Xuân Viễn Xứ Ca

Một sớm mùa xuân sau ngày Thi gia nhi nữ giã biệt Cấm Thành sang làm phi vương tử Ly quốc, giữa những cánh xuân hoa theo gió lất phất xuống tấm gạch đá hoa viên trong phủ, và giữa không khí nhộn nhịp của thần dân bá tánh kinh đô nô nức mừng xuân mới đến, Thái Tuệ hoàng tử phi chẳng biết vì sao lại ra đứng một mình trên ban công thượng lầu nhìn về phía tây nơi ánh dương ấm áp vẫn chưa kịp xua đi màn đêm đen lạnh. Với một người gần như cả cuộc đời vừa qua chỉ quanh quẩn nơi vọng nguyệt đài, nơi thư phòng Thái phó phủ, đây sẽ là lần đầu tiên Thi Kỳ nếm vị mùa xuân viễn xứ. Khuê Văn Khổng Tước tiên sinh, vị thi sĩ nổi tiếng giang hồ, ắt chẳng xa lạ chi những ngày xuân xa xứ, nhưng hai học trò ngài— Ly quốc hoàng tử phi Thi Kỳ và hộ vệ Hồng Tước— thì khác. Phương này giờ đây là mái nhà thân thương, và phương kia nay thành cố hương xa lạ.

Khác với không khí vui tươi ngoài hoàng cung, trong phủ Thái Tuệ hoàng tử phi cảnh vật lại ảm đạm lạ thường. Trên trời chỉ văng vẳng tiếng gió lao xao, vài tiếng chim ngân cao ríu rít, và phía dưới chỉ có tiếng cổng phủ khẽ hé mở làm gián đoạn cái sự im lặng sáng sớm bên trong. Hồng Tước có vẻ vừa trở về sau một chuyến đi dạo canh gác quanh khuôn viên phủ Thái Tuệ hoàng tử phi như thói quen ngày xưa ở Đông cung Nội thành, bảo kiếm ngay ngắn bên hông. Trên gương mặt vị hộ vệ quan vốn khắc kỷ bao năm qua— kể cả những tháng ngày vắng bóng Khuê Văn Khổng Tước— nay lại mang một nỗi sầu không tên. Chẳng nói một lời, Hồng Tước yên lặng bước lên lầu, trong ánh mắt vẫn có gì đó thật nặng trĩu, khẽ khàng tháo bảo kiếm khỏi dây đai đặt lại bên giường mình và xách nguyệt cầm ra ban công nơi Thi Kỳ đang đứng.

- Nhị sư tỷ này... - Thi Kỳ lên tiếng gọi.

Hồng Tước chẳng đáp lại, chỉ đưa tay khẩy dây đàn vài nốt ngẫu hứng.

- Ngoài kia mọi người nô nức mừng xuân, nhưng sao cả hai chúng ta chẳng ai vui được...? Và cảm giác lạ lùng này, một niềm mong muốn được trở về Cấm Thành, nhưng lại cảm thấy Cấm Thành sao xa lạ quá, cảm giác này là gì vậy?

- Ta chẳng biết nữa. Nó gần như không có tên gọi. Tuy nhiên, đại tiên sinh chúng ta, một kẻ viễn khách phiêu bạt, hẳn là hiểu cảm giác này nhất. - Những ngón tay Hồng Tước lại nhảy múa trên những phím nguyệt cầm réo rắt - Ở bên kia bờ Đại Hải, chẳng có ai trải nhiều mùa xuân viễn xứ hơn Khuê Văn Khổng Tước đại tiên sinh của chúng ta.

Đột nhiên Hồng Tước ngừng tay phím, lặng yên nghe tiếng chim ríu rít trên cao. Có lẽ chúng vừa từ phương tây bay đến, nhưng tiếc thay chẳng mang tin chi từ quê nhà.

- Tiểu Kỳ à. Hát cho ta nghe một khúc nhé? Một khúc Lữ hành ca ngày xưa Khuê Tước tiên sinh có đôi lần tấu ấy.

Nói rồi, những ngón tay ấy lại khiêu vũ đoạn dạo đầu bài ca vừa nhắc. Thi Kỳ trông có một thoáng ngỡ ngàng khi đột ngột nhận lời đề nghị ấy, nhưng sau cũng nở một nụ cười rồi gật đầu.

Bài ca của những kẻ mãi hoài xa xứ.

Con biết bây giờ người chờ mong con
Khi thấy anh đào rực hồng trên non
Thu trước con nhắn đầu xuân sẽ về
Nhưng phượng lại xanh lá rồi
Mà tin con vẫn xa ngàn khơi... (*)

Giọng Thi Kỳ đến đây nghe như khẽ run run. Những khúc ca này, cả Hồng Tước lẫn Thi Kỳ chưa bao giờ nghĩ tới ngày sẽ nghe lại từ khi Khuê Văn Khổng Tước rời Cấm Thành, tuy nhiên bây giờ, chính tay vị hộ vệ quan đang tấu trên phím đàn những giai điệu não lòng ấy.

Bài ca của những kẻ viễn khách trùng phương.

Có những xuân nào đất trời yên vui
Tôi về ngang ngõ dừng trước trang gia
Bên vườn lê vàng giờ đã chín mùi
Nhưng chẳng ai buồn tay hái
Và hoa viên cũng vắng tiếng cười... (*)

Trong những nốt nhạc thanh vang kia, đâu đây lại vẳng về tiếng bước chân ai rảo đều trên những phiến đá đại lộ, trên đất mòn con đường cái quan dẫn về nơi nào xa lắm. Ở phương tây vạn dặm kia bây giờ có lẽ vẫn còn bóng người thư sinh áo vải với tay nải trên vai, khổng tước ngân trâm cài tóc, lại tiếp bước chân chính mình kiếp lữ hành đơn độc, ngước nhìn trời mà ca những khúc hát lãng du.

Tôi biết không về người chờ kẻ trông
Nhưng nếu tôi về vận nước long đong
Bao kẻ lữ hành như chim sổ lồng
Tung cánh tìm miền đất hứa
Người ơi con xuân lại vắng nhà... (*)

Trong lúc ấy, giữa dòng thương buôn ngược xuôi ra vào đại môn biên giới Tân Gia quốc, trên sơn lộ năm xưa đoàn sứ thần Hoa Nữ quốc từng đi, có một xe ngựa sáu người rảo chậm về phía kinh đô. Màn trời xuân đang sáng tươi bỗng xám xịt mây mù, như thể báo hiệu một điều chi đó rất chẳng lành. Người đánh xe với tấm áo vải thanh cúc bạc màu ấy, khi trường thành biên giới đã nằm trong tầm mắt, trang nghiêm đưa tay kéo vành mũ rơm xuống, nhưng trên môi lại nở một nụ cười.

Màu trời Tân Gia mây vần vũ
Hệt như năm ấy mịt mưa mù
Viễn xứ biệt phương cùng nhi tế
Thái vương nay trở lại báo thù...

_______
(*) Phổ lại thơ từ bài hát "Xuân này con không về" của Trịnh-Lâm-Ngân

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top