Chương 4

Sáng hôm sau, theo lời chỉ dẫn của chị Lành, cậu đến nhà hội đồng Giang để ghi danh lấy công trừ nợ.

Bảy Sậy, là người tiếp nhận người đến làm công nhìn cậu bằng ánh mắt dò xét, hỏi:”Mày là đứa nào? Sao tao chưa thấy mày bao giờ?”

“ ôi là em trai nhà chị Lành, hôm qua chị ấy bị bắt đến đây để đòi nợ, không thể trả được nên phải đi làm không công, nhưng mà hôm nay chị ấy bị bệnh rồi nên tôi đi thay.” Phước Quý nói.

“Con Lành, tao nhớ nhà nó chỉ có hai mẹ con, lúc chồng nó chết cũng đâu nghe nói có em trai em gái gì tới nhà nó đâu? Mày có phải dân làng này không? Tao thấy mày là lạ, nhìn không giống dân ở đây. Mà thôi đi mày đã tới ghi công thì tao điểm danh, mày tên gì? Bao nhiêu tuổi, nhà nó hình như mượn ba giạ lúa, vậy chi ra mày phải làm không công ở đây ba tháng.” Bảy Sậy hỏi.

“Tôi tên Quý, năm nay hai mươi mốt tuổi, vốn không phải là người làng này, tôi là chị em họ hàng xa với nhà chị Lành, trước ở nơi khác sau này nhà tôi có chuyện cần dời đi nên đưa tôi về ở với chị ấy, lúc anh rể mất tôi chưa về kịp. Nhà chị tôi đúng là mượn ba giạ lúa,...” Cậu nói, trong lòng vẫn còn ấm ức, rõ ràng chỉ là sáu mươi kí lúa mà phải làm không công ba tháng, nhà cậu lúc thu hoạch lúa xong còn cho từ thiện cả tấn cơ.

“Được rồi Tèo mày đem tụi này đi ra ngoài kho coi kiếm việc cho tụi nó làm, làm không công cấn nợ, coi chừng tụi nó cho đàng hoàng”. Bảy Sậy nói xong rồi bước đi, xa xa có một dáng người cao cao mặc đồ bà ba màu trắng làm từ tơ tằm đang đứng nói chuyện với một người khác. Giọng điệu cao cao tại thượng, ra đáng một chủ cả cao lãnh.

“Mày coi đem kho này phơi cho mau khô, vài ngày nữa có khách hàng bên tây sang bàn chuyện mua bán, coi kêu mấy đứa kia khuâng vác đàng hoàng, xảy ra chuyện gì là mày coi chừng mày chết với tao.” Người nọ nói.

“Dạ cậu.” Một tên khác khúm núm vâng dạ.

Bảy Sậy đến gần chắp tay lại nói với người áo trắng:”Bẩm cậu, tụi làm công con đã thu xếp và ghi danh sách đầy đủ. Chuyến này có năm đứa tới làm công cấn nợ. Đều là thanh niên, con đã cho người dẫn tụi nó đi ra kho sau để sắp xếp cho tụi nó làm việc rồi.”

Người được kêu ‘cậu’ ngẩng mặt lên, một gương mặt trong cực kì đẹp mắt, mũi cao thẳng, đôi mắt hẹp dài, cộng thêm đôi môi mỏng mím chặt khiến cho người ta cảm giác lạnh lẽo.

“Ừ”. Đáp lại lời Bảy Sậy chỉ là một tiếng ừ nhưng lại khiến người ta cảm thấy vô cùng áp lực.

Cậu đến làm công ở đây tính ra cũng gần hai tháng, mỗi ngày cậu theo lệnh mà đi, từ việc nặng đến việc nhẹ, nhưng hầu hết thời gian cậu đều được phân công đến kho lúa phía sau để phơi và vác. Tuy công việc có phần nặng nhọc nhưng với sự bền bỉ cậu khiến cho những người tá điền này nhìn cậu với ánh mắt khác xưa.

Những ngày đầu cậu đến đây, bọn họ đều nhìn cậu, lâu lâu một số người lại thì thầm to nhỏ với nhau:

“Ê, mày nhìn cái thằng trong nhóm mới vô kìa, con trai gì da trắng bóc, nhìn nó có khác gì công tử con nhà giàu không mày, mà mày biết nó con nhà ai không?” Người làm công A hỏi người kế bên.

