Hồi thứ ba: Thảo khấu Tam Châu
Việc kinh đô đã tạm xong, An Tịnh công Thi Kỳ lên đường về Mạc Hà.
Trấn Mạc Hà cách kinh đô ngót một ngày đường, trên chính lộ lại thường có thảo khấu, nên vãng khách chẳng dám đi đường ấy, nhất là độc khách viễn du, mà chọn đường vòng rất xa. Trên chính lộ đến trấn Mạc Hà, phải băng qua vùng Tam Châu, nơi nổi tiếng về đói kém, thảo khấu, cướp cạn có thể gọi là bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào cũng thấy được.
Tam Châu là tập hợp của ba trấn: Lâm Châu, Hồ Châu, Hải Châu; quan ở đây thu thuế rất cao, lại mất mùa triền miên, dám hỏi không người hiền lương nào để sống mà không trở thành sơn tặc, thảo khấu? Cướp ở đây nhiều đến nỗi, thương buôn chẳng dám quay ngựa vào, và cả mệnh quan triều đình cũng chưa ai đủ can đảm đi đường chính lộ. Ít nhất là cho đến lúc này.
An Tịnh công Thi Kỳ đã vốn nghe những lời đồn và cảnh báo về sự nguy hiểm của xứ Tam Châu, nhưng cũng cho qua và thắng ngựa theo đường chính lộ mà đi. Dù sao thì ngoài con ngựa vừa tìm mua được ở một trang trại ngoại thành kinh đô và chiếc quạt giấy cùng kim bài, An Tịnh công chẳng có thứ gì đáng giá để cướp cả. Nói vậy thôi, chứ bị cướp thì đằng nào cũng chẳng thể nói là điều lành được. Trời lại đang dần xế chiều, gặp cướp là không thể tránh khỏi.
Không cần phải chờ lâu, vừa đến cửa trấn Hồ Châu, một toán cướp xông ra, đao kiếm tuốt trong hùng hổ nhưng nhiều phần bị rỉ cùn. An Tịnh công không lấy đó làm bất ngờ, vì trông đám thảo khấu này cũng như những đám khác, từng là nông dân thôi. Ngước mắt lên con đường dẫn qua trấn Hồ Châu, Thi Kỳ thấy so với Cấm Thành sao mà khác lạ. Thậm chí chốn bình dị nhất Nội thành là điện Hưng Thánh cũng không thể sánh được với cảnh lầm than đất Tam Châu. Bách tính đói khổ thế này, làm sao mà Trưởng công chúa không hề hay biết được chứ! Nhưng sao đã mấy năm trời, mà Tam Châu vẫn đói kém?
- Các người muốn gì?
- Tất cả những đồ đáng giá.
- Tôi chỉ là thư sinh thì lấy đâu ra đồ đáng giá.
- Vậy nộp hết lộ phí đây.
- Chỉ có nén bạc, các người không chê chứ?
Thi Kỳ vừa nói rồi xuống ngựa, lấy từ trong tay nải ra một nén bạc mới đặt lên yên.
- Nếu muốn cứ lấy cả con ngựa. Cáo từ.
Rồi Thi Kỳ để mặc toán cướp và rảo bước vào trấn. Đám thảo khấu thì nửa ngạc nhiên nửa bối rối; ngạc nhiên vì sao có người thấy cướp không sợ, bối rối vì sao người đó lại đưa tất cả lộ phí và con ngựa mà không để lại điều kiện gì. Đột nhiên một người khá lớn tuổi trong đám đó đuổi theo Thi Kỳ vừa gọi:
- Tiên sinh khoan đi đã!
Nghe tiếng gọi, Thi Kỳ dừng lại một khắc rồi lại bước tiếp.
- Tiên sinh, gượm lại đã!
- Các người lại muốn gì ở tôi? Thư sinh như tôi lấy đâu ra đồ quý giá nữa. - Thi Kỳ nói, không ngoảnh mặt lại nhìn mà cứ đi tiếp.
- Không, chúng tôi không muốn gì nữa hết. Chỉ lấy làm lạ tại sao tiên sinh để lại hết lộ phí và con ngựa cho chúng tôi như vậy?
Lần này thì Thi Kỳ dừng lại để đáp.
- Chỗ đó đáng là bao. Về Mạc Hà thôi có cần nhiều như thế không? Tôi đi bộ đến chiều mai là tới thôi.
Thi Kỳ nói rồi lại đi tiếp. Phía sau có tiếng hỏi gặng:
- Phía trước là trấn Lâm Châu, cũng đầy thảo khấu, tiên sinh không có ngựa lẫn lộ phí liệu có an toàn không?
Thi Kỳ đáp, chân vẫn bước đi:
- Thảo khấu nào đi cướp một thư sinh không tiền?
Thi Kỳ nói vậy, chứ hiểu rằng "bần cùng sinh đạo tặc". Đất Tam Châu đói kém triền miên, cướp bóc để sống sót là không thể tránh khỏi. May mắn lần này cho Thi Kỳ, rằng toán cướp Hồ Châu này là người tốt. Nếu gặp cướp lần nữa, có chắc họ vốn tốt hay không?
