Cau 2. trinh bay dao phat

BÀI LÀM

Để đi tới giải thoát, Phật nêu lên “Tứ diệu đế”, hay còn gọi là “Tứ thánh đế”, nghĩa là bốn chân lí tuyệt diệu, thiêng liêng mà mọi người đều phải nhận thức được. “Tứ diệu đế” là cống hiến riêng của Phật Thích Ca. Đây là một trong những phần quan trọng nhất của giáo lí Đạo Phật. “Tứ diệu đế” bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Thứ nhất là Khổ đế. Khổ đế là hòn đá tảng của “Tứ diệu đế”, lí luận cơ bản mà Phật Thích Ca đã phát hiện. Đạo Phật cho rằng “Đời là bể khổ”. Theo quan niệm này, cái khổ bao gồm cả cái khổ và cái vui của đời sống trần tục, vì cái vui cũng chỉ là giả tạm. Cho nên nghĩa chung nhất của chữ khổ ở đây là vô thường. Từ đó, Đạo Phật đưa ra thuyết “Bát khổ”, mà trên thực tế, những nỗi khổ này tác động cộng hưởng với nhau mà tạo ra những nỗi khổ khác cho con người(khổ khổ). “Bát khổ” có:

Sinh khổ: con người sinh ra là khổ, khổ vì những ham muốn dục vọng, khổ vì phải thỏa mãn những dục vọng đó của chính con người.

Lão khổ: con người không muốn già nua nhưng đó lại là qui luật tất yếu của tự nhiên không thể tránh khỏi. Chính sự già nua, yếu về cả thể xác lẫn tâm lí, tinh thần trở thành nhân tố cản trở việc thỏa mãn những nhu cầu ngày càng gia tăng của con người. Như vậy, già lão là khổ.

Bệnh khổ: bệnh tật, đau ốm hành hạ cả thể xác và tinh thần con người. Đây là điều mà người ta không muốn nhưng lại không thể tránh khỏi.

Tử khổ: khi chết, không chỉ có người chết đau khổ mà còn gây hệ lụy đau khổ tới những người còn sống. Con người ta nuối tiếc vì những ham muốn chưa thực hiện được khi còn sống.

Ái biệt li khổ: yêu thương nhau, quý mến nhau mà không được ở gần nhau, phải xa cách nhau, như thế là khổ.

Oán tăng hội khổ: ghét bỏ nhau, thù hận nhau mà phải sống cùng với nhau, suốt ngày thấy mặt nhau, thật là khổ.

Sở cầu bất đắc khổ: những mong muốn, ươc mơ của con người, cầu mong nhưng lại không đạt được, không thỏa mãn được ham muốn của con người, vậy là khổ.

Ngũ uẩn xí thịnh khổ: khổ vì có sự tồn tại thân xác. Theo Đạo Phật, thân xác con người do ngũ uẩn(Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức) kết hợp tao thành. Có thân xác tồn tại nên con người luôn phải cố gắng để thỏa mãn những nhu cầu, ham muốn của nó. Vì có cái thân xác đó tồn tại nên con người phải khổ.

Tám cái khổ trên thuộc về quy luật sinh tồn của tự nhiên và những quan hệ hiện thực của con người. Con người muốn thoát khỏi cái khổ, theo Đạo Phật phải thoát khỏi quy luật sinh tồn và hiện thực quan hệ của họ. Thích Ca Mầu Ni cho rằng: “Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước biển”. Cái khổ phát sinh do vô thường, chuyển biến, hoại khổ. Hạnh phúc, khoái lạc sớm muộn rồi cũng thay đổi. Khi thay đổi, nó phát sinh khổ hạnh. Khổ vì những hoàn cảnh giới hạnh sinh tử trong ngũ uẩn, ngũ uẩn vô thường, mà bất cứ cái gì vô thường đều là khổ.

Tập đế(hay còn gọi là Nhân đế): Từ chỗ khẳng định “Đời là bể khổ”, Đạo Phật đã đi tìm những nguyên nhân dẫn con người tới cái khổ. Khổ là do con người không nhận thức được mọi hữu vi pháp là vô thường, khổ là do Dục vọng, lòng ham muốn của con người. Ý chí, dục vọng, lòng ham muốn, khát khao tồn tại, tiếp tục tăng trưởng, không mất đi, dừng lại cùng cái chết của thân xác mà tiếp tục biểu hiện trong một hình thức khác, phát khởi sự tái sinh gọi là luân hồi. Còn lòng dục vọng thì vòng luân hồi còn tiếp tục.

