Những câu đối liên quan đến Nhà Báo - Nhà Văn Phan Khôi (1887 - 1959)


Phan Khôi sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bút hiệu : Chương Dân, Khải Minh Tử, Tân Việt chung với Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá; Thông Reo chung với Nguyễn An Ninh; Tú Sơn, phiên âm chữ "Tout Seul" ("Một Mình") để nhại Tú Mỡ... Riêng trên báo "Sông Hương" 1936–1937, có hơn 10 tên khác nhau: Phan Khôi, Sông Hương, Ngự Sử, Phan Nhưng, Tú Vườn, Bê Ca, K, PK, TV, ... chắc chắn là Phan Khôi; còn TT, TM, PTT... có thể cũng là Phan Khôi. Vì vậy, việc xác định văn bản Phan Khôi không dễ dàng. Sau khi ông mất, con trai là Phan Nam Sinh có làm đôi câu đối phúng điếu cha như sau:

Lúc xã hội nhố nhăng, cúi chẳng cúi, luồn chẳng luồn, há chịu phép vú to lấp miệng
Khi văn chương nhập nhoạng, tranh ra tranh, cãi ra cãi, đâu đành lòng mũ nỉ che tai
Câu đối do thiên hạ phúng điếu:

Phan công quyến tộc sơn hà tại
Việt quốc chương dân thế đại tồn
Dịch:

Cụ Phan gia quyến lưu sông núi
Non Việt dân văn tục vạn đời
Phan Nam Sinh thật sự choáng ngợp và thán phục trước kho tri thức uyên bác, vừa có chiều rộng lại có chiều sâu mà cha ông sở hữu. Càng khâm phục hơn khi biết kho tri thức đồ sộ ấy là do ông tự học, tự tích lũy gần như cả đời mà có. Phan Nam Sinh lại nhớ tới hai câu 5-6: "Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách, Còng lưng thồ nặng chín triều vua" trong bài thơ luật Đường ông viết hồi năm 1957, năm ông 70 tuổi, có tên là Bảy mươi tự thọ mà từ lâu Phan Nam Sinh đã thuộc lòng. Thế là câu đối cứ tự nhiên mà ra, chẳng gặp bất cứ khó khăn nào, cứ như có ai đó cầm tay viết giúp vậy:

Dẫu tự học, chỉ tự rèn cũng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách
Lo dân sinh, vì dân chủ mà còng lưng thồ nặng chính triều vua
Sao lại là chín triều vua? Ấy là con số xuất phát từ bài Những con số không nhất định trong từ ngữ trong số di cảo của ông viết gần một năm trước khi mất. Trong bài khảo cứu này, ông cho biết số chín trong từ ngữ nào có số chín không nhất định là để chỉ "số rất nhiều trong các số cơ bản", như "chín tầng trời, chín nghìn anh em" là để chỉ rất nhiều tầng trời, rất nhiều anh em. Nó khác hẳn với số chín nhất định như nói thiều quang chín chục là chỉ chín chục ngày mùa xuân, đi bốn biển chín châu là đi cả bốn biển chín châu theo cách người Trung Quốc xưa phân chia đơn vị hành chính của nước họ. Vì vậy mà chín triều vua trong còng lưng thồ nặng chín triều vua là để chỉ ông đã phải sống qua rất nhiều triều vua, không có ý gì khác, cũng chẳng định ám chỉ ai hoặc bất cứ điều gì.

Năm 2013, vào dịp kỷ niệm 54 năm ngày ông qua đời, Pham Nam Sinh lại viết câu đối dâng lên hương hồn ông như sau:
Đi kháng chiến, đuổi thực dân, tội phản động về cùng chín suối
Đón văn minh, khai dân trí, gương duy tân ở với trời xanh!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top