Cau 3 CSVH
Câu 3: Trình bày sự hiểu biết của em về các vùng văn hoá Việt Nam.
Sự thống nhất do cùng cội nguồn đã tạo ra bản sắc chung của văn hoá Việt Nam, còn tính đa dạng của các tộc người lại làm nên những đặc trưng bản sắc riêng của từng vùng văn hoá. Có thể chia thành 6 vùng:
+) Vùng văn hoá Tây Bắc: là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng kéo dài tới bắc Thanh Nghệ. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú. Trong đó, các tộc Thái-Mường có thể xem là đại diện. Biểu tượng của vùng văn hoá này là hệ thống mương phai ngăn suối dẫn nước vào đồng; nghệ thuật trang trí tinh tế trên chiếc khăn piêu Thái, chiếc cạp váy Mường, bộ trang phục nữ H'Mông; là âm nhạc của các loại nhạc cụ bộ hơi (khèn, sáo...) và những điệu múa xoè.
+) Vùng văn hoá Việt Bắc: là khu vực bao gồm hệ thống núi non hiểm trở tả ngạn sông Hồng. Cư dân vùng này chủ yếu là người Tày, Nùng với trang phục tương đối giản dị, với lễ hội lồng tồng (xuống đồng) nổi tiếng; với hệ thống chữ Nôm Tày được xây dựng trong giai đoạn cận đại.
+) Vùng văn hoá Bắc Bộ: có hình một tam giác bao gồm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình và Sông Mã với dân Việt (Kinh) sống quần tụ thành làng xã. Đây là vùng đất đai trù phú, bởi vậy nó từng là cái nôi của văn hoá Đông Sơn thời thượng cổ, văn hoá Đại Việt thời trung cổ... với những thành tựu rất phong phú về mọi mặt. Nó cũng là cội nguồn của văn hoá Việt ở Nam Trung Bộ và Trung Bộ sau này.
+) Vùng văn hoá Trung Bộ: ở trên dải đất hẹp chạy dài theo ven biển từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Do khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên con người ở đây đặc biệt cần cù, hiếu học. Họ thạo nghề đi biển, bữa ăn của con người cũng giàu chất biển; dân vùng này thích ăn cay (để bù cho cá lạnh). Trước khi người Việt tới sinh sống, trong một thời gian dài, nơi đây từng là địa bàn cư trú của người Chăm với một nền văn hoá đặc sắc, đến nay còn để lại sừng sững những tháp Chăm.
+) Vùng văn hoá Tây Nguyên: nằm trên sườn đông của dải Trường Sơn, bắt đầu từ vùng Bình-Trị-Thiên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Ở đây có trên 20 tộc người nói các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo cư trú. Đây là vùng văn hoá đặc sắc với những trường ca, những lễ hội đâm trâu, với loại nhạc cụ không thể thiếu được là những dàn cồng chiêng phát ra những phức hợp âm thanh hùng vĩ đặc thù cho núi rừng Tây Nguyên.
+) Vùng văn hoá Nam Bộ: nằm trong lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long, với khí hậu hai mùa (khô - mưa), với mênh mông sông nước và kênh rạch. Các cư dân Việt, Chăm, Hoa tới khám phá đã nhanh chóng hoà nhập với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân bản địa (Khmer, Ma, Xtiêng, Chơro, Mnông). Nhà ở có khuynh hướng trải dài ven kênh, ven lộ; bữa ăn giàu thuỷ sản, tính cách con người ưa phóng khoáng; tín ngưỡng tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng; sớm tiếp cận và đi đầu trong quá trình giao lưu hội nhập với văn hoá phương Tây.
Mọi liên hệ mật thiết với Đông Nam Á và tính thống nhất trong sự đa dạng do tuyệt đại bộ phận dân cư đều bắt nguồn từ cùng một gốc nhân chủng, ngôn ngữ và văn hoá - đó là cơ sở làm nên sự khu biệt cơ bản giữa văn hoá Việt Nam với Trung Hoa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top