Cần làm mới công tác giám sát tài chính
UBGSTCQG trở thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, có đủ thẩm quyền liên quan đến hoạt động thanh tra giám sát trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính, trong đó có lĩnh vực chứng khoán. Đó là một trong những nội dung của hội thảo “Tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam: Những khuyến nghị chính sách” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 29-7.
Theo PGS.TS.Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng, những vấn đề bất ổn trên thị trường tài chính đang trở nên ngày càng trầm trọng khi mà năng lực quản trị rủi ro nội bộ trong các tổ chức tài chính còn yếu kém, đồng thời hệ thống giám sát hoạt động của thị trường tài chính còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, tạo nhiều "lỗ hổng" trong hoạt động giám sát.
Các chuyên gia cho rằng hiện đang có nhiều cơ quan đều có nhiệm vụ giám sát thị trường song lại chưa hiệu quả.
Ví dụ,Ủy ban chứng khoán Nhà nước là đơn vị trực tiếp giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng vẫn bộc lộ một số bất cập khi thực thi quyền lực giám sát của mình. Thực trạng tái phạm và vi phạm trên thị trường chứng khoán cho thấy công tác giám sát và cưỡng chế thực thi chưa đủ tính răn đe để ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm.
Một thực tế khác là các chế tài xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán là quá thấp đến mức nhà đầu tư sẵn sàng vi phạm, sẵn sàng nộp phạt để đổi lại những lợi ích lớn hơn từ những hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường.
Nghị định số 36/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã được ban hành ngày 8-3-2007, nhưng chế tài xử phạt dừng lại ở mức phạt cảnh cáo, mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm lĩnh vực chứng khoán chỉ là 70 triệu đồng.
Ngay cả Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã nâng mức phạt tiền đối với các vi phạm pháp luật về chứng khoán lên tối đa là 500 triệu đồng cũng chưa đảm bảo việc xử lý vi phạm phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như thu hồi thu nhập bất chính lại đang vấp phải một số vướng mắc vì chưa có hướng dẫn cụ thể về công thức tính mức thu nhập bất chính từ hành vi vi phạm. Trong khi đó, những giao dịch nội gián và thao túng có thể mang lại cho người vi phạm nhiều tỉ đồng.
“Rõ ràng, việc giám sát phát hiện các hiện tượng vi phạm chỉ là điều kiện cần trong đảm bảo an toàn cho thị trường. Một khi các chế tài đối với các hành vi vi phạm không hiệu quả có thể vô hiệu hóa chức năng của hoạt động giám sát.
Mặt khác, thẩm quyền của các cơ quan giám sát chứng khoán còn hạn chế, tính độc lập chưa cao, chưa xây dựng được đầy đủ các tiêu chí cho hoạt động giám sát tài chính. Những vấn đề trên đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện hiệu quả chức năng giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với thị trường chứng khoán nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng”, ông Hưng chia sẻ.
Về nguyên tắc, ông Hưng cho rằng các thành viên trong “mạng an toàn tài chính” đều có trách nhiệm trong việc đảm bảo một thị trường chứng khoán phát triển bền vững. Mạng an toàn tài chính bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, cơ quan giám sát tài chính, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và một số cơ quan liên quan khác.
Nếu không kể đến UBCKNN, các thành viên còn lại thuộc mạng an toàn tài chính đã xuất hiện khiếm khuyết trong việc thiếu sự giám sát an toàn vĩ mô bài bản và giám sát những ảnh hưởng tới TTCK của các đối tượng thuộc phạm vi giám sát chuyên ngành của mình.
Cụ thể, cho đến nay, việc giám sát các luồng vốn di chuyển từ các ngân hàng thương mại chuyển vào TTCK và ngược lại cũng như luồng vốn di chuyển giữa thị trường bất động sản, thị trường vàng và thị trường chứng khoán chưa thực sự hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc các tổ chức giám sát gặp nhiều khó khăn trong việc công bố các kết quả giám sát và đánh giá. Nhiều trường hợp, các cơ quan trong mạng an toàn tài chính đưa ra các nhận định trái ngược nhau về thị trường dẫn đến những bất ổn không cần thiết cho thị trường ngoại tệ, thị trường vàng và TTCK…
Trên thực tế, nhiệm vụ phối hợp các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo an toàn thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG). Tuy nhiên, vai trò UBGSTCQG trong phối hợp hoạt động của các cơ quan giám sát còn mờ nhạt vì được tổ chức dưới góc độ là một cơ quan tư vấn, không có chức năng xây dựng chính sách và không thực sự có quyền lực giám sát cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này dẫn đến các hệ quả trong hoạt động giám sát của mạng an toàn tài chính Việt Nam liên quan đến sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, các tổ chức trong mạng an toàn tài chính của Việt Nam đã gặp nhiều vấn đề trước xu thế phát triển của các tập đoàn tài chính trong thời gian qua. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những dẫn chứng về sự phối hợp thiếu hiệu quả của các tổ chức thanh tra – giám sát đã dẫn đến việc không ngăn chặn được các tập đoàn tài chính này lợi dụng những kẽ hở của luật pháp và những lỗ hổng trong quy định của giám sát để “lách luật” và “né tránh” việc bị giám sát hoạt động của họ. Đặc biệt khi các tập đoàn tài chính cùng lúc tham gia hoạt động trên nhiều thị trường: thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường vàng ....
Bên cạnh đó, đã xuất hiện hiện tượng giám sát trùng lắp các hoạt động giống hoặc tương tự nhau giữa các cơ quan giám sát hoặc “bỏ trống” các lĩnh vực giám sát từ đó tạo ra nguy cơ làm lãng phí nguồn lực hay rủi ro hệ thống. Nhiều tập đoàn tài chính có hoạt động chứng khoán hoặc các công ty chứng khoán đã chỉ ra việc phải “tiếp đón” quá nhiều đoàn thanh tra – giám sát trên cùng một khía cạnh hoạt động.
Trong ba năm trở lại đây, UBGSTCQG bước đầu đã thực hiện chức năng phối hợp thông tin hoạt động giám sát toàn bộ thị trường tài chính. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện thực trạng các tập đoàn tài chính có hoạt động chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán phải thực hiện nhiều báo cáo với nhiều yêu cầu khác nhau cho các tổ chức thuộc mạng an toàn tài chính.
Về dài hạn, các giải pháp được các chuyên gia đưa ra gồm xây dựng Luật thanh tra giám sát tài chính, cần phân định rõ ràng vai trò trách nhiệm của từng cơ quan giám sát chuyên ngành.
Từng bước hoàn thiện Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia bằng việc tăng quyền hạn cho cơ quan này, ví dụ như ủy ban có quyền ban hành xây dựng dự thảo luật, các quy định, quy chế về hoạt động giám sát và xử lý vi phạm đối với các đối tượng bị giám sát trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; có quyền trong việc cấp phép, giải thể các định chế tài chính thuộc đối tượng giám sát trên cả 3 lĩnh vực.
Các chuyên gia cũng kiến nghị việc nên xây dựng mô hình hợp nhất các cơ quan giám sát, tập trung dưới sự điều hành của UBGSTCQG. UBGSTCQG trở thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, có đủ thẩm quyền trong việc ban hành văn bản pháp lý, quy định và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động thanh tra giám sát trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Uỷ ban thực hiện chức năng giám sát công tác thực hiện của từng cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành, yêu cầu cơ quan này phải báo cáo thường xuyên định kỳ, hoặc báo cáo đột xuất việc tình hình thực hiện công tác của mình.
Hội thảo do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, do UNDP tài trợ. Thời báo Kinh tế Sài Gòn bảo trợ thông tin cho hội thảo.
Các nhà quản lý, tham mưu và hoạch định chính sách kinh tế thuộc Quốc hội, Chính phủ, cán bộ quản lý cấp cao, chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tại hội thảo sẽ bàn về các vấn đề, tác động của thị trường tiền tệ lên TTCK, những khuyến nghị chính sách với TTCK, những rủi ro chéo từ TTCK lên các khu vực kinh tế và vai trò các quỹ đầu tư, thành viên trên thị trường.
Theo Hồng Phúc
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top