Mặt tối của làm trắng da
Ước muốn có tông màu da sáng hơn đã ăn sâu vào nhiều nơi trên thế giới, nhưng nó cũng đi kèm những rủi ro không kém với sức khỏe và xã hội.
------------------------------------------------------------------------------------------
J.R, một nhân viên tổng đài 22 tuổi đến từ Philippines, tiết lộ mình đang dùng viên nang, xà phòng và kem dưỡng da mặt được cho là có tác dụng làm trắng da. Anh cho rằng nếu có làn da sáng sủa, anh sẽ "được chú ý" nhiều hơn, mang đến nhiều cơ hội thăng tiến và công ăn việc làm tốt hơn. Khi tôi nói rằng số tiền 1 đô trên tổng 12 đô la anh kiếm được mỗi ngày dành cho các sản phẩm làm trắng là rất nhiều, anh nhún vai trả lời: "Đó là một khoản đầu tư thôi mà."
J.R thuộc lượng khách hàng tiêu thụ của thị trường sản phẩm làm trắng da đang phát triển trên khắp thế giới. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng mỹ phẩm, và nhà bán lẻ trực tuyến bán rất nhiều loại xà phòng, sữa dưỡng thể, kem dưỡng khác nhau phục vụ cho cả phụ nữ và nam giới. Nhiều mặt hàng trong số đó dành cho các bộ phận cơ thể khác nhau: mặt, tay, vùng dưới cánh tay, kể cả âm đạo. Từ Manila tới Mumbai và Jakarta tới Johannesburg, những người nổi tiếng ủng hộ các sản phẩm làm sáng hoặc tẩy trắng da trên các biển quảng cáo khổng lồ, hứa hẹn "một làn da sáng rỡ từ bên trong" hoặc giúp người sử dụng trở nên "trắng trẻo và xinh đẹp". Ở Philippines nơi tôi sống và làm việc với vai trò là một nhà nhân chủng học y học, đội bóng rổ quốc gia còn có cho mình một loại sản phẩm làm trắng da riêng.
Xu hướng này không phải là vô hại. Những người vốn đã thiệt thòi về mặt xã hội hoặc tài chính có thể sẽ phải chi một số tiền đáng kể cho các sản phẩm mà mình không có khả năng chi trả. Toàn bộ ước muốn có làn da trắng hơn dựa trên cũng như nhấn mạnh tiêu chuẩn độc hại của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Và các chất làm trắng đã được chứng minh có khả năng tổn thương da hoặc mang đến nguy cơ về sức khỏe khác. Lấy ví dụ, thủy ngân vô cơ, được Tổ chức Y tế thế giới mô tả là "thành phần phổ biến có trong xà phòng và kem làm sáng da" thường được sử dụng ở châu Phi và châu Á có thể gây tổn thương thận.
Hợp chất Hydroquione đã được tìm thấy trong các loại tẩy da chết, bao gồm cả trong kem dưỡng da mặt của J.R, đã được các cơ quan quản lý cảnh báo trên khắp thế giới do lo ngại về an toàn.
Các nước như Ghana và Rwanda đã ban bố lệnh cấm các sản phẩm tẩy trắng da. Dù vậy, chúng vẫn khá phổ biến - và là một ngành kinh doanh lớn. Theo ước tính, ngành công nghiệp tẩy trắng da toàn cầu dự kiến chạm mốc 31.2 tỷ đô la vào năm 2024.
Vừa là bác sĩ lại vừa là một nhà nhân chủng học y học, gần đây tôi có nghiên cứu vấn đề này như một phần của Dự án Thanh niên về Hóa học: một nghiên cứu đa quốc gia xem xét vai trò của các chất hóa học (từ nước uống tăng lực đến nước hoa và vitamin) trong cuộc sống thường ngày của giới trẻ, những người đang tìm cách "làm tăng sự thích thú, tâm trạng, hoạt động tình dục, ngoại hình và sức khỏe". Từ năm 2012 đến năm 2015, nhóm nghiên cứu của chúng tôi, do nhà nhân chủng học y học Anita Hardon của trường Đại học Amsterdam làm trưởng nhóm, đã phỏng vấn hơn 400 nam và nữ thanh niên ở các khu vực khác nhau của Philippines - bao gồm sinh viên, chuyên gia trẻ tuổi, hướng dẫn viên du lịch, tài xế xích lô và công nhân xây dựng. Các sản phẩm làm trắng khá phổ biến trong số họ, với hơn một nửa người được phỏng vấn nói rằng họ đã sử dụng chúng ít nhất một lần trong đời. Tôi quyết định khám phá chủ đề này nhiều hơn, thực hiện 10 cuộc thảo luận nhóm tập trung đặc biệt về việc làm trắng da. Tôi muốn biết ước muốn tẩy trắng da bắt đầu từ đâu, và xu hướng này có đang thay đổi hay không.
Ý tưởng của việc thay đổi tông màu da đã có từ thời cổ đại. Ở Đế quốc La Mã, người ta lý tưởng hóa "làn da trắng mịn" và sử dụng nhiều loại hóa chất dùng tẩy da - từ chì bào tới phân cá sấu - nhiều chất trong số đó rất độc hại. Ở Nhật Bản thời Trung cổ, các tác phẩm văn học như Truyện kể Genji tôn vinh vẻ đẹp của làn da trắng, phụ nữ và nam giới Nhật bản áp dụng nhiều sản phẩm khác nhau - từ bột gạo đến chì trắng - để theo đuổi màu da "không phải màu trắng sữa mà trong mờ, giống như một viên đá mài nhẵn."
Làn da trắng từ lâu đã được lý tưởng hóa trong một số văn hóa dân gian và nghệ thuật, như trong bức tranh khắc gỗ Truyện Genji của Nhật Bản này.
Trong các nền văn hóa này cũng như những nền văn hóa khác, màu da trắng biểu thị sự tinh khiết, vẻ đẹp và địa vị xã hội cao. Nhà nhân chủng học người Mỹ Nina Jablonski viết rằng "màu da trắng trẻo là biểu tượng của tầng lớp đặc quyền không cần phải lao động ngoài trời... Những người da ngăm tự ti vì họ thuộc tầng lớp lao động phải bán lưng cho trời." Mặc dù giải thích này có hợp lý, nhưng có thể không giải thích được toàn bộ xu hướng từ trước đến nay; mức độ và lý do tại sao làn da trắng được đánh giá khác nhau tùy theo khu vực và theo dòng thời gian lịch sử.
Có ý kiến cho rằng, chính trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa thực dân và sự lên ngôi của "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học" (ý tưởng giả khoa học cho rằng bằng chứng thực nghiệm ủng hộ các quan niệm về sự vượt trội và thấp kém về chủng tộc) từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 làm cho con người càng mong muốn một làn da trắng hơn. Màu da trắng không chỉ thể hiện đặc quyền cá nhân mà còn là đặc điểm của một nhóm đặc quyền xã hội; trong khi đó, da ngăm đen lại làm liên tưởng tới mặc cảm chủng tộc và chế độ nô lệ. Cho dù ở Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Hoa Kỳ theo chủ nghĩa tách biệt, hay Philippines thuộc địa của Hoa Kỳ (nơi người Mỹ gọi người Philippines là "những người anh em da nâu"), theo cách nói của nhà học giả về chủng tộc đồng thời là giáo sư luật Cheryl Harris, làn da trắng "đã trở thành thứ tài sản tinh túy của nhân vị tính người".
Đối với người da trắng, mong muốn có được làm da rám nắng lại có vẻ là xu hướng trái ngược. Nhưng thật ra nó không trái ngược đến vậy. Việc tắm nắng có lịch sử phức tạp của riêng nó, một phần liên quan đến những người châu Âu và Mỹ giàu có có khả năng chi trả cho các chuyến du lịch ở các vùng khí hậu nhiều nắng, cũng như các quan niệm về lợi ích sức khỏe của tia cực tím đầu thế kỷ 20. Quan trọng là, khác với mong muốn thay đổi màu da vĩnh viễn, họ chỉ muốn thay màu da tạm thời với ước muốn biểu trưng sức khỏe và sự giàu có của mình. Trong khi các quảng cáo làm trắng da thường có sắc thái phân biệt chủng tộc, những quảng cáo sản phẩm làm ngăm da lại không hạ thấp "làn da trắng" hay ca ngợi "làn da nâu" hay "làn da ngăm đen".
Ngày nay, hơn một nửa thế kỷ sau thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học, tiêu chuẩn thẩm mỹ "trắng trẻo tốt hơn" vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở "miền nam của thế giới". L.Ayu Saraswati, một học giả xã hội người Indonesia, gọi xu hướng hiện đại này là một công cuộc tìm kiếm "làn da trắng toàn cầu" - loại sắc độ da giúp mọi người mở cánh cửa du hí khắp mọi xã hội của thế giới. "Chủ nghĩa da màu", như cách nhà xã hội học Margaret Hunter gọi tên, "là đặc quyền cho những người da màu có sắc độ da sáng hơn những người có làn da tối trong các lĩnh vực như thu nhập, giáo dục, nhà ở và thị trường hôn nhân." Nhà nhân chủng học người Chile Alexander Lipschütz đã mô tả vấn đề này là "chế độ dân tộc sắc tố".