Những thảo khấu kia chỉ lấy nén bạc mua gạo, còn con ngựa trả lại Thi Kỳ. Trời cũng đã tối, đi đường đêm khuya thế này dễ gặp bất trắc, một người trong toán cướp chặn đường kia ngỏ ý mời Thi Kỳ trọ tạm qua đêm. Biết có liều đi ngay cũng chẳng lợi lộc gì, Thi Kỳ đồng ý.
Nhà người đó chỉ là một căn chòi nhỏ cạnh con suối gần như đã cạn khô. Cách đó không xa có một ngôi mộ đắp vội, vài nén hương vừa tàn vẫn còn cắm trên đó. Hỏi ra, anh ta vừa goá vợ và mất đứa con duy nhất trong nạn đói tháng trước. Nghe kể thì ở đất Tam Châu này, hễ ra đường là thấy người chết đói. Người ta giẫm đạp lên nhau để giành những đấu gạo cuối cùng, và những người sống sót cũng vào rừng và trở thành thảo khấu, cướp lữ khách giàu có như vừa để trả thù cuộc đời vừa chia nhau để sống qua ngày. Lúc đó ở Nội thành, cứ mỗi buổi thiết triều là các quan lại tâu lên Trưởng công chúa những điều tốt đẹp, có vị nào nhắc đến dân đang đói đâu? Đoàn Châu thượng thư hay Tề Hàn tể tướng mấy khi du hành thế này nên cũng đâu hay; giờ có An Tịnh công trên đường về quê lại gặp cảnh khốn cùng, nếu không ra tay há chăng cũng tiểu nhân như họ, như quan liêu trấn này? Hoặc giả nếu không thể giải quyết, ít ra khi về kinh cũng phải tâu Trưởng công chúa biết.
- Dân Tam Châu đói đã lâu chưa? Sao không thấy quan xuống cứu nạn?
- Tiên sinh à, quan lại bây giờ không thể trông vào được, nhưng những vị quan chi phụ mẫu, chúng tôi thấp cổ bé họng sao dám cầu tới được.
- Vậy mai đưa tôi lên gặp quan tổng trấn, tôi sẽ giúp. Hoặc giả như anh vẫn sợ, khi về kinh tôi sẽ tâu chuyện này lên Trưởng công chúa Tử Hương. Người thương dân lắm, thể nào cũng phái người về đây giúp các vị thôi.
Nghe Thi Kỳ nhắc đến Trưởng công chúa, anh nông dân bỗng nửa sợ sệt khép nép nửa nhẹ lòng mừng rỡ. Cũng như chàng thư sinh Vương Hạ kia, hễ nhắc tên Trưởng công chúa, dù Thi Kỳ giọng rất bình thường nhưng đối phương thì luôn trông thật nể sợ.
- Tiên sinh... có phải... quan triều đình?
Thi Kỳ chỉ mỉm cười và khoát tay.
- Nếu tôi mà là quan triều đình, thì tôi đã không đi một mình và mang theo ít lộ phí vậy.
- Vậy, tiên sinh là ai mà dám gọi tên Trưởng công chúa...?
- Chỉ là một thư đồng mà thôi. - Thi Kỳ cười, phẩy quạt.
- Thư... đồng?
Thi Kỳ gật đầu.
- Tôi họ Thi tên Kỳ, thư đồng của Trưởng công chúa.
Ban đầu, người kia có một thoáng nhẹ nhõm, nhưng lại rồi tỏ ra thất vọng.
- Nghe tiên sinh đến từ Cấm Thành, lại có vẻ thân cận với Trưởng công chúa, tôi vẫn tưởng tiên sinh là quan lớn du hành, muốn nhờ người cứu giúp Tam Châu, nhưng mà...
- Làm sao tôi tin được? Thế gian bây giờ không thiếu người dựa quyền với cậy quyền đâu.
- Người nghèo còn mong chi được nữa, cả đời chỉ biết cúi đầu, tiên sinh đừng nghi vậy tội.
Nghe trong giọng người ấy quả có sự thành thật, Thi Kỳ mỉm cười rồi gật đầu.
- Chúng ta gặp nhau chỉ vừa một buổi, lấy gì làm bằng cho lời anh nói? Vả lại, cũng chẳng có gì làm bằng cho lời tôi nói cả.
Những tưởng anh nông dân kia sẽ lại bỏ cuộc, nhưng không; anh chỉ vào cây quạt giấy trên tay Thi Kỳ.
- Dân đen bọn tôi chưa bao giờ rời xứ Tam Châu, càng không hề biết hình dáng bộ mặt Cấm Thành. Chưa từng một lần tận mắt được thấy quan triều đình, Trưởng công chúa càng không. Nhưng, cũng từng có nghe danh An Tịnh công, thư đồng của Trưởng công chúa, vốn nho nhã thanh cao là người quân tử, duy rằng không bao giờ rời điện Hưng Thánh. Nay gặp tiên sinh nhận vậy, không dám chắc chắn, chỉ biết tin liều. Xin hiểu cho.
Thi Kỳ lúc này vứt bỏ hết mọi nghi ngờ giả vờ, đến đứng trước anh nông dân, vòng tay cúi đầu tỏ ý đáp lại sự kính trọng của người kia.
- Đó là để làm bằng. Tôi cũng chẳng dối nữa. Tôi đúng là An Tịnh công Thi Kỳ; và phàm quân tử đã nói sẽ làm, tôi sẽ giúp bách tính Tam Châu những gì tôi có thể.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top