Nếu những nỗi khổ của con người xuất phát từ trong đời sống hiên thực thì Đạo Phật cũng đã đi tìm những nguyên nhân dẫn tới khổ cũng chính từ trong cuộc sống hiện thực đó. Đạo Phật đã chỉ ra mười nguyên nhân sau của cái khổ: thứ nhất là tham lam, thứ hai là giận dữ, thứ ba là si mê, thứ tư là khiêu mạn, thứ năm là nghi ngờ, thứ sáu là biên kiến(dao động, không có chính kiến), thứ bảy là tà kiến(những ý nghĩ xấu xa), thứ tám là thủ kiến(bảo thủ), thứ chín là thân kiến(sự ích kỉ, chủ quan), thứ mười là giới cấm. Trong mười nguyên nhân trên, có những nguyên nhân thuộc về quan hệ hiện thực, có những nguyên nhân thuộc về nhận thức, và có nguyên nhân thuộc về giới luật. Như vậy mầm mống của cái khổ xuất phát từ chính trong bản thân cái khổ chứ không phải từ bên ngoài. Bởi bất cứ cái gì thuộc bản chất của sinh cũng đều thuộc bản chất của diệt. Cái khổ có ở trong bản chất của sự phát sinh ra nó và cũng có luôn trong bản chất của sự chấm dứt nó.

Tất cả mọi cái đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Và giáo lí Đạo Phật cũng đã đưa ra mười hai nhân duyên, còn gọi là thập nhị nhân duyên. Mọi sự vật đều do nhân duyên hòa hợp, do sự so sánh chủ quan của nhận thức, sự phân biệt chủ quan của ý thức gán lên sự vật mà thành:

Đầu tiên là Vô minh: Vô minh tức là không sáng suốt, ngu dốt, không nhận thức được thế giới, sự vật, hiện tượng đều là giả tạo. Từ đó dẫn đến sai lầm.

Duyên Hành: Hành ở đây là hoạt động của ý thức, sự dao động của tâm, đã có manh nha của nghiệp.

Duyên Thức: Tâm thức từ chỗ trong sáng cân bằng trở nên ô nhiễm, vấy bẩn, mất cân bằng. Tâm thức đó tùy theo nghiệp lực mà tìn đến các nhaab duyên khác để hiện hình, thành ra một đời khác.

Duyên Danh-Sắc: là sự hội tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần sinh ra Lục căn(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức).

Duyên Lục nhập: là quá trình tiếp xúc với thế giới khách quan. Lục căn tiếp xúc với Lục trần(sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

Duyên Xúc: là sự phối hợp, tiếp xúc của Lục căn, Lục trần và Thức.

Duyên Thụ: Thụ là cảm giác. Do tiếp xúc mà nảy sinh yêu, ghét, buồn, vui,…

Duyên Ái: Ái là yêu thích, ở đây chỉ sự nảy sinh dục vọng.

Duyên Thủ: có Ái rồi tất có Thủ, tức là yêu thích rồi thì muốn giữ lấy, chiếm lấy.

Duyên Hữu: tiến tới xác định chủ thể chiếm hữu(cái ta) thì phải tồn tại, tức đã có hành động tạo nghiệp.

Duyên Sinh: đã có tạo nghiệp(Hữu) tức là có nghiệp nhân thì ắt có nghiệp quả là sinh ra ta.

Duyên Lão-Tử: có sinh ra thì phải có già và chết đi.

Sinh-Lão-Tử là kết thúc một quá trình nhưng đồng thời cùng là nguyên nhân của một vòng luân hồi mới, từ vô sinh của một cuộc đời khác… Thập nhị nhân duyên là một phần của Nhân đế không chỉ nói về nguyên nhân của khổ mà còn nói về sự sinh thành, vòng luân hồi của nhiều sự vật, hiện tượng khác. Nói chung, nguyên nhân khổ là do Dục, là do nội nhân con người, là do mâu thuẫn giữa mong muốn của con người với thực tế xã hội và là sự vô minh.

Diệt đế: Từ việc chỉ ra những nguyên nhân dẫn con người tới cái khổ, Đạo Phật đã khẳng định rằng cái khổ là có thể diệt trừ được bằng cách diệt trừ nguyên nhân của nó. Những nguyên nhân dẫn dắt con người tới cái khổ là do chính con người tạo ra, vì thế chính con người cũng là chủ thể của sự diệt khổ. Ở khía cạnh này, Đạo Phật đã đề cao con người trong việc quyết định số phận của mình. Song cũng cho rằng cái khổ của con người kiếp này là do nghiệp của kiếp trước gây nên, đó là luân hồi. Muốn diệt khổ thì phải chấm dứt luân hồi, muốn chấm dứt được luân hồi thì phải chấm dứt nghiệp. Đó là một món nợ truyền kiếp từ kiếp này sang kiếp khác do lòng ham muốn tạo nên. Điều này chứng tỏ tính chất duy tâm tôn giáo của giáo lí Đạo Phật. Vì Đạo Phật cho rằng thế giới con người là thế giới của đau khổ, con người luôn chìm đắm trong dục vọng, bị ràng buộc bởi vô minh, vì thế phải thoát khổ bằng cách diệt trừ Dục, diệt vô minh.

Đạo đế: Do quan niệm có thể diệt được cái khổ, Đạo Phật đã chỉ ra con đường thoát khổ. Đây là con đường trung đạo, vì nó tránh ra hai thái cực chạy theo khoái lạc tầm thường và khổ hạnh ép xác. Con đường thứ nhất thấp kém tầm thường, không lợi ích, là con đường của những kẻ tầm thường. Con đường thứ hai là khổ nhọc không đáng có và cũng không lợi ích. Vậy theo giáo lí của Đạo Phật thì con đường thoát khổ là như thế nào? Nếu xem xét con đường thoát khổ từ hai phái của Đạo Phật là Tiểu Thừa và Đại Thừa thì có con đường lớn và con đường nhỏ của sự thoát khổ. Nếu xem xét từ nguyên nhân dẫn tới cái khổ thì có con đường của hoạt động hiện thực, con đường của nhận thức và con đường của việc thực hành các giới luật. Nếu xem xét con đường thoát khổ từ mối quan hệ giữa con người với các vị Phật(với tư cách là đấng siêu nhiên thần thánh) thì có con đường của sự tự lực(ở đây Phật chỉ là phương tiện) và con đường của tha lực(ở đây Phật là thần thánh có thể trợ giúp con người trong việc thoát khổ). Nhìn chung, giáo lí Đạo đế đưa ra con đường để thoát khổ như sau:

Thứ nhất: thực hành tam học Giới, Định, Tuệ

Giới: tuân theo những điều răn kiêng, cấm kị như không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không ác khẩu, không tham lam, không giận dữ, không si mê…

Định: tập trung tư tưởng cao độ, không để tâm bị chi phối, ràng buộc bởi những dục vọng, ham muốn, bị ảnh hưởng bởi những tác động của thế giới bên ngoài.

Tuệ: khai thông trí tuệ. Nguyên nhân dẫn đến đau khổ là do vô minh, vì thể để diệt khổ phải diệt được vô minh, tức khai thông trí tuệ, chịu khó tu luyện, mở mang trí thức, tránh sự lầm lẫn do vô minh gây ra.

Và sự cụ thể hóa của tam học đã được cụ thể bằng việc chỉ ra “Bát chánh đạo”(tám con đường chân chính)

Chính kiến: phải hiểu biết, nhìn nhận đúng đắn, phù hợp với đạo.

Chính tư duy: suy nghĩ đúng đắn, không thái quá, không bất cập.

Chính ngữ: giữ lời nói chân chính, không ác khẩu, bịa đặt gây mất hòa khí.

Chính mệnh: tự mình phải rèn mình, tiết dục, làm nhiều việc thiện để tạo chính nghiệp.

Chính nghiệp: nghiệp có tà nghiệp và chính nghiệp. Nếu là tà nghiệp thì phải tu sửa, cải tạo; nếu là chính nghiệp thì phải giữ lấy, không để nghiệp xấu chi phối.

Chính niệm: luôn luôn hằng nhớ, ghi nhớ những điều Phật dạy và tâm niệm những điều đó.

Chính tinh tiến: có ý chí, khát vọng vươn lên chính đáng, hăng hái học tập và truyền bá những giáo lí Phật pháp.

Chính định: tập trung tư tưởng cao độ, kiên trì theo đuổi mục đích chính đáng tới cùng.

Khi con người theo giáo lí Phật đi ccon đường “Bát chánh đạo” tức là đã đi theo con đường để thoat khỏi bể khổ cuộc đời, từ đó để được giải thoát và tới được cõi Niết Bàn.

Niết Bàncũng là một trong những nội dung cơ bản của giáo lí Đạo Phật. Theo tiếng Phạn Niết Bàn là Nirvana. Các nhà Phật học giải thích Nir là phủ định, chẳng; Vana là phun ra ngọn lửa tam độc; Nirvana là trạng thái chẳng còn ngọn lửa tam độc, tức tham, sân, si. Niết Bàn được Đạo Phật coi là một trạng thái vắng lặng, tịch diệt. Nếu con người đạt được tới thì sẽ sống an nhiên tự tại, vô ngã vị tha. Đây là một trạng thái lí tưởng. Cơ bản có hai cách giải thích về sự tồn tại của Niết Bàn:

Cách thứ nhất cho rằng Niết Bàn tồn tại ở nơi mà con người sau khi chết, nếu tu hành đắc đạo thì linh hồn sẽ được siêu thoat về thế giới Niết Bàn. Niết Bàn ở đây cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Theo cách hiểu thông thường của các tín đồ Đạo Phật ở Việt Nam thì đây chính là Tây Phương cực lạc quốc.

Cách hiểu thứ hai cho rằng Niết Bàn có thể tồn tại ngay trong đời sống hiện thực trần tục(sinh tử là Niết Bàn, Niết Bàn là sinh tử), con người có thể đạt được tới trạng thái này khi con người đã loại bỏ được tam độc “tham, sân, si”, khi con người đã thoát khỏi vô minh va sống an nhiên tự tại.

Như vậy cách hiểu thứ nhất hướng con người đến thế giới siêu nhiên ảo tưởng, cách thứ hai thì chủ yếu hướng con người vào đời sống trần thế thực tại trên quan niệm Đạo Phật.

Đối lập với Niết Bàn là Địa Ngục. Việc giải thich về sự tồn tại của Địa Ngục cũng giống như sự giải thích về Niết Bàn. Vậy xét tới cùng thì chẳng hề tồn tại Niết Bàn hay Địa Ngục, lí thuyết về vấn đề này chủ yếu là có giá trị về mặt hướng thiện.

Về thế giới quan, quan niệm của Đạo Phật cũng như của nhiều các trào lưu triết học khác là chủ yếu lí giải về thế giới, sự tồn tại của các sự vật trong thế giới. Nội dung cơ bản của Đạo Phật trong vấn đề này là đưa ra Duyên khởi, mọi vật đều do nhân duyên hội tụ mà thành. Tâm là nguồn gốc của duyên khởi nên cũng là nguồn gốc của vạn vật. Do quan niệm duyên khởi sinh ra vạn vật nên Thế giới quan Đạo Phật chủ trương tập trung giải thích ở bốn luận điểm là vô tạo giả, vô ngã, vô thường và nhân quả.

Vô tạo giả: Đạo Phật quan niệm thế giới vạn vật không do ai, do lực lượng nào sinh ra và chi phối mà là do chính tự bản thân nó, vô thủy vô chung, tự thân vận động. Rõ ràng quan niệm về thế giới của Đạo Phật về cơ bản đối lập với tư tưởng cho rằng Brahman sáng tạo ra thế giới của kinh Veda-kho tàng văn hóa, triết học đồ sộ của văn minh Ấn Độ. Tuy nhiên, giáo lí Đạo Phật lại cho rằng thế giới mà con người nhận biết chỉ là ảo, là giả tạo chứ nó không tồn tại , không đúng với thế giới tồn tại ấy. Bởi cái thế giới vạn vật ấy luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng, không có gì là trường tồn bất biến, nó chỉ là nó trong từng satna(đơn vị thời gian rất nhỏ). Con người chỉ nhận biết được nó trong từng satna. Nó chính là kết quả từ sự vô minh của con người, không nhận ra nó luôn luôn biến đổi.

Vô ngã: đây là điểm được rút ra từ luận điểm vô tạo giả. Đạo Phật cho rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng xung quanh ta cũng như chính ta là không phải thực, chỉ là ảo giả, do vô minh đem lại. Thế giới, nhất là thế giới con người hữu tình, được cấu tạo do sự hội tụ của các yếu tố vật chất(Danh) và tinh thần(Sắc). Danh và Sắc được chia thành năm yếu tố gọi là Ngũ uẩn bao gồm: Sắc(vật chất), Thụ(cảm giác), Tưởng(ấn tượng), Hành(tư duy nói chung), Thức(ý thức). Cũng có thuyết cho rằng con người là do Lục đại(sáu yếu tố) cấu tạo nên: Địa(đất, các chất khoáng), Thủy(nước, các chất lỏng), Hỏa(lửa, nhiệt), Phong(gió, không khí thở), Không(khoảng trống), Thức(ý thức). Tóm lại Đạo Phật cho rằng thế giới vạn vật không có cái tôi cá nhân, không có gì là bản ngã. Bởi Danh và Sắc chỉ hội tụ với nhau trong một thời gian rất ngắn rồi lại chuyển sang trạng thái khác, do vậy không hề có cái tôi cá nhân(vô ngã). Con người có cái tâm thường trụ, bất biến và bao hàm vũ trụ. Tâm của chúng sinh do bị Vô minh che lấp nên chỉ là cái tâm mê loạn, vì vô minh nên không thấy được chân lí của vũ trụ là “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã”; vì vô minh nên chúng sinh tưởng lầm mọi cái , kể cả xác thân ta là có thật. Mọi sự vật, kể cả con người đều chỉ là giả tưởng, không có thật. Để khắc phục vô minh cần diệt trừ cái sai lầm của Chấp ngã(chấp có ta). Khi thân xác chết đi(chấp đoạn), linh hồn sẽ được đầu thai vào kiếp khác(chấp trường). Cứ như vậy luân hồi sinh tử không dứt. Và bản chất của thế giới là một dòng biến chuyển không ngừng, liên tục, không thể tìm ra nguyên nhân đầu tiên. Thế nên lại có quan niệm về vô thường.

Vô thường: Thế giới sự vật và hiện tượng luôn luôn biến đổi theo chu trình vòng luân hồi: sinh- trụ- dị- diệt. Diệt theo quan niệm của Đạo Phật không phải chỉ là sự mất đi, kết thúc trạng thái của sự vật, chấm dứt vòng luân hồi mà còn đồng thời là khởi đầu cho một trạng thái, một vòng luân hồi mới. quá trình này diễn ra theo luật nhân- quả và tùy theo duyên. Đạo Phật tiếp thu tư tưởng này của kinh Veda, giải thích sự tồn tại của vạn vật là tồn tại trong mối liên hệ nhân- quả chặt chẽ. Thuyết Nhân- Qủa: “Không có sự vật, hiện tượng nào mà lại không do đâu sinh ra, nó sinh ra tất có nguyên nhân của nó, tới lượt nó thì lại là nguyên nhân để sinh ra những kết quả khác”. Trong quá trình liên tục đó thì duyên đóng vai trò là điều kiện để nguyên nhân sinh ra kết quả. Như vậy thế giới luôn biến đổi vô thủy vô chung, không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Thế giới sự vật biến đổi không phải do thần thánh, mà là do tự thân nó vận động(tự kỉ nhân quả). Sự vật, hiện tượng do con người nhận biết qua thần sắc, hình tướng chỉ là giả tạm. Do đó thế giới khách quan đang tồn tại chỉ là hư ảo, không có thực, là vô thường.

Nhìn chung, sau gần hai thế kỉ rưỡi, cho đến ngày nay những luận điểm trong giáo lí của Đạo Phật vẫn còn chứng minh được sức sống mãnh liệt với thời gian và còn đang lan tỏa rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Kể từ khi ra đời đến nay, Đạo Phật đã tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dân tộc Ấn Độ nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung, đã đóng góp vai trò to lớn của minh trong nền văn minh Ấn Độ hùng vĩ, kì bí và làm phong phú thêm cho kho tàng văn minh, văn hóa nhân loại trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt ngày nay, trong xu thế hội nhập toàn cầu, Đạo Phật càng có khả năng lan tỏa, truyền bá tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đó cũng được coi như một phương tiện truyền tải văn hóa, sự giao lưu hợp tác của các quốc gia. Và tư tưởng hòa bình cùng giá trị nhân văn lớn lao của giáo lí Đạo Phật cũng sẽ chung tay góp phần vào việc xây dựng một thế giới đại đồng không còn nhiều khổ đau và chiến tranh. Nhờ những thế mạnh đó mà chắc chắn những tư tưởng, giáo lí của Đạo Phật sẽ còn trường tồn mãi mãi với thời gian và lan tỏa tới khắp mọi nơi bất kể không gian.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: