Một lần được chết 1.
Năm giờ mười bảy phút chiều.
Xe cộ ứ đọng từng hàng dài,tắc nghẽn lại ở một ngã tư rộng. Hai con đường gây ùn tắc nhất nhì thành phố giao nhau,từ trên cao nhìn xuống nom chẳng khác nào một cô gái ngốc nghếch học đòi, cứ cố bám mình trong chiếc dây lưng hợm hĩnh nhỏ hơn rất nhiều so với cỡ người. Đã thế từ các phía,xe cộ còn ùn ùn lao nhanh đến và nằm ứ đọng ở giữa khối tác nghẽn đó, mấy gã tài xế mặt đỏ gay chồm ra khỏi xe và la hét ầm ĩ. Dòng người nhỏ mọn dưới kia chẳng ai rảnh rỗi dù chỉ vài giây, tôi nghĩ, họ hơi đâu mà ngước mắt lên - để thấy được cơ thể gầy guộc này của tôi những giây cuối cùng còn ấm nóng chứ. Đám hỗn độn bùng nhùng ấy vẫn bấm còi xe inh ỏi, nháo nhác tranh giành khoảng trống để vội vàng luồn lách qua. Chỉ một lát nữa thôi, đôi mắt này sẽ không còn phải chứng kiến cảnh tượng ngán ngẩm đó, đôi tay đang ôm lấy Mèo và cả hai chân đang chênh vênh trên bầu lan can tầng thượng này sẽ lạnh ngắt. Và hai chúng tôi sẽ được giải thoát.
Ngày trước tôi cứ thắc mắc không hiểu trong đầu dì tôi đã hoang tưởng những gì lúc chọn mua lại ngôi nhà cao rộng đến thế, khi mà cả nhà chỉ có hai dì cháu. Dần thì cũng nhận ra được ưu điểm duy nhất của nó, cao như vậy, khi đứng trên tầng thượng của ngôi nhà, trong xuống đường sá xe cộ như nêm dưới kia sẽ có được cảm giác phiêu đủ độ. Cũng đã nhiều lần trước đây, tôi tưởng tượng ra cảnh mình dang hai tay, kiễng chân rồi thả mình xuống dưới kia. Trong vài phút nào đó, người ta sẽ quên mất sự tắc nghẽn đáng nguyền rủa ấy mà chỉ hoảng hồn khi nom thấy thân thể tôi đẫm máu ở trước cổng nhà. Rồi vì sự tò mò hay hiếu kì, người ta sẽ bu lại, mà chỉ mải lục tìm kiếm điện thoại, ấn nút chụp tách tách lia lịa để đăng mạng xã hội rồi tản ra đi về cũng nên.
1. Dì
Với tôi,thời gian được nhốt mình trong phòng tắm là thời gian ít nhạt nhẽo nhất trong ngày,hay chí ít, cũng nên được cho là thi vị. Trong phòng tắm của tôi có một chiếc đài khá cũ được đặt trên bậu ô cửa sổ hẹp trên cao, trước khi cởi bỏ quần áo và đồ lót, tôi sẽ với tay lên mấy cái nút hoen gỉ trên trên đấy và bật những bài hát của Trịnh do Giang Trang hát và phối lại. Cửa phòng tắm được đóng kín, vậy là những chậu rửa, những khăn tắm rỏ nước, những bọt xà phòng, những giọt nước từ vòi sen, và cả tôi nữa, tất thảy sẽ được ngụp lặn dưới tiếng vĩ cầm réo rắt da diết, khung cảnh ấy sao mà điêu linh. Tôi để cho nước thấm đẫm mình, sau khi những giọt nước thi nhau bám víu lấy từng lớp da thớ thịt mỏng manh và gầy gò, tôi sẽ bắt đầu kì cọ từng ngõ ngách trên cơ thể theo một cách tỉ mỉ nhất, chú tâm nhất. Đầu tiên là cổ,sau gáy,rồi hõm vai,rồi bờ ngực khiêm tốn. Thường thường khi ấy, tôi sẽ lẩm nhẩm hát theo Giang Trang, tuy rằng có vài lúc sai lời.
Tắm xong,công việc cuối cùng trong ngày là ăn tối,mặc dù tôi không cho rằng con người ta cần phải nhớ đến bữa tối một cách trịnh trọng đến vậy. Tôi không có nhu cầu ăn tối, nhưng chắc chắn đôi lông mày của dì sẽ nhíu lại khó coi nếu biết tôi lại bỏ bữa. Mà thực ra cũng không nên lo lắng lắm, vấn đề không nên phóng đại thành to tát thế làm gì, bởi dì không hay về đây và tôi thừa khả năng để dối bà. Tuy vậy, tôi cho rằng mình vẫn nên làm gì đó để chứng tỏ bản thân đang tồn tại, chứ không muốn thừa nhận mình đang rơi vào trạng thái chết như nhiều khi tôi vẫn hay nghi hoặc. Vả lại còn phải cho Mèo ăn. Tôi vẫn luôn tự nấu bữa tối cho mình rồi ngồi ăn chầm chậm, nhai mọi thứ thật kỹ càng như thế. Thời gian cho công việc dọn rửa bát đĩa diễn ra khá gọn lẹ, vì như tôi đã nói rồi đấy, bữa tối chỉ có mình tôi. Và Mèo. Dì thì hiếm khi về nhà.
Từ bé,tôi đã được người ta nhắc đi nhắc lại cho thật kỹ rằng "mày là một đứa con ngoài giá thú". Hồi nhỏ tôi sống cùng mẹ, đến năm tôi bảy tuổi thì mẹ ra đi vì căn bệnh thái hóa dây sống tiểu não, dì là người thân duy nhất còn lại mà tôi có, vậy nên tôi phải chuyển tới sống với dì. Bao nhiêu năm qua dì vẫn cứ sống như vậy, ý tôi là, dì không lập gia đình mà cứ sống cùng đứa cháu gái đầu óc chậm hiểu như tôi. Thực ra việc dì ở vậy mà không kết hôn với bất kì người đàn ông nào, cũng có thể hiểu theo nhiều góc độ. Theo cách nhìn của người đời thì đứa cháu gái may mắn là tôi đây nên cảm thấy biết ơn dì hơn ai hết, vì bà chấp nhận hy sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi tôi lớn bằng ngần này. Thế nhưng theo cách nhìn của tôi thì, tôi chẳng phải lí do quan trọng nhất, và thật hỗn hào quá chăng - khi tôi tự cho mình cái quyền không biết ơn bà (nhiều đến thế). Đối với tôi mà nói, việc dì chọn sống độc thân mười mấy năm qua cho đến giờ cũng là dễ hiểu: với bà, một sự nghiệp to tát quan trọng hơn một gia đình êm ấm đúng nghĩa.
Dì là kiểu phụ nữ của xã hội. Bà là một người nổi tiếng trong giới văn học nước nhà, lúc nào cũng tất bật với hàng chục dự án lớn nhỏ, những công trình nghiên cứu đồ sộ chẳng khi nào ngơi ngớt. Người ta ngưỡng mộ và trầm trồ trước những tác phẩm của bà, công chúng nín lặng vì cảm động, nuốt lấy từng lời văn của bà. Năm này qua năm khác, họ chưa khi nào ngưng ca tụng, những người trẻ tuổi lấy từng câu từng thổn thức làm lẽ sống cuộc đời họ. KNgười đời mặc định rằng bà nhà văn ấy hẳn là một người sâu sắc, nhạy cảm, tâm lý và hiểu đời hơn tất thảy. Tôi thì không thấy thế và nghĩ thế. Quay lại chuyện sống độc thân, tôi hồ nghi mình chỉ là một cái cớ để hợp thức hóa việc bà thoái thác nghĩa vụ kết hôn. Đâu đó trong tâm tưởng, tôi cho rằng cả cuộc đời bà chỉ sống cho thứ ánh hào quang phù phiếm của công chúng. Dì đi công tác triền miên, số ngày dì về nhà trong một tháng chỉ đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay. Nhưng lúc nào dì về, cuộc hội thoại giữa chúng tôi cũng chẳng bao giờ tới được câu thứ tư. Ví dụ như hai tuần trước.
Đêm đó tôi đang chuẩn bị lên giường ngủ thì nghe tiếng dì mở cổng dưới nhà. Tôi xuống xem dì có cần giúp gì không, định bụng hỏi lấy lệ vài câu, tỉ dụ dì đã ăn tối chưa, cháu có thể hâm lại thức ăn cho nóng. Dì bước vào nhà mệt mỏi, chỉ uống cốc nước tôi đưa rồi đi vội vào phòng làm việc. Nhưng khi tới mép cửa, bước chân dì khựng lại trong giây lát như sực nhớ ra điều gì. Dì quay đầu lại, không nhìn vào mắt tôi mà lơ đãng ngó vào khoảng không hoang hải nào đấy:
- Việc thi cử trên trường đại học của cháu thế nào?
- Vẫn ổn ạ.
Tôi đáp gọn lỏn. "Vẫn ổn" hay "chẳng có gì thay đổi" hay "bình thường như mọi khi" là những câu trả lời luôn chực sẵn trong miệng, chỉ chờ mỗi khi dì hỏi tới thì bật ra vô thức. Có khi tôi tự hỏi, có phải mình là đứa cháu vô tâm và lãnh cảm quá mức hay không, khi mà bản thân chẳng cảm nhận được chút quan tâm thực sự nào bên trong những lời hỏi han được-cho-là quan tâm đó của dì. Cái liếm chân của Mèo còn khiến tôi động lòng hơn. Hoặc đó cũng có thể là do tôi quá nhạy cảm. Thiết nghĩ, theo một cách nào đấy, những câu hỏi chỉ là... cho có lệ thì xứng đáng nhận lại những câu trả lời cũng... chỉ là có lệ.
- Ừ.
Như mọi khi, dì lại gật đầu lia lịa rồi lại vội vã xách cặp vào phòng làm việc. Tôi đảm bảo, nếu như một ngày tôi bỗng tôi nỗi hứng đáp: "Không ổn chút nào ạ" thay cho "Vẫn ổn" như mọi khi thì dì cũng vẫn gật đầu hắng giọng "Ừ" một cái và thái độ dì thì vẫn y nguyên như vậy. Và cũng lại như mọi khi, ánh sáng từ chiếc đèn bàn le lói hắt ra khỏi cánh cửa gỗ khép hờ và tiếng gõ bàn phím lạch cạch tiếp tục vọng ra từ căn phòng ủ rũ. Dì có thói quen giáng mạnh những ngón tay xuống bàn phím như đang hằn học hay bực dọc điều gì. Mỗi lần đứng ngoài nom vào thấy dáng ngồi khom lưng của dì, đôi mắt kính trễ xuống và tách cà phê bên cạnh vơi dần, chẳng hiểu sao tôi luôn thấy trong lòng dồn nén nỗi bực bội khó tả. Tôi muốn chạy ra đường và nói vói những người đem lòng hâm mộ bà rằng, thực ra bà ấy khác xa những gì họ đang ảo tưởng. Đừng đem lòng ngưỡng mộ vớ vẩn vô nghĩa nữa! Nhưng rồi cái suy nghĩ ấy cũng nhanh chóng vụt tắt đi trong tôi. Những công trình nghiên cứu, những bản thảo xuất sắc tiếp tục được viết ra như thế. Và dì thì tiếp tục trở thành một tượng đài để công chúng ngưỡng vọng, họ vẫn không ngừng quả quyết rằng bà là một người tâm lý và hiểu đời, hiểu lòng người hơn ai hết. Tôi thì chỉ thấy bà lãnh cảm và lạnh lùng thôi, đến mức tàn nhẫn. Khó mà phủ nhận rằng văn chương và cuộc sống vẫn luôn cách xa nhau vài bậc.
Tôi luôn rất tò mò, liệu tới cái ngày bà vội vã trở về nhà khi biết cháu gái mình chẳng còn nữa, bà có ôm lấy thân xác tôi mà than khóc bi thương không? Tôi ước gì mình được thấy gương mặt sắt đá ấy rơi nước mắt một lần trong đời, thật hiếu kì quá. Nhưng mà cũng có thể, bà sẽ chỉ lãnh cảm liếc nhìn tôi lấy một cái trước khi họ chuyển tôi vào nhà lạnh, rồi lại tiếp tục trở về và tất bật với những chuyến công tác cũng nên...
Còn nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top