Cau 8 THNC

Câu 8.

a) Quan điểm của triết học Mác – Lênin về bản chất của con người.

Con người là thực thể sinh vật – xã hội.

Triết học Mác đã kế thừa quan điểm tiến bộ trong lịch sử triết học, dựa trên những thành tựu của khoa học tự nhiên, trực tiếp là thuyết tiến hoá và thuyết tế bào. Con người là một thực thể thống nhất giữa 2 mặt sinh vật và xã hội.

Con người là sản phẩm của giới tự nhiên. Con người tự nhiên là con người mang tất cả  bản tính sinh học, tính loài. Yếu tố sinh học trong con người là điều kiện đầu tiên quy định sự tồn tại của con người. Vì vậy, giới tự nhiên là “thân thể vô cơ  của con người” . Con người là bộ phận của giới tự nhiên.

Là động vật cao cấp nhất , tinh hoa của của muôn loài, con người là sản phẩm của quá trình phát triển hết sức lâu dài của thế giới tự nhiên . Con người phải tìm mọi điều kiện cần thiết cho sự tồn tại trong đời sống tự nhiên như thức ăn, nước uống, hang động để ở. Đó là quá trình con người đấu tranh với thiên nhiên , với thú dữ để sinh tồn. Trải qua hàng chục vạn năm , con người đã thay đổi từ vượn thành người, điều đó đã chứng minh trong các công trình nghiên cứu của Đác uyn. Các giai đoạn mang tính sinh học mà con người đã trải qua từ sinh thành, phát triển đến mất đi quy định bản tính sinh học trong đời sống con người. Như vậy, con người trước hết là một tồn tại sinh vật , biểu hiện trong những cá nhân con người sống , là tổ chức cơ thể của con người và mối quan hệ của nó với tự nhiên. Những thuộc tính, những đặc điểm sinh học ,quá trình  tâm- sinh lý , các giai đoạn phát triển khác nhau nói lên bản chất sinh học của các nhân con người.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, mặt tự nhiên không phải là yếu tố duy  nhất quyết định bản chất của con người. Đặc trưng quy định sự khác biệt giữa con người với thế giới loài vật là mặt xã hội. Trong lịch sử đã có những quan niệm khác nhau phân biệt con người với loài vật , như con người là động vật sử dụng công cụ lao động , là “một động vật có tính xã hội ”, hay con người là động vật có tư duy …những quan niệm này đều phiến diện chỉ vì nhấn mạnh một khía cạnh nào đó trong bản chất con người mà chưa nêu lên đựoc nguồn gốc bản chất xã hội ấy.

Với phương pháp biện chứng duy vật , triết học Mác nhận thức vấn đề con người một cách toàn diện , cụ thể , trong toàn bộ tính hiện thực xã hội của nó, mà trước hết là vấn đề lao động sản xuất ra của cải vật chất.

C.Mác và  ăngghen đã nêu lên vai trò của lao động sản xuất ở con người : “có thể phân biệt con người với súc vật ,bằng ý thức, bằng tôn giáo , nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được . Bản thân con người bắt đầu bằng việc tự phân biệt với súc vật ngay từ khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình – đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định . sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như vậy, con người đã gián tiếp sản xuất ra đời sống vật chất của mình”.

Thông qua hoạt động sản xuất vật chất, con ngưòi đã làm thay đổi, cải biến toàn bộ giới tự nhiên: “con người chỉ tái sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra giới tự nhiên”. Con người tạo ra của cải vật chất và tinh thần ,phục vụ đời sống của mình ; hình thành và phát triển ngôn ngữ và tư duy ; xác lập quan hệ xã hội. Bởi vậy, lao động là yếu tố quyết định hình thành bản chất xã hội của con người , đồng thời hình thành nhân cách cá nhân trong cộng đồng xã hội.

Là sản phẩm của giới tự nhiên và xã hội nên quá trình hình thành và phát triển của con người luôn luôn bị quyết định bởi 3 hệ thống quy luật khác nhau, nhưng thống nhất với nhau. Hệ thống các quy luật tự nhiên như quy định về sự phù hợp cơ thể với môi trường , quy luật về sự trao đổi chất , về di truyền, về biến dị , tiến hoá,..quy định phương diện sinh học của con người. Hệ thống các quy luật tâm lý ý thức hình thành và vận động trên nền tảng sinh học của con người như tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí. Hệ  thống các quy luật xã hội quy định quan hệ xã hội giữa người với người.

Mối quan hệ giữa sinh học và xã hội là cơ sở để hình thành hệ thống các nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội trong đời sống con người như nhu cầu ăn mặc, ở ; nhu cầu tái sản xuất xã hội ; nhu cầu tình cảm; nhu cầu thẩm mỹ và hưởng các giá trị tinh thần.

Với phương pháp duy vật biện chứng , mối quan hệ giữa mặt sinh học và mặt xã hội của con người là thống nhất. mặt sinh học là cơ sở tất yếu tự nhiên của con người, còn mặt xã hội là đặc trưng bản chất để phân biệt con người với loài vật. Thực thể sinh vật và thực thể xã hội ở con người không tách khỏi nhau, trong đó thực thể sinh vật là tiền đề  mà trên cái tiền đề đó thực thể xã hội tồn tại và phát triển.

Con người là chủ thể của lịch sử

Con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử với tư cách  là sản phẩm quá trình tiến hoá lâu dài của tự nhiên mà con người còn là chủ thể của lịch sử.

Con người và động vật đều có lịch sử. Song lịch sử của con người và động vật khác hẳn nhau. Lích sử của động vật  “chính là lịch sử nguồn gốc của chúng và sự phát triển dần dần của chúng cho đến trạng thái hiện nay của chúng. Những lịch sử ấy không phải do chúng làm ra và trong chừng mực mà chúng có tham dự vào việc làm lịch sử ấy thì điều đó diễn ra mà chúng không hề biết và không phải do ý muốn của chúng”, còn con người thì “ tự mình làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức …”. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động có ý thức của chính bản thân con người.

Hoạt động của con người làm ra lịch sử nên để có lịch sử trước hết phải có con người. Tiển đề đầu tiên của lịch sử là sự tồn tại của những cá nhân con người sống, vì vậy hành động lịch sử đầu tiên là hành động lao động sản xuất để con người tách ra khỏi động vật. Con người tách khỏi động vật như thế nào thì họ bước vào lịch sử như vậy.

Con người làm ra lịch sử trong những điều kiện có sẵn do quá khứ để lại. Trong những điều kiện ấy, mỗi con người sẽ tiếp tục các hoạt động của thế hệ trước trong những hoàn cảnh mới; một mặt tiếp tục các hoạt động mới  để biến đổi hoàn cảnh cũ.

C. Mác còn đồng thời khẳng đinh: “bản chất con ngưòi không phải là một các trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”.

Ta có thể thấy, bản chất của con người hình thành và thể hiện ở những con người hiện thực. Và tất cả các mối quan hệ xã hội đều góp phần hình thành nên bản chất của con người. các mối quan hệ này có vai trò , vị trí khác nhau nên không tách rời nhau , mà tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau( vd: quan hệ theo thời gian như quan hệ quá khứ , hiện tại và tương lai, hay quan hệ theo tính chất như quan hệ trực tiếp và gián tiếp, tất nhiên, ngẫu nhiên, ổn định , không ổn định, vv…). Khi các quan hệ xã hội thay đổi thì sớm muộn bản chất của con người cũng thay đổi.

Như vậy bản chất của con người không phải được sinh ra mà đựoc sinh thành, nó hình thành và thay đổi theo sự hình thành và thay đổi của các quan hệ xã hội , trong đó trước hết va quan trọng nhất là các quan hệ thuộc lĩnh vực kinh tế.

* Ý nghĩa đối với xây dựng và phát huy nguồn lực của con người ở nước ta hiện nay

- Chế độ ta xác định tất cả các nguồn lực phát triển đất nước như tài lực, vật lực , tài nguyên, khoa học công nghệ , con người thì nhân tố con người giữ vai trò quyết định  để phát huy sức mạnh của các nguồn lực khác.

- Để phát huy được nguồn lực con người trong sự nghiệp  đổi mới đất nước hiện nay thì phải xây dựng nguồn lực con người trên 4 nội dung cơ bản sau: xây dựng con người  về mặt thể chất , về mặt trình độ chuyên môn nghề nghiệp , tri thức khoa học , về bản chất chính trị , về mặt đạo đức lối sống.

- Để phát huy  được ngùôn lực con người thì phải có chính sách giải quyết đúng đắn các quan hệ lợi ích cho con người là phải kết hợp hài hoà các lợi ích XH với lợi ích tập thể  và lợi ích chính đáng của cá nhân ngưòi lao động . Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay thì lợi ích chính đáng của người lao động phải đựoc đặt ra và giải quyết trực tiếp.

b) Khái quát quan điểm Mác Lenin về con người.

Vấn đề con người luôn là một đối tượng nghiên cứu của triết học. Câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate: “Con người, hãy tự nhận thức ra mình”, luôn là một hiệu triệu kêu gọi các triết gia, các trường phái triết học quan tâm nghiên cứu về con người.

Các Mác, trước khi bắt tay xây dựng học thuyết của mình, cũng đã từng viết một luận án tiến sĩ về con người. Trong luận án đó, Mác đã gửi gắm khát vọng về sự xuất hiện những con người hoàn thiện. Mác viết: “Tôi báng bổ những vị gọi là có đầu óc thực tế, chỉ chăm lo cho đời sống cá nhân mình, và quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại. Nếu muốn là con thú thì cứ làm như vậy, nhưng đã là con người thì không được phép quay lưng lại với đồng loại”. Trong câu nói đó của Mác, điều nổi bật lên là:

Rõ ràng giữa con người với con vật có một khác nhau cơ bản. Con vật có thú tính, còn con người thì có nhân tính. Nhân tính đòi hỏi sự quan tâm lẫn nhau, sự chia sẻ, thậm chí cả hy sinh cho nhau. Cái nhân tính đó tồn tại ở trong tất cả mọi người, kể từ khi con người lần đầu tiên xuất hiện trên trái đất.

Sau này, trong hàng loạt công trình lý luận, đối tượng nghiên cứu của Mác mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, chính trị và xã hội. Tuy vậy, con người vẫn là trung tâm, là mục tiêu của tất cả các công trình nghiên cứu của Mác. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sau: Sau khi Mác từ trần, một tổng biên tập một tờ báo lớn của Italia có phỏng vấn Ăngghen và đề nghị Ăngghen tóm tắt toàn bộ nội dung của học thuyết Mác. Ăngghen đã trả lời như sau: “Nếu cần tóm tắt toàn bộ học thuyết của Mác bằng một câu châm ngôn thật ngắn gọn, thì câu đó là: Chúng ta sẽ xây dựng một liên hiệp xã hội, ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do cho mọi người”. Như vậy đã quá rõ, trong lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung và trong triết học mác xít nói riêng, vấn đề con người chiếm một vị trí to lớn. Điều này giải thích một tư tưởng cực kỳ quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà lâu nay chúng ta quan tâm chưa đúng mức. Bác nói: “Dân tộc ta vốn sống với nhau rất có tình có nghĩa. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa đó càng phát triển... Học chủ nghĩa Mác-Lênin là phải biết sống với nhau cho có tình có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách Mác-Lênin mà sống không có tình nghĩa với nhau, thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”.

Đáng tiếc là trong quỹ đạo của tư duy cũ, chúng ta chậm phát hiện ra vấn đề này. Điều này ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển và hoàn thiện con người ở nước ta, đồng thời cũng làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin trở nên cứng nhắc, kém sức hấp dẫn. Chúng ta nên nhớ rằng, kẻ thù triết học của chủ nghĩa Mác luôn xuyên tạc chủ nghĩa Mác, coi chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa không có con người. Chính Antuysơ ở Pháp đã viết những cuốn sách xuyên tạc Mác, cho rằng theo Mác chỉ có giai cấp và con người giai cấp, chứ không có con người với tư cách là con người nói chung. Quan niệm sai lầm đó trước đây cũng đã tồn tại ở nước ta khi chúng ta chỉ tập trung nói đến giai cấp, mà coi nhẹ dân tộc và nhân loại. Điều đó để lại dấu ấn khá rõ trong các hoạt động về tư tưởng và văn hóa. Vì quá coi trọng nhân tố giai cấp đã có lúc chúng ta đánh giá không đúng các nhân vật, sự kiện và cả các công trình của lịch sử. Việc đối lập một cách giả tạo cái giai cấp với cái nhân loại cũng đã không thể giải thích một cách khách quan đúng đắn nhiều nhân vật, sự kiện của nhân loại. Quan niệm giai cấp luận đã một thời ảnh hưởng đến sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học ở nước ta. Những nhân vật trong văn học nghệ thuật thường được trình bày một cách đơn tuyến, một số chủ đề, đặc biệt chủ đề liên quan đến cuộc sống tâm tư tình cảm yêu đương ít được coi trọng… Cũng do nhận thức thiếu sót trên, trong nhiều thập kỷ trước đây, trong hoạt động thực tiễn, kể cả trong các chính sách, chúng ta coi con người như một phương tiện, chưa coi là động lực và mục tiêu.

Trong số các tác phẩm của Mác, có những tác phẩm trực tiếp bàn về con người. Ví dụ “Bản thảo kinh tế chính trị” (năm 1844), “Hệ tư tưởng Đức” và “Luận cương về Phoiơbách” (1845), “Tư bản” (1857). Trong số các tác phẩm đó, Mác đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về vấn đề con người, đó là vấn đề con người và sự tha hóa, vấn đề bản chất hiện thực của con người và lý thuyết về giải phóng và phát triển con người.

Theo Mác, kể từ khi con người đầu tiên trong lịch sử xuất hiện, thì nó đã mang theo nhân tính - tức tính người, tính nhân loại thuần túy của con người. Nhưng lịch sử đã qua và cho đến hiện nay vẫn là sự phân chia giai cấp, sự áp bức bóc lột, các cuộc chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau. Tình hình đó tạo ra những vấn đề nan giải đối với cuộc sống của loài người và của từng con người.

Chính trong bối cảnh đó, con người thường rơi vào tình trạng tha hóa, có nghĩa là đánh mất nhân tính vốn có của mình: Nhân cách bị méo mó, thú tính phát triển, con người thù hằn và tiêu diệt lẫn nhau. Ăngghen đã có lần nói: “Có nhân tính phổ biến không? Đương nhiên là có. Nhưng ở thời đại chúng ta cái nhân tính đó khó được biểu hiện ra”.

Trong tác phẩm “Tư bản”, Mác phân tích rất rõ và sâu sắc tình trạng tha hóa người công nhân, người vô sản trong kinh tế tư bản chủ nghĩa. Điều mà theo tôi, chúng ta cần thấy thêm là trong guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa thế kỷ XIX, không chỉ người công nhân làm thuê bị tha hóa, mà ngay cả nhà tư bản cũng bị tha hóa. Quá trình tha hóa ở đây diễn ra dưới ma lực của đồng tiền, của lợi nhuận. Chính Mác đã nói: nếu lợi nhuận 300% thì dù bị treo cổ, anh ta vẫn cứ làm.

Khi phân tích các tác phẩm bi kịch cổ đại Hy Lạp, Mác có nói một câu chí lý: “Một nguyên nhân quan trọng của bi kịch là sự dốt nát. Và tôi e rằng nhân loại còn tiếp tục rơi vào cảnh bi kịch do sự dốt nát của mình”. Lời cảnh báo đó đã được chứng thực trong thực tế lịch sử.

Khác với các quan điểm duy tâm, duy vật máy móc và siêu hình, Mác coi bản chất con người là sự tổng hòa của các quan hệ xã hội. Đây là luận điểm cực kỳ quan trọng không chỉ để giải thích con người mà còn để giải phóng, phát triển và hoàn thiện con người. Để khắc phục tình trạng tha hóa con người, thì điều cơ bản và tiên quyết là phải thay đổi những điều kiện kinh tế-xã hội đang từng ngày từng giờ đè nén con người, chà đạp con người. Với ý nghĩa đó, có người gọi tác phẩm “Tư bản” là lý thuyết về giải phóng con người.

* Sự vận dụng của đảng ta trong đưòng lối đổi mới đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, vấn đề con người, việc phát huy nhân tố con người đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động khoa học, giáo dục, văn hóa đã và đang được đầu tư thích đáng hơn, vì đó là những hoạt động gắn với chiến lược xây dựng con người. Tuy vậy, sự xuống cấp về đời sống tinh thần vẫn đang diễn ra trầm trọng. Có nghĩa là nhân tố con người vẫn chưa được phát huy. Trong tình hình đó, việc trở về với quan điểm của chủ nghĩa Mác về con người, chắc chắn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích.

Việc xây dựng và phát triển con người tất nhiên phải dựa vào văn hóa, phải xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ. Nhưng văn hóa lại không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Khó mà xây dựng một nền văn hóa lành mạnh khi các quan hệ kinh tế và chính trị chưa lành mạnh. Khó khăn mà chúng ta đang gặp phải hiện nay là vậy. Vì vậy vấn đề đặt ra một cách bức xúc là phải làm lành mạnh các quan hệ kinh tế và chính trị, phải chống các biểu hiện không lành mạnh trong kinh tế, chống các hiện tượng kinh doanh gian dối, lừa lọc, lối làm giàu bất chính. Phải đòi hỏi các hoạt động kinh tế phải quan tâm thường xuyên tới các hiệu quả xã hội. Lại phải chống tệ quan liêu, tham nhũng, móc ngoặc trong bộ máy Đảng và Nhà nước, phải thật sự phát huy dân chủ trong đời sống xã hội. Nói cách khác, phải làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Khi các quan hệ xã hội từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ trong lĩnh vực sản xuất vật chất đến lĩnh vực sản xuất tinh thần trở nên lành mạnh, thì sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng và phát triển con người mới có khả năng thực hiện. Mặt khác, việc xây dựng và phát triển con người lại tạo nên động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế và hoàn thiện hệ thống chính trị.

Khi nhân tính là nét cơ bản phân biệt con người với con thú, thì việc quan tâm giáo dục đạo đức phải 1à công việc đầu tiên trong xây dựng và phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài học vô cùng sâu sắc về vấn đề này. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh hết sức coi trọng chiến lược con người. Đối với Hồ Chí Minh, con người là mục tiêu, đồng thời là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Vì thế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết vũ trang cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc ta những giá trị đạo đức mới để làm nên cuộc đổi đời lịch sử”.

Việc quan tâm đến con người, đến các giá trị đạo đức đã trở thành nét đẹp trong truyền thống của dân tộc ta. Từ xa xưa, khi chế độ phong kiến còn thịnh trị, nhiều triều đại đã biết thực hiện chính sách thân dân. Nhiều điều luật trong Bộ Luật Hồng Đức (thế kỷ XV), nhiều chiếu chỉ của các vị vua anh minh, đều thể hiện sự quan tâm của triều đình đối với dân nghèo, răn đe các quan lại không được tham nhũng, hà hiếp dân. Khi Trần Hưng Đạo viết “Hịch tướng sĩ” thì tư tưởng cơ bản vẫn là thiết lập và củng cố mối quan hệ hòa đồng giữa tướng lĩnh và quân sĩ trước cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ non sông: “Hòa nước sông, chén rượu ngọt ngào”.

Một câu hỏi thường được đặt ra trong lịch sử: vì sao một dân tộc, đất không rộng, người không đông, đời sống vật chất có bao thiếu thốn, vậy mà vẫn giành được những chiến công huy hoàng khi phải đương đầu với kẻ thù xâm lược hung bạo từ bên ngoài? Câu trả lời nằm ngay trong lịch sử của dân tộc. Trước hết đó là triết lý sống của người ViệtNam: chủ nghĩa nhân văn, lòng nhân ái, việc coi trọng con người và các giá trị làm người. Từ triết lý sống đó sẽ đẻ ra chủ nghĩa yêu nước và hàng loạt những phẩm chất cao đẹp khác. Đúng như nhận xét của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Mỹ Giên-Phôn-đa, sau chuyến thăm miền Bắc Việt Nam năm 1972, khi cả nước ta đang lao vào cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ: “Chúng tôi tự hỏi tại sao và làm thế nào một nước nhỏ về địa lý như nước Việt Nam mà không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ, lại có thể ngăn chặn được sự tiến công hung bạo của đủ các loại vũ khí Mỹ. ấy là bởi vì các bạn biết tại sao các bạn chiến đấu, bởi vì các bạn đã đặt giá trị con người chứ không phải lợi nhuận hay bạo lực ở trung tâm của mọi sự vật”(*). Biết đặt con người ở trung tâm của mọi sự vật đã trở thành chuẩn mực có tính truyền thống cho việc hình thành đạo lý làm người và nhân cách con người của dân tộc ta. Sức mạnh ViệtNamcũng bắt nguồn từ đó.

Ngày nay lịch sử đã bước sang thời kỳ mới. Những thời cơ và thách thức mới lại đến với dân tộc ta. Trước tình hình đó, dân tộc ta phải vươn lên một tầm cao mới với những tố chất mới. Nhưng dù tầm cao đó là gì, và những nhân tố nào cần bổ sung, thì vẫn phải cắm rễ sâu vào cái nền tảng tinh thần vốn có của dân tộc: triết lý sống và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #cau8th