Cánh Cổng Màu Đỏ Tía
By Bùi Dzũ
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện. Nó đã xảy ra trong cuộc đời tôi vào một ngày chủ nhật không buồn như trong bài hát cũ. Khi ký ức của tôi vẫn còn rõ ràng, câu chuyện ấy nên được kể ra trước khi nó kịp bám một màu rêu úa.
Xin thứ lỗi cho tôi cứ loay hoay suốt nhiều giờ trên màn hình vi tính. Tôi đang ngồi trong một quán net nóng hầm hập đầy tiếng ầm ĩ trong game. Thú thật tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.
Mọi thứ chỉ diễn ra vỏn vẹn trong ngày chủ nhật tuần rồi. Trong một căn nhà có cánh cổng màu đỏ tía. Tôi là khách. Người đàn ông ấy là chủ. Không. Anh ta là đồng chủ nhà. Vì anh ta còn cô vợ trẻ và một đứa con gái gần mười hai tháng tuổi. Anh ta là kỹ sư xây dựng. Vợ anh ta là giáo viên. Còn tôi chỉ là một thằng con trai hai mươi hai tuổi đang lang thang trên đường với ổ bánh mì và tờ báo Mua & Bán.
Tôi không giấu được nỗi xấu hổ để thú nhận rằng, lúc mười giờ sáng hôm ấy tôi đã bấm chuông căn nhà có cánh cổng màu đỏ tía để...xin làm giúp việc. Bạn có thể cho là vô lý. Tôi cũng nghĩ giống bạn. Nhưng tôi đang thất nghiệp. Tôi biết nấu ăn ngon. Tôi biết sửa điện nước. Tôi yêu trẻ con. Tôi lành tính. Thế thì tại sao tôi không thể xin làm giúp việc ở một nơi đang cần.
Ngày trước ở quê, tôi còn giúp bố mẹ nhiều hơn là giúp việc nhà. Bố khen tôi tháo vát. Mẹ khen tôi đảm đang. Tôi chỉ thấy mình cô độc. Vì tôi biết chắc một số năm sau đó, tôi lại loay hoay một mình để làm những công việc của mẹ, hoặc công việc của bố trong căn nhà trọ nào đó. Thôi tôi không lan man nữa, để còn kể tiếp câu chuyện.
Người đàn ông ấy là người ra mở cửa. Anh ta cao khoảng một mét sáu (tôi cũng không nhớ rõ, vì tôi thấy anh ta đứng ngang ngang mình), nước da ngăm đen, đôi mắt và hàm răng hơi sáng một chút, có lẽ là do tương phản với nước da. Đó là một gương mặt không mấy dễ nhìn, hoặc có lẽ tôi ngại nhìn ai đó quá lâu. Còn anh ta thì nhìn tôi từ trên xuống dưới, đáng lý anh ta sẽ nhìn tới chân, nhưng tôi đoán anh ta không có nhiều kiên nhẫn, nên chỉ nhìn đến ngang bụng rồi lại nhìn lên. Chẳng ai cảm thấy thoải mái với một kiểu nhìn dò xét như vậy, tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi miễn cưỡng mỉm cười, hai tay cuộn tròn tờ báo và thu nó trước ngực. Anh ta đằng hắng một cái rồi hỏi: "Cậu kiếm ai?" Thú thật lúc đó tôi không biết làm sao để mở miệng. Anh ta nhíu mày chờ tôi khoảng ba giây, rồi từ từ khép cổng. Tôi càng trở nên lóng ngóng, nhưng hai tay cũng kịp chặn cánh cửa lại. Tôi nói giọng khô khan trong tình trạng bị khuất mất một nửa khuôn mặt: "Dạ, em đi xin việc."
Cánh cổng dừng lại lực đẩy ra và giữ nguyên trạng thái. Người đàn ông ló đầu ra nhìn tôi đầy nghi hoặc, anh ta lại đằng hắng một cái nữa rồi hỏi: "Cậu nhầm địa chỉ hả? Ở đây có tuyển nhân viên gì đâu?" "Dạ, có một cái rao vặt cần người giúp việc, anh coi lại giùm đúng không?" – Tôi nhanh tay đưa cho người đàn ông tờ báo được duỗi qua loa cho thẳng, trong lòng lóe lên chút hi vọng mơ hồ.
Trái lại, người đàn ông sau cánh cửa vừa liếc xuống đoạn rao vặt được khoanh tròn, vừa cảnh giác nhìn lên mặt tôi. Có vẻ như anh ta chưa từng gặp qua tình huống này trong đời: một thằng con trai đi xin làm giúp việc. Mà phàm với những gì chưa từng kinh qua, người ta khó mà có cách ứng xử cho đúng đắn.
Anh ta cứ đứng tần ngần hồi lâu bên cánh cửa. Lúc này thì tôi là người đang được thử sức kiên nhẫn trước anh ta. Dù cánh cổng được ôm một vòng cung dưới giàn hoa giấy, tôi vẫn cảm thấy sức nóng của mặt trời đang tản vào trong gáy.
Tôi nhẩm bụng: "Ba mươi giây nữa mà anh không lên tiếng, tôi sẽ làm như trong phim, chào anh hết sức lịch sự rồi đi khỏi bằng vẻ kiêu hãnh nhất có thể." Và liền theo đó là tôi đếm thầm. Nhưng khi tôi mới đếm tới mười chín thì có tiếng phụ nữ cất lên khuất hẳn sau cánh cửa làm tôi khẽ giật mình: "Ai vậy anh, sao anh đứng hoài ngoài cổng vậy?" Tôi đoán đây có lẽ là vợ của người đàn ông ấy.
Sự xuất hiện của chị ta nằm ngoài dự tính của tôi. Hai vợ chồng nói qua nói lại với nhau một hồi rồi người vợ đổi vị trí với chồng. Chị ta chường khuôn mặt qua cánh cổng rồi cười với tôi bằng một kiểu nhẹ nhàng: "Em muốn xin giúp việc thiệt hả? Chị chưa thấy con trai đi giúp việc bao giờ hết. Em có muốn vào nhà chơi nói chuyện không?"
Thực tình thì nếu chị ấy không nói câu cuối, tôi cũng tin đó là lời từ chối lịch sự. Có lẽ tôi nên cảm ơn bố mẹ vì cho tôi một khuôn mặt tử tế một chút, để người ta không nghĩ mình là kẻ gian ở lần gặp đầu tiên.
Đó là một ngôi nhà nhỏ, vừa đủ không gian cho cặp vợ chồng trẻ tiếp khách ở gian trước, một căn buồng nhỏ ở gian tiếp theo, còn nhà bếp và nhà vệ sinh thì đặt khuất ở gian cuối. Trong gian tiếp khách có một số tiện nghi là tivi, đầu đĩa và một bàn máy vi tính, chắc là của người chồng. Nhà có trẻ con nên có phần bề bộn với những thứ đồ chơi, nôi và cũi.
Chị vợ là người tất tả đi vào trước, vừa để dọn dẹp bớt những thứ của con, vừa đi xuống bếp để lấy nước. Không hiểu sao tôi luôn quý đức tính chu toàn của người phụ nữ. Như mẹ của tôi, bà luôn muốn mọi thứ trong nhà phải thật tươm tất, có lẽ bà không thích cảm giác bị bố tôi nhắc khéo về một điều gì đó chưa vừa ý.
Chị gái trong căn nhà này cũng vậy. Tôi có cảm giác chị kín đáo dõi theo từng ánh mắt của chồng để dò xét thái độ của anh. Tôi chỉ thấy anh chồng cứ lừng khừng như suy nghĩ điều gì đó. Anh ta ngồi xuống ghế salon và ra hiệu cho tôi cùng ngồi. Anh ta lại nhìn vào mẩu rao vặt trên báo một lần nữa, trước khi cất giọng về phía tôi:
- Chắc em biết là xưa giờ toàn phụ nữ đi giúp việc thôi chớ hả?
- Dạ...biết, nhưng mà...- Tôi lí nhí trong miệng như thể người ta lại chạm đến nỗi xấu hổ mà mình không thể nào giải thích được.
- Cứ nói đi em. Anh ta ngước lên nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi chạm phải ánh mắt đã bớt đi nhiều dò xét. Một đôi mắt ấm hơn tôi tưởng.
- Dạ thì em cũng liều thôi. Em đang làm luận văn tốt nghiệp nên rảnh được mấy tháng, muốn kiếm việc làm cho có tiền, chớ xin gia đình hoài ngại quá.
- Nghe giọng em chắc là người miền Trung. Mà sao em không đi kiếm mấy việc cho con trai mà làm. Phụ hồ hay là bốc vác chẳng hạn. Em không sợ người ta cười hả? Anh chồng vẫn bình thản hỏi lại tôi, không hề tỏ ý châm chọc.
- Em ngại chi mấy việc đó. Nói chung thì việc gì em làm cũng được hết. Em đã nói là em liều tới đây, anh chị chịu thì cho em làm còn không thì em đi kiếm việc khác cũng được.
- Nhưng mà em rảnh được có mấy tháng, lỡ em làm tốt rồi mai mốt em nghỉ, anh chị biết kiếm người ở đâu thay em đây?
- Nói thiệt là em cũng đã nghĩ tới chuyện này rồi, vì em có bà dì ở quê đang định vô đây kiếm việc, em mà nghỉ thì em nói dì tới làm cho anh chị.
Thấy tôi nói giọng thật thà, anh chồng đăm chiêu một lát rồi như nhớ ra điều gì, ngước lên hỏi:
- Quên nữa, em tên gì? Bao nhiêu tuổi rồi? Quê ở đâu? Đang ở chỗ nào?
- Em đang ở trọ bên Tân Bình, quê ngoài Đà Nẵng. Em hai hai tuổi, tên Bảo.
- Cho anh coi CMND đi.
- Dạ..
Người đàn ông cầm lấy chứng minh nhân dân của tôi, lật mặt trước rồi ra mặt sau, có vẻ như anh ta vẫn còn suy nghĩ một điều gì đó. Lúc này thì người vợ từ dưới bếp đi lên. Đẩy về tôi một cốc nước mát, chị nhẹ nhàng nhìn chồng. Dường như chị vẫn muốn nghe quyết định của chồng. Mãi không thấy anh ta lên tiếng, chị ngước mặt nhìn tôi:
- Em biết làm việc nhà hả? Đã làm qua ở đâu chưa em?
- Dạ biết. Nhưng mà em giúp việc ở nhà thì có được coi là kinh nghiệm không chị? Tôi bẽn lẽn hỏi lại.
- Thiệt em làm chị khó xử ghê. Thôi để chồng chị quyết định đi. Chồng chị chịu là được.
Chị vợ vừa nói vừa quay qua phía chồng. Anh chồng vẫn đang xem đi xem lại cái chứng minh nhân dân. Thành thử cả gian nhà chìm trong im lặng. Bỗng nhiên từ phía chiếc nôi con có tiếng trẻ con khóc khẽ. Chị vợ buông ly nước uống dở xuống, chạy về phía chiếc nôi. Chị đưa tay nâng đứa trẻ lên, ôm vào ngực trái.
Nhìn chị vợ nựng con và xoay người về hướng khác để cho con bú, tự nhiên tôi thấy mình thèm cảm giác được ở trong một căn nhà tương tự. Nhưng trong cảnh trí tưởng tượng ấy, tôi không thấy người vợ của mình.
Tôi chỉ nghe tiếng trẻ con khóc. Và tôi loay hoay với nó. Tôi cho con một bình sữa. Tôi nhìn nó trìu mến như cách tôi học ở những người phụ nữ, như chị gái tôi đang nhìn thấy trước mặt. Đứa trẻ gần ngực mẹ thì nín khóc. Nó bú no thì được mẹ chọc cho cười chét chét.
Chị gái quay người lại, như chìa cho tôi thấy đứa con gái dễ thương của vợ chồng chị. Con bé ngơ ngác nhìn về hướng tay mẹ nó chỉ, thấy tôi thì nó tròn xoe mắt nhìn. Tôi chỉ muốn sà đến, ôm con bé vào lòng mà hôn lên má. Trẻ con luôn làm lòng tôi mềm đi. Tôi còn đang lan man thì tiếng anh chồng lại vang lên:
- Được rồi anh đồng ý cho em thử việc. Bữa nay em nấu ăn đi. Lan, em đi chợ mua đồ về cho Bảo nấu thử bữa trưa. Người chồng nói rồi quay sang vợ.
Chị Lan không trả lời mà mỉm cười nhìn tôi. Chị trao đứa bé lại cho anh chồng rồi đi xuống gian nhà dưới. Lát sau chị cầm cái giỏ đi ra cửa, không quên nhìn yêu đứa con gái đang chơi đùa trên tay chồng. Ra đến cổng, như nhớ ra điều gì chị gọi với vào:
- Bảo ra đóng cổng giùm chị đi cưng.
Tôi lật đật chạy ra, thầm trách mình không nhanh nhẹn gì hết. Quay trở vào nhà, tôi vẫn thấy anh chồng đang ngồi chơi đùa cùng con, tôi đánh tiếng:
- Em chưa biết tên anh!
- À ừ, anh quên, anh tên Sơn, làm bên xây dựng. Vợ anh là Lan, dạy cấp II. Anh chồng tỏ ra hơi lúng túng một chút.
- Dạ. Anh Sơn cho em ẵm con bé một chút nha, em mê con nít lắm.
Anh Sơn thoáng e dè rồi trao đứa bé cho tôi. Được cái con bé không sợ người lạ, thấy tôi cười nó còn mừng rỡ sà vào lòng. Tôi ẵm gọn nó trên tay, rồi pha trò chọc ghẹo. Anh Sơn nhìn nhìn một lát rồi như cảm thấy yên tâm, anh ngồi vào bàn máy tính. Tôi không muốn quấy rầy sự riêng tư của anh, nên đề nghị:
- Em ẵm bé ra ngoài xích đu ngồi một chút nha anh. Cho bé có chút không khí.
- Ừ nhớ cẩn thận nghe em.
- Dạ.
Cái sân con con có chiếc xích đu đặt dưới giàn hoa giấy. Lúc này mặt trời đã sắp lên đến đỉnh đầu, nắng trải một khoảng nhỏ phần tiếp giáp với căn nhà. Nhưng ngồi dưới giàn hoa giấy, không khí vẫn mát rượi.
Con bé trên tay tôi vẫn cười chét chét. Thỉnh thoảng, ba nó chồm đầu nhìn ra phía tôi. Tôi bỗng loáng thoáng thấy sau lớp cửa kính, màn hình máy vi tính của anh Sơn hiện lên một khung hình quen thuộc. Bất giác, tôi mỉm cười và hôn lên má con bé. Có lẽ, tôi không thể làm công việc ở đây được rồi. Tôi đã tìm được hơn một lý do để không bắt đầu những rắc rối...
Rất nhanh sau thì chị Lan về tới. Anh Sơn tắt màn hình máy tính và đứng dậy ôm con bé tôi trao lại. Tôi theo chị xuống dưới nhà bếp. Hôm nay chị mua một con cá điêu hồng nhỏ để làm món sốt cà. Cùng với măng để nấu canh. Những món này quá quen thuộc đối với tôi nên chỉ một lúc sau, tôi đã chuẩn bị đâu ra đó để nấu. Chị Lan nhìn tôi đầy ngạc nhiên, rồi chị tấm tắc:
- Cô nào mà gặp được em thì phước đó.
Tôi nghe, chỉ cười. Bỗng nhiên hình ảnh ban nãy trên màn hình máy tính của anh Sơn lại trở về trong đầu tôi. Tôi hít một hơi và hỏi nhỏ chị:
- Thế chị gặp anh Sơn có phải là phước không?
Chị Lan trở nên lúng túng thật sự. Tôi không nghĩ câu hỏi của mình lại làm cho chị bối rối đến thế. Và tôi lại miên man, trong khi tay vẫn đang chiên cá. Tôi không biết dòng suy nghĩ của mình có giống với suy nghĩ của chị hay không. Tôi không biết chị biết được những gì, hay mãi mãi sẽ không biết được điều gì cả, trong căn nhà ấm cúng này.
Bữa ăn trưa diễn ra khá vui vẻ sau đó. Con bé ngồi trong cũi nghịch hàng đống đồ chơi của nó, thỉnh thoảng cười ré lên như gây sự chú ý. Anh Sơn nhìn con bé gườm gườm, làm nó sợ phải nhìn về phía chị Lan.
Chị đánh khẽ vào vai chồng, rồi chạy tới ẵm con vào lòng. Tôi xin phép anh chị để đi về, vì có việc gấp phải làm, sẽ quay lại vào ngày mai. Tôi cố gắng nói với một giọng ít giả dối nhất, để anh chị ấy không cảm thấy khó xử.
Chị Lan trao con cho chồng để tiễn tôi ra cổng. Tôi biết chị có điều gì đó muốn nói với tôi. Chị chạy vào buồng trong một lát, rồi lại chạy ra. Đứng nép dưới giàn hoa giấy, chị khẽ liếc mắt vào trong nhà, thấy chồng đang ẵm con ngồi vào máy vi tính. Chị ngần ngại hồi lâu, rồi nhìn vào mắt tôi nói khẽ:
- Thiệt tình chị rất là quý em. Nhưng mà chị không muốn em đi làm như vậy. Hãy đi kiếm một việc khác phù hợp với em, nghe Bảo. Hi vọng lúc nào đó chị em mình gặp lại nhau. Chị tặng em cái này, đừng ngại, em còn khổ nhiều đó.
Chị đút vào túi áo tôi một phong bì gấp làm đôi và không cho tôi kịp phản ứng. Chị mở cánh cổng màu đỏ tía để tiễn tôi, trong mắt ánh lên niềm thương cảm. Tôi bỗng dưng buột miệng:
- Có phải chị...?
- Em về đi, ráng thu xếp nghe em...
Cánh cổng màu đỏ tía đóng lại dần dần. Tôi như nhìn thấy cánh cổng ấy giờ đây không còn là thứ ngăn cách gia đình chị với cuộc sống bên ngoài. Nó là thứ báo hiệu cho tôi biết, những thứ ở đằng sau nó không còn êm đềm, hay thực ra là một sự êm đềm cố vun vén. Cánh cổng màu đỏ tía. Căn nhà màu đỏ tía. Tôi lững thững đi trên con đường rất dài. Chẳng cần chi nắng gió, tôi thấy mình vương đầy cát bụi...
Tháng 3/2010...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top