Câu 3

TCCSĐT - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có thực sự đi vào cuộc sống hay không, có được quán triệt và thực hiện thắng lợi hay không? Đó là mối quan tâm chung của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi người có lương tâm, có trách nhiệm, không vô cảm trước thời cuộc, trước vận mệnh của đất nước, dân tộc.

Có thể khẳng định: nếu quán triệt và thực hiện đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thì Đảng ta, chế độ ta, đất nước ta nhất định sẽ vững mạnh lên hơn bao giờ hết. Trái lại, không được thực hiện tốt, hoặc vẫn thực hiện với mức độ “hình thức” thì sẽ gây ảnh hưởng tới niềm tin thực sự trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự vững mạnh của đất nước.

Mọi người hy vọng, tin tưởng rằng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được thực hiện, sẽ đi vào cuộc sống, vì những điểm mới mẻ, khác với những nghị quyết về xây dựng Đảng trước đây. Thể hiện ở hai điểm:

1- Có quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà tập trung và tiêu biểu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự chỉ đạo sát sao, những bài nói, bài viết rất chân thành, sâu sắc, có sức thuyết phục. Như trong bước kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đồng chí Tổng Bí thư nói : “Đây là vấn đề rất quan trọng, hệ trọng, nhưng cũng cực kỳ khó, mà lại là khâu mở đầu, mấu chốt… Khó thì mới phải có tổ chức, có tập thể góp ý kiến giúp đỡ. Góp ý kiến chân tình rồi mà vẫn không nhận, không nghe thì phải xử lý, phải thi hành kỷ luật. Nếu vi phạm pháp luật Nhà nước thì phải xử lý theo pháp luật, cần thì đưa ra tòa. Rồi còn nhân dân giám sát, Mặt trận giám sát, báo chí giám sát, công luận lên án, hàng năm bỏ phiếu tín nhiệm. Lần này chúng ta dùng biện pháp tổng hợp, nhiều hình thức hỗ trợ nhau… Anh không tự giác cũng không được…. Nơi nào, cá nhân nào làm không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại. Kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác, không tự nhận và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã nêu ra. Sau đợt kiểm điểm này thì làm nề nếp hàng năm, cuối năm kết hợp với kiểm điểm về thực hiện nhiệm vụ, đồng thời lấy phiếu tín nhiệm. Định kỳ có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết; định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”(1).

2- Cùng với quyết tâm chính trị cao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư là sự quan tâm, hưởng ứng, đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân. Điều này cũng chưa từng có. Trước đây, việc xây dựng, chỉnh đốn có thể xem là việc nội bộ của Đảng, Đảng tự chỉnh đốn. Nay, không ít đảng viên thoái hóa biến chất, những sai phạm trở nên nguy hiểm, vì vậy, Nghị quyết phản ánh đúng ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân nên nhân dân rất quan tâm, rất chờ đợi, hưởng ứng. Hơn nữa, lần này, Đảng chủ trương dựa hẳn vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 thực sự là “Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân”.

Cùng với những cơ sở của niềm tin tưởng đó, cũng không tránh khỏi còn chút băn khoăn về việc thực hiện Nghị quyết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ điều này trong Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, đồng chí nói: “… có ý kiến vẫn băn khoăn, lo là Nghị quyết thực hiện thế nào? Mừng rồi, có thể tin rồi, nhưng vẫn thấy khó lắm, liệu có làm được không, cách làm thế nào? Tâm trạng chung hiện nay trong xã hội cũng là như thế. Tâm trạng đó là có thật. Nhưng cũng phải nói lại là sắp ra trận mà cứ lo đánh có thắng không thì sao có nhuệ khí. Nếu đã có quyết tâm làm thì phải tìm mọi cách để làm, khó mấy cũng phải làm, làm cho bằng được, vì nếu không làm là nguy cơ đối với Đảng và chế độ”(2).

Để Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đi vào cuộc sống, được thực hiện thắng lợi, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện bốn nhóm giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Bài viết này xin góp thêm, nhấn mạnh thêm một vấn đề, đó là: Phải dựa hẳn vào dân, phát huy dân chủ và công khai, minh bạch. 

Vấn đề nêu trên không mới, Nghị quyết Trung ương 4 cũng đề cập tới ở những khía cạnh và mức độ khác nhau. Trong nhóm giải pháp thứ hai, về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng, phần 7 ghi: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”(3). Trong nhóm giải pháp thứ 4 về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phần 5 có ghi: “cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”(4). Trong phần “Tổ chức thực hiện”, có ghi: “Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”(5)…

Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phải đi sâu và nhấn mạnh vấn đề “dựa hẳn vào dân”, coi như “giải pháp của mọi giải pháp” và phải làm cho bằng được, thì nhất định Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được thực hiện tốt. Nếu không dựa hẳn vào dân, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong từng giải pháp, từng bước đi thì sự băn khoăn, lo lắng, thậm chí nghi ngờ vẫn tồn tại.

Khái niệm “dân” là gì, bao gồm những ai? Tại sao phải dựa hẳn vào dân? Dựa hẳn vào dân như thế nào? Đó là những câu hỏi cần làm rõ. 

Theo chúng tôi, hiểu một cách nôm na, khái niệm “dân” mà Đảng cần dựa hẳn vào để xây dựng Đảng là tất cả công dân Việt Nam có quyền bầu cử, ứng cử theo luật định,... Những phần tử thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân thì không được phép “đóng góp”. 

Vì sao phải dựa hẳn vào dân?

Bởi vì Đảng ta “lấy dân làm gốc”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”(6). Vì vậy, không có lý gì mà lại để người dân không trực tiếp vào cuộc một cách thực sự để xây dựng, chỉnh đốn Đảng của mình, nhất là khi “một bộ phận không nhỏ” của Đảng đã bị suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống thì lực lượng nhân dân cùng với tư tưởng chính trị đúng đắn, đạo đức lối sống lành mạnh trong sáng của số đông đảng viên của Đảng sẽ tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân cho nên có những việc vô cùng khó khăn, ngoài sức tưởng tượng, như Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược… đều giành thắng lợi vẻ vang. Câu nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” đã trở thành chân lý.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định đúng và loại bỏ được “một bộ phận không nhỏ” các phần tử suy thoái nghiêm trọng trong “cơ thể” Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh là công việc rất khó, thậm chí “cực kỳ khó”. Bởi vì những con “sâu mọt”, những phần tử suy thoái trong Đảng không dễ tự thú nhận mình là sâu mọt, là suy thoái để mất hết mọi chức quyền, bổng lộc và còn bị người dân lên án, coi là “giặc nội xâm”. Hơn nữa, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc chứng minh một hành vi là tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Còn bản chất của kẻ phạm tội là che đậy hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, cùng với sự đòi hỏi đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình (cuộc đấu tranh thực sự gay go, phức tạp và quyết liệt), quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng, nhất là cấp ủy từ trên xuống còn cần phải “dựa hẳn vào dân” mới thành công.

Dựa hẳn vào dân như thế nào?

Theo chúng tôi, cần nhấn mạnh “dựa hẳn vào dân” chứ không chỉ nói “dựa vào dân” để tỏ rõ quyết tâm và niềm tin của Đảng đối với dân. Đảng tin dân, dân càng tin vào Đảng. “Dựa hẳn vào dân” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng chứng tỏ Đảng ta là một Đảng Cách mạng chân chính. Một đảng mạnh mới dám “dựa hẳn vào dân”, và chỉ có “dựa hẳn vào dân” mới có thể xây dựng đảng vững mạnh. “Dựa hẳn vào dân”, theo chúng tôi bao gồm hai khía cạnh:

Một là, phát huy dân chủ, phát động quần chúng, động viên, khuyến khích mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, có bản đề cương, hoặc kế hoạch “dựa hẳn vào dân” trong từng bước đi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 để cấp ủy các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo đó mà làm, dấy lên một khí thế, tạo thành một phong trào “Toàn dân đóng góp xây dựng Đảng”. 

Có cơ chế để dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng nói chung, góp ý, ca ngợi, biểu dương những cán bộ đảng viên tốt, có đức có tài thật sự, những nhà lãnh đạo sáng suốt, sống liêm khiết, hết lòng vì dân. Đồng thời, người dân được quyền phê phán đích danh (có chứng cứ xác đáng) những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị cũng như đạo đức, lối sống, nếu vi phạm pháp luật thì dứt khoát phải bị xử lý theo pháp luật. 

Đảng cần có cơ chế để khuyến khích, biểu dương, bảo vệ những người tích cực đóng góp xây dựng Đảng, tố cáo những con sâu mọt trong đảng để họ không thể bị trù dập. Đảng cũng cần có cơ chế, phương pháp để tránh tình trạng lợi dụng việc góp ý xây dựng Đảng mà vu cáo, hạ uy tín, hãm hại những cán bộ, đảng viên tốt. Những người vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo pháp luật.

Trong bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ban, ngành hiện nay có lấy ý kiến đóng góp cho tập thể và từng cá nhân của một số tổ chức, cá nhân, chủ yếu là các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí tiền nhiệm đã nghỉ hưu. Đây là một bước tiến trong lịch sử phát triển Đảng. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về kiểm điểm tự phê bình và phê bình: “đây là vấn đề rất quan trọng, hệ trọng, nhưng cũng cực kỳ khó, mà lại là khâu mở đầu, mấu chốt”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình nói riêng là “cực kỳ khó”, bởi vậy ngoài ý chí và quyết tâm cao của những đảng viên chân chính, càng đòi hỏi phải “dựa hẳn vào dân”. Tuy nhiên, trong bước này, hầu như Đảng vẫn “dè dặt” khi “dựa hẳn vào dân”. Theo chúng tôi, ngay từ bước này, cần mở rộng dân chủ hơn, cần mở rộng diện lấy ý kiến đóng góp tập thể và cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ các tỉnh, thành, bộ, ban, ngành Trung ương trước và sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Nếu có thể, cần điều tra dư luận trong phạm vi cần thiết đối với tập thể và từng cá nhân. Tập thể và cá nhân ở cấp nào thì lấy ý kiến, điều tra dư luận ở cấp ấy. Như vậy, việc đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo sẽ chính xác hơn. Việc lấy ý kiến hoặc điều tra dư luận rộng rãi trong phạm vi cần thiết còn có ý nghĩa tạo thành áp lực, tăng thêm sức mạnh cho các đảng viên, cán bộ chân chính trong cuộc đấu tranh với những phần tử suy thoái nghiêm trọng.

Hai là, công khai, minh bạch trước dân, tranh thủ ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân xây dựng Đảng. Phản hồi, thông báo cho dân biết những ý kiến đóng góp, dư luận của dân đúng, sai chỗ nào, sự tiếp thu của Đảng ra sao. 

Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay đã được triển khai, đang ở bước mở đầu là kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hầu hết thường vụ các tỉnh ủy, ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành Trung ương đã làm xong bước này. Về cơ bản, các cuộc kiểm điểm tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường vụ cấp tỉnh, thành phố, ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành Trung ương…đều diễn ra “rất nghiêm túc”, “rất có trách nhiệm”…nhưng cụ thể, kết quả thế nào thì dân chưa được biết, bởi vậy dân không khỏi băn khoăn. Đương nhiên, việc công khai minh bạch, cho dân biết đến đâu còn phải tính toán sao cho những “kẻ xấu” khỏi lợi dụng chống phá. Tại Hội nghị “Diên hồng” hiến kế an dân, ổn định và phát triển đất nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 27-9-2012, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý kiến: “…cần phải xem lại cơ chế cung cấp thông tin thế nào để người dân hiểu đúng. Trước tình hình hiện nay, ai sẽ nhận lỗi, sửa chữa, xin lỗi, từ chức, bị xử lý, nếu không, Nghị quyết Trung ương 4 mang nhiều hy vọng sẽ không làm hài lòng người dân nữa”.

Theo chúng tôi, trong từng nhóm giải pháp, trong từng bước đi đều cần phải quán triệt tinh thần “dựa hẳn vào dân”. Ngay từ bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình hiện nay, cũng nên mở rộng hơn nữa phạm vi tham khảo ý kiến đóng góp của người dân và thông báo cho dân biết kết quả ở mức độ cụ thể hơn. Ví dụ: trong tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ủy viên thường vụ các tỉnh, thành, bộ, ban, ngành Trung ương có bao nhiêu người, bao nhiêu phần trăm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, giữ đúng phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện đúng 19 điều đảng viên không được làm? Có bao nhiêu người, chiếm bao nhiêu phần trăm không thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm? Có những ai xin tự nhận kỷ luật, từ chức, xin lỗi, hoặc đề nghị xử lý kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước… Người dân cũng biết rằng: cuộc đời con người khó có thể tránh khỏi những khuyết điểm, vấn đề là mức độ và thái độ đối với sai lầm, khuyết điểm. Một người lãnh đạo thực tâm hết lòng vì dân, phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân, không tham nhũng, khi phạm sai lầm, khuyết điểm dám thẳng thắn nhận lỗi, không quanh co, đổ lỗi cho người khác hoặc cho tập thể, cho cơ chế… thì người đó vẫn chiếm được lòng tin và sự quý trọng của nhân dân. Đó vẫn là người đảng viên, người Cộng sản chân chính! 

Tư tưởng dựa vào dân, phát huy dân chủ, công khai minh bạch được thể hiện khá rõ trong Nghị quyết Trung ương 4. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh phải “dựa hẳn vào dân”, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch với dân trong từng giải pháp, từng bước đi của việc thực hiện. Làm được như vậy, quyết tâm và niềm tin vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được nâng cao hơn./. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: