Hồi mười hai: Bạch Hạc

Tình nghi là thủ phạm trong vụ mất tích của tổng trấn đại nhân và người gia nô, Thi Kỳ bị bắt về phủ để điều tra. Thấy quan quân đi lại khắp nơi, dân chúng biết có chuyện gì vừa xảy ra, kéo nhau tới công đường nghe ngóng. Tội phạm mà họ thấy chỉ là một thư sinh, trông hiền lành và vô tội. Ừ thì thấy là vậy, nhưng họ cũng nghĩ, những thiên thần thường mang ác quỷ trong tâm, nên những gì Thi Kỳ nhận được là vài ba ánh nhìn thương hại và còn lại làm ngơ. Quan phủ vừa thấy Thi Kỳ đã dành cho học trò của Khuê Văn Khổng Tước cái lườm sắc lạnh. Và thay vì khúm núm cúi đầu, Thi Kỳ đáp lại với một nụ cười nhạt. Điều này làm quan phủ nổi giận, đập án thư và quát:

- Tội phạm kia còn không mau quỳ xuống!

Nụ cười của Thi Kỳ tắt ngấm. Hai bên là quân lính giáo mác sáng choang, trước mặt là quan phủ, sau lưng là người dân, tứ phía đều có mắt. Thi Kỳ trước tể tướng vẫn ngẩng cao đầu, lý chi hạ mình trước một quan phủ? Tất nhiên là quan phủ đâu biết điều đó. Nhưng, nhường bước vẫn hơn, Thi Kỳ cúi đầu tuy nhiên vẫn không chịu quỳ.

- Ta hỏi lại, tại sao ngươi không quỳ xuống?

- Tôi chẳng có tội, lý nào lại quỳ trước ngài để ngài buộc tội?

Thi Kỳ lên tiếng tỏ sự can đảm và trong sạch của mình, nhưng dưới chân lại run rẩy như đứng trên băng, tưởng chừng như có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Quan phủ lườm mắt xuống người đang đứng dưới kia, như một con sói muốn ăn tươi nuốt sống con mồi, tuyên:

- Tội phạm Khuê Tước, có liên quan tới sự mất tích của quan tổng trấn Mạc Hà và một người gia nô, giam trong ngục chờ điều tra!

- Bẩm, tôi không phải Khuê Tước. Tiên sinh tôi vắng nhà đã mấy ngày, khi người gia nô đó mất tích, chỉ có tôi ở nhà!

Quan phủ quay sang nhìn viên chủ bộ, cầu cứu điều gì chỉ có họ biết, rồi lại đập án thư, hỏi:

- Vậy ngươi là ai?

- Bẩm, học trò họ Thi tên Kỳ, quê Mạc Hà, từng theo học Khuê Tước tiên sinh.

Viên chủ bộ bên tay hữu thận trọng ghé mắt sang nhìn Thi Kỳ, trên môi khẽ mỉm cười, thì thầm với chính mình: "Chà, chẳng phải con chim nhạn bé nhỏ nương theo cánh khổng tước đây sao?". Quan phủ không muốn dây dưa thêm, kết thúc phiên xử ngay và khoát tay lệnh cho lính giải Thi Kỳ xuống ngục. Thi Kỳ cũng chẳng dám kháng, mà đi theo. Trong ngục chẳng đi tìm được tổng trấn đại nhân, nhưng nếu vụ điều tra kéo dài, ít nhiều cũng đảm bảo được toàn mạng tới khi có người cứu; có thể là Sa Liên, hay ai đó, ai cũng được.

Căn ngục giam Thi Kỳ ở cuối hành lang, tường hai vách đá, liên kết với ngục khác bằng song sắt, có ô cửa sổ nhỏ cao quá tầm với ở mỗi bức tường. Lúc này Thi Kỳ là người duy nhất bị giam ở đây. Lẻ loi, thậm chí lính gác cũng chỉ một người canh. Hàng ngày tới bữa có cháo trắng với dưa muối, lính gác cũng ăn vậy, chỉ khác là có chút thịt kho hay thi thoảng là cá. Chẳng ai tới thăm, chẳng có gì hết. Bên ngoài cửa sổ, đôi lúc Thi Kỳ nghe tiếng họp chợ xôn xao, tiếng chân xe ngựa, và thường thấy nhất là tiếng lính gác đi lại nói chuyện phiếm với nhau. Buồn chán, Thi Kỳ cũng không có hứng làm thơ; và nhiều ngày đã trôi qua mà chẳng có tin tức gì về vụ án. Rốt cuộc, vụ mất tích của quan tổng trấn đã thật trôi theo nước sông Mạc Hà hay chưa?

Nhiều ngày qua đi, Thi Kỳ không biết mấy ngày, sắp hết hạn ba tuần trăng Trưởng công chúa cho phép mà bây giờ vẫn còn trong ngục; Thi Kỳ tự hỏi, nếu một ngày được cứu, trở về Cấm Thành, có phải lãnh án chăng? Bị truất phẩm, giam hết đời trong ngục tối, hay tệ hơn là bất cứ hình tử nào bá quan có thể nghĩ ra để gán cho Thi Kỳ về tội "phản bội triều đình, khi quân phạm thượng, bỏ bê công vụ, và nhiều nữa những tội không biết mình có thật phạm phải hay không"? Thi Kỳ đếm ngày trôi qua, im lặng không nói một lời và giết thời gian bằng cách suy nghĩ. Hết nghĩ về những gì đang chờ đón ở Nội thành, lại đến nghĩ về tại sao tổng trấn đại nhân mất tích. Nhưng ôi, đâu được con mắt tinh tường và cái đầu sắc bén như Sa Liên, Thi Kỳ không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm sao một vị tổng trấn mất tích khi gia đình ngài vẫn sinh hoạt như thể ngài chưa từng mất tích? Lý do gì mà một người gia nô cũng biệt tăm, lại đúng khi Thi Kỳ định nhúng tay vào vụ này? Kẻ nào đã báo quan phủ về sự mất tích của người gia nô, và tại sao là quan phủ chứ không phải quan huyện; vì ngục ở phủ khó thoát hơn chăng? Hơn nữa, mục tiêu của kẻ đó ắt là Khuê Văn Khổng Tước, ít nhất thì đó cũng là điều duy nhất Thi Kỳ dám chắc.

Một đêm nọ, đang canh tư, bỗng có người xuống ngục. Thật lạ, ai thèm đi thăm Thi Kỳ? Người duy nhất ngoài Thi Kỳ ra ở đây là anh lính gác, nay lại có một người. Anh lính gác nọ đang ngủ say, có lẽ anh không màng canh giữ vì biết người tù chẳng thèm tìm cách vượt ngục. Thi Kỳ đang cuộn mình trong tấm đệm rơm, mắt thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, bỗng choàng dậy vì tiếng lách cách của ai đó đang mở cửa song sắt. Tiếng khá nhẹ, chỉ có mình Thi Kỳ nghe. Người đó mang theo một cái gói và trên tay là ánh nến, qua ánh nến giữa màn tối trong ngục, Thi Kỳ nhận ra đó là viên chủ bộ.

- Thật đường đột khi tới thăm giờ này, nhưng mà... chỉ có giờ này chúng ta mới có thể nói chuyện mà không bị để ý.

Cái gói rơi xuống lòng Thi Kỳ, nóng ấm và ngon lành. Chà, bánh nướng. Chắc vừa thó từ trong bếp, Thi Kỳ cũng chả quan tâm.

- Thi Kỳ, phải chứ?

Thi Kỳ gật đầu, vẫn không nói gì.

- Thi Kỳ này với An Tịnh công đệ tử Khổng Tước thái phó là một phải không?

Thi Kỳ mở to mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn chỉ gật đầu.

- Tiền bối hay nhắc về đám đệ tử, giờ mới gặp được một ở đây.

Chủ bộ tiên sinh cười.

- Ngài... quen với tiên sinh tôi?

Mấy từ đó Thi Kỳ bỗng thốt lên sau nhiều ngày im lặng. Chủ bộ tiên sinh chỉ đặt một ngón tay lên môi và mỉm cười.

- Khổng Tước phương tây, Bạch Hạc đông
Kết nghĩa trường thi bức tường hồng
Đi cùng một đường nhưng hai ngả
Trời hai phương, đường cách hai sông...

Mắt Thi Kỳ vẫn mở to, trơ như tượng, gói bánh nướng trong tay chưa mở ra. Chủ bộ tiên sinh vẫn cười hiền lành, ngồi xuống cạnh Thi Kỳ, Thi Kỳ cảm thấy người này có gì đó khá giống Khuê Tước tiên sinh, thông thái nho nhã mà có đôi chút ngây ngô; có khác là người này lòng không sâu thẳm và muôn màu như đại tiên sinh.

- Nghe nói Khổng Tước tiền bối yêu thương đứa học trò bé nhỏ này hơn Sa Liên hả? - Chủ bộ tiên sinh đùa.

- À, thưa, - Lý trí Thi Kỳ trong một khắc trở về hiện tại - đứa đệ tử bé nhỏ này đâu có gì bằng Sa Liên để được đại tiên sinh để ý hơn...! Bạch Hạc tiên sinh, phải không? Tại sao đêm khuya này tiên sinh lại xuống ngục tìm tôi?

Bạch Hạc tiên sinh khẽ gật đầu.

- Vì ta không tin người ta lại tin cái bẫy vớ vẩn về vụ mất tích của người gia nô nhà tổng trấn Mạc Hà.

- Tiên sinh biết...

Bạch Hạc tiên sinh buông một tiếng thở dài nghe đầy tuyệt vọng.

- Ta biết, con ơi. Ta không phải thần thám như Sa Liên, nhưng nhìn hiện trường ta cũng biết điều gì đã xảy ra. Ba ngày trước ta đã làm một chuyến về Mạc Hà, hiện trường tuy có xáo trộn nhưng vẫn còn rõ ràng, và câu hỏi duy nhất đáng để ta nghi ngờ là: Thi Kỳ có thể kéo lê một người đàn ông từ phủ tổng trấn ra đến sông cạn?

- Không.

- Đương nhiên không. Nếu thật là Thi Kỳ, thì thủ phạm sẽ không chỉ một người. Ai có thể là đồng phạm ngoài Khổng Tước tiền bối? Tuy nhiên, con nói ngài rời Mạc Hà đã mấy ngày, tức chuyện Thi Kỳ là thủ phạm trong hai vụ mất tích là chuyện khó mà tin được.

- Nhưng không ai nghĩ, hoặc không ai biết điều đó.

- Phải. Trừ phi là người trong cuộc. Quan phủ đời nào tin chúng ta, mọi chứng cứ đều chỉ về con và con là người duy nhất hiện tại không có gì để chứng minh vô tội, nên ta e là... ta xin lỗi. Ta có lỗi vì không giúp được gì nhiều cho con.

Thi Kỳ cúi đầu, mắt ướt chỉ chực trào lệ. Ai đây mà lại thương cho Thi Kỳ? Không phải Khuê Văn Khổng Tước đại tiên sinh, chẳng phải mẫu thân, chẳng phải An Viên hay Sa Liên hay Hồng Tước; chỉ là một người xa lạ. Một mình Thi Kỳ trong điện Hưng Thánh lớn lên, chỉ nghe khổ đau bên ngoài rồi lấy làm đồng cảm, tâm hồn trong sạch mà nặng đầy đau khổ tự gieo trong lòng; đau khổ vì bị bỏ rơi, vì những lời xàm tiếu của những kẻ ghen ghét, đau khổ vì lẻ loi giữa biển người, cả khi đồng môn kia cách nhau chỉ vài cung điện. Giờ đây có một người thương cho Thi Kỳ, không vui làm sao được? Không cần biết người thật lòng hay người giả dối, lòng nay cũng nhẹ bớt vài phần.

- Sao tiên sinh... xin lỗi con? Con có quen biết tiên sinh bao giờ?

Bạch Hạc tiên sinh chỉ cười, nụ cười hiền lành như bóng dương liễu và Thi Kỳ cảm thấy như sao được an ủi.

- Một ngày nếu không còn cánh khổng tước che chở con, rồi các con cũng tìm đến ta mà nương tựa.

"... Nếu không còn cánh khổng tước che chở...", Thi Kỳ chưa từng, nếu không nói là chưa bao giờ dám nghĩ tới cái ngày đó.

- Khổng Tước đại tiên sinh sẽ không bỏ rơi con... cũng như ngài sẽ không bỏ rơi Sa Liên, hay Hồng Tước, hay An Viên, hay bất cứ ai...

Bạch Hạc tiên sinh đứng lên và rời buồng giam, trước khi có ai đó phát hiện. Trời sắp rạng rồi, và anh lính gác kia cũng không ngủ hoài được đâu. Trước khi quay đi, Bạch Hạc tiên sinh dặn:

- Sau này rồi sẽ có một ngày, cánh khổng tước sẽ không còn che chở được con nữa. Khổng Tước nào phải Phượng Hoàng, con ơi; và khi ngày đó tới, các con sẽ phải tự tung cánh bay, hoặc nương nhờ bạch hạc phương này... Ta có thể giúp con thoát khỏi đây, nhưng bí ẩn này con phải là người vén màn. Con có thể sẽ là tội phạm bị truy nã, nhưng ta không màng điều đó. Nếu có ngày con gặp trắc trở và không còn cánh khổng tước để nương theo, hãy nhớ, bạch hạc này luôn sẵn sàng dang rộng cánh chở che các con thay người tiền bối...

Nói xong, ánh nến của Bạch Hạc tiên sinh đi khuất trong bóng tối của ngục giam. Thi Kỳ vẫn ngồi đó, nước mắt trào đẫm tay áo.

Ở Tân Ô Lương lúc này...

- Hai tuần trăng rồi con ơi, ta thấy có điều không ổn...

- Vì phải chăng gió quá lặng nên đại tiên sinh bất an?

Sa Liên và Khuê Tước tiên sinh lúc này đang trọ lại Tân Ô Lương trước khi tìm được con đường nào băng tới Kinh Xuân mà không bị phát hiện bởi thảo khấu hay quân phiến loạn. Căn trọ của hai người nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để làm chốn bí mật vì chẳng mấy người lui tới nơi này. Một tấm bản đồ treo bên bàn bút, Sa Liên hay ngồi đó, hoặc chép những câu thơ vẩn vơ của đại tiên sinh hoặc soạn kế sách đột nhập, viết rồi lại lắc đầu và vò xé bỏ đi. Khuê Tước tiên sinh thì chỉ hoặc là đứng bên cửa sổ tức cảnh hoặc là lang thang ngóng chuyện dân tình, nhưng những tin đồn chốn chợ trời đó lại có ích cho Sa Liên. Chỉ tội mỗi ngày mỗi thị trấn mỗi khác nhau, vì vậy mà có được tin xác thực chuyện trong trấn không dễ chút nào. Chuyện phức tạp thêm lên khi thiên hạ thoáng biết sự có mặt của Khuê Tước tiên sinh và Sa Liên, hai người trước đây có từng "làm mưa gió" vì tiếng tăm bất hủ của mình, nếu tin đồn tới tai quân phiến loạn, thì coi như xong. Vì lý do đó, mấy hôm nay hai người chỉ quanh quẩn trong căn trọ.

- Ừ, gió lặng quá. Gió lặng thì có thể tốt, nhưng gió lặng vào lúc này, ắt có chuyện không ổn.

- Chắc đại tiên sinh quá lo rồi. - Sa Liên tự trấn an.

- Có thể là tại ta thật...

Bỗng ở dưới chợ kia có tin rao:

- Quan phủ Định Gia đã bắt được kẻ đứng sau vụ mất tích của tổng trấn Mạc Hà, nhưng tới nay vẫn chưa biết tung tích của ngài!

Khuê Tước tiên sinh và Sa Liên bốn mắt nhìn nhau nửa nhẹ nhõm nửa lo lắng.

- Tin từ Định Gia phủ thì nghe đâu hắn có quen biết với tổng trấn phu nhân, tên là Khuê... Tước... gì đó!

Trên lầu căn trọ, nghe hết những chuyện ở dưới, Khuê Tước tiên sinh buông một tiếng thở dài, miệng cười nhưng mắt buồn thăm thẳm.

