Hồi mười một: Biên cương nổi sóng
Tại miền biên giới phía Tây của Hoa Nữ quốc, đang có biến động. Chiến trận từ nước láng giềng Tịnh Hà đang dần lan sang, thôn xóm nơi biên giới ngày ngày chịu cảnh khói lửa đao binh. Trai tráng ra đi vào địa phương quân, phần lớn không trở về, còn quan phủ nơi này đã tản đi từ lâu. Biết tình hình nguy cấp, quân triều đình được phái ra trấn giữ, dẫn đầu là Ngọc Phụng đại tướng quân. Đi theo là Tiền tướng quân An Viên, một trong những đệ tử của Khuê Văn Khổng Tước, một người cung kiếm đều thạo mà văn chương cũng tài. Tuân mệnh triều đình và lời Khuê Văn Khổng Tước dặn, An Viên khoác chiến y ra biên cương, hòng mang chút tài cống hiến cho vương quốc. Hồng Tước ở lại Nội thành bảo vệ hoàng tộc, sau cùng nếu cuộc chiến láng giềng trở thanh cuộc chiến của vương quốc, Hồng Tước sẽ là người đầu tiên truất ngựa ra trận cùng đệ tam An Viên.
Miền biên cương mùa này lạnh. Sương xuống nhiều, mưa cũng nhiều. Bên kia biên giới khói lửa ngập trời, bên này biên giới cũng vang tiếng kiếm cung, và đâu đó có tiếng thở dài của vị tướng tiền quân.
- Sao vậy An tướng quân? Lo lắng điều chi ở nhà hả?
- Thưa nguyên soái không. Ở quê nhà có còn gì để lo, chỉ lo có chuyện không may cho...
- Lo cho đồng môn hả An tướng quân?
Ngọc Phụng đại tướng quân cười, ân cần bước tới chỗ An Viên và chìa ra chung rượu hồng mời vị Tiền tướng quân.
- Thưa nguyên soái, bốn người ai cũng theo Khuê Tước đại tiên sinh lâu lắm rồi, nên nói là người nhà cũng chẳng khác gì. Nên...
- Nếu lo vậy là, An tướng quân có coi thường họ chăng? - Ngọc Phụng đại tướng quân bật cười.
- Thưa nguyên soái tôi nào dám coi thường họ! - An Viên kính cẩn đón chung rượu và đáp.
- Nếu vậy An tướng quân phải tin vào họ.
An Viên khẽ quay mặt đi. Tin vào họ? Từ khi nào An Viên đã không còn niềm tin tưởng? Từ cái ngày Khuê Tước tiên sinh ra đi. Đêm trước đó, người dặn Sa Liên để nói lại với mọi người: "Tình hình quan trường Nội thành không ổn, ta xin lỗi nhưng có lẽ trong bốn hay sáu tuần trăng tới các con sẽ không thấy ta nữa. Sa Liên trông coi điện Hưng Thánh và các môn đệ con; khi nào sóng gió tạm yên, ta về". Ừ thì Khuê Tước tiên sinh nói vậy, nhưng người không bao giờ về nữa. Đã bao nhiêu năm rồi? Không đếm được đã bao nhiêu năm, chỉ nhớ là, Thi Kỳ ngày đó còn là một đứa bé, còn bây giờ...
- Đồng môn thì phải tin nhau chứ hả, An tướng quân! - Ngọc Phụng đại tướng quân cười.
- Nguyên soái có ngây thơ quá rồi... - An Viên chỉ cười trừ.
- Này, ngày xưa chúng ta là đồng môn, ta, Tề Hàn tể tướng với cả Khuê Văn Khổng Tước. À, cả Đoàn thượng thư. Ta nhớ thì Trưởng công chúa có cùng học với chúng ta một lúc... Giữa ta với Tề Hàn không được bình yên cho lắm, nhưng lại tin tưởng nhau vô cùng. Khuê Văn Khổng Tước học cùng chúng ta chẳng có bao lâu thì khăn gói đi học xứ cờ hoa, mười mấy năm đó; khi trở về bọn ta ngạc nhiên vì bằng hữu danh bỗng lẫy lừng. Quả không tưởng nổi...
An Viên mắt nhìn màu rượu hồng, bỗng đổi giọng nửa tò mò nửa phấn khích:
- Vậy... nguyên soái thấy đại tiên sinh thế nào? Ngày còn là đồng môn của nguyên soái?
- Khuê Văn Khổng Tước... ngày xưa đó hả? Ta phải nói sao đây? - Ngọc Phụng đại tướng quân kể, lại vừa cười - Thông thái tựa Khổng Minh, hồn nhiên như Tất Nhiên, ngây thơ như Mặc Tử, mà thi cử lận đận như Tú Xương...
An Viên cũng cùng cười. Tới bây giờ vị tướng quân mới biết một chút của cái "ngày xưa" Khuê Tước tiên sinh vẫn thường hay lảng tránh khi các môn đệ hỏi. Ừ, nhất là phần "thi cử lận đận". Lần đầu tiên An Viên thấy một Khuê Tước tiên sinh thật khác, một chút đáng ngưỡng mộ và một chút đáng thương.
- Chúng ta bị tấn công!
Có tiếng lính lác gọi nhau, báo động. Có vài cái bóng mang theo giáo gươm len vào trại làm cho sự tình càng thêm hỗn loạn. Phe ta với phe địch chẳng nhận được ra nhau. Bỗng, có kẻ xông tới chỗ hai vị tướng quân trên đồi từ phía sau. Nhận thấy điều nguy hiểm, An Viên buông chung rượu và kéo căng cánh cung, sẵn sàng ứng chiến.
- Gặp nhầm người rồi, kẻ giấu mặt thân mến. Tiền tướng quân An Viên này chưa ngắm trật ai bao giờ đâu.
Nghe tên An Viên, kẻ kia bỗng đứng khựng lại, dần lùi đi và cuối cùng bỏ chạy.
- Này tướng quân, cũng có người vừa nghe danh tướng quân đã chọn tẩu vi thượng sách rồi hả?
- Đối phương chạy khi chưa kịp nhấc tay không làm tôi vui đâu thưa nguyên soái. - An Viên đáp, trên môi nở một nụ cười nhạt.
- Nghe danh An Viên tướng quân, phe kia khiếp sợ; nghe danh Ngọc Phụng nguyên soái, ai cũng nhào tới mà đánh. Ta mới là người không vui về điều đó, tướng quân à. - Ngọc Phụng đại tướng quân đùa.
An Viên chùng dây cung lại và đưa mắt nhìn xuống quanh sự hỗn độn trong trại. Có vài ba lều cháy, người người hối hả tìm ra suối lấy nước, quân lính phe mình và phe địch bị thương nằm rải rác khắp nơi. Lúc này đang là canh hai, trời tối mịt. Ánh sáng rõ nhất bây là những ánh đuốc và những ngọn lửa từ từ lớn dần từ những căn lều phía xa.
- Nguyên soái có thấy lạ không? Theo như ngài đoán thì cuộc tấn công này... là của thảo khấu hay từ Tịnh Hà quốc?
- Bên nào cũng chẳng có gì khác nhau. - Ngọc Phụng đại tướng quân đáp - Nhưng điều này cho thấy, tình hình phải nguy lắm rồi!
An Viên lao xuống đồi và đến cạnh một người thuộc phe kia, đang cố rút mũi tên ra khỏi chân để băng lại, nhưng càng cố, máu càng chảy nhiều.
- Đừng cố rút nó ra nếu còn quý cái mạng.
An Viên bước tới gần người nọ. Mặt anh ta bỗng tái lại, và miệng cứ mấp máy không nói nên lời.
- Ngồi yên, chốc nữa quân y tới cứu. Nhưng trước đó, cho phép ta được hỏi chứ?
Người kia gật đầu, người run cầm cập, nhung vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. An Viên hỏi:
- Các người từ đâu tới? Là người Hoa Nữ hay Tịnh Hà? Thảo khấu hay địa phương quân?
- Tôi... chúng tôi... chỉ là dân thường. Đói quá... nên đi cướp.
- Hoang đường! Nếu chỉ là cướp, đã không ngu ngốc mà xông vào trại quân triều đình!
Vị tướng quân gằn giọng, có sự nghi ngờ đáng sợ hiện lên trong mắt.
- Tôi... nói thật. Chúng tôi dân trấn Phong Hành Sa, ngay cạnh biên giới Tịnh Hà, dạo mấy năm gần hay bị tấn công. Thảo khấu hay quân lính chúng tôi không biết, mỗi lần tới là lấy đi gần hết lương thực. Tổng trấn đại nhân có gửi sớ cầu cứu lên kinh mấy lần, nhưng Trưởng công chúa chẳng nghe, rồi mới hôm kia ngài qua đời, chẳng biết vì lý do gì. Dân trấn tan tác vì đói, nên đi cướp, khi thấy có người, chẳng cần biết quân hay dân, chỉ cướp thôi. Chúng tôi chỉ muốn lương thực, không còn gì nữa.
Người kia nói một mạch rồi ngừng lại thở dốc, mắt sợ sệt nhìn lên An Viên. Ánh mắt vị Tiền tướng quân hướng đi xa xăm, không biết có nghe hết câu chuyện hay không, nhưng người nọ thoáng nghe được mấy chữ thốt ra:
- Chẳng trách... Đại tiên sinh bỏ Cấm Thành, bỏ cái danh Thái phó mà đi...
Người nọ ngước nhìn lên An Viên.
- Thái phó... Tôi nhớ cách đây mấy năm có một vị, xưng "từng là Thái phó", tới thăm trấn. Gọi là Thái phó mà ăn mặc đơn giản lắm, giống một thư sinh vậy. Vị đó từng trọ nhờ nhà tôi, một đêm, sáng hôm sau để lại hai nén bạc. Bạc đó tôi đem chia hết cho hàng xóm...
Trong mắt An Viên tan biến hết nỗi nghi ngờ, mà ánh lên sự ngạc nhiên.
- Vị thái phó đó... là...?
- Tôi nhớ rõ. - Người nọ dừng một chút và rên lên vì đau - Áo màu thanh cúc, trâm bạch khổng tước, luôn cầm một cây quạt thêu rất đẹp.
Mắt An Viên mở to. Trong những năm viễn xứ, đại tiên sinh đã làm gì? Ngài đã đi những đâu hay chỉ ngồi đó bên con sông cạn mà làm thơ với tạo nên những áng văn chương không tên; những con đường có lá me bay, những gốc cổ thụ cạnh vọng nguyệt đài ở điện Hưng Thánh?
Đời tàn nhẫn, nhưng An Viên chưa bao giờ nghĩ lại tàn nhẫn như này. Hoa Nữ quốc huy hoàng ngày nào đâu? Đâu rồi những vị thanh liêm một thời thịnh vượng? Hạn hán rồi mất mùa, rồi chiến tranh, rồi người ta đói, đói quá phải đi cướp; người bị cướp cũng đói và phải cướp để sống. Sự tàn nhẫn như vòng lặp lẩn quẩn vậy.
Nhìn một vòng quanh trại lính, An Viên thấy đúng là họ chỉ là dân thường, chẳng phải loại thảo khấu nhắm vào châu báu ngọc vàng, nhưng sự tình đã thành như vậy, tức thực là Hoa Nữ quốc đã không còn yên bình nữa rồi.
Tân Ô Lương một chiều vắng lặng...
Khuê Văn Khổng Tước nhìn ra cửa sổ một căn quán trọ, cốc trà thơm ngát trên tay. Sa Liên ngồi một góc, viết gì đó lên tập giấy, viết rồi lại lắc đầu xé bỏ. Khuê Tước tiên sinh vẫn ngồi đó, tới khi trà đã lạnh, đèn đã tắt và Sa Liên gục ngủ bên bàn bút, một tờ giấy vò nắm trong tay.
Khuê Tước tiên sinh ghé nhìn sang Sa Liên gối đầu lên tay áo mà ngủ, miệng khẽ mỉm cười.
- Nếu như các con không phải học trò ta, thì đời các con có được đẹp đẽ hơn chăng? Bấy nhiêu năm các con theo ta, ta đã cho các con được gì đâu ngoài đau thương hả các con? Cũng từng đó năm ta lại viễn xứ. Nhưng mà... nếu không có Sa Liên, Hồng Tước, An Viên, Thi Kỳ... thì chắc gì ta đã tự hào về cái tên Khuê Văn Khổng Tước...
Tôi đây viễn khách trọ xứ người
Quê nhà giã biệt ngót mười năm
Bấy giờ mới về một lần thăm
Hoa cỏ bên đường nhìn xơ xác.
Bằng hữu môn đệ ai còn, mất;
Chiến hữu hai người ở nơi đâu?
Mấy mùa thanh cúc, mấy mùa dâu
Vắng bóng tin nhau lòng xa cách;
Chung một nỗi niềm người viễn khách,
Lấy chốn quê người làm quê hương.
Tân Ô Lương chiều thu gió lạnh
Giống đêm xưa tôi rảo bước rời thành
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Lòng trĩu lệ buồn sương trắng vai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top