indo. Cảm giác thật lạ lẫm và cũng thật hồi hộp,chưa bao giờ gặp người dân Indo,không biết họ thế nào. Đến cả trên Tivi tôi cũng còn chả mấy khi để ý đến Indo,giờ lại đặt chân đến tận nơi,trực tiếp trải nghiệm,trực tiếp thăm thú,có cái gì đó rất phấn khích trong tôi. Anh em tôi phải đổi tiền,trời tối nên không thể ra ngân hàng đổi,chúng tôi tìm được mấy người dân gần cổng cảng đổi tiền cho. Điều làm tôi bất ngờ nhất là họ cũng nhận tiền Việt. Chắc có nhiều tàu Việt sang đây rồi,chứ tôi thấy nhiều nơi họ chỉ nhận tiền Mỹ,chứ chả mấy khi chịu nhận tiền Việt như ở đây. Thế là với đống tiền Indo mới đổi được,anh em tôi đi lang thang khắp khu vực gần đó. Phải nói là người dân ở đây khá là lành,còn đồ thì khá rẻ. Họ theo đạo hồi,đi đâu cũng thấy mấy nhà có nhiều người tụ tập cầu nguyện. Đường phố thì toàn mèo,mèo ở đây sống khá tự do và không ai ăn thịt mèo cả. Mấy anh em trêu nhau,bắt mèo về cho cả tàu nhậu một tuần liên tục cũng chả giảm bớt sự đông đúc của mèo ở đây... Chúng tôi tìm đường đến được siêu thị trung tâm Gresik. Chỉ vẻn vẹn tầm hơn triệu đồng tiền Việt đổi ra tiền Indo mà mấy anh em cũng tha hồ ăn uống,chơi bời đủ thứ,lúc về mỗi ông còn kiếm được mấy cái áo với mấy cái mũ làm kỷ niệm. Lúc đứng thử mua áo,bà bán hàng nhìn tôi hỏi "Chinese???"-"No,Vietnammese!"-"Oh! Vietnam! Vietnam's good!!!" Tôi bật cười,rõ ràng mình Việt Nam chính gốc mà đi đâu cũng toàn bị nhầm là Trung Quốc,vào Thái,sang Ấn Độ cũng vậy. Đến khi bảo lại là Việt Nam thì đều nghe được câu "Vietnam's Good!!!". Người dân Indo chịu nắng nhiều nên nhìn ai cũng đen thật,mấy cô bán hàng thì mặt rất trắng,nhưng từ cổ đến chân tay thì lại đen xì. Buồn cười nhất là khi tôi cầm một đôi dép lên,trông rất lạ nhưng lại hay hay,định mua đôi này về Việt Nam đi cho độc thì cậu bạn đi cùng bảo "Hàng Việt Nam đấy!". Tôi lật mặt sau lên và thấy toàn tiếng Việt,sản xuất tại Bình Dương... Giày ở đây không biết là sản xuất trong nước hay nhập ở đâu mà rẻ kinh khủng. Nhưng nhớ có lần Bosun kể là mua được đôi giày,đi không nổi một tuần nên lại cứ kinh kinh. Chúng tôi thử mấy món đồ ăn nước uống thấy bảo là "traditional",món gì cũng mua,cũng thử một ít. Cũng sợ bị đau bụng vì nước uống thì mùi thơm nhưng trông hơi kỳ kỳ,đồ ăn thì toàn bày gần ngay đường,nhưng đi cùng anh phó hai,có đau bụng thì anh ấy quản lý cả tủ thuốc của tàu,không lo. Trên đường về thấy có quán nước bóng đá,lâu lắm rồi không được xem bóng đá,mấy anh em nán lại xem trận bóng,uống nước,cảm giác thật thân quen,mặc dù nghe bình luận chả hiểu gì. Tôi vẫn nhớ trận đấu ngày hôm đó ManU gặp New Castle. Được nửa hiệp thì anh em tôi đứng dậy về cho kịp giờ đóng cổng. Chỉ được đặt chân lên bờ có mấy tiếng mà cảm giác con người tự do hơn hẳn,được làm những gì mình thích,thấy nhiều cái mới lạ,gặp nhiều người thú vị,tôi dần thấy mặt tích cực đầu tiên của việc đi tàu...
