Câu 3: Quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư

Quá trình sản xuất giá trị thặng dư  

Mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là giá trị sử dụng, mà là giá trị, hơn nữa, cũng không phải là giá trị đơn thuần mà là giá trị thặng dư. Nhưng để sản xuất giá trị thặng dư, trước hết, nhà tư bản phải sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, vì giá trị sử dụng là vật mang giá trị và giá trị thặng dư.  

Vậy, quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư. C. Mác viết: "Với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất hàng hoá; với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, là hình thái tư bản chủ nghĩa của nền sản xuất hàng hoá"1.  

Quá trình sản xuất trong xí nghiệp tư bản đồng thời là quá trình nhà tư bản tiêu dùng sức lao động và tư liệu sản xuất mà nhà tư bản đã mua, nên nó có các đặc điểm: một là, công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản, giống như những yếu tố khác của sản xuất được nhà tư bản sử dụng sao cho có hiệu quả nhất; hai là, sản phẩm được làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản, chứ không thuộc về công nhân.  

Để hiểu rõ quá trình sản xuất giá trị thặng dư, chúng ta lấy việc sản xuất sợi của một nhà tư bản làm ví dụ. Nó là sự thống nhất giữa quá trình sản xuất ra giá trị sử dụng và quá trình lớn lên của giá trị hay là quá trình sản xuất giá thị thặng dư.  

Giả định để sản xuất 10 kg sợi, cần 10 kg bông và giá 10 kg bông là 10 $. Để biến số bông đó thành sợi, một công nhân phải lao động trong 6 giờ và hao mòn máy móc là 2 $; giá trị sức lao động trong một ngày là 3 $ và ngày lao động là 12 giờ; trong một giờ lao động, người công nhân tạo ra một lượng giá trị là 0,5 $; cuối cùng giả định trong quá trình sản xuất, sợi đã hao phí theo thời gian lao động xã hội cần thiết.  

Với giả định như vậy, nếu nhà tư bản chỉ bắt công nhân lao động trong 6 giờ, thì nhà tư bản phải ứng ra là 15 $ và giá trị của sản phẩm mới (10 kg sợi) mà nhà tư bản thu được cũng là 15 $. Như vậy, nếu quá trình lao động chỉ kéo dài đến cái điểm đủ bù đắp lại giá trị sức lao động (6 giờ), tức là bằng thời gian lao động tất yếu, thì chưa sản xuất ra giá trị thặng dư, do đó tiền chưa biến thành tư bản.  

Trong thực tế quá trình lao động không dừng lại ở điểm đó. Giá trị sức lao động mà nhà tư bản phải trả khi mua và giá trị mà sức lao động đó có thể tạo ra cho nhà tư bản là hai đại lượng khác nhau, mà nhà tư bản đã tính đến trước khi mua sức lao động. Nhà tư bản đã trả tiền mua sức lao động trong một ngày (12 giờ). Việc sử dụng sức lao động trong ngày đó là thuộc quyền của nhà tư bản.  

Nếu nhà tư bản bắt công nhân lao động 12 giờ trong ngày như đã thoả thuận thì:  

Chi phí sản xuất Giá trị sản phẩm mới (20 kg sợi)  

- Tiền mua bông (20 kg): 20$  

- Tiền hao mòn máy móc: 4$ - Tiền mua sức lao động trong một ngày: 3$  

Tổng cộng 27$ - Giá trị của bông được chuyển vào sợi: 20$  

- Giá trị của máy móc được chuyển vào sợi: 4$  

- Giá trị mới do lao động của công nhân tạo ra trong 12 giờ lao động: 6$  

Tổng cộng: 30$

Như vậy, toàn bộ chi phí sản xuất mà nhà tư bản bỏ ra là 27 $, còn giá trị của sản phẩm mới (20 kg sợi) do công nhân sản xuất ra trong 12 giờ lao động là 30$. Vậy 27 $ ứng trước đã chuyển hoá thành 30$, đã đem lại một giá trị thặng dư là 3$. Do đó tiền tệ ứng ra ban đầu đã chuyển hoá thành tư bản.  

Từ sự nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, có thể rút ra những kết luận sau đây:  

Một là, phân tích giá trị sản phẩm được sản xuất ra (20 kg sợi), chúng ta thấy có hai phần: Giá trị những tư liệu sản xuất nhờ lao động cụ thể của công nhân mà được bảo toàn và di chuyển vào sản phẩm mới gọi là giá trị cũ (trong ví dụ là 24 $). Giá trị do lao động trừu tượng của công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất gọi là giá trị mới (trong ví dụ là 6 $). Phần giá trị mới này lớn hơn giá trị sức lao động, nó bằng giá trị sức lao động cộng với giá trị thặng dư.  

Vậy giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. Quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư chỉ là quá trình tạo ra giá trị kéo dài quá cái điểm mà ở đó giá trị sức lao động do nhà tư bản trả được hoàn lại bằng một vật ngang giá mới.  

Hai là, ngày lao động của công nhân bao giờ cũng được chia thành hai phần: phần ngày lao động mà người công nhân tạo ra một lượng giá trị ngang với giá trị sức lao động của mình gọi là thời gian lao động cần thiết và lao động trong khoảng thời gian đó là lao động cần thiết. Phần còn lại của ngày lao động gọi là thời gian lao động thặng dư, và lao động trong khoảng thời gian đó gọi là lao động thặng dư.  

Ba là, sau khi nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, chúng ta nhận thấy mâu thuẫn của công thức chung của tư bản đã được giải quyết: việc chuyển hoá của tiền thành tư bản diễn ra trong lưu thông, mà đồng thời không diễn ra trong lĩnh vực đó. Chỉ có trong lưu thông nhà tư bản mới mua được một thứ hàng hoá đặc biệt, đó là hàng hoá sức lao động. Sau đó nhà tư bản sử dụng hàng hoá đặc biệt đó trong sản xuất, tức là ngoài lĩnh vực lưu thông để sản xuất ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Do đó tiền của nhà tư bản mới chuyển thành tư bản.  

Việc nghiên cứu giá trị thặng dư được sản xuất ra như thế nào đã vạch ra rõ ràng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện hiện nay, do sự phát triển của công ty cổ phần, mà trong đó một bộ phận nhỏ công nhân cũng có cổ phiếu và trở thành cổ đông, đã xuất hiện quan niệm cho rằng không còn bóc lột giá trị thặng dư, chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi bản chất. Dựa vào đó một số học giả tư sản đưa ra thuyết "Chủ nghĩa tư bản nhân dân". Song, trên thực tế, công nhân chỉ có một số cổ phiếu không đáng kể, do đó họ chỉ là người sở hữu danh nghĩa không có vai trò chi phối doanh nghiệp, phần lớn lợi tức cổ phần vẫn nằm trong tay các nhà tư bản, thu nhập của công nhân chủ yếu vẫn là tiền lương

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: