Câu 6 Cồng chiêng Tây nguyên

          Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm, loại cực đại từ 90 đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn

          Ở người Mường và nhiều tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. 1bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.

           Ở nhiều tộc chỉ nam giới mới được đánh cồng chiêng. Dàn cồng sắc bùa của người Mường lại do nữ giới diễn tấu. Các kiêng kỵ trong cách sử dụng cồng chiêng cũng khác biệt ở mỗi tộc.

          Với tộc Mường và nhiều tộc ở Tây Nguyên cồng chiêng có một ý nghĩa lớn và giá trị cao. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn.

          Ở Trường Sơn - Tây Nguyên âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.

          Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005

          Sự kiện này cũng tạo ra rất nhiều thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam và ngành du lịch cũng tận dụng điều này để quảng bá thêm hình ảnh, nhằm tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I-2009 được tổ chức tại TP Pleiku,  quy tụ nhiều đoàn cồng chiêng trong nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Festival Cồng chiêng Quốc tế là một sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế.

Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ I còn là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, là sự kiện văn hoá quan trọng ở khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Tuy nhiên, bài toán bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cực kỳ phức tạp, vất vả. Cần phải nhận thức rằng bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là trách nhiệm của toàn xã hội và cũng là cam kết của chúng ta với cộng đồng thế giới.

          Festival Cồng chiêng Quốc tế đầu tiên ở Gia Lai với qui mô lớn, diễn ra trong nhiều không gian khác nhau. Trước Festival nhiều hoạt động về thương mại, văn hóa sẽ diễn ra như khai trương Bảo tàng tỉnh, khai mạc triển lãm "Không gian văn hóa của các dân tộc có cồng chiêng ở Việt Nam", triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và "Tây Nguyên tự tình";  khai mạc Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm sinh vật cảnh…

Là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên có khả năng hấp dẫn, thu hút khách du lịch rất lớn. Đây cũng là cơ hội tốt để tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản: tạo ra các tour du lịch, đưa khách du lịch đến xem, nghe trình diễn cồng chiêng tại cộng đồng, in ấn, xuất bản những sản phẩm như sách, băng đĩa, tờ rơi... để khai thác tiềm năng kinh tế của di sản, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top