Rời khỏi Indo,chia tay cái nắng bỏng rát,chúng tôi trở về Hải Phòng. Cái tin được về Hải Phòng làm tôi mất ăn mất ngủ bao ngày trời. Hai tháng rồi,đi xa,không biết mọi người thế nào,mọi thứ có gì thay đổi không,tôi nhớ nhà,nhớ người thân lắm rồi,được về chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa rào. Tôi gần như quên hẳn những mệt mỏi,trong đầu chỉ còn ý nghĩ "sắp được về". Đêm đêm tôi thường trằn trọc vì cứ nằm nghĩ xem những việc mình sẽ làm khi về lần này. Nhưng thấy bảo khi vào cảng,đội bảo quản chúng tôi sẽ phải ở lại trực tàu. Thôi kệ,chắc không đến nỗi nào đâu,kiều gì cũng phải xin về thăm nhà mấy tiếng,kiều gì thì kiểu cũng phải ăn được bữa cơm nhà...
Luồng Lạch Huyện,luồng đầu tiên tôi chạy,cách đây hai năm,trên con tàu thực tập của trường,giờ tôi cũng vẫn chạy luồng đó,nhưng trên con tàu thật đầu tiên của tôi,không còn thực tập gì nữa. Đi vào từ xa,tôi đã ngủi thấy những mùi rất quen thuộc, "mùi đất liền",nó khác biệt hoàn toàn mùi nắng và muối nơi biển xa. Nhiều khi nó là mùi đất ẩm mốc khi vừa tan cơn mưa,khi nó lại là mùi cây cối,lúc thì là mùi từ các khu công nghiệp bay ra. Tôi có thể khẳng định một điều,tôi thực sự nhạy cảm với mùi này. Hay đứng trên mũi nên tôi cảm nhận được nó một cách rất sâu sắc. Những cảnh vật quen thuộc hiện dần ra trước mắt,tôi hào hứng chỉ về phía xa xa,những tòa nhà tôi đều có thể đọc tên,tôi cười và nói liên tục,chẳng cần biết có ai để tâm không,lúc đó,niềm hạnh phúc đang ngập tràn trong tim tôi rồi... Tàu cập cảng,chưa phải làm hàng ngay,nên anh đại phó cho tôi về thăm nhà một đêm,sáng mai lại ra tàu làm. Tôi gọi điện thoại báo cho mẹ và bố đi đón tôi,nhìn thấy bố mà tôi xúc động suýt khóc. Về nhà,gặp lại những người thân của tôi,cảm giác như thể trăm năm rồi tôi không gặp họ,có chút bối rồi,có chút vui vui. Gặp ngay cô cháu gái đang chơi ở sân,nó nhìn thấy tôi lại chạy mất. Ngày xưa tôi bế nó suốt ngày,cho nó ăn,chơi với nó lúc bố mẹ nó đi làm,dỗ dành khi nó khóc...thế mà giờ nó nhìn thấy tôi lại chạy mất. Tôi cười tươi dơ tay đón nó,nó chạy lại chỗ bà nó nấp,bỗng nhiên tôi thấy tủi thân kinh khủng. Mới hai tháng trời mà nó đã không còn nhận ra tôi,không biết sau này con tôi có thể không? Nhìn dáng vẻ sợ sệt của nó,tôi đành gượng cười quay đi. Con Bi nhà ông anh chạy ra sủa ầm lên,tôi quát nó mấy câu,chắc cu cậu ngửi thấy mùi quen quen nên ngừng sủa,chuyển sang vẫy đuôi rít lên từng hổi. Ngày ở nhà,mỗi lần chủ nó đi vắng,tôi hay mở của cho nó đi chơi,cho nó ăn,cho nó nghịch với quả bóng tenis,nên giờ cu cậu thấy tôi mới rít lên như vậy. Ít nhất còn có mày nhận ra được tao... Ở trên tàu nghe tiếng máy chạy quen rồi,về nhà lại thấy im ắng quá. Vào trong nhà nghe tiếng người nói mà cảm giác như vọng lại,bữa cơm ở nhà đúng thật là quá ngon,chỉ bát canh rau đay với món tôm rang,tôi ăn như thể đang được thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn. Mẹ tôi đi làm về muộn,nên hai bố con ăn cơm với nhau. Tôi kể cho bố nghe nhiều chuyện,chuyện tàu bè,chuyện công việc,đến khi mẹ tôi về tôi lại kể tiếp. Cảm giác như ngày hôm đó quá ngắn,tôi có quá nhiều điều để nói,quá nhiều chuyện để thao thao bất tuyệt,nhưng rồi cơn mệt mỏi cũng kéo tôi chìm vào giấc ngủ,đêm đó,tôi đã ngủ thật ngon,trên cái giường quen thuộc với một niềm hân hoan...