“Tao nghe nói nó là em nhà con Lành, nó mượn lúa quá ngày mà chưa trả, nên thằng em tới làm công trừ nợ.” Người làm công B trả lời.

“Con Lành nào? Phải nhà có bà vợ chồng chết cách đây ba năm không? Ủa tao nhớ lúc đó có nghe nói có em trai gì đâu. Sao giờ lòi ra đứa này?”

“Thì...”

“Lo làm đi tối ngày lo bàn chuyện người ta không hà, tới lúc bị thằng Bảy nó chửi cái tụi bây lại ngồi than.” Giọng một người đàn ông khác lên tiếng. Ông ấy là người cùng nhóm với hai người lúc nãy, tuổi tuy không già nhưng cũng thuộc dạng lão niên trong tất cả bọn họ, lại là người ở đây lâu nhất nên cũng khiến người khác phải dè chừng. Tuy nhiên, ông không hề cậy ở lâu lên mặt mà luôn giúp đỡ người mới vào nên bọn họ vừa sợ vừa kính, mọi người hay gọi là ông Tư.

“Ê, chú em kia, lại đây tao biểu coi.” Ông Tư vẩy tay ra hiệu gọi cậu lại.

Vì đã quen nghe những người khác giới thiệu về ‘ông Tư’ nên cậu không hề e dè mà bước đến.

“Chú em mày tên gì? Sao tao thấy chú em mày lạ quá, hình như không phải dân ở đây. Đúng không?”

“Dạ, con chào ông Tư, con tên Quý, đúng là con không phải người làng này, nhà con ở miền ngoài, vì nhà có chuyện cần dời đi nên con về ở với chị họ con là chị Lành.” Cậu lễ phép trả lời.

Thấy cậu nói năng lễ phép, mặt mày lại sáng sủa, ông Tư thấy rất thích liền dò hỏi:

“Chú em mày nói năng lễ phép quá, mặt mày cũng khôi ngô, ê, có mối mai gì chưa, nhà tao có hai đứa con gái, tuy tụi nó không đẹp nhưng lại giỏi giang lắm, bay chịu làm con rể tao không?

“Dạ, con...” Cậu ấp úng trả lời.

“Thôi đi ông Tư ơi, con gái ông vừa đen vừa xấu, thằng này đẹp mã như vậy, còn lâu mới chịu làm con rễ ông? Con thấy hay là ông gã con gái ông cho con đi rồi con sẽ báo hiếu cho ông, hén, cha vợ.” Một người khác lên tiếng.

Dứt lời, một người kế bên cũng ủng hộ nói:

“Tui thấy ông gã phăng con gái cho thằng Cò đi, chứ tui thấy tối ngày nó lăm le con gái ông dữ lắm nghe, nó tuy ốm coi vậy chứ nó cũng mạnh lắm đó.”

Mọi người nghe câu chuyện cũng cười ha ha ủng hộ.

Không khí vui vẻ như vậy cũng khiến cậu cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng hẳn đi, từ lúc cậu vào đây mỗi ngày đều thấy cảnh đánh đập tá điền tàn nhẫn. Được học về những chính sách áp bức của bọn thực dân và tay sai ở thời đại này cậu càng căm ghét.

Đùa với bọn họ xong ông Tư quay sang và hỏi cậu:

“Giỡn với chú em mày một chút thôi, đừng nghĩ nhiều nghe, sao, làm ở đây cũng được mấy ngày rồi đúng không? Có quen với công việc chưa, nhìn chú mày trắng trẻo như vầy chắc ở nhà cũng được chiều chuộng lắm. Vào đây rồi thì gắng mà làm, tụi thằng Bảy Sậy chuyên bới lông tìm vết lắm đa, không làm được việc nặng một lúc thì cố chăm chỉ mà làm, không tụi nó đánh có mà bỏ mẹ.”

Ông Tư nói tiếp:”À, để tao nhắc mày nhớ mặc dù ở đây là nhà ông hội nhưng người có quyền lớn nhất là cậu Ba Trung, con bà vợ lớn, đừng có dại mà đụng vô, không là có mà tìm đường chết.”

Cậu vâng vâng dạ dạ ngoan ngoãn nghe lời dạy bảo, nhưng trong lòng cũng thắc mắc , không biết người ‘cậu Ba’ đó mặt mũi và uy thế ra sao.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top