Về nàng
1.Tâm trạng nhà phê bình là một đồ thị sin điều hòa chu kỳ lên xuống. Hôm nay nó rơi vào điểm cực tiểu và anh bắt đầu uống không ngừng.
'Thật thảm hại' - Nhà phê bình mỉa mai chua xót nhưng lại tiếp tục uống, cái quán tính không thể điều khiển chẳng phải được kế thừa duy nhất bởi mình anh.
Nàng nhìn nhà phê bình bằng ánh mắt khó hiểu, đôi mày cau lại vương nét buồn trên khóe mắt.
Đóa mẫu đơn. Ánh trăng vĩnh hằng. Nữ thần Aphrodite. Tất cả những ngôn từ đã được gọt giũa công phu và phục sức lộng lẫy bởi mỹ từ học của thi nhân. Đôi lúc nàng nghĩ nàng, nhà phê bình và thi nhân đang gượng gạo sắm vai trong một màn kịch đầy mélodrame bi đát.
-Anh có thể nói với em. Hoặc anh ấy, nếu anh muốn. Tại sao lại giam mình vào bốn bức tường đóng dấu mặc cảm kia?
-Thật thảm hại... - Nhà phê bình vẫn lẩm bẩm đủ để nàng nghe thấy. Cấu trúc lặp thảm hại. Y như người vừa nói.
Nàng thở dài. Thế là đủ cho một cuộc đối thoại chóng vánh, một siêu văn bản kỳ lạ và ám ảnh về nội dung.
Chẳng một ai giống với nhà phê bình mà nàng chọn cũng như chẳng một ai giống với thi nhân đã yêu nàng. Nàng đã chọn anh để chỉ được là nàng - bà hoàng kịch nghệ thay vì một nữ thần tuyệt đối. Nàng sẽ chẳng hối hận theo cái cách mà cả nhà phê bình ( thảm hại, thật thảm hại) kia hay thi sĩ thích hoa trà đã suy tưởng. Dù cho suy tưởng của họ khác nhau hay giống nhau.
Có thể nàng đã yêu nhà thơ mười bảy tuổi kia, người ngơ ngác với những biến cố của dòng chảy thời gian hỗn loạn và đám đông chen lấn nhau trên nắp cống siêu thực của đời người nuốt trọn nào áo cơm nào kỳ tích mộng mơ. Nhà thơ mà mỗi lần xuất hiện, gương mặt sáng rực bởi đam mê của cậu ấy còn hơn cả gương mặt của một ông hoàng sẵn sàng đặt cả vương quốc không bao giờ tắt ánh mặt trời của mình xuống dưới chân nữ thần tình yêu và sắc đẹp.
Nhưng nàng đã chọn anh, nhà phê bình chẳng biết vì vô tình hay cả gan cố ý hái trộm trái cấm vườn thơ, để rồi sau đó ngôn từ choáng ngợp đầy tính chuyên môn của anh ta đi đâu hết nhường chỗ cho câu cửa miệng nhạt nhẽo vô vị mà đầy xót xa: 'Thật thảm hại'. Nàng lại bị cuốn vào thứ tình yêu lấp lửng chơi vơi giữa lãng mạn và thực tế. Họ giống nhau. Tuổi trưởng thành bóc trần sự ảo tưởng về tình yêu lãng mạn nơi họ. Dù đã có khi nhà phê bình thì thầm với nàng những ngôn từ ngây ngất tuyệt diệu. Dù đã có khi nàng khiến cho anh gạt bỏ thực tại để mộng mơ. Tất cả đều không thể là một hành trình băng băng trên một nẻo đường bằng phẳng rải đầy hoa hồng hay một thảo nguyên lộng gió và đầy hoa thơm cỏ lạ. Nhưng kỳ lạ, nàng chọn anh. Nhà phê bình mặc cảm vì phạm phải lỗi lầm quá lớn.
Trước nhà phê bình, trước thi nhân, đã có vô số kẻ vây quanh nàng. Nàng không bao giờ quan hệ với người đàn ông nào quá 3 tháng mà tránh khỏi đụng chạm thân xác. Cánh cửa với chiếc bản lề gãy không bao giờ có thể khép lại được nữa. Ngoại lệ duy nhất là anh, nhà phê bình đam mê, dịu dàng mà đôi khi lạnh lùng cách biệt. Thứ cách biệt mơ hồ, mờ nhạt như một làn khói mỏng nhẹ bay lên từ một mặt hồ buổi sáng mùa đông, mà nàng chỉ có thể cảm nhận bằng trực cảm đàn bà. Nó tồn tại. Một cách vô hình. Ngồi sát bên anh, mắt không rời mắt, rụt rè đặt những ngón tay thon dài nuột nà lên bàn tay anh chai sạn, đuổi theo mùi đàn ông từ môi anh, hình dung một cái hôn thăm thẳm, chừng ấy cũng đủ để nàng thót bụng, mềm lả, chơi vơi trong khoái lạc vô bờ.
2.
Hai ngày chết chìm trong men rượu, nhà phê bình giam mình trong căn phòng kín cửa, để mặc nàng trong xúc cảm bấp bênh và hàng vạn dấu chấm hỏi đang đòi một gạch đầu dòng giải thích.
Trưa hè lặng im vô tận, nóng rực như muốn hỏa thiêu toàn bộ ái tình diễm lệ và sướt mướt. Hàng cây ẻo lả rũ những tàn lá héo, màu buồn thảm đợi chờ, xanh bợt bạt trong cái nền thăm thẳm của một tông xanh khác. Bầu trời trong xanh.
Quyển sách anh thường đọc gấp trên bàn giữa muôn vàn những lộn xộn tài liệu, giấy tờ, bài viết, bút mực. Nàng liếc mắt nhìn chúng. Chúng nhìn lại nàng bằng những con mắt vô cảm, lặng câm chẳng buồn đáp lại nàng dẫu chỉ bằng một tiếng thở dài. Thi tập của Rimbaud buồn tênh nhớ tay người lật giở. Không có người đọc, mọi cuốn sách chỉ còn là một tấm áo quan bằng giấy tẩm liệm nền nghệ thuật văn chương.
Nàng cầm quyển sách lên, thứ ngôn ngữ latin biến ảo với những cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa siêu hình làm nàng cau mày. Phải chăng thế giới văn chương là thế giới của những người đàn ông mơ mộng? Nếu vậy, thế giới văn chương nghệ thuật này liệu có gì khác với thế giới của chiến tranh, cũng vốn dành cho những gã đàn ông mộng tưởng về giấc mộng hoàng kim không?
Khi vừa quyết định không để ý đến thứ tiếng Pháp hàn lâm vốn đã được phục sức lên quá nhiều đồ trang trí mà nàng không thể hiểu nổi, nàng gấp lại quyển sách và định đặt nó về chỗ cũ, xuống bàn của anh. Từ trong quyển sách, tuôn ra một cơn mưa nào phong bì nào ảnh. Nàng ngạc nhiên, hoang mang trong một mối nghi ngờ chưa định hình được đối tượng.
Những tấm ảnh thi nhân. Đen trắng. Mới chụp hoặc ố vàng. Cũng là cậu con trai ấy, cậu con trai đã yêu nàng bằng tình yêu của kẻ tình nguyện bị chinh phục. Từ nhỏ đến lớn. Một tấm ảnh chụp một đứa trẻ có nụ cười thiên thần vô tư ban phát tình yêu với thế gian mà nó còn chưa chạm đến. Phía sau ảnh dòng mực xanh với nét chữ quen thuộc - chữ anh - Nakaya. Một tấm khác, cậu bé nay đã lớn, nét cười vẫn của một thiên sứ bị trục xuất đến trần gian để ban phát tình yêu - Nakaya của tôi. Tấm tiếp theo, một thiếu niên đội mũ có cái nhìn sắc sảo mà ngơ ngác, vẫn lại là một thiên sứ đi lạc. Đôi mắt chưa bao giờ nhìn thấy những góc khuất của nhân gian. Nakaya - 17 tuổi. Nét chữ gãy gọn trong các bản phê bình.