Tình yêu nhỏ của tôi từ Hà Nội về thăm, đi tàu vất vả,nhưng cứ liên quan đến lĩnh vực này thì chả ai tị nạnh ai,thậm chí còn cố tạo điều kiện cho nhau. Buổi chiều hôm đó,thấy tôi đi làm cứ vui vui,cười cười,Bosun hỏi: "Mày về được ôm người yêu hay sao mà phởn thế?" Tôi bảo chưa,chiều nay mới được gặp,thế là ông ấy cho nghỉ luôn,về tắm rửa mà đi đón người yêu. Mấy cậu bạn đi làm cùng hôm đó cũng giục tôi về sớm,có gì tụi nó làm nốt cho. Trong lòng khấp khởi,tôi phi xe ra ga đón nàng. Kể ra thì cũng tội cho nàng,tàu về tới Hải Phòng tầm sáu giờ tối,về nhà tôi dùng bữa cơm rồi tôi lại phải ra tàu luôn,chẳng kịp tâm sự được gì nhiều. Hai ngày ở nhà tôi,hôm nào tôi cũng chỉ được tranh thủ về thăm nhà,thăm nàng có một,hai tiếng đồng hồ,cùng cả nhà dùng bữa cơm tối,rồi phải đi trực ngoài tàu. Cái trò thà xa hẳn còn hơn ở gần mà không được thấy nhau,khó chịu thật. Nhưng đành phải chấp nhận vì công việc yêu cầu phải vậy. Tôi muốn được đưa nàng đi chơi,xem phim, ăn những món nàng thích,hẹn hò một buổi ra trò để bù đắp phần nào những thiệt thòi mà nàng phải chịu suốt thời gian qua. Nhưng đến cái quyền được ngồi tâm sự với nhau còn không có thì nói gì đến hẹn hò...
Một tuần ngắn ngủi trôi qua,tôi mang theo nỗi nhớ rời xa Hải Phòng thêm lần nữa,có những tiếc nuối,có những day dứt,nhưng niềm an ủi từ những bữa cơm nhà,những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với người thân cũng tiếp thêm cho tôi khá nhiều động lực,tôi vẫn buồn,vẫn nhớ,nhưng trong tôi bắt đầu nhen nhóm những hi vọng,hi vọng về cái ngày tôi sẽ lại được về thăm nhà như thế này nữa... Được về Việt Nam,anh em ai cũng hoan hỉ ra mặt,tàu chạy rồi ông nào cũng có nhiều cái mới, ông thì quấn áo mới, mặc xong đứng ngay cửa ra vào,chờ có con lợn cưới nào chạy qua, ông thì đầu tóc mới, đi ra đi vào lườm nguýt cái gương,nhưng nhọ nhất chắc là ông sắp có người yêu mới...
...
{5y
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top