Hồi mười bốn: Thoát ngục
Chắc giờ này ở Cấm Thành, người ta đang mong lắm. Mong tin Thi Kỳ chết đi để không còn kẻ ngáng đường. "Người ta" đây là chư quan trong triều trừ Đoàn thượng thư và Tề tể tướng, những kẻ luôn mong Thi Kỳ biến mất theo Khuê Văn Khổng Tước đi. Khổng Tước thái phó ra đi vẫn chưa đủ với họ, cả năm thầy trò đều phải biến khỏi Cấm Thành. Họ đã có thể khiến Thái tử hay Trưởng công chúa làm vậy từ lâu, nếu Khuê Văn Khổng Tước không từ quan trước đó và Sa Liên và các tiểu muội không được Đoàn thượng thư và Tề tể tướng bảo hộ.
Người lo hơn cả là Đoàn thượng thư. Đã ba tuần trăng hơn mà Thi Kỳ vẫn chưa về, Sa Liên cũng mất biệt, ai mà không lo? Họ Thi đó, chưa từng rời Nội thành quá lâu, vậy tức đã gặp chuyện không may. Đoàn thượng thư muốn đi tìm xem đã xảy ra chuyện gì, nhưng ngài không thể đột ngột bỏ Cấm Thành mà đi như vậy; vì lời hứa với những bằng hữu, và vì bổn phận của một vị thượng thư.
Nửa đêm hôm đó, dưới nhà ngục phủ Định Gia, Thi Kỳ lại được tới thăm. Người vẫn đến với xâu chìa khoá khi anh lính gác đang gục trên ghế ngủ say. Có chủ bộ tiên sinh hay tới thăm, nỗi buồn chán cũng khuây khỏa phần nào. Nhưng lạ chưa, tiên sinh lần này không đến với ánh nến, không cắp trong tay áo gói bánh nắm cơm, mà là một tay nải; trên tay kia tiên sinh mang một giỏ trà. Vẫn cẩn trọng và khẽ khàng, ngài mở cửa buồng giam Thi Kỳ, ném xuống lòng Thi Kỳ cái tay nải. Không để cho Thi Kỳ thôi ngạc nhiên, ngài dặn:
- Đi về cổng phía tây, men theo con đường đá, con sẽ gặp hai ngả rẽ. Ngả bên hữu dẫn về Cấm Thành, đi bộ hai canh giờ; ngả bên tả đi Mạc Hà, tầm một ngày đường. Trong này ta gói cho con ít lộ phí và lương khô. Đi đi con, trước khi trời sáng.
Về Mạc Hà hay về Cấm Thành, họ Thi không biết. Có lẽ đã quá hạn ba tuần trăng, nếu bây giờ Thi Kỳ về triều, ai biết tội gì chư quan sẽ ghép cho? Nếu về Mạc Hà, vắng triều càng lâu, tội chồng thêm tội. Thi Kỳ đâu dám liều. Về Mạc Hà với đại tiên sinh, ít ra còn có cơ may minh oan cho mình, thôi thì vậy...
- Người... lo cho con nhiều quá... - Thi Kỳ cúi đầu.
- Đệ tử Khổng Tước cũng là đệ tử của ta. Con vô tội, ta đành nào để con ở đây chờ đợi tai ương sắp tới?
- Tới bây giờ người vẫn tin con vô tội?
- Nếu con có tội, ta sẽ thay tiền bối trị; còn vì con vô tội mà bị oan, ta cứu con cũng là lẽ thường. Đi đi con, nếu có duyên ta còn gặp lại nhau, không, chúng ta sẽ còn gặp lại, ta chắc chắn.
- Không đâu...
- Khổng Tước đại tiên sinh bây giờ còn che chở được các con, nhưng lỡ mai này gặp chuyện không may? Rồi cũng tới một ngày tái ngộ mà các con sẽ gọi ta Bạch Hạc nhị tiên sinh của các con...
Bất chợt anh lính gác giật mình tỉnh dậy thấy hình như cửa ngục mở và Bạch Hạc tiên sinh đang nói chuyện với người tù. Anh bật dậy, tay cầm đèn soi về phía trước hỏi lớn:
- Chủ bộ tiên sinh, tiên sinh sao lại ở đây giờ này?
Bạch Hạc tiên sinh quay đầu lại, điềm tĩnh đáp:
- Ta muốn hỏi tội phạm đây một số chuyện để báo lại với đại nhân. Buổi sáng ta bận, bây giờ mới có thời gian.
Anh lính gác bước mấy bước lại gần buồng giam Thi Kỳ.
- Vâng tôi hiểu, nhưng sao tiên sinh lại mở cửa ngục? Ngài không sợ phạm nhân bỏ chạy?
- Quân tử không có bỏ chạy đâu. Ta không muốn đánh thức anh nên vào nói chuyện để không đánh động giấc ngủ của anh.
Thi Kỳ vội giấu tay nải xuống tấm đệm rơm ngồi lên, co người dựa vào tường, cúi đầu trong ống tay áo. Phải tỏ ra bình thường, không thể để tên lính gác phát hiện kế hoạch của Bạch Hạc tiên sinh, Thi Kỳ nghĩ. Bạch Hạc tiên sinh lúc này ghé mắt nhìn Thi Kỳ một lúc rồi gật đầu, đi ra khỏi buồng giam và đóng cửa, quấn dây xích sắt lại. Tiên sinh nói với anh lính:
- Anh vất vả rồi, ta có mang trà cho anh đây.
Bạch Hạc tiên sinh đặt giỏ trà lên bàn ở cửa và rời đi. Anh lính gác cũng mặc kệ Thi Kỳ và rót trà uống cho tỉnh ngủ. Nhưng lạ chưa, một lúc sau anh lại gục đầu xuống bàn ngủ say. Thi Kỳ lợi dụng lúc ấy lấy tay nải giấu dưới đệm rơm và thận trọng xem xét dây xích sắt khoá cửa. Bạch Hạc tiên sinh chỉ quấn hờ và không khoá lại để Thi Kỳ có thể dễ dàng mở ra. Nói vậy thôi, chứ mở cửa thật ra không có dễ như vậy, phải làm sao cho ít tiếng nhất để anh lính gác kia không bị động giấc ngủ mà giật mình dậy, thế là không còn đường thoát nữa. Dù hơi khó khăn và không nhanh chóng gì, Thi Kỳ cũng mở được cửa buồng giam. Buộc chặt tay nải lên vai, Thi Kỳ nhẹ bước rón rén qua anh lính gác đang ngủ say, lên cầu thang và ra sân trước. Lúc này Thi Kỳ nhìn quanh chỉ thấy bốn bề vắng lặng, xa xa mới có tiếng rao hàng sớm hay tiếng vó ngựa vãng khách vọng về. Không nghĩ ngợi gì nữa, Thi Kỳ lấy hết sức chạy vụt tới cổng phía tây; cổng phía tây hướng ra một con phố nhỏ đường lát đá dẫn ra ngoại phủ, giờ đó vắng người qua lại nên Thi Kỳ không lo bị phát hiện. Thi Kỳ chạy mãi trên con đường đó tới khi nhận thấy một cánh đồng, nơi con đường chia hai ngả rẽ. Khi lúc này định thần lại thì thấy phía chân trời đã bắt đầu tảng sáng, có lẽ, Thi Kỳ đã thoát rồi.
Ngả tả đi Cấm Thành, ngả hữu về Mạc Hà... Đi đâu đây? Thi Kỳ tự hỏi, nhìn phía chân trời một thoáng, rồi quay người về bên hữu bước đi. Đại tiên sinh, con về với người để minh oan cho người và cho con...
Đi được mấy bước, Thi Kỷ ngoảnh lại, đưa mắt nhìn Định Gia phủ một lúc lâu. Nắng sớm làm dịu đi làn gió lạnh đêm hè thổi dồn dập như muốn cắt da Thi Kỳ. Chỉ mới tầm một tháng trước, Thi Kỳ cũng chân bước đi trên con đường này, nhưng cảm giác lúc này không giống lúc đó. Ngày trước là thư đồng thái tử, ngày nay mang danh tội phạm, Thi Kỳ không dám quay lại Cấm Thành gặp Hồng Tước đệ tam, An Viên đệ tứ, Đoàn thượng thư và nhất là Trưởng công chúa.