Những bức thư trên ô người nhận đều đề cùng một cái tên. Nàng lặng lẽ mở phong bì. Chúng theo nhau mở khóa cánh cửa giấu vô vàn lời giải đáp cho vô vàn câu hỏi vì sao.
Bức thứ nhất. Chữ viết xiên vẹo của anh. Chắc anh đã viết trong khi uống say:
Tôi có lỗi với em nhiều lắm.
Bức thứ hai, những nét phẩy rõ ràng, nét sổ dứt khoát. Hẳn anh ấy đang hạ quyết tâm:
Nhưng tôi không mong em tha thứ. Đừng tìm nàng. Tôi cũng sẽ không tìm em.
Bức thứ ba, chữ dịu dàng mềm mại, nét sổ sổ tung, nét mác rung rinh như gió thổi. Lời tâm tình dịu dàng đúng bản chất của anh, thanh lịch:
Tôi sẽ không gửi cánh thư này đến em. Không đâu. Tôi nhớ Nakaya của tôi nhiều lắm. Ừ thì yêu. Yêu tháng tư đổ nắng hoa trà. Và yêu em.
Tôi muốn gặp em dù biết mình chẳng có tư cách...
Phải thật vui vẻ đấy. Nakaya của tôi...
Nàng lặng im, bất động. Mọi câu hỏi của nàng đã có lời giải đáp. Cho cả những đêm anh vừa mới ôm nàng, thì thầm những cấu trúc ngữ pháp lãng mạn, thêm thắt vài biện pháp tu từ bóng bẩy và cuối cùng là lớp nước sơn đẹp đẽ thi ca, thì sau đó anh lại quay lưng về phía nàng, độc thoại nội tâm trong ba chiều không gian và một chiều thời gian khép kín lặng lẽ. Buồn ở đâu hơn trong những ngón tay nàng đan vào tay anh, tưởng vừa khít mà hóa ra quá rộng. Nàng chỉ là một tham số trong phương trình vĩnh cửu cuộc đời anh mà không bao giờ là nghiệm, dù nghiệm thực hay ảo. Thi nhân cũng thế, nhưng khác nàng, một parabol tuyệt diệu, trăng vĩnh hằng, một đường tròn hoàn hảo, cậu ấy là một hyperbol tiệm cận, rất gần với tâm hồn anh nhưng chẳng giao thoa, chẳng song trùng.
'Thế còn tốt' - nàng chua chát nghĩ. Nàng hay nhà phê bình, những kẻ thuộc cõi trần, nhân loại, đều không thể chạm đến cái niềm tin cháy bỏng mà mong manh, trong suốt như pha lê của nhà thơ. Họ mới là những kẻ tiệm cận với thi nhân nhưng chẳng bao giờ có thể chạm vào.
Tỉ mỉ vuốt ve những bức ảnh và lá thư khóa kín trong bí mật của nhà phê bình, nàng miết phẳng những góc quăn cẩu thả - sự cẩu thả của bàn tay đàn ông. Không kịp lau những giọt nước mắt vừa rơi ướt má, nàng mang những bức thư đi, chỉ để lại trong quyển sách của anh những tấm ảnh đen trắng.
Note: hai hôm nay bạn au bị down mood nên không bay bổng hoa lá trăng đèn gì nổi nữa zòiiiii ;;;;;A;;;;;
Mình định viết truyện này thành 3 part.
Về nàng; Về nhà phê bình; Về thi nhân. Cái này là part đầu. Từ ngữ mình sẽ cố sửa :'((((
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top