Nhóm người này sẽ tổn thương hơn hết thảy khi trái đất ngày một nóng hơn
Chúng ta cần giúp những người nghèo nhất trên thế giới thích ứng với biến đổi khí hậu.
*
Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong vòng tháng qua để nói về biến đổi khí hậu. Cả khi tôi đi giới thiệu sách, khi trả lời phỏng vấn truyền thông, hay chỉ đơn giản là khi chuyện trò với đồng nghiệp, thật tuyệt vì những cuộc đối thoại sâu sắc với mọi người về việc làm sao chúng ta có thể ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu.
Hầu hết những câu hỏi mọi người đặt ra cho tôi là việc làm sao chúng ta có thể đạt được con số phát thải khí nhà kính bằng không. Giảm thiểu là vấn đề khí hậu lớn nhất chúng ta cần giải quyết, và thật tốt khi mọi người dành cho nó nhiều sự chú ý đến vậy. Nhưng tôi có nhận thấy chủ đề quan trọng mà thường mọi người không thắc mắc nhiều như thế là: làm sao chúng ta có thể giúp thế giới thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tôi hiểu lý do tại sao mà. Tôi đã dành năm chương trong sách để nói về việc giảm thiểu, và chỉ một chương để nói về thích ứng. (Khi đọc lại, tôi chỉ ước mình viết nhiều hơn về đề tài này.) Nhưng hẳn có lý do để tôi đặt tựa sách là "How to Avoid a Climate Disaster" (Cách phòng tránh thảm họa khí hậu), thay vì "How to Stop Climate Change" (Cách chấm dứt biến đổi khí hậu): lý do đó là khí hậu của chúng ta đã và đang thay đổi rồi.
Bạn chỉ cần nhìn vào đợt băng giá vào tháng trước ở bang Texas và nạn cháy rừng năm ngoái ở bang California để thấy được rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng phổ biến. Điều đáng sợ là những hiện tượng này không phải ảnh hưởng duy nhất (thậm chí là tàn khốc nhất) khiến cuộc sống con người khó khăn hơn một khi trái đất nóng lên. Các thiệt hại kinh khủng nhất đang dần xảy ra và xuất hiện đầy trên các báo đài, chủ yếu ở khu vực gần Xích đạo - và không ai có nguy cơ cao hơn những người nghèo nhất thế giới.
https://youtu.be/OPbLpIhzb7c
Khoảng hai phần ba nhóm người sống trong cảnh nghèo đói làm nông nghiệp, họ thường phụ thuộc vào thực phẩm tự trồng để nuôi sống cả gia đình. Trái đất nóng lên sẽ vấn đề của nhóm nông dân tương đối khá giả ở Mỹ và châu Âu, nhưng lại gây chết người cho nhóm nông dân thu nhập thấp tại châu Phi và châu Á.
Sinh sống càng gần Xích đạo, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng tồi tệ. Hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, càn quét vụ mùa ngày càng nhiều. Gia súc đói ăn hơn nên sữa và thịt cũng ít theo. Không khí và đất đai bắt đầu thiếu độ ẩm, cây cối vì thế mà thiếu nước; ở Nam Á và châu Phi cận xa mạc Sahara, hàng chục triệu mẫu đất nông nghiệp ngày càng khô kiệt.
Khi bạn sống trên bờ vực của sự nghèo đói, mỗi một sự thay đổi xảy ra sẽ đều là thảm họa. Hãy xem tình trạng của những người nông dân này, thay vì vụ mùa cứ mười năm lại bị quét sạch, giờ thì là mỗi bốn năm một lần. Nếu bạn không có đủ tiền tiết kiệm mua thực phẩm nhập khẩu - như trường hợp của đa số nông hộ sản xuất nhỏ - con cái bạn sẽ đói ăn thiếu dinh dưỡng và dễ mắc bệnh hơn.
Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu ở các nước nghèo là tình hình sức khỏe ngày một tệ hại - đây cũng là một lý do tại sao chúng ta cần giúp đỡ nâng cao sức khỏe cho các nước nghèo nhất. Bắt đầu bằng việc nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ em suy dinh dưỡng thông qua cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ sở, gấp đôi phòng tránh bệnh sốt rét, và tiếp tục cung cấp vắc-xin cho các trường hợp bệnh tiêu chảy và viêm phổi. Chúng ta cũng cần đảm bảo ít trẻ em bị suy dinh dưỡng ngay từ đầu bằng cách giúp nông hộ nghèo trồng nhiều thực phẩm hơn.