- Bạch Hạc tiên sinh, ơn này mai đây con nhất định sẽ trả, khi nào con còn sống... và khi không còn Khổng Tước đại tiên sinh chúng con nương tựa, con sẽ trở lại và lạy tạ người, vì người đã cứu mạng kẻ hèn con...
Lúc này ở Tân Ô Lương...
Khuê Tước tiên sinh lại nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm bình minh mà lòng lo lắng không nguôi. Sa Liên đã quá hiểu, nhưng biết giúp gì được bây giờ? Dân trấn này lại có vẻ đang nghi ngờ họ, nên có lẽ họ sẽ không ở lại được lâu nữa. Sa Liên vừa mở mắt đã thấy mùi trà thanh cúc, lòng tự hỏi tại sao hôm nay đại tiên sinh lại dậy sớm vậy.
- Đại tiên sinh? - Sa Liên gọi.
- Dậy rồi hả con? - Khuê Tước tiên sinh đáp, vẫn không ngoảnh lại nhìn.
- Ngài lại lo cho Thi Kỳ nữa ạ?
- Không, ta lo Hồng Tước và An Viên... Thi Kỳ đã có cánh bạch hạc che chở cho nó rồi, ta không lo đâu.
- Cánh bạch hạc?
Khuê Tước tiên sinh quay đầu lại khi nghe Sa Liên hỏi vậy.
- Ta chưa kể các con nghe hả?
- Chúng con chưa từng nghe ngài kể về ai có tên đó.
- À, đó là... - Khuê Tước tiên sinh mỉm cười, lại nhìn ra cửa sổ - Hậu bối cùng thầy của ta hồi ta còn ở Cấm Thành, tên Bạch Hạc họ Trần.
- Có phải, vị đó là chủ bộ ở Định Gia phủ, cầm quạt thêu bạch hạc?
Nghe vậy, Khuê Tước tiên sinh quay ngoắt lại như bị bất ngờ.
- Đúng đó, con quen hả?
- Bốn năm trước chúng con, trừ Thi Kỳ, đi Định Gia phủ chơi, tình cờ gặp trong quán trà thí trường một vị khá giống ngài, cũng thanh nhã với lại vui tính. Ngài xưng họ Trần, là chủ bộ của quan phủ nhưng lại bình dị lắm. Ngài mời chúng con một bữa trà bánh và hỏi chuyện chúng con khi biết chúng con từ Cấm Thành. Chúng con không kịp hỏi tên ngài cũng như ngài chưa biết tên chúng con, chỉ biết ngài mang quạt thêu bạch hạc, giống quạt thêu khổng tước của đại tiên sinh.
Khuê Tước tiên sinh bật cười vì cuộc tình cờ đó. Hẳn là, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, nhưng đến bây giờ ngài vẫn chưa được tái ngộ với kẻ hậu bối bé nhỏ của mình.
- Còn duyên thì định mệnh còn gặp nhau con à... Nhưng đó là khi đại tiên sinh con không còn che chở được con nữa...
Và nụ cười đó lặng đi, đến khi ngoài cửa sổ chỉ còn tiếng gió thổi và trong phòng còn tiếng gõ bút đều đều của Sa Liên.
- Bạch Hạc phương đông, Khổng Tước tây
Ngàn trùng cách biệt mấy năm nay
Còn sinh hay vãng ai đâu biết
Cánh quạt đẫm sầu vẫy trên tay...
Lúc ấy ở Định Gia phủ, cũng có người hướng về ánh bình minh mà dõi theo bước chân đứa đệ tử bé nhỏ.
- Khổng Tước phương tây, Bạch Hạc đông
Duyên nợ âu cũng thường phải không?
Còn duyên ắt còn ngày tương ngộ
Cho dù đã cạn mấy dòng sông...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top