Cánh Chim Ngang Trời
Tôi thật ganh tị với những người có thể hoà nhập thân thiết với bố như một người bạn, có thể chia sẽ đủ thứ chuyện mà chẳng ngại ngần gì.
Còn tôi thì hoàn toàn không thể làm được cái điều đó.
Bố tôi là một ông bố khó tính, cọc cằn, hay phàn nàn đủ chuyện của tôi. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ quách đi đâu đó cho xong, đó cũng là lí do tôi chẳng thích ở nhà chút nào.
Nhà tôi cũng chẳng khá giả gì, tất cả mọi chi tiêu đều dồn trên vai bố, dựa hết vào cái nghề thợ điện của bố mà sống lay lất từng ngày. Bố tôi là gà trống nuôi con, kể từ khi được sinh ra, tôi chẳng thấy mặt mẹ mình lần nào, vì tôi, mà bà ấy mất, cũng vì tôi mà bố đâm ra hận lắm, vì chính tôi là kẻ đã cướp mất đi người vợ yêu quý của ông.
Một cuộc sống không có mẹ ở bên, mọi chuyện đều trở nên khó khăn quá nhiều. Đã hơn một tháng bố nằm viện, ông bị mắc bệnh lao phổi giai đoạn ba, ngày hôm nay tranh thủ chút ít thời gian tan làm, tôi ghé qua thăm ông.
Gương mặt ông vẫn cau có như từ trước đến giờ, vẫn một màu đỏ lòm vì lao động ngoài trời, và cũng vì tính khí nóng nảy của ông tích tụ thành mà ra. Thấy tôi vào phòng, xách theo một bọc trái cây mua ngoài chợ, mặt ông càng khó coi hơn.
"Chắc mày muốn tiễn tao lắm rồi phải không?".
"Bố! Con chỉ đến thăm thôi!". Tôi bực mình vì ông luôn nhạo báng tôi như thế.
"Hôm nay đến ngày tắm rửa rồi". Tôi nhăn mặt, đặt bọc trái cây xuống bàn sắt bên cạnh rồi vòng tay qua đỡ lưng ông dậy.
"Đàn bà con gái, để tao làm, mày chẳng được cái gì đâu". Bố lại tiếp tục cào nhào, nhưng tôi biết thừa, là ông ngại.
"Vậy bố tự làm một mình đi". Tôi nói, tay vẫn dìu ông đến trước cửa phòng vệ sinh.
Ông đóng cửa, ở cạnh ông thật là làm cho tôi khó chịu. Hôm nay ông ấy lại tiếp tục ho nhiều lắm, tôi đứng bên ngoài mà vẫn nghe thoáng tiếng ho dồn dập của ông. Chắc cái ngày ấy sẽ đến không lâu nữa đâu. Tôi lặng người, tựa đầu vào cửa nghe tiếng nước chảy, tiếng dép lê nặng nhọc từng bước bên trong. Cảm giác khao khát được có một người mẹ lại tiếp tục cuồn cuộn trong lòng tôi như sóng dậy.
Tôi không có mẹ, mẹ tôi đã mất trong khi sinh tôi. Tôi từ nhỏ đã đối diện với gương mặt cau có và đỏ lòm của bố. Ông thường rít lên rằng: "Giá như mà ta có con trai còn có ích biết mấy, con gái yếu đuối như mày chỉ có nước vô dụng và ăn hại!".
Từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy bản thân vô dụng. Đến cả buộc tóc với tôi cũng là chuyện khó khăn. Năm học mẫu giáo đầu tiên, ngày đầu đến trường một đứa nhóc như tôi chẳng biết thắt bím là gì, bố trông thấy thì khó chịu ra mặt, ông kéo tôi ngồi xuống ngay ngắn, dùng đôi bàn tay to lớn và thô ráp vì cháy nắng, vụng về chải đầu cho tôi. Ông không phải một người mẹ, vì thế mà chẳng biết nhẹ nhàng, nhiều lần tôi đau đến nhăn cả mặt nhưng vẫn cố chịu đựng. Ông không phải một người mẹ, nên chẳng biết thắt bím, ông chỉ làm đại cho ra hình thù cái bím nhưng thật chất nó rất buồn cười. Ngày đầu tiên đến trường, có không ít tiếng cười của người khác dành cho bố con tôi.
Vì không có mẹ, từ nhỏ tôi đã phải nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Những năm tháng học tiểu học, ngày ngày tôi chỉ biết ngồi ở nhà nấu cơm giặt giũ rồi đợi ông về đến tối muộn. Ngồi vào bàn ăn cơm, ông chẳng nói một lời khen nào, chỉ toàn lời chê bai "Sao hôm nay cơm nhão thế?"; "Cá rán còn chưa chín hết kìa"; "Như vậy mà ăn được à?". Lúc đấy tôi chẳng dám ngước mặt lên nhìn bố, bởi tôi sợ, tôi biết thừa gương mặt ông sẽ méo mó và đỏ lòm đến cỡ nào.
Khi tôi trở thành thiếu nữ, bố giữ tôi kĩ như giữ bọc vàng. Những lúc đến trường đưa đón, hễ thấy tôi đang vui vẻ cười nói với cậu con trai nào đó, trên đường về nhà ông sẽ hầm hầm nói nặng nhẹ với tôi đủ điều.
"Con gái chúng bây nuôi cho lớn lên cũng chỉ để gả đi nuôi bọn khác thôi. Cái nhà này đúng là vô phúc!".
"Còn nhỏ tuổi thì lo mà học hành, sau này lớn lên kiếm tiền nuôi tao trước, rồi hẵng đi nuôi bọn khác nhớ!".
Ngồi trên xe mà tôi chẳng dám nhúc nhích, nước mắt sắp trào ra mà phải gắng nuốt vào trong vì bất lực, phẫn uất, vì những lời nói nặng nề của người bố ruột mình. Bắt đầu từ lúc đó, tôi cảm thấy ân hận vì đã sinh ra trong cái gia đình đen đủi này. Tôi bắt đầu không thể chịu nỗi ngày nào cũng nghe thấy lời chọc ghẹo của đám con gái lẫn con trai trong lớp, những lời như là: con nhỏ quê mùa, con nhỏ xấu xí, nhìn bố nó chắc là chẳng làm việc gì đàng hoàng rồi. Đó là những gì mà bọn trong lớp gắn mác cho tôi.
Giá như tôi có mẹ bên cạnh, giá như tôi là những người khác được mẹ chải tóc, thắt bím rồi tung tăng đưa đến trường, được ăn cơm mẹ nấu và được ôm mẹ mỗi lúc buồn bã. Nhưng tôi biết, đó chỉ là hoang tưởng mà thôi!
Nước mắt tuôn ra ướt cả gương mặt, ướt cả cõi lòng lẻ loi của tôi. Chợt tiếng điện thoại reo, ai đó đã gọi điện thoại cho tôi ngay lúc này. Tôi choàng tỉnh và lau nhanh nước mắt, áp tai vào chiếc điện thoại cảm ứng bị nứt màn hình đã cũ kỉ.
Đây là cái điện thoại của bố vứt sang cho tôi. Khoảng mấy năm trước đây, tôi có một cái điện thoại số quê mùa bị hỏng, chẳng dùng để nhắn tin với ai được nữa, tôi muốn xin bố nhưng vì lòng tự trọng cao, tôi không nói gì. Ấy vậy mà ông biết chuyện.
Khoảng hai tháng sau ông ấy bỗng lôi về một chiếc điện thoại cảm ứng cũ, ngồi xuống ghế mà gõ gõ ấn ấn trông chả biết dùng thế nào, rồi chẹp miệng càu nhàu.
"Này! Mày coi, bố mày là hạng người bị người ta khinh bỉ đây này! Đồ xài rồi cũ rách bị người ta vứt cho đấy! Đúng là chẳng coi cái thằng này ra gì!".
Ông vứt cái điện thoại vào sọt rác cạnh bàn rồi bỏ đi. Tôi lén nhìn ông đi xa rồi hì hục chạy lại đó lấy ra, phủi bụi trên đấy rồi giấu vào quần.
Kết thúc cuộc gọi, tôi nhìn chăm chú vào những vết nức trên màn hình điện thoại. Nó đã là đồ dùng của người khác rồi mới đến tay tôi, càng ngày trở nên cũ rách không thể nào tả được.
Cạch.
Nghe tiếng cửa, tôi vội đặt điện thoại lại trên bàn sắt. Bố tôi từ trong nhà vệ sinh nặng nề bước ra. Cả người ông ướt như chuột lột, trông nhếch nhác vô cùng. Tôi vội lấy khăn lau cho thì bị ông mắng té tát vào mặt.
"Chẳng cần mày bận tâm đâu!".
Tôi khó chịu, bực tức, chẳng lần nào ở cạnh ông mà tôi không như thế. Tôi giận đùng đùng đi về hướng giường mà chẳng thèm dìu ông. Ông ta cũng tự đi, lần mò từng bước đến giường rồi nằm xuống.
"Thằng cha này thật vô phúc mà, có con gái cũng như không, thà rằng hồi đó bỏ quách nó đi cho xong để khỏi phải khổ đến như thế này. Giờ đến tiền viện phí còn chẳng có đóng nổi, ôi số tôi!".
Bố tôi lại tiếp tục càu nhàu. Ông xem tôi là đứa con gái vô dụng nhất trong cuộc đời ông. Ông trách vận mệnh mình đen đủi, tôi cũng thế thôi. Thật là đen đủi, xui xẻo!
Tôi ngồi lấy dao gọt trái cây bên cạnh, rồi lại tiếp tục nghe thấy giọng ông khàn khàn như loa vỡ bên tai.
"Tay chân mày đúng là chẳng làm được tích sự gì, mày nhìn điện thoại mày xem nó thành cái thứ gì rồi??".
"Dù sao nó cũng đã là đồ cũ trước khi con dùng rồi mà, có phải tại con đâu?".
Rồi ông lườm tôi, mặt đỏ lòm, sau đó là một tràng ho kéo dài làm tôi cuống cả lên.
"Bố uống thuốc chưa thế??".
Ông không trả lời được, ông ho nhiều lắm. Mãi một lúc lâu sau mới dừng lại. Rồi ông tựa vào giường, mắt nhắm mắt mở nhìn thẳng trước mặt.
"Mày sắp được tự do rồi đó con ạ! Mày vui chứ?".
Vui? Tôi tự hỏi mình. Cuộc đời tôi chẳng bao giờ được vui vẻ, từ nhỏ cho đến lớn rồi. Không có mẹ, đời tôi được định sẵn chẳng thể nào có được niềm vui nữa. Vui là một thứ cảm xúc gì đó xa xỉ đối với tôi, khi mà tôi bị xa lánh, bị người ta đối xử tệ bạc, bị ông bố xua đuổi hết tình yêu thuở thiếu niên của mình.
Thuở ấy, là khoảnh thời gian để tôi có thể nếm trải được mùi vị tình yêu. Nhưng thay vì bạn bè đồng trang lứa thay bồ như thay áo, tôi còn chẳng khoác nỗi một mối tình nào đó lên vai, dù chỉ là đơn phương. Tôi đã từng nói, thời lên cấp 3, bố giữ tôi kĩ như bọc vàng. Tất cả mọi cậu con trai muốn tán tỉnh tôi, khi thấy ông, dù lúc đầu có nhiệt huyết quyết tâm đến đâu, gặp ông đều ái ngại mà bỏ cuộc giữa chừng. Chưa lần nào tiếp xúc được với tôi, dù chỉ là cái nhìn.
