camxahoc Hầu đồng dưới góc nhìn văn hóa
Put your story text here...Hầu bóng thực chất là một trong những tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ. Nhưng từ một hoạt động văn hóa tín ngưỡng các thầy đồng đã biến thành một thứ công cụ để trục lợi đám người nhẹ dạ cả tin...
Hành trình của những cung văn
Khó khăn lắm tôi mới liên lạc được với anh C.H, một cung văn có tiếng trong khu văn công Mai Dịch. Thời gian này anh chủ yếu đi "làm đám". Hiện nay nhiều người đã không coi hầu đồng như một hình thức mê tín dị đoan nữa mà như một hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Anh H bảo: "Trước kia có đi cung văn ở đâu cũng phải ngó trước ngó sau. Giờ thoải mái hơn, nghề này kiếm ra tiền đấy".
Thực ra người đầu tiên cố tìm cách cho "giới đồng bóng" được phép hoạt động chính là ông Trang Công Thịnh, giờ là chủ đền Dâu phố Hàng Nón, nơi hầu bóng sang trọng nhất bây giờ. Những năm 80 - 90, ông Thịnh đã đi nhiều cơ quan có thẩm quyền cố chứng minh nghề của mình không phải mê tín dị đoan, chỉ là tín ngưỡng văn hóa dân gian mà thôi.
Một năm có hai khóa hầu- khóa mùa xuân bắt đầu từ tháng giêng, khóa mùa thu từ tháng 10, đám cung văn hầu như không ngày nào rỗi việc. Có ngày phải chạy sô như ca sĩ nhạc trẻ, hết điện nọ điện kia. Đấy mới chỉ là trong thành phố, rất nhiều đám có điều kiện kinh tế mời lên các đền nổi tiếng như đền Xích Đằng ở Ninh Giang - Hưng Yên thờ quan đệ ngũ Tuần Tranh; công đồng Bác Lệ thờ chầu Lục, đền Bảo Lạc thờ chầu đệ nhị, Cam Đường, Đồng Mỏ, phủ Giầy... nơi những con nhang đệ tử thường lui tới.
Hầu bóng và những điểm nhìn ngoài tín ngưỡng
Hầu bóng thực chất là một trong những tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ. Người Việt quan niệm có bốn thế giới tồn tại: trên trời (Thiên Phủ); dưới đất (Địa Phủ); dưới nước (Thoải Phủ); trên rừng (Nhạc Phủ). Mỗi thế giới đều do một người đàn bà cai quản gọi là các Mẫu, các mẫu đều không có tên, duy mẫu Liễu Hạnh là mẫu Thượng Thiên danh tính đầy đủ.
Dưới các Mẫu có các Chầu, các quan, các ông, các cô, cậu bé, cô bé, mỗi người chuyên trách một công việc. Vì vậy ai muốn xin chuyện gì thì chỉ việc dâng lộc lên các giá đó và xin lộc. Nếu có lộc ban chứng tỏ điều mình muốn đã được các thánh chứng. Thực chất hầu bóng là một hình thức diễn xướng tâm linh, một nghi thức nhập đồng làm cho con người rơi vào trạng thái thôi miên, thuật ngữ dân tộc học gọi là Sa man.
Giải thích chuyện có thế giới siêu nhiên, thế giới đồng cốt nào đó nhập vào người hay không thì khó nhưng theo anh H.: rõ ràng những người đi hầu hay tham dự một vấn hầu đều có cảm giác hưng phấn chung, dễ quên đi mọi thứ. Có những người nước ngoài không biết gì về tiếng Việt, văn hóa Việt, nhưng khi tham dự một vấn hầu đều có những cảm xúc chung với người Việt vốn kỳ cựu trong nghề hầu bóng. Phân tích kỹ, bản thân âm nhạc Hát Văn với tiết tấu nhịp 7, nhịp 3 sôi nổi, nhanh cũng dễ tạo hưng phấn, tương tự đi dự một nhạc hội về Rock chẳng hạn.
Các thầy đồng lúc khởi nghiệp chẳng có gì, đến khi vào nghề bao giờ cũng có một đám con nhang đệ tử theo hầu, kéo theo những nhu cầu về vật chất cho các thầy. Có thầy chỉ nhờ đám con nhang đệ tử thôi mà đủ tiền xây cả một điện thờ nguy nga.
Chính từ những điện thờ này đã nảy sinh vô vàn hành vi mê tín. Nhiều người bỏ nhà bỏ cửa, tiền mất tật mang từ những sự cả tin thái quá trên. Vậy là đang từ một hoạt động văn hóa tín ngưỡng các thầy đồng đã biến thành một thứ công cụ để trục lợi đám người nhẹ dạ cả tin. Cho nên đã xảy ra không thiếu câu chuyện nực cười từ những vấn hầu.
Những điều mắt thấy tai nghe ở một vấn hầu
Theo chân anh C.H, chúng tôi đến một điện thờ trên phố Tôn Đức Thắng, đồng hôm nay là một chủ khách sạn, tầng trên cùng làm luôn điện thờ. Có hôm mấy ông Tây mũi lõ cũng lên sì sụp khấn vái, chờ đến giá cô đôi cũng hò hét rung tít đùi lên. Anh H bảo tôi làm đúng lễ nói qua với gia chủ, tất nhiên anh nói hộ tôi chứ mình là người ngoại ngành chẳng biết nói thế nào.
Sau khi để tờ một trăm ngàn lên đĩa, anh H bảo: "Có đứa cháu thích xem cái này lắm, nên có "giọt giầu" xin gia chủ cho ngồi xem vấn hôm nay". Cô đồng vui vẻ nhận lễ rồi bẹo má tôi bảo: "Em cứ ngồi gần đây rồi lát nữa xin lộc thánh". Tiếng nhạc réo rắt, tiếng trống xập xình nổi lên, đám con nhang đệ tử hết lượt này lượt nọ dâng lộc, vàng mã đốt ngút khói.
Mấy bà bên cạnh rỉ tai nhau, riêng tiền vàng mã đã mất vài triệu rồi đấy. Đến giá quan đệ tam, quan ngồi bắt chân trên ghế giáng rồi phán: "Hôm nay ta chứng giám cho tấm lòng thành của tín chủ họ Nguyễn nhé, trên ta làm việc thánh, dưới gánh việc trần, ta mà giàu có ta cho các ngươi vui vẻ trẻ đẹp". Chẳng lẽ làm quan rồi mà cũng nghèo ư?
Đám cung văn nhìn nhau tủm tỉm. Có lẽ câu phán của quan vừa rồi ngộ nghĩnh quá, thế mà đám con nhang đệ tử dưới kia vẫn cứ sụp xuống lạy. Ra về với túi lộc nặng chịch, tôi hỏi anh H. Đồng giáng thật hay giả? Anh bảo: "Làm gì có thật". Rồi anh kể cho tôi những chuyện nực cười như chuyện: Thánh giáng phát lộc sợ kẹp díp tiền nhấm nước bọt mà đếm, hay là chuyện đồng hứng lên nhảy lên cả bàn thờ gia chủ hò hét.
Đó là những chuyện thường. Có cả những thứ đồng gọi là đồng "nặc nô", khi hầu chỉ biết ném quả trêu nhau. Có lần anh H đi hầu mà bị "cô đôi thượng ngàn" ném cho cả một quả xoài vào đàn, long hết cả phím. Đi với đám đồng "nặc nô" hay hỗn nên anh H. không mấy đi.
Thay cho lời kết
Một thực tế không thể phủ nhận: càng ngày hầu bóng càng nhiều trong đời sống văn hóa xã hội. Đến nỗi ở nhiều làng quê, không có tiền mời cung văn người ta phải bật băng có thu 36 giá đồng lên để hầu. Còn trong các đoàn nghệ thuật cổ truyền gần đây thường đưa thêm tiết mục "3 giá đồng vào" cuối các chương trình biểu diễn.
Người xem luôn cảm thấy hứng thú, và đôi khi đó chính là một tiết mục để nhiều dư vị nhất, nếu không thuộc phạm vi thưởng thức chuyên môn. Có lẽ bên cạnh những ý nghĩa văn hóa cổ truyền của chuyện hầu bóng, mọi người cũng nên nhìn nhận thêm một khía cạnh giải tỏa stress của nó, trong cuộc sống hàng ngày vốn nhiều bức xúc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top