câu 5

Câu 5: Vấn đề môi trường sinh thái và đời sống xã hội? liên hệ bản thân (4đ)

Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới. Một thiên niên kỷ sẽ chứng kiến nhiều biến động dữ dội, mang tính chất toàn cầu mà các điều kiện và tiền đề đã được chuẩn bị từ những năm cuối của thiên niên kỷ trước đó. Đó là những biến đổi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, môi trường sống .. Những biến đổi này vừa tạo ra những cơ hội thuận lợi nhưng cũng vừa đặt ra những thách thức to lớn về nhiều mặt cho tất cả các nước.

Trong phạm vi bài này, tôi xin đề cập đến vấn đề: Mối quan hệ giữa môi trường sinh thái và đời sống xã hội.

Môi trường sinh thái là hệ sinh thái của môi trường địa lí, là nơi diễn ra sự cư trú và những hoạt động sống của con người. Trong quá trình sống, con người luôn luôn phải tái tạo sự cân bằng sinh thái để có thể tồn tại và phát triển bình thường.

Môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau giữa đất, nước, không khí và các cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Sự tương tác hoà đồng giữa các hệ thống của thiên nhiên tạo ra môi trường tương đối ổn định. Sự rối loạn bất ổn định ở một khâu nào đó trong hệ thống sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Con người và xã hội xuất thân từ tự nhiên, là một bộ phận của thiên nhiên. Hoạt động của con người và xã hội được xem là một khâu, một yếu tố trong hệ thống. Thông qua quá trình lao động, con người khai thác bảo vệ bồi đắp cho thiên nhiên. Cũng qua quá trình đó con người xã hội dần dần có sự đối lập với tự nhiên. Do tiếng gọi của những lợi ích nhất thời nào đó, cũng có thể là do sự hoạch định thiển cận về mặt chiến lược, trong không ít nền kinh tế đã nảy sinh tình trạng vô tình hoặc cố ý không tính đến tương lai của chính mình. Người ta khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tối đa, vay mượn cả tài nguyên của các thế hệ tương lai, bất chấp quy luật tự nhiên và đạo lý xã hội, gạt sang một bên những bài toán về môi sinh và những lợi ích chính đáng của thế hệ sau. Đầu tư nhằm vào những lĩnh vực sinh lợi nhanh được kêu gọi một cách ồ ạt, đẩy trách nhiệm trả nợ cho thế hệ kế tiếp. Lợi ích trước mắt được quan tâm quá mức, gây nên tình trạng phát triển thiếu cân đối hoặc phát triển theo kiểu "bong bóng xà phòng". Vô tình hay hữu ý, con người càng phá huỷ môi trường sống của chính mình một cách nghiêm trọng. MTST hiện nay có những vấn đề ảnh hưởng rất xấu đến con người và xã hội, đó là vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự ô nhiễm môi trường.

1. Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Con người sống, đương nhiên phải tác động vào tự nhiên, khai thác tự nhiên theo nhu cầu sống của mình. Song, sự tác động của con người vào tự nhiên có 2 hướng, nếu con người tác động vào tự nhiên theo đúng quy luật của nó: bảo đảm sự cân bằng sinh thái, đảm bảo sự hài hoà giữa con người và tự nhiên thì sẽ làm cho thiên nhiên ngày càng phong phú, không ngừng phát triển bền vững. Đó là sự tác động đúng hướng, hợp quy luật. Ngược lại, con người tác động vào tự nhiên theo hướng thái quá, cực đoan, xem tự nhiên như là một cái kho của cải vô tận, vô chủ, mạnh ai nấy khai thác tất yếu dẫn đến hành động tàn phá tự nhiên một cách vô nhân tính. Hiện con người đang tác động vào tự nhiên theo hướng này là chính, là chủ yếu.

Với mức độ khai thác và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, chẳng mấy chốc, tài nguyên thiên nhiên sẽ đến cái ngưỡng của sự cạn kiệt. Lúc đó, con người và xã hội loài người sẽ tồn tại sao đây?

2. Sự ô nhiễm môi trường.

Với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thái quá, cực đoan, phá vỡ sự cân bằng sinh thái, tất yếu tự nhiên sẽ trả thù một cách tương ứng. Môi trường của chúng ta đang bị suy thoái rất nặng nề.

Trước hết là sự suy thoái tầng ozon. Tầng ozon là lớp khí (O3) rất dày bao bọc lấy Trái đất và có tác dụng như là một cái đệm bảo vệ Trái đất khỏi những tia cực tím của mặt trời chiếu xuống Trái đất. Có thể nói nếu không có tầng ozon thì sự sống trên trái đất không tồn tại (tầng ozon đã hấp thụ 99% lượng bức xạ tia cực tím của mặt trời chiếu xuống trái đất). Tầng ozon bị suy thoái sẽ tác động mạnh đến mọi sinh vật trên trái, làm tăng thêm các bệnh tật, làm giảm khả năng miễn dịch của con người. Vấn đề suy giảm tầng ozon đã và đang đụng chạm đến một trong những vấn đề nhức nhối và bức xúc nhất của nhân loại - vấn đề bệnh tật trong điều kiện xã hội phát triển. Chẳng hạn ung thư vẫn đang được thế giới coi là bệnh nan y. Sư suy thoái tầng ozon đã làm cho nhiều quốc gia thức tỉnh và lo ngại. Đầu năm 1987, 27 nước đã ký công ước Viên về việc bảo vệ tầng ozon.

Thứ hai là hiện tượng "hiệu ứng nhà kính". Trái đất và khí quyển được xem như là một nhà kính khổng lồ, trong đó trái đất có nguy cơ bị đốt nóng lên. Nhiệt độ của trái đất tăng lên được gọi là hiện tượng "hiệu ứng nhà kính". Nguyên nhân của hiện tượng này là do sử dụng nhiều các nguyên liệu hoá thạch, do sự giảm sút diện tích rừng xanh ..., lượng khí thải độc CO2, CH4, CFC3.. vào thiên nhiên ngày càng nhiều.

Trong thế kỷ này, nhiệt độ của trái đất tăng lên từ 0,30C đến 0,70C so với thế kỷ trước. Các nhà khoa học dự đoán rằng đến năm 2030 nếu lượng khí CO2 tăng lên hai lần thì nhiệt độ tăng từ 1,50C đến 4,50C. Khi nồng độ khí CO2 trong khí quyển tăng lên, một phần nhiệt độ của trái đất bốc lên gặp khí CO2 sẽ phản chiếu trở lại đốt nóng trái đất. Nhiệt độ của trái đất tăng lên sẽ làm tan khối lượng khổng lồ ở hai cực và làm cho mực nước biển dâng lên. Mực nước biển dâng lên là nguy cơ đe doạ rất nhiều quốc gia và đời sống của hàng triệu dân trên thế giới.

Hiện tượng "hiệu ứng nhà kính" gắn liền với một hiện tượng ô nhiễm môi trường khác không kém phần nguy hiểm đó là mưa axít. Trong các chất khí thải vào khí quyển, đặc biệt có SO2 và NO2 theo hơi nước bốc lên cao, chúng bị oxy hoá và thuỷ phân tạo thành axít, gặp lạnh mưa xuống đất. Mưa axít có tác hại rất lớn đến các thế hệ sinh thái nông nghiệp, làm giảm năng suất mùa màng, có nơi còn bị mất trắng, làm giảm chất lượng cây trồng và vật nuôi, phá hoại nặng nề các cánh rừng ôn đới phía Bắc bán cầu. Mưa axít còn làm ô nhiễm các đường ống nứoc uống và nước sinh hoạt của con người và sinh vật, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của con người.

Ngoài ra sự suy thoái môi trường còn thể hiện ở sự ô nhiễm nguồn nước sạch. Tổng lượng nước trên toàn cầu là 1.360 triệu km3, trong đó lượng nước ngọt chỉ chiếm trên dưới 3% và con người chỉ sử dụng được khoảng 1% để phục vụ nhu cầu của xã hội. Thế nhưng 1% đó đang bị ô nhiễm bởi các chất thải trong sinh hoạt, trong sản xuất... Như các hoá chất dùng trong công nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón hoá học dùng trong nông nghiệp...

Nguyên nhân chính dẫn đến một loạt sự suy thoái môi trường sinh thái trên, trước hết phải kể đến sự phát triển của công nghiệp ồ ạt, đặc biệt là các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Mỗi năm hoạt động sản xuất thải vào không khí 150 triệu tấn khí SO2, 200 triệu tấn CO2, 350.000 tấn CFC3... Những chất mà những yếu tố khác trong hệ thống, trong chỉnh thể môi trường sinh thái không thể hấp thụ được, nên đã gây tác hại đến tầng ozon, đến nguồn nước sạch...

Nguyên nhân thứ hai là tệ nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói rừng là nước cho đời sống của thực vật và cho sản xuất của xã hội, là không khí trong lành, rừng là năng suất mùa màng... Sự mất mát quá lớn của rừng tất yếu dẫn đến nghèo kiệt của đất đai và sự biến mất dần những sinh vật quý hiếm, sự tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển - một trong những chất khí quan trọng nhất gây nên "hiệu ứng nhà kính", làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất...

Một nguyên nhân nữa là do sự mất cân bằng tài nguyên và dân số. Dân số tăng nhanh đòi hỏi phải khai thác các tài nguyên tự do nhiều hơn nhịp điệu cao hơn, chất thải các loại tăng nhanh hơn dẫn tới phá vỡ cân bằng, vắt kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Tình trạng chạy đua vũ trang, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học cũng là nguyên nhân vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo khả năng huỷ diệt thiên nhiên thông qua chiến tranh xung đột.

Vấn đề khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, vàng, đá quý.. chính thức và tự do cũng đã và đang làm huỷ hoại môi trường sinh thái. Việc sử dụng mìn khai thác ở nhiều lĩnh vực đang làm phá sự cân bằng về hệ sinh thái môi trường

Việc dùng một lượng quá lớn hoá chất độc hại để diệt cỏ, diệt côn trùng, dùng thuốc kích thích sinh trưởng,... đã gây độc hại cho sinh vật và con người, làm ô nhiễm trên diện rộng môi trường đất và nước.

Việc sử dụng nhiên liệu: xăng, dầu, khí đốt hoá lỏng, than đá,... sẽ thải một lượng CO2 khổng lồ làm ô nhiễm bầu không khí, khí quyển. Điều đó tất yếu dẫn đến hiện tượng hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozon, mưa axit, sự tăng nhiệt độ toàn cầu, sự sa mạc hoá,... Đó là bằng chứng chứng minh rằng, con người đang tàn phá giới tự nhiên một cách vô ý thức.

Ở các nước phát triển, hiểm hoạ sinh thái là do sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, do sự phát triển tự phát của nền văn minh công nghiệp, thì ở Việt Nam, hiểm hoạ sinh thái là do sự kết hợp giữa phát triển và lạc hậu, do ảnh hưởng còn nặng nề của nếp suy nghĩ, nếp làm của người sản xuất nhỏ và lối sống công nghiệp còn chưa ổn định, chưa hoàn thiện. Thiên nhiên nước ta trước đây bị phá hoại bởi những cuộc chiến tranh kéo dài, còn bây giờ bị phá hoại bởi những hoạt động vô ý thức, bởi thái độ tuỳ tiện vô trách nhiệm, thiếu kế hoạch trong việc khai thác và sử dụng các nguồn thiên nhiên. Trước năm 1945, ở nước ta, rừng bao phủ 43,8% diện tích che phủ còn 28% (tức là dưới mức báo động 30%). Diện tích đất trồng đồi trọc đang bị xói mòn mạnh, lên khoảng 13,4 triệu ha. Nguyên nhân chính là do du canh du cư, lấy gỗ, củi, mở mang giao thông, xây dựng thuỷ điện..

Như vậy, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề sống còn của nhân loại, đã trở thành vấn đề có tính bức bách của mỗi quốc gia. Mọi quá trình phát triển sẽ trở nên không bền vững nếu như chúng ta không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường sống, trước hết chúng ta cần phải thay đổi nhận thức - xây dựng ý thức sinh thái. Tức là làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Con người cần phải nhận thức lại vị trí vai trò của mình và xã hội trong hệ thống tự nhiên - con người - xã hội. Cần phải nhận thức lại một cách nghiêm túc và sâu sắc rằng con người và xã hội dù có phát triển đến đâu, đến mức cao như thế nào đi chăng nữa, thì cũng chỉ là một bộ phận của sinh quyển, là những yếu tố trong hệ thống Tự nhiên - Con người - Xã hội, các yếu tố trong hệ thống có mối quan hệ khăng khít và tác động phụ thuộc lẫn nhau. Con người xã hội dù có sức mạnh nhưng hành động của họ cũng không thể vượt ra ngoài hệ thống mà con người phải biết vận dụng thế mạnh của mình - dạng vật chất duy nhất có ý thức, do đó chỉ có con người mới có khả năng điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Thông qua quá trình phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ con người dân dần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào hoạt động thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho sự phát triển xã hội.Thứ hai, cần phải kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu sinh thái trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.Thứ ba, nên sản xuất xã hội cần phải thực hiện thêm chức năng tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đứng trước vấn nạn môi trường hiện nay, thiết nghĩ chúng ta với những hành động thiết thực, cụ thể, hãy góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, ngay từ bây giờ, tại chính trường Đại học PCCC này. Với tư cách là học viên của trường đại học PCCC, tôi mạnh dạn đề xuất các giải pháp sau:

1.Tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong khuôn viên nhà trường, nơi ở, nơi cư trú.

- Chăm sóc cây xanh, hoa cảnh, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường: Làm cỏ, cắt tỉa lá vàng, cành khô, vun đất, cho phân bón,...

- Quét dọn và thu gom rác thải trong và ngoài khuôn viên nhà trường: sân trường, đường đi, khu vui chơi giải trí, quanh khu làm việc, ký túc xá sinh viên,...trước cổng trường, vỉa hè dọc hành lang của trường, đường lộ trước trường, khuôn viên công cộng,...

- Bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, vệ sinh cống thoát nước, hệ thống nước thải.

- Quét dọn phòng học, lau chùi bàn ghế, bảng của phòng học, bàn ghế cửa phòng làm việc nhà công vụ,...

- Tổ chức phát quang, làm thông thoáng môi trường sống.

2.Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường

Nội dung của cuộc thi bao gồm hiểu biết về các vấn đề sau:

- Quan điểm của Đảng về vấn đề môi trường toàn cầu, khu vực, quốc gia lãnh thổ và từng địa phương.

- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên thế giới.

- Luật Bảo vệ môi trường

- Hiểu biết của sinh viên về những vấn đề môi trường hiện nay: con người, tài nguyên, khai thác, sử dụng tài nguyên, những vấn đề về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, các biện pháp để hạn chế, khắc phục và duy trì ổn định, phát triển bền vững của môi trường

- Nhận thức và thể hiện bằng hành động của sinh viên với môi trường toàn cầu, với đất nước Việt Nam và khu vực địa phương nơi trường đóng.

- Sự quan tâm của sinh viên với những vấn đề đã và đang nảy sinh hiện nay về môi trường, ô nhiễm môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ môi trường trong các trường học các cấp học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học.

- Những vấn đề khác có liên quan đến môi trường

-Thi tiểu phẩm tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường.

3.Tổ chức tìm hiểu thực trạng về cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường trong trường và khu vực quanh trường.

4.Tổ chức cho sinh viên thực hiện công tác nghiên cứu khoa học

Mục đích của hoạt động này là nhằm giáo dục sinh viên có hiểu biết về pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, có kiến thức về môi trường để tự giác thực hiện bảo vệ môi trường thông qua công tác nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói riêng đã trở thành vấn đề thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia, mọi cộng đồng trên hành tinh. Đấy là vấn đề sống còn của nhân loại. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho tầng lớp học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục ở nhà trường là mục tiêu cần được chú ý và ưu tiên.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và học sinh, sinh viên là việc là có ý nghĩa thiết thực nhằm đảm bảo sự trường tồn của trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #63i