"Chúng ta cần các phương pháp và công cụ trồng trọt tốt hơn, tương tự như việc giảm thiểu phát thải cacbon trong vận chuyển và sản xuất điện."
Chúng ta có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng việc đổi mới. Chúng ta cần các phương pháp và công cụ trồng trọt tốt hơn, tương tự như việc giảm thiểu phát thải cacbon trong vận chuyển và sản xuất điện. Không có tổ chức nào có vị thế tốt hơn để tạo ra những đổi mới giúp nông dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm tới hơn CGIAR, đây là một tổ chức quan hệ quốc tế giúp cây trồng và vật nuôi có khả năng phục hồi và tạo năng suất cao hơn. (tôi có viết về sự tuyệt vời của CGIAR trước đó.)
Quỹ của chúng tôi hợp tác với CGIAR lần đầu là hơn một thập kỷ trước, khi đó chúng tôi hỗ trợ công tác phát triển các giống cây trồng chủ lực chịu hạn và chịu lũ, ví dụ như là cây ngô. Chúng tôi có nhận thấy những cải thiện đáng kể ở những nơi như Zimbabwe. Nông dân ở các khu vực hạn hán có sử dụng loại ngô chịu hạn đạt năng suất thu hoạch nhiều hơn 500 bảng Anh/ mẫu so với nông dân dùng giống thông thường - lượng thu hoạch này đủ để nuôi sống một gia đình sáu người trong vòng chín tháng.
CGIAR và các tổ chức khác cũng tạo ra công cụ giúp nông dân thích ứng với các hiện tượng thời tiết khó lường, cũng như ứng dụng trên điện thoại giúp phân biệt các loại dịch bệnh. Người nông dân nghèo cần nhiều hơn những tiến bộ như thế này, nhưng để có được, chúng ta cần đầu tư thêm nhiều tiền vào việc nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Tăng gấp đôi vốn tài trợ vào CGIAR để tiếp cận nhiều nông dân hơn là một trong các đề xuất chính của Ủy Ban Toàn Cầu về Thích Ứng mà tôi điều hành cùng với cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon, và cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới, bà Kristalina Georgieva. (Các đề xuất khác bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng đê kè cũng như xây dựng mạng lưới an toàn mạnh mẽ hơn để giúp nông dân phục hồi nhanh hơn.)
Nếu chúng ta không thực hiện các bước này ngay bây giờ để giúp nông dân thích nghi, chúng ta đang tự đặt mình vào một thảm họa địa chính trị và nhân đạo. Quân đội Hoa Kỳ đã dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ trở thành tác nhân gây ra bất ổn toàn cầu. Khi con người không thể trồng đủ thực phẩm để nuôi sống bản thân, họ sẽ bỏ nhà chuyển đến sống ở nơi có thể hỗ trợ gia đình tốt hơn. Chúng ta sẽ càng có nhiều "người tị nạn khí hậu" di chuyển đến các vùng mát mẻ hơn khi trái đất ngày một nóng lên. Bộ Quốc phòng đã cân nhắc khu vực nào có thể sẽ diễn ra xung đột mà bộ sẽ can thiệp vào khi trái đất nóng lên.
Thật bất công khi những người góp phần ít nhất vào biến đổi khí hậu sẽ phải chịu hậu quả tồi tệ nhất. Tình trạng nghèo cùng cực đã giảm mạnh trong một phần tư thế kỷ qua, từ 36% dân số thế giới vào năm 1990 xuống còn 10% vào năm 2015 (mặc dù dịch bệnh COVID-19 là một bước lùi lớn đang cản trở rất nhiều tiến bộ). Biến đổi khí hậu có thể xóa bỏ nhiều hơn nữa những thành tựu này, làm tăng thêm 13% số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.
Các nước giàu có và thu nhập trung bình đang góp phần lớn vào biến đổi khí hậu, và chúng ta cần phải là người đẩy mạnh và đầu tư nhiều hơn vào việc thích ứng. Những người nghèo nhất thế giới xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của chúng ta, và họ cần nhiều hơn những gì họ đang nhận được.
**
Ngày 16/04/2021
Link nguồn: https://www.gatesnotes.com/Energy/Helping-the-worlds-poorest-adapt-to-climate-change
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top