CAU 2 CNXHKH
Cau 2. Những giá trị và những hạn chế lịch sử của chủ nghĩa xã hội không tưởng
Trả lời:
1. Những giá trị của chủ nghĩa xã hội không tưởng
Chủ nghĩa xã hội không tưởng có một quá trình phát triển lâu dài, từ chỗ là những ước mơ, khát vọng thể hiện trong các câu chuyện dân gian, các truyền thuyết tôn giáo đến những học thuyết xã hội - chính trị. Cống hiến lớn lao của chủ nghĩa xã hội không tưởng:
Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã thể hiện tinh thần lên án, phê phán kịch liệt và ngày càng gay gắt, các xã hội dựa trên chế độ tư hữu, chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa; góp phần nói lên tiếng nói của những người lao động trước tình trạng bị áp bức, bị bóc lột ngày càng nặng nề.
Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã phản ánh được những ước mơ, khát vọng của những giai cấp lao động về một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái. Nó chứa đựng giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc thể hiện lòng yêu thương con người, thông cảm, bênh vực những người lao khổ, mong muốn giúp đỡ họ, giải phóng họ khỏi nỗi bất hạnh.
Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng bằng việc phác hoạ ra mô hình xã hội tương lai tốt đẹp, đưa ra những chủ trương và nguyên tắc của xã hội mới mà sau này các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách có chọn lọc và chứng minh chúng trên cơ sở khoa học. Ví dụ như những luận điểm: về tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm; về xoá bỏ sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay; về vai trò của công nghiệp; về giáo dục; về sự nghiệp giải phóng phụ nữ; về vai trò lịch sử của nhà nước,... Với những giá trị lịch sử trên mà chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ yếu là của chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán đầu thế kỷ XIX, được các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học thừa nhận là một trong ba nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác.
.2. Những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng và nguyên nhân của nó
- Những hạn chế.
Một là, chủ nghĩa xã hội không tưởng không giải thích được bản chất của các chế độ nô lệ làm thuê. Đặc biệt là nó không thấy được bản chất của chế độ tư bản, chủ nghĩa, chưa khám phá ra được quy luật ra đời, phát triển và diệt vong của các chế độ đó, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản nên cũng không chỉ ra được con đường, biện pháp đúng đắn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Hai là, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không phát hiện ra lực lượng xã hội tiên phong có thể thực hiện cuộc chuyển biến cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản-lực lượng xã hội đã được sinh ra, lớn lên và phát triển cùng với nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, đó là giai cấp công nhân.
Ba là, chủ nghĩa xã hội không tưởng muốn cải tạo xã hội bằng con đường cải lương chứ không phải bằng con đường cách mạng.
Nguyên nhân của những hạn chế:
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên của chủ nghĩa xã hội không tưởng một phần là do bản thân các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng, nhưng cơ bản là do điều kiện kinh tế - xã hội lúc bấy giờ quy định. Đó là, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đến độ chín 'muồi, công nghiệp lớn chỉ mới xuất hiện ở nước Anh, nên chưa bộc lộ mâu thuẫn kinh tế cơ bản trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; giai cấp công nhân hiện đại chưa trưởng thành, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân còn ở trình độ thấp, nên mâu thuẫn xã hội còn ẩn giấu chưa bộc lộ hẳn, quan hệ giai cấp và sự đối lập giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản còn ít phát triển. Chính vì vậy, Pa.Ăng ghen đã chỉ rõ: "Hoàn cảnh lịch sử ấy cũng đã quyết định quan điểm của những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội. Tương ứng với một trình độ chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa chín muồi, là một lý luận chưa chín muồi".
Ngày nay, người ta không thể đòi hỏi gì hơn ở những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng khi mà những hạn chế của họ hoàn toàn do những điều kiện lịch sử khách quan quy định.
Mặc dù chủ nghĩa xã hội không tưởng có nhiều giá trị, song nó mắc phải những hạn chế nên nó chỉ có vai trò tích cực trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản phát triển tới quy mô rộng lớn, đòi hỏi phải có một lý luận khoa học và cách mạng soi đường, khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời thì các trào lưu của chủ nghĩa xã hội không- tưởng trở nên lỗi thời, bảo thủ, thậm chí còn mang tính chất phản động, cản trở phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống giai cấp tư sản.
Post by Ngọc Tiến
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top