Câu 5: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc

1. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc

a. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng ở thuộc địa

Bằng phương pháp lịch sử cụ thể, bám sát thực tiễn cách mạng thuộc địa. Hồ Chí Minh nhận thấy sự phân hóa giai cấp ở các nước thuộc địa phương Đông không giống như ở các nước phương Tây. Các giai cấp ở thuộc địa có sự khác nhau ít nhiều nhưng giữa họ vẫn có sự tương đồng lớn là đều chịu chung số phận là người nô lệ mất nước.

Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa phương Đông là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân. Do vây, “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”.

Đối tượng của cách mạng ở thuộc địa không phải là giai cấp tư sản bản xứ, càng không phải là giai cấp địa chủ nói chung, mà là chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.

Cách mạng xã hội là lật đổ nền thống trị hiện có và thiết lập một chế độ xã hội mới. Cách mạng ở thuộc địa trước hết phải “lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc”, chứ chưa phải là cuộc cách mạng xóa bỏ sự tư hữu, sự bóc lột chung.

Yêu cầu bức thiết của nhân dân các nước thuộc địa là độc lập dân tộc. Trong phong trào cộng sản quốc tế, có quan điểm cho rằng “vấn đề cơ bản của cách mạng thuộc địa là vấn đề nông dân” và chủ trương nhấn mạnh vấn đề ruộng đất, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp.

Ở các nước thuộc địa, nông dân là lực lượng đông đảo nhất. Nông dân có 2 yêu cầu: độc lập dân tộc và ruộng đất, nhưng họ luôn đặt yêu cầu độc lập dân tộc cao hơn yêu cầu ruộng đất.

Tất cả các giai cấp và tầng lớp khác đều có nguyện vọng chung là “cứu giống nòi” ra khỏi cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Việc cứu nước là việc chung của cả dân tộc bị áp bức.

Mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa là mâu thuẫn dân tộc quy định tính chất và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng ở thuộc địa là giải phóng dân tộc.

- Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc phân biệt ba loại cách mạng: cách mạng tư sản, cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời, Người nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc.

- Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo xác định những nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, nhưng nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc. Trong tư duy chính trị của Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

- Hội nghị lần thứ 8, BCH TƯ Đảng (5-1941) do Hồ Chí Minh chủ trì kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, nhấn mạnh đó là “nhiệm vụ bức thiết nhất”.

- Trong nhiều bài nói, bài viết thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc:

+ Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người khẳng định: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập nhất định thành công”.

+ Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người nêu rõ: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum hợp một nhà”.

b. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc

Cách mạng giải phóng dân tộc nhằm đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và thiết lập chính quyền của nhân dân

Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba, vì Quốc tế thứ ba có chủ trương giải phóng dân tộc bị áp bức.

Mục tiêu cấp thiết của cách mạng ở thuộc địa chưa phải là giành quyền lợi riêng biệt của mỗi giai cấp, mà là quyền lợi chung của toàn dân tộc. Đó là những mục tiêu của đấu tranh dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc, đáp ứng nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, do những hạn chế trong nhận thức về thực tiễn của cách mạng thuộc địa, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng giáo điều, “tả khuynh”, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng (10-1930) đã phê phán những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng, chủ trương “thay đổi chiến lược”, từ nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sang nhấn mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng như những thắng lợi trong 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 trước hết là thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh.

2. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản

a. Rút bài học từ sự thất bại của các con đường cứu nước trước đó

Tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm con đường cứu nước mới.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị biến thành thuộc địa, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, Hồ Chí Minh được chứng kiến các phong trào cứu nước của ông cha, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của họ nhưng Hồ Chí Minh không tán thành các con đường cứu nước đó mà quyết tâm tìm một con đường mới.

Đoạn tuyệt với sự phát triển theo con đường của chủ nghĩa phong kiến, Hồ Chí Minh đến với nhiều quốc gia và châu lục trên thế giới.

b. Cách mạng tư sản là không triệt để

Trong khoảng 10 năm đến với nhân loại cần lao đang tranh đấu ở nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp tìm hiểu lý luận và khảo sát thực tiễn, nhất là ba nước tư bản phát triển: Anh, Pháp, Mỹ.

Người đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp. Người nhận thấy: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi lẽ đó, Người không đi theo con đường cách mạng tư sản.

c. Con đường giải phóng dân tộc

Hồ Chí Minh thấy được cách mạng tháng Mười Nga không chỉ là một cuộc cách mạng vô sản, mà con là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nó nêu tấm gương sáng về sự giải phóng các dân tộc thuộc địa và “mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.

Người “hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba” chính vì Lênin và Quốc tế thứ ba đã “bênh vực cho các dân tộc bị áp bức”. Người thấy trong lý luận của Lênin một phương hướng mới để giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản.

Trong bài Cuộc kháng Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cua cách mạng thế giới”.

Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu và của các  nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Hồ Chí Minh đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và lựa chọn khuynh hướng chính trị vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “…chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

3. Cách mạng trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo

a. Cách mạng trước hết phải có Đảng

Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công… việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại” là “việc to tát” nên phải gắng sức. “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì chắc làm được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong”. Muốn làm cách mạng thì phải bền gan, đồng chí, đồng lòng và quyết tâm, “lại phải biết cách làm thì làm mới chóng”.

“Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó, khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí làm thì làm được”.

Nhưng muốn làm cách mệnh, “trước phải làm cho dân giác ngộ… phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”. “Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân… Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”.

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người khẳng định: “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

b.  Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất

Đầu 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt”, có tổ chức chặt chẽ, kỹ luật nghiêm minh và mật thiết liên lạc với quần chúng.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Kết hợp lý luận Mác – Lênin về Đảng Cộng sản với thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trên một loạt vấn đề vê cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nên một lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Lý luận đó không chỉ được truyền bá trong phong trào công nhân mà cả trong phong trào yêu nước, giải quyết vấn đề đường lối cứu nước gắn liền với sự chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam, sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Phát triển sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về Đảng Cộng sản, Người cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng của giai cấp vô sản”, đồng thời là “Đảng của dân tộc Việt Nam”. “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.

- Khi khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng, bổ sung thêm cho lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về Đảng Cộng sản, định hướng cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng có sự gắn kết chặt chẽ với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động và cả dân tộc trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Mọi người Việt Nam yêu nước, dù là đảng viên hay không đều cảm nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của Bác Hồ, là đảng của mình, và đều gọi đảng là “Đảng ta”.

- Hồ Chí Minh đã xây dựng được một Đảng cách mạng tiên phong, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, gắn bó với nhân dân, với dân tộc, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân được dân tộc thừa nhận là đội tiên phong của mình.

- Ngay từ khi mới ra đời, Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh của toàn giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam. Đó là một đặc điểm và đồng thời là một ưu điểm của Đảng. Nhờ đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam và trở thành nhân tố hàng đầu bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng.

4. Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc

a. Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức

- Năm 1924, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến một cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân. Người cho rằng: “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương: 1-Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng…”

- Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán việc lấy ám sát cá nhân và bạo động non làm phương thức hành động, “hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen ỷ lại mà quên tính tự cường”. Người khẳng định “cách mệnh là việc chung của cả dân tộc chức không phải việc một hai người”.

- Trong cách mạng tháng Tám 1945 cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Chí Minh lấy nhân dân làm nguồn sức mạnh.

- Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của quần chúng nhân dân trong khởi nghĩa vũ trang, Người coi sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của quần chúng là then chốt đảm bảo thắng lợi. Người khẳng định: “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”. “Phải dựa vào nhân dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”. “Chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc”.

b. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người xác định lực lượng cách mạng bao gồm cả dân tộc:

- Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, tập hợp đại bộ phận nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông… đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập.

- Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như đảng lập hiến) thì phải đánh đổ.

- Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạnh của công nhân và nông dân. Người phân tích: các giai cấp công nhân và nông dân có số lượng đông nhất, nên có sức mạnh lớn nhất. Họ lại bị áp bức bóc lột nặng nề nhất, nên “lòng cách mạng càng bền, chí cách mệnh càng quyết… Công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. Từ đó, Người khẳng định: công nông “là gốc cách mệnh”. Khẳng định vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân là một vấn đề hết sức mới mẻ so với nhận thức của những nhà yêu nước trước đó.

- Trong khi hết sức nhấn mạnh vai trò của công nhân và nông dân, Hồ Chí Minh không coi nhẹ khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc của các giai cấp và tầng lớp khác. Người coi tiểu tư sản, tư sản dân tộc và một bộ phận giai cấp địa chủ là một đồng minh của cách mạng. Người chỉ rõ: “…học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạn ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”.

5. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc

a. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo

- Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền (đế quốc chủ nghĩa), nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu bức thiết về thị trường. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Các nước thuộc địa trở thành một trong những nguồn sống của chủ nghĩa đế quốc.

- Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản đế quốc đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ công nhân rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”. “… nọc độc và sức sống của con gắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”.

- Người chỉ rõ: trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, cách mạng thuộc địa có tầm quan trọng đặc biệt. Nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn. Theo Người, phải “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”

-  Tại phiên họp thứ 22 Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1-7-1924), Nguyễn Ái Quốc phê phán các đảng cộng sản ở Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản ở các nước có thuộc địa chưa thi hành chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, trong khi giai cấp tư sản các nước đó đã làm tất cả để kìm giữ các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng áp bức.

-  Trong khi yêu cầu Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản quan tâm đến cách mạng thuộc địa, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nổ lực tự giải phóng.

- Vận dụng công thức của C. Mác: “Sự giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân”, Người đi đến luận điểm: “Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa) chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”.

- Tháng 8-1945, khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Người kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người nói: “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình… Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

b. Quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc

Trong phong trào cộng sản quốc tế đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc. Quan điểm này vô hình trung đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa.

Theo Hồ Chí Minh, giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Đó là mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan hệ lệ thuộc, hoặc quan hệ chính - phụ.

Nhận thức đúng vai trò, vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa và sức mạnh dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Đây là một luận điểm sáng tạo, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn; một cống hiến rất quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã được thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong gần một thế kỷ qua chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

6. Cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực

a. Tính tất yếu của bạo lực cách mạng

-   Các thế lực đế quốc sử dụng bạo lực để xâm lược và thống trị thuộc địa, đàn áp dã man các phong trào yêu nước. “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”. Chưa đánh bại được lựclượng và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng thì chưa có thể có thắng lợi hoàn toàn. Vì thế, con đường để giành và giữ độc lập dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng bạo lực.

- Đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động của bọn đế quốc và tay sai, Hồ Chí Minh vạch rõ tính tất yếu của bạo lực cách mạng: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.

- Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng.

- Hình thức của bạo lực cách mạng bao gồm cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhưng phải “Tùy tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng”.

- Trong cách mạng Tháng Tám, bạo lực thể hiện bằng khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh vũ trang với lực lượng chính trị là chủ yếu. Đó là công cụ để đập tan chính quyền của bọn phátxít Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

b.  Tư tưởng bạo lực cách mạng gắn bó hữu cơ với tư tưởng nhân đạo và hòa bình

- Tư tường Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng khác hẳn tư tưởng hiếu chiến của các thế lực đế quốc xâm lược. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, Người luôn tranh thủ khả năng giành và giữ chính quyền ít đổ máu. Người tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, chủ động đàm phán, thương lượng, chấp nhận những nhượng bộ có nguyên tắc.

- Việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng.

Tóm lại: Tư tưởng bạo lực cách mạng và tư tưởng nhân đạo hòa bình thống nhất biện chứng với nhau. Yêu thương con người, yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý, tranh thủ mọi khả năng hòa bình để giải quyết xung đột, nhưng một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải kiên quyết tiến hành chiến tranh, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng, dùng khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng để giành, giữ và bảo vệ hòa bình, vì độc lập, tự do.

c. Hình thái bạo lực cách mạng

- Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc “lực lượng chính trị là dân”. Người chủ trương tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân.

- Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hình thái của bạo lực cách mạng.

+ Trong chiến tranh, “quân sự là việc chủ chốt”, nhưng đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. “Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị sẽ làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn”.

+ Đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, có tác dụng thêm bạn bớt thù, phân hóa và cô lập kẻ thù, phát huy yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế. Hồ Chí Minh chủ trương “vừa đánh vừa làm”, “đánh là chủ yếu, đàm là hổ trợ”.

+ Đấu tranh kinh tế là ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta, phá hoại kinh tế của địch. Người kêu gọi “hậu phương thi đua với tiền phương”, coi “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, “tay cày tay súng, ra sức phát triển sản xuất để phục vụ kháng chiến”.

+ Chiến tranh về mặt văn hóa hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng.

-   Trước những kẻ thù lớn mạnh, Hồ Chí Minh chủ trương sử dụng phương châm chiến lược đánh lâu dài.

+ Tự lực cánh sinh cũng là một phương châm chiến lược rất quan trọng, nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư tưởng bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài.

+ Độc lập tự chủ, tự lực tự lượng kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế là một quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: