Hồi thứ mười: Dấu chân bên sông cạn
Đêm đó, Thi Kỳ mãi trăn trở. Thái độ kỳ lạ của phu nhân tổng trấn, và sự thản nhiên đáng ngờ của gia nô. Vậy là sao? Tổng trấn đại nhân đột nhiên mất tích, và chấm hết? Làm sao nó lại đơn giản tới vậy được? Câu hỏi nối tiếp câu hỏi cứ vần vũ trong đầu Thi Kỳ. An Tịnh công Thi Kỳ lẫy lừng Nội thành bây giờ đang bối rối và cảm thấy bé nhỏ vô cùng.
Đêm đó Mạc Hà mưa rơi nhiều. Thanh cúc tím buồn dưới trăng. Trăng sáng là người tình chung của thi nhân. Trăng là nàng thơ lạnh lùng kiêu kỳ mà chung thuỷ, hay người tình xinh đẹp như cánh bướm lả lơi. Tình nhân của nàng Hằng Nga nhiều tựa sao trời: Hàn Mặc Tử phương Nam, Lý Bạch phương Bắc, Khuê Văn Khổng Tước phương Tây...; và chính Thi Kỳ cũng là một kẻ bị ánh trăng quyến rũ. Ai biết dưới ánh trăng lung linh kia ẩn chứa những gì... Thi Kỳ tấu thập lục cầm hoà theo tiếng mưa và đọc sách trên tủ của Khuê Tước tiên sinh, đến gần rạng sáng mới thoáng thiếp đi một chút.
Phủ tổng trấn đêm đó...
- Kẻ đến gặp nàng ban sáng có phải Thi Kỳ?
- Chính nó. Thi Kỳ thái phó ở Hưng Thánh điện.
- Nó có phát hiện ra điều gì chăng?
- Có lẽ chưa.
- Chưa thì tốt. Còn... người đó?
- Người đó cứ ở ven sông, nhìn thì không quan tâm, nhưng có lẽ đã nghi ngờ phần nào.
- Ai chứ người đó thì không nên coi thường. Nàng có đồng ý nếu ta khử cả hai?
- Người đó dù sao cũng từng là thái phó, lại dòng tôn thất, xin chàng đừng nên liều.
- Nàng nói gì cũng được. Ta sẽ không để kẻ nào chia cách chúng ta lần nữa.
Ở cổng ra vào khu vườn bên ngoài phòng tổng trấn phu nhân, vô tình có một gia nô đi ngang, đột nhiên vừa bỏ chạy vừa la hét kêu cứu như gặp phải quỷ hiện về. Sáng hôm sau anh ta biến mất. Thật lạ rằng, khi tổng trấn đại nhân mất tích, mọi người lại xem như đó là chuyện thường, nhưng bây giờ một gia nô mất tích, cả trấn đều xôn xao. Điều này quả không bình thường.
- Nếu Sa Liên có ở đây sẽ nói gì? "Rành rành Hoàng Oanh phu nhân đứng sau vụ này"?
Thi Kỳ cũng thấy rõ là Hoàng Oanh quận chúa chẳng mấy ưa Khổng Tước đại tiên sinh, và môn đệ Khổng Tước ai cũng biết là quan quân trong triều đa phần dành cho vị thái phó một cái nhìn không mấy thiện cảm. Khuê Văn Khổng Tước thật thà thì đó, nhưng thật thà quá tới mức làm người ta mích lòng. Còn quan quân ghét Thi Kỳ và các môn đệ cũng vì lẽ đó, nhưng lý do thường là "tại vì các người là đệ tử của Khuê Văn Khổng Tước". Vụ mất tích của quan tổng trấn có liên quan gì tới Khuê Tước tiên sinh chăng?
Cơn mưa hôm qua đã làm con sông cạn dâng nước, lá liễu lá phong trôi đầy từ thượng nguồn về. Mạc Hà dạo gần đây hạn hán lại gặp chuyện không hay, nay có cơn mưa coi như được phúc. Dân trong trấn vui mừng vì có nước tát ruộng, nhưng Thi Kỳ không vui. Không vui vì thanh cúc héo nửa vườn, và không vui vì chuyện của tổng trấn đại nhân nhiều khả năng cũng sẽ trôi theo nước sông Mạc Hà.
Đêm qua mưa, đất ướt thành bùn, nhưng thanh cúc héo. Thanh cúc héo không phải vì nắng hạn, mà bị gót giày tàn nhẫn nào xéo lên. Một đường rãnh dài lê ngang qua vườn thanh cúc, trong và bên cạnh đường rãnh có đôi dấu giày vải giẫm lên mấy bông thanh cúc chưa kịp nở hết dẫn tới bờ sông cạn rồi biến mất, và ở bờ bên kia có dấu vó ngựa đã phai vì mưa. Thi Kỳ có thể đoán ngay là người gia nô nọ đã gặp chuyện và bị kéo lê tới đây, sống hay chết không rõ. Nhưng kẻ nào đã kéo anh ta tới đây, lại ngang nhà Khuê Văn Khổng Tước?
Đột nhiên một toán lính lác kéo tới trước cửa nhà, giáo mác hùng hổ, cùng với một vị bổ đầu trên phủ vừa xuống, tay cầm lệnh quan đã đóng dấu, đọc lớn:
- Khuê Tước ở trấn Mạc Hà, bị tình nghi có liên quan tới vụ mất tích của quan tổng trấn Mạc Hà và một người gia nô, nay lệnh giải về phủ điều tra xét xử!
Thi Kỳ nghe vậy thì lo như ngồi trên đống lửa, nhưng cũng cố lấy hết can đảm, giắt cây quạt vào thắt lưng và bước ra cúi đầu tiếp chào cung kính.
- Tôi là đệ tử của Khuê Tước tiên sinh. Tiên sinh tôi đi vắng đã mấy ngày, không biết khi nào về, xin các vị thứ lỗi. Tôi trông nhà cho Khuê Tước tiên sinh mấy ngày nay, nên có thể coi như tôi có liên quan cũng được. Tôi theo các vị về phủ, không cần áp giải.
Bàn tay Thi Kỳ ướt lạnh mồ hôi và khẽ run rẩy trong ống tay áo. Tình hình đang trở nên tồi tệ rồi, Thi Kỳ thấy rõ điều đó. May mắn là Khuê Tước tiên sinh đã đi Cấm Thành ngày trước, nếu không thì bây giờ đã lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên, Thi Kỳ cũng không biết chuyến này có còn về được là Thi Kỳ để các đồng môn còn nhận ra, hay là một con ma ai oán không đầu.
- Cám ơn Thượng đế, đại tiên sinh không có ở đây, để con chịu tội.
Thi Kỳ nói thầm với chính mình. Không phải một lời oán trách, vì Thi Kỳ coi như đây là để trả lễ và ơn nghĩa bao nhiêu năm được che chở dưới đôi cánh Khổng Tước bay hoài không than mỏi. Bao nhiêu năm với những hoài nghi, với những lời xàm tiếu, với những khốn khổ và nhục nhã, Khổng Tước đó vẫn không bỏ rơi đệ tử mình; dù định mệnh buộc người phải bỏ đi. Thi Kỳ coi như đây là trả nợ ân tình mình nợ với điện Hưng Thánh, với các môn đệ và đại tiên sinh. Hoặc trở về còn sống và vô tội để mỉm cười và làm thơ, để chung chén rượu với Sa Liên, để nghe khúc thụ cầm Hồng Tước; hoặc trở về là hòm gỗ cài hoa an nghỉ muôn đời tên tuổi một vết nhơ là kẻ sát nhân. Vậy thôi.
Ở Tân Ô Lương lúc này...
- Đại tiên sinh?
Đang giữa trưa mà Khổng Tước cảm thấy lạnh người, run lên. Hẳn là chẳng lành. Chuyện gì đã xảy ra ở Nội thành, hay điều không hay đã tìm đến một trong các đệ tử mình chăng? Sa Liên kề bên thì không lo rồi, nhưng còn Hồng Tước, còn An Viên, còn Thi Kỳ? Tai ương hay tìm tới người tài, nên chuyện không may có đổ xuống điện Hưng Thánh, cũng chẳng lạ. Khổng Tước một mình đau khổ đã đủ rồi, nghĩ tới chuyện đệ tử mình không may... chẳng đành.
- Ta để Thi Kỳ lo chuyện ở Mạc Hà, không biết có ổn không...
- Con tin là ổn hết, người quá lo. Thi Kỳ chẳng là gì, chỉ là đệ tử của Khuê Văn Khổng Tước. Mà đệ tử Khuê Văn Khổng Tước, ắt chẳng ai loại vừa.
Sa Liên cười để trấn an. Nói vậy thôi chứ cũng lo lắm. Bốn người, cùng một thầy, cùng một học điện Hưng Thánh, chẳng phải bào tỷ muội chi, nhưng coi nhau vẫn là chị em kết nghĩa, đồng môn. Thi Kỳ mà gặp nạn, danh dự đâu Sa Liên nhìn mặt Khuê Tước tiên sinh và các môn đệ nữa. Còn Hồng Tước và An Viên, chốn quan trường và xứ biên cương đầy dẫy hiểm nguy, nhưng dù sao cũng bao năm cung kiếm, Sa Liên chẳng lo nhiều. Thi Kỳ kia, vốn chỉ biết văn chương và tam thập lục, chưa bao giờ dấn thân vào bí ẩn, ai biết có toàn mạng về chăng?
- Nếu có chuyện không may, làm sao tôi còn dám tự nhận là đại sư tỷ của cận vệ Thái tử, của Tiền tướng quân, của An Tịnh công đây...?
Sa Liên giận mình vì đã không đi Mạc Hà thay Thi Kỳ, tại sao đại tiên sinh lại để một thi sĩ lo chuyện phá án chứ không phải người từng mệnh danh "thần thám" - Sa Liên đây? Sa Liên cũng không dám hỏi. Tuy nhiên, việc thâm nhập vào căn cứ phiến loạn ở Kinh Xuân không chỉ một mình Khuê Văn Khổng Tước làm nổi, và người đi theo cần thiết nhất không phải An Viên hay Hồng Tước, mà là đại sư tỷ Sa Liên. Chuyện bây giờ thật quá rối ren, thôi thì cứ tin vào định mệnh.
Ở Mạc Hà, Thi Kỳ đang thầm cầu cứu Sa Liên...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top