Chiến dịch quảng cáo cho một sản phẩm làm sáng da này kết hợp thông điệp tích cực về sự đa dạng trong khi vẫn thúc đẩy việc làm trắng
Giá trị của làn da trắng - cả trong nhận thức và thực tế - đã được ghi nhận theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới. Trong một nghiên cứu năm 2006, nhà kinh tế học Arthur Goldsmith và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, ở một số thành phố của Mỹ, "mức lương trung bình theo giờ... sẽ tăng lên nếu họ có màu da sáng hơn, ở mức 11,72 đô la cho người da đen có màu da tối, 13,23 đô la cho người da đen nào có màu da sáng trung bình" đến 14,72 đô la cho "người da đen có màu da sáng" và 15,94 đô la cho "người da trắng trung bình". Dựa trên nghiên cứu của cô ở Brazil, nhà nhân chủng học Kia Caldwell đã mô tả trong sách của mình vào năm 2006 rằng cụm từ boa aparência (ngoại hình đẹp) trong các yêu cầu công việc thường dùng để chỉ những phụ nữ có làn da sáng, và là một trong các tiêu chí loại trừ những phụ nữ Brazil gốc Phi, nhiều người trong số họ còn không bận tâm việc nộp đơn cho những công việc như vậy.
Tất cả những chuyện này đúng với quan điểm của những người mà tôi từng nói chuyện tại Philippines. Họ thường dùng từ "đầu tư" để giải thích cho phương pháp làm đẹp của mình, và coi việc làm trắng da là cánh cửa mở ra những cơ hội tốt hơn. Ví dụ như Troy, một sinh viên kỹ thuật 19 tuổi, nhận ra làn da trắng của cậu bạn cùng lớp dường như mang đến lợi thế cho anh ta. "Ba chúng tôi cùng được đào tạo tại chỗ trong nhà máy," cậu chia sẻ. "Chúng tôi đều học cùng lớp, nhưng bạn tôi được chú ý đầu tiên vì có làn da trắng hơn." Troy nói với tôi cậu có dùng xà phòng làm trắng da từ đu đủ và che ô tránh ánh nắng mặt trời. Mỗi khi chơi bóng rổ, cậu chỉ chơi ở sân trong nhà: nhiều bạn bè của cậu cũng vậy.
Tương tự, Laarni, cô sinh viên 20 tuổi ngành du lịch ở Puerto Princesa, Philippines, cho rằng nhờ làn da trắng mà mình chiến thắng cuộc thi sắc đẹp địa phương, và cô hy vọng đó sẽ là tấm vé đến với công việc tiếp viên hàng không mơ ước. "Tất nhiên là [để làm tiếp viên hàng không] bạn cần đáp ứng yêu cầu về chiều cao và có được tấm bằng đại học," cô nói. "nhưng khi họ nhìn bạn với làn da trắng, đẹp, thì bạn đã có lợi thế lớn lắm rồi."
Sự hấp dẫn của làn da trắng sáng mang một sức cuốn hút mạnh mẽ. Trong một cuộc khảo sát định tính tại Tanzania của nhà tâm lý học Kelly Lewis và các đồng nghiệp, một giáo viên 40 tuổi đưa ra lý do đơn giản cho việc làm trắng da: "Tôi dùng kem tẩy trắng để chồng không bị các cô gái khác hấp dẫn... Sau khi kết hôn, tôi duy trì vẻ đẹp của mình để chồng luôn yêu thương." Trong nghiên cứu năm 2017 về đàn ông Nepal, Matthew Maycock có nói đến từ tājā (tươi trẻ) ngày một được họ dùng để mô tả làn da trắng như là một vẻ đẹp nam tính đáng mơ ước.
Những đối tượng cung cấp thông tin cho tôi ở Philippines cũng cho rằng làn da trắng sẽ làm tôn lên sức hấp dẫn thể chất của họ, nhưng họ lại e dè trong việc tự làm trắng da. Khác với đàn ông Nepal, họ coi việc chăm sóc da quá nhiều là "ẻo lả, không nam tính". Một trong những người được phỏng vấn kể rằng bạn cùng ký túc xá hồi đại học của anh lén thoa kem dưỡng da trong phòng tắm chung vào đêm khuya khi không ai dòm ngó.
Các sản phẩm làm trắng da thường được bán trong các cửa hàng ở Philippines
Những người khác thì công khai tự hào thành tích làm trắng da không chỉ của bản thân mà còn của các thành viên trong gia đình mình. Một bác sĩ phẫu thuật nhi khoa ở Manila có kể cho tôi nghe về cặp cha mẹ khá giàu có của một em bé một tuổi đã đến phòng khám của anh và chào anh bằng câu hỏi: "Bác sĩ nhìn đi, anh có thấy con tôi trắng hơn không?" Hóa ra đứa bé đã được truyền chất glutathione vào tĩnh mạch để trông "dễ thương hơn" và "nổi bật hơn". Phương pháp này hiện đang lan rộng ở Mỹ, với chi phí 150-400 đô la mỗi phiên - làm dấy lên câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả ở cả hai quốc gia.
