Hồi thứ chín: Phím tơ trùng

Làm sao đây? Thi Kỳ không còn biết phải làm gì tiếp theo. Phu nhân tổng trấn không cho Thi Kỳ biết điều gì, và thật sự vụ mất tích của quan tổng trấn trong đầu Thi Kỳ bây giờ chỉ là màn sương mù dày đặc. Thi Kỳ có phải thần thám đâu, cũng chẳng là Khổng Minh. Chút chữ chút tài thế thôi, Thi Kỳ giờ nhận thấy mình bé nhỏ quá. Những danh xưng người ta gọi Thi Kỳ sao mà nghe vĩ đại quá, nhưng người vĩ đại kia là người đã xa xôi... "Đệ nhất thi gia" ư, "quân sư"... ư? Những danh xưng đó Thi Kỳ chưa bao giờ dám nhận. Khuê Văn Khổng Tước ra đi để lại những áng thơ, Sa Liên lánh vào sử quán và đến giờ vẫn còn đó quyển binh pháp vô giá trên bàn trà, Hồng Tước đã xa rời trà thơm quạt giấy, còn An Viên từ lâu đã chẳng còn mặn mà với văn chương. Chỉ còn Thi Kỳ ở lại...

Thi Kỳ rời phủ tổng trấn và lang thang khắp Mạc Hà khi trời đã tối hẳn. Ánh trăng thượng tuần vàng như màu giấy cũ, sáng leo lét chỉ vừa đủ cho Thi Kỳ thấy bước chân mình tìm đường về ngôi nhà bên gốc dương liễu. Đêm hè bỗng lất phất mưa. Thi Kỳ bỗng nhớ một ngày mưa nhiều mùa thanh cúc trước, cái ngày cuối đông đó...

Nhà của Khuê Tước tiên sinh không khác mấy so với điện Hưng Thánh xưa, đơn giản và đầy sách, chỉ là nội thất tuyền gỗ dương liễu: bàn trà, ghế, khung cửa sổ, giường,... và cả cây đàn tam thập lục khắc viền lông khổng tước. Thi Kỳ chưa nghe đại tiên sinh tấu tam thập lục bao giờ, đúng hơn là chưa bao giờ thấy đại tiên sinh chạm tay vào tam thập lục. Nếu đại tiên sinh có chơi đàn thật chăng nữa, thì cũng chỉ có trời biết, đất biết, con sông cạn biết.

Bối rối tột cùng, Thi Kỳ ngồi xuống định gảy vài khúc đàn cho khuây, nhưng vừa khảy ngón, một sợi cứa ngang đau nhói. Trên dây đàn vương giọt máu đỏ ngọt. Bên ngoài chỉ có tiếng nước chảy, tiếng mưa trên nóc và tiếng ve kêu đều đều. Thật là... Thi Kỳ nghĩ thầm, so với điện Hưng Thánh, chốn này thật khác xa. Ngày xưa điện Hưng Thánh có khúc đàn tam thập lục Thi Kỳ, giọng hát cao như tiếng phong linh của Sa Liên, hương trà thơm mùi thanh cúc và những đoản thơ không tên trong giọng ngâm trầm mà thanh ngát của Khuê Tước đại tiên sinh; bây giờ có còn gì hơn, không còn tiếng hát phong linh, không còn đoản thơ Khổng Tước, cũng xa rồi tiếng thụ cầm dây bạc hiếm hoi nơi vọng nguyệt đài của Hồng Tước hay tiếng gõ bút của An Viên đang chép những kế đánh trận kỳ lạ Sa Liên vừa nghĩ ra hay những khúc thơ tức hứng của đại tiên sinh...

Thi Kỳ lắc đầu chán chường, ngậm ngón tay cho đỡ đau rồi tấu một khúc tuỳ hứng. Tiếng tam thập lục nghe không còn trong trẻo, mà trầm lắng như giọng thơ Khổng Tước. Trầm lắng như tiếng mưa ngoài kia.

"Đêm lạnh sương giá gió đông
Chân ai rời chốn thư phòng thân thương
Ngoài kia tăm tối đêm trường
Người đi bỏ lại sương buồn trông trăng
Ra đi biền biệt tháng năm
Trà thơm cũng nhạt, thơ trăm vẫn sầu..."

Thi Kỳ khẽ hát. Giọng không được ngân nga và trong vắt như Sa Liên, cũng không đậm tình được như giọng thơ Khổng Tước. Những chuỗi những dòng suy nghĩ không tên ùa đến và vây quanh trong đầu Thi Kỳ... Sao lại ra nỗi này? Thi Kỳ bỗng cảm thấy mình lạc lõng giữa cõi trần nửa thực nửa hư.

"Nếu một ngày, tôi trở về cát bụi
Xin gửi lại những gì tôi thân thương
Cho người ở lại, cho đời sau kế tục
Kiếp này còn gì tôi vấn vương?

Những bằng hữu một đời tôi nợ
Lời thứ tha và sự im lặng thiên thu
Một khoảng trời trong xanh bỏ dở
Chấp nhận kiếp này đành phận phù du.

Thiên hạ gọi tôi là tinh tú
Xin nhường lại về đúng chủ nhân
Tôi chỉ là công anh nương gió
Theo chân người chậm bước phiêu du.

Thông thái Sa Liên và những hồi binh pháp,
Tay kiếm lẫy lừng tên Hồng Tước đệ tam,
Tinh anh An Viên vang danh là thiện xạ,
Thi Kỳ tôi chẳng dám sánh cạnh người.

Và cánh Khổng Tước bay hoài không than mỏi
Huyền thoại một thời đệ nhất thi gia
Chức cao tài trọng vẫn yêu thơ bình dị
Môn đệ chở che không điều kiện nửa lời..."

Thi Kỳ nhìn mặt sông in bóng dương liễu mà tức cảnh. Ngón tay nhẹ khảy những phím tơ trùng. Tiếng tơ trùng như tiếng lòng ai đó. Ai đó vẫn hỏi Sa Liên những trời sáng sớm "Cấm Thành có gì lạ không con?"...

Khổng Tước mượn thơ giấu cõi sầu, Sa Liên chén rượu nồng làm khuây, Hồng Tước trăng khuya làm bằng hữu, An Viên chọn trà thơm quên buồn và Thi Kỳ lấy tiếng đàn làm vui. Bây giờ mới dám nói, chức cao vọng trọng có là gì? Chỉ là cái danh. Cái danh của huyền thoại được tôn thờ bởi thiên hạ - những người không bao giờ hiểu được đằng sau cái danh đó là gì. Tại sao ngũ thi gia điện Hưng Thánh lại luôn lánh khỏi thế giới bên ngoài? Lánh xa khỏi miệng lưỡi và những cặp mắt soi mói của thiên hạ. Người ta biết đến Khổng Tước và các môn đệ là gì? Tài cao đức trọng, chính trực thanh cao? Phải. Và ai cũng biết ở đời, lương thiện khó sống. Vì thanh cao đó, Khổng Tước quay lưng ra đi biệt xứ. Vì thiện tâm đó, Sa Liên dìm nỗi sầu trong tửu trà. Vì danh dự đó, vì chính trực đó, Hồng Tước và An Viên chọn đao kiếm thay thơ văn.

Ngày xưa mãi là ngày xưa. Còn bây giờ, vận mệnh của Thi Kỳ, vận mệnh của Khổng Tước đại tiên sinh, vận mệnh của các môn đệ bằng hữu, vận mệnh của vương quốc... đang như chỉ mành treo chuông. Bách tính đói khổ, quan lại tranh quyền, biên cương loạn lạc... Thi Kỳ không biết mình còn có ngày tao ngộ...

Tại Tân Ô Lương lúc này...

"Nếu một ngày, tôi trở về cát bụi
Sự nghiệp này, tôi để lại cho ai?
Ai sẽ chấp bút thay tôi viết tiếp
Những huyền thoại bị lịch sử bỏ quên...

Nữ thần công lý với tiếng tăm bất tử
Bông hồng cảnh vệ vươn cao giữa đất trời
Nữ vương thiện xạ vang danh là đệ Nhất
Và những huyền thoại chưa kịp sử lưu danh...

Những bằng hữu một đời tôi nợ
Giờ này đang ở phương trời nào
Giọt đắng đầy thêm niềm trắc trở
Một người đi, một người bơ vơ...

Ngày đi chiều màu thanh cúc tím
Bước chân nhẹ tênh, gió lặng im
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Để lại chiều xuân tím hoa sim..."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top