Cau 4 Triet

Câu hỏi 4. Tại sao chúng ta gọi chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa Mác-Lênin?

Đáp. Sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen qua đời, V.I.Lênin là người bảo vệ, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Lênin hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, xét lại và giáo điều; là sự tiếp tục và là giai đoạn mới trong lịch sử chủ nghĩa Mác để giải quyết những vấn đề cách mạng vô sản trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

1) Nhu cầu bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác.

a) Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Bản chất bóc lột và thống trị của chủ nghĩa tư bản ngày càng tinh vi, tàn bạo hơn; mâu thuẫn đặc thù vốn có của chủ nghĩa tư bản ngày càng bộc lộ sâu sắc mà điển hình là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

b) Những năm cuối thế kỷ XIX, bước sang thế kỷ XX, có những phát minh vật lý mang tính vạch thời đại, làm đảo lộn căn bản quan niệm ngàn đời về vật chất. Đây là cơ hội để chủ nghĩa duy tâm tấn công chủ nghĩa Mác; một số nhà khoa học tự nhiên rơi vào tình trạng khủng hoảng về thế giới quan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành động của phong trào cách mạng.

c) Chủ nghĩa Mác đã được truyền bá vào nước Nga; nhưng những trào lưu như chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa xét lại v.v đã nhân danh đổi mới chủ nghĩa Mác để xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa đó.

Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu khách quan về việc khái quát những thành tựu khoa học tự nhiên để rút ra những kết luận về thế giới quan và phương pháp luận triết học cho các khoa học chuyên ngành; đấu tranh chống lại những trào lưu tư tưởng phản động và phát triển chủ nghĩa Mác đã được thực tiễn nước Nga đặt ra. Hoạt động lý luận của V.I.Lênin nhằm đáp ứng nhu cầu lịch sử đó.

2) Quá trình V.I.Lênin bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác được chia thành ba thời kỳ, tương ứng với ba nhu cầu khách quan của thực tiễn nước Nga.

a) Trong thời kỳ 1893-1907, V.I.Lênin tập trung phê phán tính duy tâm của phái “dân túy” về những vấn đề lịch sử-xã hội và chỉ ra rằng, qua việc xóa nhòa ranh giới giữa phép biện chứng duy vật với phép biện chứng duy tâm của Hêghen, phái dân túy đã xuyên tạc chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin cũng phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác về các hình thức đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản trước khi giành được chính quyền; trong đó các vấn đề về đấu tranh kinh tế, chính trị, tư tưởng được đề cập rõ nét; ông cũng phát triển chủ nghĩa Mác về những vấn đề như phương pháp cách mạng; nhân tố chủ quan và yếu tố khách quan; vai trò của quần chúng nhân dân; của các đảng chính trị trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

b) Trong thời kỳ 1907-1917, V.I.Lênin viết tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1909)- tác phẩm khái quát từ góc độ triết học những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên để bảo vệ và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác; phê phán triết học duy tâm chủ quan đang chống lại chủ nghĩa duy vật nói chung và chủ nghĩa duy vật biện chứng nói riêng. Trong tác phẩm, vấn đề cơ bản của triết học và phạm trù vật chất có ý nghĩa hệ tư tưởng và phương pháp luận hết sức to lớn. Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác về nhận thức, V.I.Lênin cũng chỉ ra sự thống nhất bên trong, không tách rời của chủ nghĩa duy vật biện chứng với chủ nghĩa duy vật lịch sử; sự thống nhất của những luận giải duy vật về tự nhiên, về xã hội, về con người và tư duy của nó. Trong tác phẩm Bút ký triết học (1914-1916), V.I.Lênin tiếp tục khai thác hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen để làm phong phú thêm phép biện chứng duy vật, đặc biệt là lý luận về sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Năm 1917, V.I.Lênin viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng bàn về vấn đề nhà nước chuyên chính vô sản, bạo lực cách mạng và vai trò của đảng công nhân và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; đưa ra tư tưởng về nhà nước Xôviết, coi đó là hình thức của chuyên chính vô sản; vạch ra những nhiệm vụ chính trị và kinh tế mà nhà nước đó phải thực hiện và chỉ ra những nguồn gốc vật chất của chủ nghĩa xã hội được tạo ra do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

c) Thời kỳ 1917-1924. Thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười (Nga) năm 1917 mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Sự kiện này làm nẩy sinh những nhu cầu mới về lý luận mà sinh thời C.Mác và Ph.Ăngghen chưa thể hiện; V.I.Lênin tiếp tục tổng kết thực tiễn để đáp ứng nhu cầu đó bằng các tác phẩm mà các nội dung chính của chúng cho rằng việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát toàn dân; tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa là những điều kiện cần thiết để chuyển sang xây dựng "chủ nghĩa xã hội kế hoạch". V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở của công cuộc xây dựng kinh tế; xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông nhấn mạnh tính lâu dài của thời kỳ quá độ, không tránh khỏi phải đi qua những nấc thang trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định vai trò kinh tế hàng hóa trong điều kiện nền sản xuất hàng hoá nhỏ đang chiếm ưu thế trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thấy sự quan liêu đã bắt đầu xuất hiện trong nhà nước công nông non trẻ, ông đề nghị những người cộng sản cần thường xuyên chống ba kẻ thù chính là sự kiêu ngạo, ít học và tham nhũng. V.I.Lênin cũng chú ý đến việc chống chủ nghĩa giáo điều khi vận dụng chủ nghĩa Mác nếu không muốn lạc hậu so với cuộc sống.

Di sản kinh điển của V.I.Lênin trở thành cơ sở cho việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của các đảng cộng sản. Thiên tài về lý luận và thực tiễn của V.I. Lênin trong việc kế thừa, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác được những người cộng sản đánh giá cao. Họ đặt tên cho chủ nghĩa của mình là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: