Hồi mười ba: Lời tiền bối dạy
Như đã thỏa thuận và như lời đại tiên sinh dặn, Hồng Tước với danh nghĩa hộ vệ thái tử ở lại Nội thành bảo vệ hoàng tộc, tuy nhiên thực chất là để ngầm theo dõi cuộc đảo chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ngăn chặn. Nói đơn giản vậy, nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì.
Chấn Phiên Hồng Tước, thường không gọi họ, theo chân Khổng Tước thái phó hai năm sau Sa Liên, một năm trước An Viên và bốn năm trước Thi Kỳ. Vốn xuất thân dòng dõi ngự lâm quân, Hồng Tước có thể nói là tường văn thạo võ. An Viên thuở trước hay đùa: "Thanh kiếm cánh cung làu thông ắt người tài, lại có văn chương thì thiên hạ vô nhị; nên Sa Liên có lẽ... ít tiếng hơn". Văn võ song toàn vậy đó mà cái tên Hồng Tước chưa bao giờ được nhắc nhiều bằng vị tướng tiền quân tới sau hay vị sử quan kín tiếng kia.
Là hộ vệ cho thái tử, nên có những điều rất ư khó nói. Đại tiên sinh đã đi, ai sẽ dạy học cho thái tử? Thi Kỳ, tất nhiên. Và bây giờ Thi Kỳ mất biệt tăm, Sa Liên đi theo đại tiên sinh cho cuộc đại sự, ai sẽ dạy học cho thái tử? Hồng Tước, tất nhiên, nếu Đoàn thượng thư không ra chút chữ nghĩa của mình giúp đỡ. Giả như sắp tới các quan ám sát thái tử giành ngôi vua, thì ai sẽ là người chết trước? Hộ vệ thái tử Hồng Tước, tất nhiên, nhưng chuyện này không quan trọng mấy. Điều quan trọng đó là một mình Hồng Tước có bảo vệ nổi thái tử giữa biển lửa khi chuyện xấu nhất xảy ra?
Một sáng khi Thái tử đang ở cùng Trưởng công chúa, Hồng Tước được phép rời Thái tử trong một khoảng thời gian. "Người có thể làm bất cứ điều gì người muốn, cứ để ta ở đây với đại tỷ là được rồi", Thái tử nói vậy. Nhân điều này Hồng Tước đi khắp Nội thành, xem có hoa cỏ gì hay ho. Bao nhiêu năm lưu chốn Nội thành nhưng Hồng Tước chưa bao giờ đi hết. Chỉ ru rú chốn Đông cung hay Chính điện, khi thì vườn Thượng uyển, còn những nơi khác chỉ có nghe qua. Nếu không đi dịp này thì còn đi dịp nào nữa?
Ngang qua các phủ các điện, mới thấy chỉ riêng Nội thành đã thật rộng lớn. Nếu đã như vậy, toàn Cấm Thành còn lớn tới nhường nào? Hồng Tước không biết, Sa Liên cũng không hay kể chuyện bên ngoài Nội thành, và đại tiên sinh cũng chỉ hay hỏi "Cấm Thành có gì lạ không con?"...
Bước chân bước, Hồng Tước đưa mắt nhìn quanh và nhìn theo bức tường bao các điện. Mỗi điện mỗi phủ như một trang viên riêng, mỗi nơi một vẻ, tiếc là không ai mở cổng cho vào. Đi qua một điện phía tây Nội thành, có gì đó làm Hồng Tước bỗng dừng chân. Cành dương liễu mọc chồi ra ngoài tường bao, lá tơi tả rơi đầy con đường lát đá. Đâu đó có tiếng thụ cầm dây bạc, tiếng thụ cầm dây bạc từ ngày xưa vọng về... Hồng Tước chợt đưa mắt lên tấm bình phong. "Hưng Thánh điện - Phủ thái phó"...
"...Ta cứ nghĩ mình không có số dạy chữ, nhưng từ khi đi sứ về giờ trong phủ ta lại có tới hai đứa học trò. Tên con là Hồng Tước à? Ta cứ tưởng con nhà tướng không thích học binh pháp chữ nghĩa chứ!...Vậy từ giờ chúng ta là người nhà rồi, và Thái phó phủ này cũng từ đây sẽ là nhà của con..."
Có một ngày đã xưa lắm, khi Hồng Tước được phụ thân đưa vào cung lần đầu tiên, đã gặp người đó... Vị thái phó mặc áo màu huệ đỏ và cài trâm khổng tước... Họ đã gặp nhau như vậy, đã thành "người nhà" như vậy. Hồng Tước vẫn nhớ có vị thi sĩ trẻ, mặc áo hoa lan hồng ngồi bên vọng nguyệt đài tấu thập lục cầm. Thi sĩ tấu thập lục cầm năm đó, người mà bây giờ là chánh quan sử quán Sa Liên. Một năm sau khi Hồng Tước thành đệ tử Khuê Văn Khổng Tước, có vị hoàng thân gửi đứa cháu vào sự chăm sóc của đại tiên sinh, người bây giờ đang là vị Tiền tướng quân cả triều hay tiếng. Tuổi thơ Hồng Tước là đây, nơi thư phòng phía sau cánh cổng đã nhuốm rêu phong. Từ ngày đại tiên sinh viễn xứ, môn đệ ai cũng ra đi, chỉ để lại Thi Kỳ vẫn còn là đứa trẻ nhờ Đoàn thượng thư dạy dỗ...
- Cũng lâu lắm rồi phải không, con?
Hồng Tước vẫn nghe giọng nói này những khi thiết triều, giọng nói của vị quan trung quân hiếm hoi còn lại của triều đình. Hồng Tước chợt quay mặt lại nhìn, thì ngài đáp lại với một nụ cười hiền lành. Ngài là thượng thư bộ Lễ Đoàn Châu, từng một thời đồng môn của Tề Hàn tể tướng và Khổng Tước đại tiên sinh.
- Đứa đệ tử Khổng Tước này có vẻ hiếm khi nói chuyện với chúng ta nhỉ?
Đi cạnh Đoàn thượng thư đó là vị quan đầu triều, chỉ dưới mỗi Thái tử và Trưởng công chúa. Ngài khá thân thiết với Trưởng công chúa, Đoàn thượng thư và Khổng Tước đại tiên sinh, nổi tiếng là người khó lường; trừ ngài ra có trời mới biết ngài theo phe nào.
- Khấu kiến tể tướng đại nhân và thượng thư đại nhân.
Hồng Tước chắp tay cúi đầu chào.
- Người thân quen, thi lễ chi con. Mời chúng ta vào trong pha chén trà không thì chung rượu là đủ rồi. - Đoàn thượng thư khoát tay, cười - Thi Kỳ chẳng mấy khi gặp chúng ta mà còn chẳng lễ nghĩa như con, buổi thiết triều nào cũng gặp.
- Phải chi Khổng Tước về đây ở lại mấy ngày, ta đem rượu quý ra, chúng ta ăn mừng tái ngộ. - Tể tướng nói với Đoàn thượng thư.
- Thôi khoan về, mất công người ta lại phải hạ mình hoài... trước ngài. Ngài có nhớ hồi chúng ta còn học chung chứ hả?
Tề Hàn tể tướng chỉ cười trừ, đẩy mở cánh cổng phủ rêu của điện Hưng Thánh. Chốn thư phòng này hẳn đã không còn như xưa: hồ nước xanh rong cỏ, vọng nguyệt đài dây leo phủ rợp, căn bếp nhỏ lạnh vắng mùi trà thơm và gốc dương liễu xanh đã gần tàn úa... Thi Kỳ đã lớn lên nơi này đó sao? Trông chẳng còn gì của một điện Hưng Thánh thanh tịnh ngày xưa...
- Vào đi con, coi chừng và cẩn thận. Pha ấm trà, nếu còn trà, được rồi, chúng ta có chuyện muốn nói với con.
Tể tướng bảo "coi chừng và cẩn thận", ý ngài là coi chừng tai mắt của các quan hay cẩn thận đường rêu trơn trượt? Kẻ nào thèm theo dõi ở một chốn không người lại chẳng ai dòm ngó như điện Hưng Thánh? Có lẽ ngài đã quá lo.
Để hai vị khách đó, Hồng Tước vào bếp pha ấm trà. Thật hay là từng ấy năm rồi Thi Kỳ vẫn còn giữ sở thích trà thơ, nên Hồng Tước cũng không phải hoảng loạn. Nhưng mà, cảnh căn bếp nhỏ lạnh lẽo làm Hồng Tước thấy buồn, nửa buồn nửa sợ. Không còn hương thanh cúc nhẹ nhàng, hương hoa sứ thơm ngát, hương lài thơm đậm hay bánh ngọt trong tủ nữa. Khổng Tước đại tiên sinh hồi đó thích bánh ngọt với trà thanh cúc, ngài đi rồi những thứ đó cũng vắng theo. Và từ lâu đã vắng luôn tiếng đàn Thi Kỳ và tiếng hát Sa Liên, cảnh Hưng Thánh điện trở nên ảm đạm đáng sợ.
- Ngài tính mặc kệ cái triều như vậy đó hả Hương đại nhân?
- Chuyện đâu còn có đó, đừng có vội.
- Đến khi ngai vàng nằm trong tay kẻ ngoại tộc bội phản ngài mới lo.
- Đừng có nghĩ xấu bạn bè vậy chứ Châu thượng thư.
- Dù là ngày xưa thì ngài cũng khó mà đáng tin.
Trong bếp, Hồng Tước nghe thấy Tề Hàn tể tướng và Đoàn thượng thư cãi nhau. Thường trước triều họ rất ôn hoà với nhau, nhưng bây giờ... Không biết ngày xưa còn học chung đó, Khổng Tước tiên sinh với Ngọc Phụng tướng quân làm gì mới chịu được hai người này...
Ấm trà nóng hổi được bưng ra trên bàn, thơm quen thuộc mùi hương thanh cúc. Khổng Tước đại tiên sinh hôm kia vừa về đã vội đi, chưa kịp pha chén trà ưa thích. Khi Hồng Tước bưng trà ra, tiếng cãi nhau im bặt. Tề Hàn tể tướng im lặng nhìn Châu thượng thư, và người kia thì cúi đầu, lẩm bẩm gì đó.
Hồng Tước khẽ đặt khay trà xuống bàn, hỏi:
- Các ngài muốn dạy con điều gì?
- Điều mà chúng ta đã giữ mấy mươi năm qua, từ khi ta và Khổng Tước vẫn còn gọi nhau đồng môn... Ngồi xuống đây con, và hãy nghe, chuyện mà từ ngày Khổng Tước ra đi hồi xưa chúng ta không có ai để nghe chuyện này...
Là chuyện gì, Hồng Tước không dám hỏi, vì các ngài ra vẻ rằng chuyện này quan trọng lắm. Mãi sau một lúc im lặng, Đoàn thượng thư thở dài, nói:
- Rời Cấm Thành đi con.
Rời Cấm Thành? Có tệ hơn lúc đại tiên sinh rời Cấm Thành không, Hồng Tước tự hỏi. Rời Cấm Thành, Hồng Tước biết về nơi đâu? Về miền quê nhà xa xôi, hay đến Mạc Hà với chén trà câu thơ cùng các chị em Hưng Thánh thi gia và đại tiên sinh suốt những ngày còn lại của cuộc đời? Hồng Tước không biết.
- Nhìn trong mắt con ta biết con còn quyến luyến chốn này, nhưng, nghe lời ta đi. Chốn này không còn là Cấm Thành con từng một thời nhàn nhã đâu.
- Nhưng...
- Đi đi con, trước khi con không còn đường thoát nữa.
- Nhưng... - Hồng Tước lặp lai nỗi băn khoăn - Thưa đại nhân, con thân là hộ vệ thái tử, là cấm vệ quân, làm sao dám bỏ hoàng tộc, bỏ mọi người ở lại chốn hiểm nguy?
- Chúng ta chỉ muốn con an toàn. - Đoàn thượng thư khoát tay - Đại tiên sinh con đã từng rời triều hai lần. Hai lần. Một lần đã xa xưa lắm và lần thứ hai, con đã biết phải không?
- Đại tiên sinh con... rời triều hai lần?
- Khuê Văn gia là danh môn trong triều, gia quyến chúng ta cũng vậy, cho nên chốn quốc giám chúng ta từng đồng môn. Cũng ra khảo thí gần như cùng nhau nhưng hắn có lẽ quên rồi. Lần hỏng thí thứ ba hay chi đó hắn rời kinh theo phụ mẫu đi Tân Ô Lương rồi được gửi đến Côn Luân giám. Còn lần thứ hai là khi đang giữ chức Thái phó. Đại tiên sinh con, thực ra không phải bỏ các con ra đi cho chính mình, mà là... lệnh lưu đày của Trưởng công chúa.
Nghe tới đó, Hồng Tước không muốn tin nữa. Trưởng công chúa nào lại lệnh lưu đày một vị Thái phó, hơn nữa lại là đồng môn của mình? Trước khi Hồng Tước có thể chối từ lời của mình, Đoàn thượng thư giải thích:
- Chuyện không phải như con nghĩ đâu. Nói là lệnh lưu đày, nhưng trước khi lệnh kịp ban, Khổng Tước đã xin cáo quan đi. Vì sức ép từ các quan lên Thái tử buộc phải lưu đày cả năm thầy trò Thái phó vì những lỗi nhỏ nhặt mà không ai biết các con có phạm không, mà Thi Kỳ khi đó còn nhỏ quá. Đại tiên sinh các con bỏ Cấm Thành đi vì các con đó. Và bây giờ cái danh lẫy lừng Khuê Văn Khổng Tước không thể cứu con lần nữa, con cũng phải ra đi thôi.
Ra đi là lựa chọn duy nhất chăng? Đoàn thượng thư đã dạy như vậy, tức là không còn đường nào để lui nữa, phải không? Hồng Tước nghĩ vậy, nhưng vẫn chưa dám tin. Trưởng công chúa cho đày một bằng hữu chí thân, và vì các môn đệ, Khuê Văn Khổng Tước gửi thân xứ người hai lần...
Tân Ô Lương lúc này... Trời mưa...
Bên cửa sổ căn trọ bé nhỏ, Khuê Tước tiên sinh đưa tay ra ngoài đón mưa dông mùa hạ. Sa Liên gục đầu bên bàn bút khẽ than sao mưa lạnh. Không ai dám tỏ bày nỗi lo của mình. Khuê Tước tiên sinh chợt nhớ những ngày tha phương, nhớ những đệ tử bé nhỏ người bỏ lại...
- Sa Liên con...
Khuê Tước tiên sinh gọi, nhưng Sa Liên không đáp, vẫn gục đầu xuống bàn im lặng.
- Sa Liên con... Ta... có phải là một kẻ tồi tệ không? Ta đã bỏ các con lại mà đi, ta bỏ người nhà mình lại mà đi... Con có trách ta không? Các con có trách ta không?
Sa Liên không dám lên tiếng. Sa Liên từng giận ngài đã bỏ đi không nói một lời, và đã không giữ được lời hứa sẽ về. Thi Kỳ và mọi người chờ từng đó năm ròng rã, chỉ nghe tin ngài đúng một lần: "Ta sẽ ở lại Mạc Hà trấn". Ngài chưa một lần về thăm Sa Liên hay mọi người, và vừa hôm đó, cái hôm đại tiên sinh xuất hiện đột ngột trước cửa thành, là lần đầu tiên. Thấy bóng trâm cài khổng tước, Sa Liên đã cố lắm mới không thốt lên bằng nước mắt vì bất ngờ. Ngài không quên các môn đệ ngài những ngày viễn xứ, có không?
Tân Ô Lương ngoài hiên mưa lách tách
Xa ngoài kia rơi rơi trắng sương mù
Trời xám buồn chơi vơi lòng viễn khách
Phố vắng người chạnh lòng khách viễn du...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top