Hồi thứ bảy: Huyền thoại Khổng Tước

Trấn Mạc Hà giờ lâm nguy, Thi Kỳ theo lời đại tiên sinh đi cứu quan tổng trấn. Nhưng họ Thi nào biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ mơ hồ rằng tổng trấn đại nhân bỗng mất tích. Trước hết Thi Kỳ sẽ đi gặp phu nhân quan tổng trấn trước khi hành động được gì. Nếu phu nhân chịu kể cho Thi Kỳ biết những điều cần biết. Tuy nhiên, trước khi lại theo chân An Tịnh công đi phiêu lưu chuyến này, chúng ta sẽ theo chân đại tiên sinh của An Tịnh công, huyền thoại một thời Khuê Văn Khổng Tước, về Cấm Thành một chuyến.

Lúc trở về cũng như lúc ra đi, quạt trên tay, tay nải trên vai, ít bạc trong túi, không ngựa, không xe, hôm sau ngày gặp lại Thi Kỳ, Khuê Tước tiên sinh thong dong rảo bước trên đường chính lộ ngược dòng bước chân của chính mình rất lâu về trước. Khuê Tước tiên sinh chưa từng nghĩ đến ngày về Cấm Thành, nhưng hôm nay, vì một lý do gì đó, bóng dáng đã lâu chưa ai được thấy lại xuất hiện khuất mắt ở phía xa. Đường chính lộ chẳng thay đổi nhiều, bên đường vẫn bụi hồng dại, khóm cúc dại và mấy bờ cỏ dại lưa thưa. Trên đường chân bước vắng tanh, nhưng sao vẫn cứ tưởng hồ như có ai đó đang từ phía trước mặt đến; một thư sinh phong nhã, áo màu huệ đỏ, cầm quạt màu thanh cúc vừa phe phẩy vừa thả bộ ngâm thơ. Vốn dĩ chẳng có ai trên đường lúc đó cả, chỉ có mỗi Khuê Tước tiên sinh; và bóng thư sinh kia có ai khác hơn chính tiên sinh ngày xưa trong mắt mình bây giờ. Vẫn cảnh xưa, vẫn người cũ, vẫn những dòng hồi ức trôi qua chậm rãi như níu chân người...

- Tôi về...

Đúng như lời Thi Kỳ kể, xứ Tam Châu nhác đã tốt hơn, "sạch sẽ" hơn. Khuê Tước tiên sinh chẳng buồn lo thảo khấu, bởi thể nào thảo khấu cũng lại chẳng thèm cướp một độc khách là một thi sĩ. Khi băng qua trấn Hồ Châu, trời đã chập tối, và cũng như hồi xưa, Khuê Tước tiên sinh tìm một nhà để gõ cửa ngủ nhờ, nhưng, nhà ai cũng đã cửa đóng then cài, tiên sinh thấy cũng không nên làm phiền họ chi. Và, tiên sinh đành đến cổng nhà quan tổng trấn, như hồi xưa, để chợp mắt một lúc rồi lại lặng lẽ đi. Tổng trấn ngày xưa thì đúng chẳng buồn quan tâm kẻ lạ tá túc trước cổng, nhưng còn bây giờ... Tiên sinh có ngủ yên được không?

Lại vẫn như thế, bên góc tường phải cạnh cánh cổng, lại có một thư sinh ngồi tựa đầu bên tay nải mà ngủ. Chợt đến canh ba, có ai đó bên cạnh tiên sinh mà lay người dậy.

- Sao tiên sinh không gọi con ra tiếp mà lại ngủ ngoài cổng vậy?

- Ta quen rồi... - Khuê Tước tiên sinh chỉ nói vậy - Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng vậy, tổng trấn đại nhân à.

Vương Hạ đích thân ra khi nghe lính hầu bảo có vị thư sinh đang ngủ trước cổng. Khuê Tước tiên sinh vốn không định làm phiền ai, nên cũng chẳng gọi tổng trấn Vương để xin nghỉ nhờ qua đêm.

- Người ta gọi con là tổng trấn, nhưng con sau cùng cũng chỉ là cậu nhóc cuối trấn thích đi câu cá mà. - Vương Hạ mỉm cười. Khuê Tước tiên sinh vẫn không mở mắt nhìn ai đang bên cạnh mình.

- Một quan tổng trấn thật hiếm có... - Khuê Tước tiên sinh khẽ cười.

Trăng vẫn còn vằng vặc trên cao, giữa xuân không gió nhưng lại có mưa rào đêm lành lạnh. Khuê Tước tiên sinh đưa mắt nhìn vào màn đêm, khoanh tay vào ống tay áo và khẽ co mình lại. Năm đó gió đông lạnh hơn nhiều.

- Con vào lấy khăn cho tiên sinh.

Vương Hạ đứng lên và định quay người đi vào trong, nhưng Khuê Tước tiên sinh đã cản.

- Không cần phiền ngài, ta đi ngay.

- Trời mưa lạnh lắm.

- Không sao. Ta quen rồi. - Khuê Tước tiên sinh nói rồi đứng dậy - À, ngài gặp Thi Kỳ rồi, phải chứ?

- Thi Kỳ ạ?

- An Tịnh công Thi Kỳ, đệ nhất thi gia ở Cấm Thành.

Những chuyện ở thí trường hôm đó lại trở về trong trí nhớ Vương Hạ. Quả thật, gặp được thư đồng của Trưởng công chúa là một định mệnh cho chàng Vương. An Tịnh công Thi Kỳ trong mắt Vương Hạ là một tiền bối đáng kính, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ hai người là đồng môn. Chắc Thi Kỳ cũng nghĩ như thế. Nói tiếng là đồng môn, nhưng trong mắt Thi Kỳ, Vương Hạ cũng chỉ là một cậu sĩ tử có chút chữ nghĩa, dù chút chữ nghĩa đó là từ Khuê Tước đại tiên sinh. Và đối với chính Khuê Tước tiên sinh, dù nói rằng vậy, Thi Kỳ mới thực là đệ tử.

Khuê Tước tiên sinh rời đi khi vừa để lại lời tạm biệt. Cấm Thành đang ở trước mắt. Một huyền thoại đang trở về. Huyền thoại một thời đã lui về nhường đường cho hậu bối ghi tên vào lịch sử. Có thể nói rằng, nếu Thi Kỳ bây giờ là Khuê tú, thì Khuê Tước tiên sinh bây giờ ví như Bắc Đẩu tinh, dẫn đường nhưng không tỏa sáng.

Bình minh hé lộ trên đường chân trời cùng với bóng dáng hoa lệ của kinh thành dần hiện lên trước mắt Khuê Tước tiên sinh. Ngày đi cũng như ngày về, Khuê Tước tiên sinh đi lặng lẽ. Cánh cổng cao chơ vơ xám màu đá cũ với đôi chữ bằng cẩm thạch "Kinh Thành" khảm trên đầu như muốn phô vẻ diễm lệ trước mắt của chốn kinh đô. Vừa chớm sáng mà kinh thành nhộn nhịp; tuy nhiên vẫn vậy, giữa chốn phồn hoa hội chợ lại có một thư sinh đi một mình trên đại lộ dẫn thẳng từ cổng lớn tới tam môn Cấm thành.

- Đây là Cấm thành, không được vào!

Lính gác chặn Khuê Tước tiên sinh lại ở cổng, không cho vào. Cũng phải. Tiên sinh đâu còn quyền tự do ra vào như ngày xưa đâu.

- À, xin lỗi...!

Khuê Tước tiên sinh gật đầu, toan quay lại và rời đi, nhưng đột ngột, cổng bên hữu đại môn mở.

- Thi Kỳ à?

Giọng nói thân quen đó, và cái nhìn đó, sắc sảo như bông hồng đen xứ Á Lan xa xôi, từ lâu lắm rồi Khuê Tước tiên sinh mới được nghe lại. Một đệ tử của Khuê Văn Khổng Tước, đã chọn ở lại Nội thành, lặng lẽ bao năm qua trong Sử quán tìm chốn bình yên. Cách đây nhiều năm, khi Thi Kỳ vẫn còn trong điện Hưng Thánh, khi nói đến "Hưng Thánh ngũ tinh tú", trong Nội thành có câu: "Đệ nhất Khổng Tước, đệ nhị Sa Liên, đệ tam Hồng Tước, đệ tứ An Viên, đệ ngũ Thi Kỳ". Và người đó, cùng với các đồng môn, đã bị lãng quên theo thời gian như Khuê Tước tiên sinh; chỉ còn một tinh tú toả sáng.

- Sử quan đại nhân? - Một lính gác ngạc nhiên.

Khuê Tước tiên sinh quay đầu lại nhìn. Cánh trâm bạch khổng tước rủ trên tóc cũng đung đưa.

- Trâm cài khổng tước...?

- Còn ai nếu không phải đại tiên sinh của con? - Khuê Tước tiên sinh cười - Sa Liên à.

- Đại tiên sinh...! Sao người lại đứng ở Cấm thành đại môn?

- Ta đâu còn giữ kim bài đó nữa. Nếu Thi Kỳ không về thăm ta, ta nghĩ là sẽ không bao giờ được thấy lại đại môn này, và cũng không bao giờ biết... các con vẫn bình yên...

- Người lại nói vậy, tất nhiên đệ tử người vẫn bình yên... - Sa Liên mỉm cười - Đại tiên sinh về Sử quán với con.

- Cũng được à? Vậy... - Khuê Tước tiên sinh nghe vậy thì khẽ cười, nhìn sang mấy người lính gác - Các vị đây có cho phép chăng?

Mấy người lính gác đâu dám từ chối khi có sử quan Sa Liên đứng ở đó. Chẳng biết họ có nhận ra hay chưa, nhưng nhác thấy cách sử quan Sa Liên đối xử, thì ắt đó không phải người thường. Vậy là họ cứ để yên cho "vị thư sinh lạ mặt" kia vào Nội thành mà cũng không khỏi hoài nghi đó có phải thích khách hay không.

Sa Liên, giữ chức sử quan, đứng đầu Sử quán, vốn đệ tử đầu tiên của Khuê Văn Khổng Tước, từng ở trong điện Hưng Thánh và từng được mệnh danh "Hưng Thánh ngũ tinh tú" - năm thi gia danh tiếng nhất Cấm Thành - cái thời Khuê Tước tiên sinh còn là gia sư cho Trưởng công chúa. Nhưng giờ chẳng ai gọi Sa Liên như vậy cả, thậm chí cũng trở nên lạ lẫm với mọi người như Thi Kỳ vậy.

- Những người khác vẫn còn đó không?

Khuê Tước tiên sinh thầm hỏi khi cùng Sa Liên đi ngang qua điện Hưng Thánh vắng lặng, nơi tiên sinh cùng các đệ tử ngoài việc triều chính thì lấy thơ văn thi phú làm vui. Đến giờ tiên sinh vẫn giữ thói quen đó. Là thi gia nhưng không yêu men rượu, không quyến luyến đào hát, chỉ mến hương nồng của trà thơm và sự yên bình của đêm thanh trăng tròn.

- Con vẫn ra khỏi Nội thành vào sáng sớm đó hả?

- Dạo loanh quanh như một thói quen thôi, đại tiên sinh. Cũng như người thích trồng thanh cúc...

Ngang qua Chính điện, các quan người hối hả, người thong dong triều phục vận sẵn cân đai mũ giày người theo sau người đi vào. Sa Liên đã cầm theo giấy bút, chuẩn bị làm nhiệm vụ thường ngày của một sử quan.

- Đại tiên sinh có muốn dự thiết triều?

- Có được không?

- Nếu không thích, người có thể đứng ngoài chờ con.

Sau khi chư quan đã vào hết, Sa Liên cùng Khuê Tước tiên sinh mới vào. Sa Liên đứng ở vị trí quen thuộc của mình, bên góc hữu của Trưởng công chúa; còn Khuê Tước tiên sinh đứng cạnh cổng bên tả, như ngày xưa. Một lúc sau, kiệu Thái tử và Trưởng công chúa vào, chư quan xôn xao nhưng không ai nhận ra Khuê Tước tiên sinh.

- Thái tử vạn tuế! Công chúa thiên tuế!

Các quan quỳ xuống tung hô, duy mỗi Khuê Tước tiên sinh và sử quan Sa Liên chỉ vòng tay thi lễ. Thái tử trẻ ngự trên ngai vàng, Hồng Tước hộ vệ đứng sau; Trưởng công chúa Tử Hương ngồi trên ngai phượng sau tấm rèm buông, duyên dáng mà uy nghiêm. Trưởng công chúa ban lệnh bình thân, và theo thói quen, người đưa mắt nhìn bên tay hữu, nơi sử quan Sa Liên đứng. Chếch về phía sau, bên cổng tả Chính điện, có Khuê Tước tiên sinh đang mỉm cười và cúi đầu cung kính.

- Khuê Tước tiên sinh? - Trưởng công chúa thốt lên ngạc nhiên. "Đệ nhất Hưng Thánh tinh tú", Khuê Văn Khổng Tước lừng danh một thời, đang ở đây.

Cái tên Khuê Tước đã hướng những con mắt tò mò của cả triều về phía cổng tả Chính điện. Tể tướng Tề Hàn trông không có mấy gì làm ngạc nhiên, như thể ngài đã biết trước điều này sẽ đến.

- Khuê Văn Khổng Tước thật à?

- Chắc chỉ là người giống người...

- Kẻ giả mạo thôi...

- Nghe đồn Khuê Văn Khổng Tước đã chết rồi mà...?

Những lời đồn đại xôn xao từ mọi phía khiến Trưởng công chúa cảm thấy hoang mang. Không nói gì, và vẫn điềm tĩnh như vậy, Khuê Tước tiên sinh rút từ ống tay áo ra chiếc quạt thêu và phẩy tay mở ra. Trên quạt là hoa văn màu xanh thanh cúc xen với màu đỏ anh túc, thêu chim khổng tước đuôi xanh nguyệt quế điểm chỉ vàng, nan quạt bằng gỗ dương liễu, chốt bằng ngọc đỏ; quạt buộc sợi gấm thắt hoa, ở đuôi lại có ngọc bội mang dấu của Thiên tử. Thái tử nhận ra món quà đó, bật dậy khỏi ngai, vui mừng như muốn chạy xuống và ôm lấy người bất chấp mọi phép tắc, nhưng hộ vệ ngài đã vội ngăn lại.

- Như vậy đã đủ để khẳng định chưa? - Khuê Tước tiên sinh cười phiếm chư quan.

Tề Hàn tể tướng gật gù. Còn ai trên thế giới này sở hữu cây quạt quý như thế ngoài huyền thoại Khuê Văn Khổng Tước? Chiếc quạt đó chính Thái tử đã tự cho làm và tận tay ban cho vị thái phó dạy dỗ người, không thể nào là đồ giả.

- Nếu thật là Khuê Văn Khổng Tước tiên sinh, hẳn người phải giỏi văn chương thi phú lắm.

Tiếng đó là của hộ vệ thái tử Hồng Tước, được ủng hộ bởi cái gật đầu của Tiền tướng quân An Viên và ánh mắt đồng thuận của Thái tử. Khuê Tước tiên sinh trong đôi mắt có chút ngạc nhiên, nhưng rồi cũng mỉm cười chấp thuận.

- Được thôi, nếu như các con vẫn chưa tin Khổng Tước về Cấm Thành...

Khuê Tước tiên sinh gấp quạt lại và ngay lập tức ngâm một đoản thơ.

"Huệ đỏ tàn rồi đã mấy năm
Thanh cúc một vườn có ai chăm
Viễn xứ bao mùa xuân tan tác
Cố tri môn đệ chẳng ai thăm
Từng xưa huyền thoại là Khổng Tước
Một thuở lừng danh tiếng thơ văn
Ra đi không chân người tiễn bước
Trở về chỉ nhận tiếng lặng câm..."

Sa Liên sử quan nở một nụ cười tự hào rồi gật đầu. "Không phải thiên hạ gọi Khuê Văn Khổng Tước là huyền thoại mà không có lý do", Sa Liên từng khẳng định vậy, và bây giờ vẫn khẳng định như thế.

- Chư vị thấy tận mắt, nghe tận tai rồi đó. Khuê Văn Khổng Tước đây, ngay trước mặt các vị, không sai!

Hồng Tước cận vệ và An Viên tướng quân mừng đến không nói thêm được điều gì. Huyền thoại đang ở đây thật. Khuê Văn Khổng Tước đại tiên sinh, tinh tú thơ văn sáng nhất từng được biết đến, đang ở đây thật.

- Chào người trở về, Khổng Tước thái phó.

Trưởng công chúa và Thái tử mừng rỡ nói như reo. Tể tướng vẫn không phản ứng gì. Đoàn thượng thư chắp tay chào người bằng hữu đã ra đi từ lâu lắm. Khuê Tước tiên sinh cất quạt lại vào ống tay áo và cúi đầu đáp lễ. Chỉ tiếc là, Ngọc Phụng đại tướng quân, người còn lại trong "Cấm Thành tứ phượng hoàng", hiện đang viễn chinh ngoài biên ải, không hề hay biết Khuê Tước tiên sinh đã về.

Tuy nhiên không phải ai cũng nghênh đón tiên sinh. Bên cạnh những lời hỏi thăm, khen tặng sau buổi thiết triều hôm đó là những lời xàm tiếu, và cả những lời đe doạ sau lưng. Năm xưa khi ra đi, tiễn chân tiên sinh cũng chỉ những lời cay nghiệt đổi trắng thay đen đó; nay trở về, cạnh những câu thân tình của bằng hữu và môn đệ, lại là sự đe dọa âm thầm không rõ từ ai.

Tất nhiên, Khuê Tước tiên sinh biết đằng sau mình luôn có lưỡi dao kề cổ, nên cũng chẳng dám manh động. Sau buổi thiết triều Khuê Tước tiên sinh được các đệ tử mời về điện Hưng Thánh xưa uống chén trà hội ngộ. Giữa hương trà mơ hồ, trông đôi mắt Khổng Tước như sâu thăm thẳm. Và khi chén trà trên tay tiên sinh đặt xuống bàn, thật khác với những buổi chiều ấm lòng các đệ tử vẫn thường được thưởng những đoản thi không tên vương đầy những giọt đọng trong tâm hồn người thi sĩ xưa kia, buổi chiều này sao lạnh quá; đây là lần đầu tiên họ thấy người im lặng.

- Đại tiên sinh...? - Sa Liên cúi đầu khẽ hỏi.

- ....

Câu đáp tuy chỉ là im lặng nhưng cũng làm cả Sa Liên, Hồng Tước và An Viên giật mình. Họ không còn nhận ra Khuê Tước tiên sinh ngày xưa nữa: Không còn những câu thơ ngâm đậm hương trà, không còn tiếng hát trong và thanh theo ngón đàn Thi Kỳ gảy, chỉ còn tiếng thở dài sầu muộn làm chạnh lòng các môn đệ. Chỉ vừa phút trước tiên sinh vẫn còn cười vui vẻ... Điều gì đã làm Khổng Tước nên nỗi này?

- Có chuyện gì phiền lòng người chăng?

Khuê Tước tiên sinh khẽ lắc đầu.

- Không, chỉ là... ta thấy lo cho Thi Kỳ... Nó thay ta chuyến này... không biết có bình an không...? Ta cũng muốn theo giúp nó lắm, nhưng mà...

Khuê Tước tiên sinh vừa đưa mắt nhìn lên bức họa treo bên bàn trà. Một Khuê Văn Khổng Tước thuở trăng tròn, một Khuê Văn Khổng Tước thuở vừa trót mến nàng thơ, một bông thanh cúc còn vương sương sớm; một Khuê Văn Khổng Tước của ngày xưa...

...Một Khuê Văn Khổng Tước của ngày xưa...

"Tái sinh từ nắm tro tàn
Khổng Tước đâu phải Phượng Hoàng, con ơi!
Cửu tuyền là về nơi vĩnh cửu
Để lại bằng hữu với kiếp trần..."

Đời, vốn bạc thì thôi, lại tàn nhẫn; người ta vẫn nói người hiền gặp lành đó thôi, nhưng sao thường thiện nhân chỉ gặp đau thương? Chữ tai liền vần chữ tài, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, cán cân công bình chẳng bao giờ bằng nhau được. Đó là những gì Khuê Tước tiên sinh và các môn đệ nhận được. Giữa Cấm Thành với những mưu toan đen tối, những mưu đồ loạn lạc bây giờ, chỉ xin cố giữ lại chút thanh tao. Tuy nhiên lúc này có Thi Kỳ đã nguyện bước chân vào lửa đỏ, chấp nhận đổi cả tâm hồn và thể xác để cứu Mạc Hà, cứu danh dự triều đình và cũng có thể là tương lai của Hoa Nữ quốc. Thi Kỳ đã như thế, những người còn lại sao đành ngồi yên?

- Biên cương biến loạn, triều chính không yên, nỗi lo này Thi Kỳ sao gánh hết. Còn các con...?

- Đại tiên sinh còn lo gì nữa. Con đi!

- Vì vương quốc, xuống địa ngục con cũng đi!

- Môn đệ một nhà, đương nhiên con đỡ giùm một tay!

Cả ba môn đệ đều chấp nhận không ngồi một chỗ đợi lửa tới nhà, họ đều cười và gật đầu. Điều này khiến Khuê Tước tiên sinh an tâm mấy phần. Ơn Thượng đế, Hoa Nữ quốc đã có những vị thần bảo hộ. Như đã bàn bạc với nhau và như được Trưởng công chúa cho phép; An Viên ra biên cương tiếp viện cho Ngọc Phụng đại tướng quân, Hồng Tước ở lại Nội thành bảo vệ hoàng thất, Sa Liên theo đại tiên sinh đi Kinh Xuân, nơi được đồn là gốc của những cuộc nổi loạn.

Còn lúc này tại Mạc Hà, Thi Kỳ đang đỏ mắt tìm tổng trấn đại nhân và khiến yên lòng bá tánh...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top