- Thôi rồi con ơi...! Có kẻ nhắm mũi tên vào ta, nhưng người nhận nó lại là Thi Kỳ...!

- Đó là lý do gió lặng mấy ngày nay chăng?

- Hẳn rồi con ơi. Thôi chuyện Kinh Xuân gác lại, ta về Định Gia một chuyến, trước khi quan phủ dụng quyền xét xử oan Thi Kỳ. Đáng lẽ ra ta phải để con đi theo nó...

Sa Liên cũng đã nghĩ nhiều về điều đó rồi, nhưng lại thấy, để Thi Kỳ một mình tự đứng lên thì tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như về, chuyện nơi này ai lo? Vả lại, Sa Liên cũng biết tại sao đại tiên sinh lo. Nếu Thi Kỳ danh chính ngôn thuận xưng quan triều đình, ắt sẽ ít nhiều có loạn. Vả lại, cái tước vị là cái không phải ở đâu cũng có thể đem ra để đạt thứ mình muốn; thêm nữa là, là đồng môn nên hiểu hơn ai hết, tổng trấn nhỏ nên đối đầu chả vấn đề chi, Lục bộ trong triều thân quen chả ngại, còn một vị như quan phủ, còn lâu Thi Kỳ mới dám. Cộng thêm một sự thật là năm thầy trò điện Hưng Thánh, thiên hạ chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ biết mặt, nên còn lâu người ta mới tin. Sa Liên không dám cãi lại, vì thật lòng cũng muốn cứu Thi Kỳ, nhưng cũng vì đại cuộc...

- Thi Kỳ không còn bé nhỏ nữa rồi, giờ là lúc ngài để nó tự tung cánh bay. Việc của chúng ta chỉ là hy vọng nó bình an vô sự...

Tuy nhiên, Khuê Tước tiên sinh đáp lại nghe thật buồn thảm:

- Ai rồi cũng phải đi... Các con ta không gì phải lo rồi, các con đã có thể tự sống sót giữa đời tàn nhẫn, nhưng còn Thi Kỳ? Nó chỉ tồn tại được ở Nội thành nơi điện Hưng Thánh, tường cao cổng kín chở che. Giờ không còn ai bảo vệ, nó có tự vượt qua kiếp nạn này được chăng?

- Không ai trong chúng ta còn trẻ, đại tiên sinh của con ơi. Cả ngài, cả con, cả Hồng Tước và An Viên, cả Thi Kỳ. Chúng ta đã tàn mấy mùa xuân xanh, Thi Kỳ cũng không còn là đứa trẻ con cần ngài chăm chút, như ngài đã thấy nó lúc nó về Mạc Hà thăm ngài rồi đó.

Khuê Tước tiên sinh nghe vậy nở một nụ cười nhẹ và mắt vẫn hướng đi đâu đó xa xôi.

- Từng đó năm, suýt nữa ta cũng không nhận ra được nó. Đúng con ơi, Thi Kỳ không còn bé nhỏ, nhưng nó vẫn chưa thật trưởng thành. Lỗi ở ta là đã chưa dạy dỗ nó được tử tế trước khi ra đi, nó làm sao đứng trước đám ô quan ngoại thành mà không tránh khỏi kẻ dụng quyền triều đình hãm hại?

Sa Liên hiểu tấm lòng đại tiên sinh, người chỉ muốn đệ tử được bình an, tuy nhiên vẫn lấy giọng điềm tĩnh như mọi khi, Sa Liên đáp:

- Chúng ta không cần làm gì cả. Cũng như ngài và con, kiếp nạn sẽ giúp nó trưởng thành. Vả lại, tấm kim bài lệnh tiễn Thái tử ban là bùa hộ mệnh cho Thi Kỳ, ngày tử của nó còn xa lắm...

Khuê Tước tiên sinh vẫn cười, trông có vẻ đã an tâm nhưng lòng còn nặng trĩu.

Bạch Hạc phương đông, Khổng Tước tây
Bao năm cách biệt tít chân mây
Không ngày hẹn lại chung chén rượu
Viễn mấy phương trời hội ngộ đâu?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top