Tháng Giêng
Mùng 1 tháng Giêng
Hạ Lan đã phải phân vân một hồi lâu xem nên cho tiết mục xông nhà và nhận tiền lì xì đầu năm vào ngày 29 tháng Chạp hay là mùng 1 tháng Giêng. Cuối cùng, nó đã nghe theo lời thằng Chí Huân, trích nguyên văn.
"Quá 12 giờ đêm là sang ngày mới rồi."
Vâng, đây chính là tiết mục được mong chờ nhất trong ngày đầu xuân năm mới: Lì xì!!!
Theo thông lệ hàng năm, mỗi thành viên trong gia đình nó sẽ gửi lời chúc mừng năm mới tới những người khác, cứ như vậy đi hết một vòng tròn.
Gọi là vòng tròn cho oai vậy thôi chứ gia đình nó có mỗi ba người, bố mẹ và Kim Hạ Lan.
Bố nó là người bắt đầu trước. Trên khuôn mặt bình tĩnh của Kiến Phúc treo một nụ cười nhẹ, cậu nhìn người đàn ông đã đi cùng mình ba lần nửa thập kỷ, ánh mắt hiện lên tình yêu thương không che giấu, dịu dàng nói.
"Cảm ơn anh đã đồng hành cùng em thêm một năm nữa. Chúc anh tuổi mới luôn khỏe mạnh, hạnh phúc, yêu đời và yêu bố con em."
Kim Hạ Lan sởn hết cả gai ốc với lời thổ lộ tình cảm nồng thắm đến từ bố của mình nhưng có vẻ như mẹ nó cảm động lắm. Bằng chứng là Hứa Tú đã nhào lên ôm chầm lấy Kiến Phúc mà chẳng để tâm đến ánh mắt của đứa con đằng sau mình.
"Cảm ơn em nhé. Anh cũng yêu em."
Sau mẹ nó, Hạ Lan là người được nhận lời chúc (và lì xì) từ Kiến Phúc. Nó he hé tấm phong bao đỏ, lập tức cười phớ lớ như được mùa khi nhận ra tiền lì xì năm nay có thể giúp nó mua cả năm bịch que cay không chừng. Giờ thì thằng nhãi Chí Huân sẽ không thể nào cười nhạo vì nó không có tiền được nữa.
Hạ Lan khoanh tay gập người 90 độ, dõng dạc nói: "Con cảm ơn bố ạ!"
Mọi chuyện tiếp diễn và nó cũng thu được thêm năm bịch que cay nữa (từ mẹ nó) rồi sau đó là màn phá cỗ hoành tráng với rượu vang mới mở (nó không được uống), thịt luộc và xôi gấc cùng đống bánh kẹo mà mẹ nó vốn dĩ là bày cho khách (Hạ Lan tự thuyết phục mình rằng nó chính là người khách đầu tiên của gia đình Phúc Tú này).
"Và giờ thì con phải đi ngủ thôi, Hạ Lan." Mẹ nó nói vậy khi kim đồng hồ chỉ đến con số một.
"Hôm nay mình còn phải đi chúc Tết sớm nữa."
Thật ra mà nói nó cũng đã buồn ngủ ríu cả mắt lại. Vậy nên, nó ậm ừ chào bố mẹ rồi leo tót lên phòng đắp chăn ngủ khò khò.
Còn chuyện nó bị mẹ vừa kéo chăn vừa mở đèn, lắc người nó như đang lắc phô mai vào đĩa khoai tây chiên là chuyện của bảy tiếng sau.
-
Mùng 2 tháng Giêng
Sáng ra, cả nhà nó đã khăn gói lên ô tô để đi ra sân bay Nội Bài. Bố nó quê Hà Nội, mẹ nó quê Cần Thơ. Mỗi năm vào dịp Tết, bố mẹ nó chúc Tết họ hàng bên nội xong một lượt là lại ngay lập tức lên đường về quê ngoại.
Sau khoảng bốn giờ chật vật lắc lư đi lại qua các phương tiện giao thông, cuối cùng gia đình nó cũng đã đặt chân xuống mảnh đất Cần Thơ.
Hạ Lan thích không khí ở quê ngoại lắm. Theo nó, ở đây không khí trong lành mát rượi khác hẳn so với khói bụi mịt mù lại còn thường xuyên ô nhiễm ở nơi nó đang sống.
Từ xa, vừa nhìn thấy cái cổng sắt màu xanh lá cây (hình như ông bà nó mới sơn lại), Hạ Lan đã gào um lên khắp xóm.
"Ông Thiên Hi, ông Dung Chuẩn ơi!!! Cháu với bố Phúc mẹ Tú về rồi đây ạ!"
Trong sân nhà, mấy con gà đang được nhốt trong chuồng. Hai bên nhà gỗ treo đầy câu đối đỏ. Tiếng tây tiếng tàu gì đó Hạ Lan không hiểu. Nó chỉ biết đấy là dấu hiệu của Tết khi đến nhà ông ngoại nó.
Ông Dung Chuẩn từ trong nhà bước ra. Nó lao chầm vào ôm chặt lấy ông.
Mẹ nó nói với ra: "Hạ Lan, từ từ thôi. Ông ngã bây giờ."
Kiến Phúc gật đầu: "Con chào bố ạ!"
Dung Chuẩn cười cười, ra vẻ vẫn còn khỏe lắm.
"Gì chứ Hứa Tú. Mới đi có mấy tháng mà đã nghĩ ba yếu thế rồi à?"
Người ông còn lại của Hạ Lan, Thiên Hi đã xuất hiện sau lưng ông Dung Chuẩn từ lúc nào. Trái với vẻ hiền dịu của ông Dung Chuẩn, ông Thiên Hi nghiêm túc hơn nhiều (và hơi đáng sợ nữa).
"Đứng ngoài này làm gì. Vào nhà nghỉ ngơi đi đã. Cất đồ rồi ăn trưa luôn."
Chiều đó, bố mẹ Hạ Lan dẫn nó đi một vòng quanh xóm. Dưới này làm nông nghiệp là chủ yếu nên có rất nhiều đất. Các gia đình nhiều anh chị em thường sống cạnh nhau, vừa là người thân vừa là hàng xóm luôn.
Mẹ nó kể, hồi đó nếu mẹ nó không học đại học thì sẽ trở thành một trong những người nông dân như cô dì chú bác của nó ở miền đất Cần Thơ này. Và vì thế có khả năng sẽ không được gặp bố nó, Hạ Lan cũng sẽ không được sinh ra.
Kim Hạ Lan nghe thế thì sợ lắm. Nó thầm cảm ơn vì mẹ nó đã học giỏi nên đậu đại học, được hai ông cho lên Hà Nội theo học bằng kỹ sư.
Bố nó bên cạnh bật cười thành tiếng.
"Anh cứ dọa thằng bé. Rõ ràng em quen anh khi em đi du lịch ở đây mà."
Mẹ nó bị vạch trần nên xấu hổ, đấm cái bụp vào lưng bố nó. Trái tim lơ lửng của nó cuối cùng cũng được hạ xuống.
Gì chứ, hóa ra là dù đi đâu thì mẹ nó vẫn gặp bố nó à. Tức là nó sẽ luôn được sinh ra. Thế thì còn sợ gì nữa.
Kim Hạ Lan lại ngẩng cao đầu ngạo nghễ đi quanh xóm chúc mừng năm mới với bố mẹ.
-
Mùng 3 tháng Giêng
Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.
Kim Hạ Lan không nhớ mình đã nghe câu nói này ở đâu nhưng gia đình nhỏ của nó suốt từ những năm nó biết nhận thức đến nay vẫn luôn tuân thủ đúng theo những gì dân gian truyền lại.
Từ sáng mẹ nó đã dậy sớm để phụ ông ngoại làm mâm cỗ Hạ Lễ. Cơm nước xong xuôi cũng phải độ chín giờ hơn gần mười giờ. Bố Phúc mẹ Tú lại xách theo Hạ Lan đi đến chúc Tết thầy cô giáo và bạn bè ở dưới này của mẹ nó.
Khi về đến nhà, bố mẹ nó đã trông bơ phờ hết cả. Chắc là mệt lắm. Mà hẳn là mệt rồi, ngay cả cái đứa ăn không ngồi rồi chỉ có nhiệm vụ chén bánh kẹo và nhận lì xì như nó còn thấy mệt nữa là bố mẹ.
"Bố mẹ ngủ một tí, chiều đi chúc Tết nốt nhé. Con mệt thì ngủ đi."
Bình thường nếu Hạ Lan nghe thấy bố mẹ đi ngủ là nó sướng rơn. Vì khi đó nó sẽ được độc chiếm cái tivi giữa phòng khách, thậm chí lần này còn có ông ngoại bảo kê. Nhưng hôm nay thì nó cũng mệt mỏi, không muốn ăn gì chơi gì nữa.
Nó ngáp dài một cái, tự giác lê thân tàn tạ vào phòng mà không làm phiền ai.
"Bố mẹ ngủ ngon ạ!"
-
Mùng 5 tháng Giêng
"Oa huhu, không chịu đâu!!!"
Rạng sáng, nhà ông Hi ông Chuẩn đã bị cái mồm như cái loa phường của Hạ Lan réo ầm trời.
Chuyện là, sau mấy ngày nghỉ dưỡng ở Cần Thơ, đã đến ngày cả nhà nó phải ra sân bay để về lại Hà Nội.
Ngay mùng 6 này thôi, tức ngày mai, cả nhà nó lại về với lịch sinh hoạt dày đặc nơi thành phố hoa lệ mà xô bồ kia. Nghĩ thôi đã thấy mệt!
Thật ra mà nói, Hạ Lan cũng không đến nỗi quá ghét Hà Nội, dầu gì đó cũng là nơi nó sinh ra. Nhưng ngặt một niềm, ở đó đất chật người đông, thường xuyên tắc đường, không khí lại ô nhiễm quá thể nên bao nhiêu thiện cảm Hạ Lan có nơi mảnh đất Thủ đô theo thời gian tan biến sạch bách.
Mẹ nó dỗ: "Thôi nào! Mình về nhà thôi con. Ở ngoài đó, con không nhớ bạn bè hả? Nhanh thôi, mấy tháng nữa giỗ cụ mình lại về đây. Đợt nghỉ hè cũng sẽ cho con ở với ngoại, được không?"
Bố mẹ nó cứ vừa dụ vừa dỗ Hạ Lan suốt mấy mươi phút đồng hồ. Đến khi nó khóc mệt, ngủ thiếp đi, cũng là lúc nó như thường lệ bị "bắt cóc" bởi chính bố mẹ ruột, không từ mà biệt vùng quê non nước xinh đẹp nó hằng yêu mến.
Trước khi chìm vào giấc ngủ sâu không mộng mị, Kim Hạ Lan nghe trong đầu mình một tiếng vọng đâu đây.
À... Thế là hết Tết.
-
"... Dù Tết năm nào cũng mệt, nhưng Tết năm nào cũng vui. Miễn là gia đình nhỏ của em quây quần bên nhau, em nghĩ mình luôn sẵn sàng chào đón Tết thêm lần nữa. Bây giờ em mới hiểu tại sao người ta lại gọi là Tết đoàn viên."
Kim Hạ Lan kết thúc bài văn của mình. Các bạn dưới lớp đồng thanh vỗ tay rào rào khiến nó trố mắt ra vì bất ngờ.
Nó sốc thật. Cái thằng môn nào cũng ngắc ngoải ở mức trung bình như nó ấy thế mà lại được vỗ tay khen ngợi cơ đấy.
Hạ Lan quay sang nhìn cô giáo, cô cũng đang mỉm cười vỗ tay.
"Bài văn em viết tốt lắm. Cô sẽ cho em 9 điểm."
Con chín đỏ chót in trong bài văn chữ xấu như gà bới (mẹ nó bảo thế) của Hạ Lan. Nó mừng húm, cầm quyển vở như cục vàng, cẩn thận về chỗ ngồi.
Hạ Lan nghĩ, nó phải đem bài văn này về khoe với bố mẹ mới được. Biết đâu bố mẹ lại cho nó tiền đủ để mua thêm năm bịch que cay thì sao.
Hết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top