Bố luôn chặn tất cả niềm hi vọng nhỏ nhoi của tôi. Bố bắt tôi ở trong nhà, trừ những lúc đi học ra, còn lại tất cả thời gian tôi đều cô độc trong phòng một mình.
Mỗi khi đông sắp đến, tôi lại bắt gặp một đàn chim bay ngang khung cửa sổ trên bầu trời xanh thẳm ảm đạm và lạnh lẽo. Tôi thật muốn như chúng nó, được tung cánh bay lượn bên cạnh những người thân thuộc, không hề cô đơn. Ngoảnh lại nhìn bản thân mình trong gương, là một con người lại đi khao khát cuộc sống của một con chim, tôi bật cười. Nụ cười méo mó, càng khiến hình dạng tôi như một con chim bị gãy cánh, mãi mãi bị nhốt trong cái lồng sắt tối đen mịt mù mang tên: nhà.
Trời mấy ngày nay cũng như thế, lạnh lẽo tựa băng giá, càng nhìn ngoài trời lại càng cảm thấy cô độc thảm thương. Tôi cảm thấy mình bơ vơ.
Tôi ngoảnh sang nhìn ông đang từ từ chìm vào giấc ngủ một cách khó khăn. Mắt tôi lặng, không chút dao động. Không biết từ khi nào mà tôi càng trở nên thờ ơ với những gì thuộc về ông.
Ông tưởng tôi vui lắm sao?
Tôi lặng lẽ rời khỏi bệnh viện.
Trời nhá nhem tối, gió lạnh ùa vào người tôi buốt giá. Không biết tôi còn có nơi nào để đi hay không. Tôi ngồi mãi ở trạm xe buýt, mắt dán chặt vào khoảng không vô định không buồn chớp, có lẽ mọi người đi qua đều tưởng tôi bị điên.
25 tuổi. Tôi vẫn còn đi xe buýt, kể cả đi làm.
Mấy ngày sau đó tôi mới trở lại bệnh viện.
"Có phải cô là người nhà của bệnh nhân phòng số 14 giường 3 không? Ông ấy nguy kịch rồi!".
Đứng ngoài hành lang, nhịp tim tôi đập loạn xạ vì lo lắng. Giờ khắc này cũng đã đến, tôi đã chuẩn bị tâm lí sẵn sàng rồi, vậy mà sao bây giờ đối diện với nó, tôi lại sợ hãi đến như vậy?
"Bác sĩ..... bố.."
"..."
Trả lời tôi là một cái lắc đầu.
Tôi biết rồi.
"Cô này, trước khi ông ấy ra đi, có gửi cho chúng tôi thứ này, dặn là phải trao nó tận tay cô".
Trong nhóm người y tá và bác sĩ đứng trước mặt tôi với cặp mắt buồn, có một người đưa thứ này đến tay tôi.
Nhìn sơ thì như một chiếc hộp, nhưng thật chất chỉ là một thứ gì đó đuợc cuộn lại trong lớp giấy đã ngả vàng. Nó được gói bởi rất nhiều lớp, rất cẩn thận dù vụng về.
Tôi vào phòng 14, ngồi tại giường số 3, lặng lẽ, chậm rãi với cõi lòng trống rỗng, với thứ mà bố để lại.
Ngày chôn cất bố, chỉ có mình tôi. Gia đình tôi không họ hàng thân thích, vì cả bố và mẹ đều là trẻ mồ côi. Đứng lặng nhìn nấm mồ vừa mới được chôn cất người bố đã vật lộn với sóng to gió lớn của cuộc đời mà không một ngày ngơi nghỉ, giờ đây, cuối cùng cũng được ngã lưng yên nghỉ trong lòng đất này. Tôi mở bọc giấy mà bố gói kĩ đến hơn mức khó đoán, xé hết lớp giấy vàng ố cho nó cuốn theo gió, mới phát hiện bên trong là rất nhiều tiền.
Tiền, những tờ mười nghìn, hai mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm, năm trăm, đều có đủ trong đây cả. Bao nhiêu năm qua ông còng lưng dành dụm, tích luỹ số tiền ít ỏi từ nghề thợ điện để có thể đưa số tiền này cho tôi.
"Tiền cho con gái mua xe"
Chỉ vỏn vẹn một dòng chữ nguệch ngoạc, nước mắt đã chảy cuồn cuộn xuống má..
Tôi biết, ông là một ông bố khó tính, cọc cằn, luôn bày ra vẻ mặt hung dữ màu đỏ lòm trông rất dữ tợn. Ông luôn thắt những chiếc bím kì dị cho tôi, luôn càu nhàu mỗi khi đưa tôi đến trường, luôn chặn hết những cơ hội tiếp cận tôi từ các chàng trai khác, luôn chê bai những bữa cơm tôi nấu không ngon.
Nhưng tôi biết, ông rất thương tôi. Mặc dù ông không biết thắt bím nhưng ngày nào cũng để đầu tóc tôi được gọn gàng. Ông luôn đưa tôi đến trường mặc cho ánh nhìn cười nhạo của mọi người xung quanh mà vẫn không mảy may tự ái. Ông dù luôn chê bai cơm tôi nấu, nhưng vẫn ăn hết không bỏ mứa một vụn thức ăn nào.
Dù cho cuộc sống gia đình khó khăn, không ngày nào ông để cho tôi chịu thiệt thòi. Chiếc điện thoại cũ năm đó ông đem về, cũng là mua cho tôi. Nếu không phải mấy bác hàng xóm thấy bố tôi vào cửa tiệm điện thoại, tôi cũng chẳng bao giờ biết được, ông vì tôi mà vào đó chọn mua trả góp một chiếc điện thoại cảm ứng cũ, rồi về nhà vờ là người ta vứt sang cho, ông giận dữ quăng vào sọt rác, hòng cho tôi mò đến mà lấy dùng.
Ông thương tôi, nhưng ông không nói. Biết tôi trưởng thành mà vẫn còn đi xe buýt đến chỗ làm, ông im lặng dành dụm từng ấy năm chỉ để mua cho tôi một chiếc xe.
Ông biết hết tất cả nỗi mong ước của tôi, biết hết những thứ tôi muốn. Nhưng ông không biết cách nói lời yêu thương, không biết làm thế nào để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Điều tôi ước ao nhất, ông không làm được.
Bố không làm được, vì bố cũng chỉ xuất thân là một đứa trẻ mồ côi, không hề có may mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên ông làm bố, sau cùng thì ông cũng chỉ là một ông bố mà thôi.
Tầm nhìn xoá nhoà bầu trời hoàng hôn buồn bã và rét buốt. Tôi lại lần nữa thấy được hình ảnh đàn chim đang bay về nơi cư trú. Chúng nó sải cánh bay cao, theo đàn, theo người thân, theo máu mủ, quấn quít không rời dù cho có đứng giữa trời lạnh đông giá, nó vẫn không hề cô đơn.
Trước đây, tôi vẫn thường nghĩ mình là người lẻ loi nhất trên thế gian, từng nghĩ mình là một con chim gãy cánh. Nhưng tôi sai, tôi luôn có một chú chim to lớn khác luôn luôn dõi theo từ phía sau. Chúng tôi không song hành, nhưng luôn chung một chặn đường, chúng tôi không tươi cười vui vẻ với nhau, nhưng luôn biết được cõi lòng của đối phương.
Tôi không cô độc, từ nhỏ cho đến lớn, tôi vẫn có một người bố bên cạnh, chở che hết phong ba bão táp của cuộc đời mà tôi nào có hay biết. Tôi trước đây không hề cô độc, nhưng giờ đây, khi ngước nhìn một chú chim lạc đàn bay bơ vơ trên bầu trời ấy, nó sải cánh đập buồn bã, kêu lên tiếng kêu vang dội trong không gian, tôi biết, bây giờ tôi mới thật sự là một kẻ cô đơn.
ST 10/5/2020
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top