Hồi thứ nhất: An Tịnh công

Cấm Thành, kinh đô Hoa Nữ quốc, chốn phồn hoa đô hội thu hút thương gia từ tứ phương và sĩ tử bát hướng đổ về hòng thay đổi cuộc đời. Và sâu trong bản thân Cấm Thành cũng đang có những thay đổi đen tối.

Triều chính đã loạn từ khi Hoàng đế băng hà, và thái tử còn quá nhỏ tuổi. Trưởng công chúa Tử Hương thay quyền nhiếp chính, tuy nhiên chỉ có thể tạm yên. Quan trường bất ổn, đến cả Tể tướng cũng chẳng thể giúp được gì hơn. Cuộc chiến tranh quyền đoạt vị xảy ra liên miên, đến nỗi mỗi buổi thiết triều đều nặng nề khi Lục bộ đàn hặc lẫn nhau, và lộng quyền át cả thái tử; đến nỗi trong Nội thành đâu đâu cũng có thể cảm thấy âu lo và có gì đó đáng sợ.

Có một nơi trong Nội thành được biết đến như là chốn bình yên duy nhất, gọi là điện Hưng Thánh, nằm ở phía tây Nội thành. Vườn hoa bao quanh vọng nguyệt đài giữa hồ nước xanh trong vắt và thường nghe tiếng tam thập lục đâu đó dịu mát thay lòng người. Điện Hưng Thánh đây thường gọi là "thái phó phủ", và nơi này cũng là chỗ ở của vị thái phó đương triều, An Tịnh công Thi Kỳ. Do hiếm khi rời phủ và dành hầu hết thời gian cho văn chương nhạc họa, có lẽ An Tịnh công là người duy nhất trong Nội điện không hề quan tâm gì tới chốn quan trường. Tuy nhiên, lần này thì khác.

Mưu đồ tranh quyền đoạt vị của các quan đầu triều đã khuấy đảo từ trong nội bộ Nội thành. Nếu như thường lệ, An Tịnh công sẽ chỉ ngồi yên trong thư phòng uống trà làm thơ rồi đọc sách; tuy nhiên, lần này lại khác. Lần đầu tiên trong nhiều năm, chư quan thấy bóng dáng An Tịnh công Thi Kỳ, người thậm chí được đồn là đã chết từ lâu vì sự vắng mặt trường kỳ trong Nội thành và những buổi thiết triều. Chư quan thường đồn rằng nếu Thi Kỳ ra mặt, ắt phải có sóng gió. Quả thật, hẳn phải có điều gì đại trọng lắm mới kéo được An Tịnh công khỏi điện Hưng Thánh. Buổi thiết triều hôm đó, Thái tử trên long ngai, Trưởng công chúa nhiếp chính sau tấm rèm thấy bóng dáng Thi Kỳ cũng phải ngạc nhiên.

- Điều gì đã khiến ái khanh dự thiết triều hôm nay vậy? - Trưởng công chúa tò mò hỏi.

Các quan bắt đầu kháo nhau về những lý do có sự xuất hiện của An Tịnh công, hầu hết là e sợ. Bởi, một khi An Tịnh công đã can dự triều chính, ắt chẳng phải chuyện đùa. Người như Thi Kỳ, mua chuộc cũng khó, trừ khử cũng chẳng xong.

- Bẩm công chúa, hạ thần xin phép được về quê. - An Tịnh công khoanh tay tấu.

- Tại sao ái khanh lại đột ngột xin về quê? Đến khi nào mới trở lại?

- Thưa, chẳng là có chút chuyện ở quê nhà, chỉ dám xin công chúa ba tuần trăng về thu xếp rồi lại về kinh.

Trưởng công chúa nghe vậy cũng thiết nghĩ chẳng có gì to tát, chuẩn tấu ngay. Nhưng chư quan lại trông có điều lo sợ. Trừ Trưởng công chúa, thái tử và một số vị quan đầu triều, An Tịnh công không nể một ai. Nếu để An Tịnh công về quê dễ dàng vậy, thể nào cũng có sóng gió trên đường. Tuy nhiên sóng gió đó không đổ vào An Tịnh công, mà đổ vào các quan. Ai biết An Tịnh công sẽ tìm thấy điều đen tối gì, quan trường phức tạp và rộng lớn lắm.

Chớm sáng ngày sau, thượng thư Lục bộ, trừ bộ Lễ, bắt gặp An Tịnh công Thi Kỳ trước chính điện, xách tay nải và tất nhiên không thiếu cây quạt giấy trên tay.

- Cáo từ các vị. - An Tịnh công chỉ cúi đầu chào một tiếng rồi quay đi.

Làm sao các vị thượng thư để cho An Tịnh công rời Cấm Thành dễ dàng như để An Tịnh công bình yên trong điện Hưng Thánh? Âm mưu bí mật từ xa rất có thể sẽ vỡ lỡ, trừ phi khử ngay An Tịnh công lúc này. Nhưng mà, đến giờ chưa có vụ trừ khử nào thành công cả, và cũng chẳng kẻ nào dám lánh gần đến quân sư phủ; giả như có thành công đi nữa, vụ ám sát An Tịnh công cũng chẳng thể giấu diếm được lâu. Họ sao đành thấy An Tịnh công thong thả bước ra khỏi Nội thành như vậy? Tuy nhiên, các vị chỉ có thể dõi theo giọng ngâm thơ của vị thái phó xa dần, và cầu mong vạn sự suôn sẻ. Không chỉ Lục bộ thượng thư, mà cả những vị quan khác cũng có thể cảm thấy được rằng quan trường đang biến động. Sắp có sóng gió to rồi.

An Tịnh công Thi Kỳ vốn là người ưa đơn giản và không mấy khi để ý tới chuyện triều chính, bao năm chỉ giam mình trong sự tĩnh lặng cua điện Hưng Thánh, ngày thưởng hoa tấu đàn, đêm ngắm trăng làm thơ mặc cho triều chính có chuyện gì; chẳng khác chi Lã Vọng tiên sinh câu cá giữa dòng năm xưa khi các đại quốc tranh hùng, binh đao khắp chốn. Tuy nhiên, lần này chẳng biết điều gì đã kéo được Thi Kỳ ra khỏi điện Hưng Thánh. Điều đó phải rất hệ trọng, hoặc rất nghiêm trọng. Tại sao An Tịnh công lại đột ngột tâu Trưởng công chúa được cho về quê? Hẳn là Thi Kỳ muốn tự tay giải quyết chuyện gì đó, và chuyện đó hẳn cũng rất là ghê gớm...

Như đã nói, nội bộ triều chính trong Nội thành đang biến động. Một số cận thần bắt đầu lăm le ngôi báu, chẳng đợi khi thái tử trưởng thành. Khử thái tử thì dễ, nhưng còn Trưởng công chúa nhiếp chính? Ai biết trong cung có "Cấm Thành tứ phượng hoàng", bốn trung thần luôn bên cạnh Thái tử và Trưởng công chúa, sẽ không để yên cho âm mưu tranh ngai vàng được xuôi chèo mát mái. Năm xưa khi Cấm Thành tứ phượng hoàng còn đông đủ, mấy ai dám ra mặt chống đối hoàng tộc, nhưng khi một người từ quan rời thành phiêu bạt để lại Thi Kỳ kế thừa tước vị, bá quan được thời bày kế loại bỏ vị thái phó ngây thơ mà mở đường lật đổ luôn vị thái tử trẻ tuổi. Xem ra, bão tố sắp nổi lên rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top