Còn những người khác tôi gặp dùng các sản phẩm làm trắng da khẳng định không phải để trông giống người da trắng hơn, mà để cho da trông sạch và mịn màng. Những người khác nữa thì đang phấn đấu để có làn da "bình thường" hoặc "tự nhiên". Fraink White, một video blogger, được trích dẫn tương tự trong một bài báo trên tờ The Guardian rằng "Tôi làm sáng da không có nghĩa tôi muốn làm người da trắng. Tôi vẫn có đặc điểm vẻ ngoài của người Mỹ gốc Phi; tôi không muốn thay đổi điều đó. Tôi chỉ muốn da mình trở về với sắc độ và kết cấu da tự nhiên khi được che chắn và không bị ánh nắng mặt trời ảnh hưởng. Đấy mới là màu da tự nhiên của tôi." Những lời giải thích này làm sáng tỏ thực tế rằng mọi người mặc nhiên xem làn da trắng và nhợt nhạt là sạch sẽ hơn, mịn màng hơn và "tự nhiên hơn", nói lên ước muốn có màu da trắng đã trở thành nghiễm nhiên như thế nào.
Khi tôi hỏi Jenna, một nhân viên trung tâm mua sắm 24 tuổi từ Puerto Princesa, về trường hợp nếu nhiều sản phẩm cô dùng không thực sự hiệu quả, cô bảo rằng dù thế nào chăng nữa thì cô cũng "chẳng mất gì" để thử. Tất nhiên điều này không đúng. Bên cạnh các chi phí kinh tế và rủi ro sức khỏe liên quan tới các sản phẩm này, thị trường dành cho họ còn mặc nhiên rao giảng đức tính của người da trắng, dựng thêm một lớp rào bất bình đẳng khác lên những người mà giới tính, giai cấp hoặc dân tộc của họ bị đẩy vào vị trí thiệt thòi.
Thật may là toàn cầu hóa đang lan truyền ý tưởng và sự nhạy cảm làm nghi ngờ giá trị của màu da trắng. Euan, một trong những đối tượng cung cấp thông tin cho tôi hiện đang làm việc tại Dubai, nói với tôi: "Kem làm trắng da là một sản phẩm của tâm lý thuộc địa, đó là lý do tại sao tôi ghét nó." Thật kỳ lạ, niềm tự hào dân tộc và sự giải phóng toàn cầu hóa lại kết hợp với nhau ở quan điểm này. Trong một bài đăng trên blog được chia sẻ rộng rãi, sinh viên đại học DePaul và nhà hoạt động vì quyền của người da đen Charlene Haparimwi có viết: "Tôi bắt đầu thấy bản thân và những người có màu da ngăm đen trong các quảng cáo trang điểm, trên sàn diễn, các chương trình quảng cáo, chiến dịch làm đẹp,... Làn da đen của tôi rất đẹp... Tôi là nữ hoàng châu Phi, một nữ thần da ngăm, một công chúa da màu."
Có lẽ nhận thức ngày càng cao của các ý tưởng nội tại về màu da trắng và nguồn gốc của chúng trong lịch sử phân biệt chủng tộc, kết hợp với sự thúc đẩy hiện đại chống lại sự phân biệt đối xử dựa vào màu da, sẽ làm gia tăng sự chấp nhận tất cả các tông màu da trên thế giới.
Nhưng chúng ta còn một chặng đường để lật đổ hệ thống phân cấp lâu đời về màu da và thay đổi những ý tưởng đã tồn tại sâu sắc đến mức nhiều người thậm chí không có ý thức nắm giữ chúng. Khi tôi đang thực hiện thảo luận nhóm tập trung với các sinh viên tại một trường đại học tư thục ưu tú ở Manila, một trong số họ đã để lộ đường nét rám nắng của mình. "Em mới đi lướt sóng tuần trước," cậu tự hào giải thích. Hóa da, kem chống nắng của cậu ấy cũng có tác dụng làm trắng - mà cậu bảo rằng không biết kem có tác dụng này. "Thực sự em không quan tâm tới màu da của mình," cậu nhấn mạnh. "Nhưng," cậu nói thêm, "em cũng không muốn da quá đen."
*Tên của tất cả người được phỏng vấn đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân
--------------------------------------------------------------------------------------------
Ngày 6/6/2019
Tác giả: Gideon Lasco
Trang nguồn: Sapiens
Link nguồn: https://www.sapiens.org/biology/skin-whitening/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top