Hồi hai mươi tư: Giang hồ ngũ anh tài
Khuê Văn Chu Tước giật mình bật dậy vì tiếng gõ cửa nhịp nhịp quen thuộc. Ánh đèn bên án thư đã tắt ngấm và nắng trưa cũng vừa le lói vào khách phòng qua khe cửa sổ đổ nát. Lại một ngày trôi qua, một ngày gần hơn tới điểm hẹn khai chiến. Chu Tước đại nhân có nghe đâu hiện diện ở Kinh Xuân bây giờ không chỉ là Khuê Văn Khổng Tước và đại đệ tử người, chánh sử quan sử quán, mà còn có Tân Gia vương nữa; nếu thật là vậy, thì hẳn đây sẽ là lần đầu tiên kể từ mùa xuân-thu biến loạn năm đó những con người huyền thoại ấy lại đứng trên cùng một chiến trường.
- Đại nhân, con về rồi! - Có tiếng Nguyệt Sinh Liên vọng vào từ ngoài cửa.
- Tiểu Liên? - Chu Tước đại nhân hỏi vọng ra như thường lệ.
- Vâng, con đây. Ngựa đã chuẩn bị sẵn sàng, khi nào lên đường ngài cứ gọi.
Khuê Văn Chu Tước thẫn thờ đứng dậy bước đến góc phòng nơi để hành lý. Dẫu biết Thi Kỳ giờ đang nhờ chỗ tốt lành lánh xa khỏi vụ án, khỏi chốn quan trường hiểm độc và khỏi vùng chiến sự đầy hiểm nguy, nhưng sao Chu Tước đại nhân lại thấy lòng nặng trĩu. Tam quốc sắp xảy ra đại chiến tranh bá quyền, có gì làm bằng là Thi Kỳ sẽ được bình an không? Khuê Văn Khổng Tước nay thêm một lần dấn thân vào loạn lạc, Sa Liên, Hồng Tước và An Viên thì chẳng màng chính sự, chỉ còn Thi Kỳ bảo vệ kim bài thái phó không rơi vào tay ô quan; nếu ở phương đó Thi Kỳ chẳng may gặp hoạ, tương lai đại quốc sẽ ra sao? Triều đình không thái phó như nhà góc không cột trụ, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Dù chỉ là cái danh thái phó Thi Kỳ giữ thay Khuê Văn Khổng Tước, nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ cho thời sóng gió này rồi. Gạt qua những ý nghĩ vẩn vơ đó, Khuê Văn Chu Tước xách gói hành lý của cả hai người lên rồi mở cửa khách phòng bước ra. Vốn học sĩ ru rú thư phòng ngày đêm, nắng trưa nóng bức rọi vào mặt có nhiều phần khó chịu, tuy nhiên bây giờ Chu Tước đại nhân lại thấy thanh thản lạ thường. Thay vì ngồi một chỗ đợi chờ định mệnh mang tin dữ về, đứng lên kéo vòng xoay định mệnh về phía mình có phải là thượng sách hơn?
Bên cửa khách phòng có Nguyệt Sinh Liên vẫn ngồi, bảo kiếm trên tay như thường ngày vẫn canh gác. Khi Chu Tước đại nhân mở cửa, vị hiệp sĩ đứng dậy ngay và tháo dây cương ngựa ra khỏi cột, sẵn sàng để lên đường.
- Từ đây tới Cấm Thành mất cả ngày đường, sao con về sớm vậy? - Chu Tước đại nhân đưa Nguyệt Sinh Liên một tay nải, hỏi.
- Ngựa đoàn người đó mang theo là ngựa chiến Ly quốc, sức bền và tốc độ hơn hