câu 5
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, xác định ba vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết trong xây dựng Đảng. Trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Đối tượng tác động của Nghị quyết chính là cán bộ, đảng viên, trong đó có một bộ phận không nhỏ bị tha hoá, biến chất trong đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, tham ô, tham nhũng, hối lộ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đấu tranh chống tham ô, tham nhũng là một mắt khâu quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, góp phần vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh cam go này, cần phát huy dân chủ trong nhân dân, bởi theo Hồ Chí Minh, dân chủ là “chìa khoá vạn năng”.
Tham nhũng (1) là hành vi lợi dụng chức quyền để tham ô tài sản, đòi hối lộ, nhận hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân, đục khoét nhân dân của những cán bộ, công chức đã bị tha hóa trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và bộ máy công quyền của Nhà nước. Đây là “căn bệnh dễ mắc, khó chữa” và vô cùng nguy hiểm, nó có thể làm hủy hoại danh dự một cá nhân, mất uy tín một đảng chính trị, thậm chí, như V.I. Lênin cảnh báo: “Có thể làm sụp đổ cả chế độ”.
Bởi là một căn bệnh luôn luôn tồn tại ký sinh ở bất cứ thể chế xã hội nào, chế độ chính trị nào, cho nên từ lâu người ta đã cảnh báo, đề phòng tệ tham nhũng. Ngày nay, vấn nạn tham nhũng được cảnh báo là một “quốc nạn”. Sinh thời, V.I. Lênin đã từng lên án một vụ án xử tham nhũng có phần nương nhẹ: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy - đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng" (2). Trong thư gửi cho cán bộ Tư pháp, Lênin viết: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác). ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn tham ô, tham nhũng. Theo Người, tham nhũng là một trong nhiều biểu hiện của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân; tham nhũng đồng nghĩa với tham ô, thói xa hoa thối nát, sự bóc lột dã man được che đậy dưới nhiều hình thức để lấy tiền công quỹ tiêu xài với mục đích cá nhân. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này làm bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (4).
Người chỉ ra nguồn gốc của tệ tham nhũng bắt đầu từ tư tưởng ngại gian khổ, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, quan liêu, độc đoán chuyên quyền. Bên cạnh chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh còn cho rằng, tham nhũng là tàn dư xấu của xã hội cũ, xuất phát từ tư tưởng tự tư tự lợi, ích kỷ, hẹp hòi mà ra. Chính vì vậy, để phòng trừ, đấu tranh với tệ tham nhũng, phương thuốc hữu hiệu nhất, theo Người, là phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trên quan điểm đó, Hồ Chí Minh coi “dân chủ là chìa khóa vạn năng”, để chữa nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh tham nhũng. Tuy nhiên, vì tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nên phải coi việc chống tham nhũng cũng quan trọng như một mặt trận - mặt trận chính trị tư tưởng. Muốn thắng, ắt phải có chuẩn bị, có kế hoạch, tổ chức, phải có lãnh đạo và trung kiên. Theo Người, phải thực sự coi đây là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư với “kẻ địch” là tệ tham ô, tham nhũng. Do đó, phải huy động lực lượng, trí tuệ của nhân dân vào cuộc cách mạng này, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng để nhân lên cái tốt, cái tiến bộ và chống lại cái xấu như “chống giặc nội xâm”.
Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ và nhân dân tham gia trận chiến chống tham ô, tham nhũng, tạo nên một phong trào sâu rộng cùng “chống giặc nội xâm”. Người viết: “Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào...” (5).
Rõ ràng, trong vấn đề chống tham ô, tham nhũng, ngay từ đầu Hồ Chí Minh đã nhìn thấy đó là một kẻ địch tinh vi, nguy hiểm, muốn đấu tranh giành thắng lợi, thì nhất thiết phải động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người khẳng định: “Tham ô lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”; vì thế: “Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ...” (6).
Người coi việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng là chìa khóa đi đến thắng lợi, bởi trong cuộc đấu tranh chống những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ luôn luôn giấu mặt, tinh vi và có nhiều thủ đoạn, tất yếu phải nhờ vào tai, mắt, trí tuệ của nhân dân. Cho nên, vấn đề có tính chất quyết định đến thành công hay thất bại của mặt trận chống tham nhũng, là phải động viên, tập hợp được mọi lực lượng, mọi tầng lớp xã hội tham gia vào trận tuyến vô hình nhưng đầy quyết liệt và khó khăn này.
Đánh giá về vai trò, vị trí của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chống lãng phí quan liêu nói riêng, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (7). Người lại nói: "Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà còn phải học hỏi quần chúng". Song, Người cũng phân tích rất rõ ràng, quần chúng nhân dân chỉ phát huy sức mạnh khi họ được lãnh đạo, được tổ chức, được đoàn kết thành một khối thống nhất và khi được phát huy dân chủ. Vì như Hồ Chí Minh nói: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” (8); “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” (9).
Người khẳng định: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công” (10). Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải làm gì?
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người "không quan trọng"; và: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” (11). Mặt khác, trong bất kỳ công tác gì, đặc biệt là chống tham nhũng, phải: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi” (12).
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tình trạng vi phạm dân chủ trong hệ thống chính trị còn khá phổ biến. Đây chính là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nhận thức được vấn đề nghiêm trọng đó, trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta nhận định: Vấn nạn tham nhũng đã và đang gây hậu quả xấu đến sự phát triển về mọi mặt của đất nước, đặc biệt là làm mất lòng tin giữa Đảng với dân. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức đang diễn ra nghiêm trọng” (13) .
Nhận rõ tính chất nguy hại của tệ tham nhũng, tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu, Đảng ta chủ trương: “Thi hành một cách kiên quyết và đồng bộ hệ thống các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bao gồm: Bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế - tài chính, về thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, tổ chức bộ máy gọn nhẹ; bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức. Khẩn trương và nghiêm chỉnh thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật khiếu nại, tố cáo. Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhúng bất kể ở chức vụ nào... có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham những, tiêu cực; biểu dương nhân rộng những gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (14).
Như vậy, chủ trương, đường lối của Đảng là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân vào nhiệm vụ chống tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trong những năm qua chưa mấy hiệu quả, nguyên nhân tại sao?
Có thể nói rằng, chúng ta quyết tâm chống tham nhũng, nhưng càng chống, dường như tham nhũng lại phát sinh ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng rộng. Điều đó còn cho thấy, trước hết là vai trò lãnh đạo của của nhiều cấp uỷ và tổ chức Đảng cơ sở còn yếu. Không ít cơ quan kiểm tra, thanh tra còn thiếu hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc tiêu cực.
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực này, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, có rất nhiều việc phải làm, trước hết là việc nâng cao trình độ “dân trí” và “Đảng trí”, tức là nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hai đối tượng quan trọng nhất: Lực lượng nhân dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Chỉ khi có trình độ nhận thức nhất định, nhân dân mới “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(15). Mặt khác, theo Hồ Chí Minh, khi: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân...” (16). Tức là, phải làm cho dân hiểu được chống tham nhũng vừa là nhiệm vụ, lại vừa là hành động bảo vệ quyền lợi của chính mình, khi đó lực lượng nhân dân sẽ trở thành lực lượng xung kích, đi đầu trên trận tuyến “chống giặc nội xâm”.
Về vấn đề nâng cao “Đảng trí”: Có thể nói rằng, thời kỳ “niềm tin đi trước hiểu biết” đã qua, nhận thức của xã hội nói chung và cán bộ, đảng viên, nhân dân nói riêng đã chuyển sang thời kỳ “niềm tin trên cơ sở hiểu biết”. Nếu như thời kỳ trước đây, người cán bộ làm công tác tuyên truyền chỉ cần phổ biến thông tin, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước là nhân dân tin tưởng và làm theo. Còn giờ đây, cùng một sự việc, nhưng nhân dân đòi hỏi phải được biết nhiều thông tin hơn, biết về cách thức tiến hành, về hiệu quả công việc để làm theo.
Tại sao có tình trạng đó? Là vì, trước đây Đảng ta có được niềm tin chính trị tuyệt đối của nhân dân. Đảng đã có những tấm gương cán bộ, đảng viên mẫu mực, xả thân vì sự nghiệp cách mạng, mà như Hồ Chí Minh nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tình hình bây giờ đã khác trước, với sự phát triển của khoa học công nghệ, thông tin, trình độ văn hoá, trình độ nhận thức của đảng viên, của nhân dân ngày càng được nâng cao. Người ta có thể dễ dàng tiếp cận cùng một lúc nhiều nguồn thông tin từ các kênh thông tin khác nhau. Những “tấm gương” xấu của những cán bộ, đảng viên tha hóa, đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân với chế độ.
Vì vậy, yêu cầu mở rộng dân chủ trở thành nhu cầu đòi hỏi chính đáng của nhân dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Dân chủ trở thành nguyên tắc quan trọng trong mọi hoạt động của Đảng. Đây là vấn đề mà Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn, trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì: “Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Cho nên, phải thường xuyên rèn luyện và “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đó là những yêu cầu tiên quyết, cần và đủ để sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội nói chung và lãnh đạo thực hiện dân chủ trong cơ chế thị trường hiện nay, nói riêng.
Tóm lại, muốn thành công trên mặt trận chống tham ô, tham nhũng, chúng ta cần phải thấu triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chống tham nhũng. Đồng thời, nhất thiết chúng ta: “Phải chỉnh đốn kỷ luật trong hàng ngũ ta, loại trừ hết những kẻ lười biếng, lũ ăn bám, bọn trộm cắp của công... Phải dùng những biện pháp tiết kiệm nhất, phải nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí... Cần phải có luật pháp để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh” (17) - như lời dạy của V.I.Lênin.
Cần khẳng định rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta nỗ lực phấn đấu trong hơn 25 năm qua và đã giành được những thành tựu to lớn và “có ý nghĩa lịch sử”. Tin tưởng rằng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, khi tinh thần dân chủ được phát huy, chúng ta sẽ thành công trong cuộc chiến cam go này, từng bước tiêu diệt được những “căn bệnh ký sinh” đó ra khỏi đời sống xã hội ta.
Kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 lần này cũng là bước rất quan trọng để chúng ta xử lý, “sàng lọc” cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, lấy lại niềm tin của dân với Đảng. Muốn vậy, hơn lúc nào hết đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhân dân ta phải phát huy quyền làm chủ, gần gũi, gắn bó chặt chẽ, sát cánh bên Đảng, kiên quyết loại trừ những ông “quan cách mạng” tham ô, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân ra khỏi Đảng. Giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trên đây, chắc chắn Đảng ta sẽ hoàn thành trọng trách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lãnh đạo trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top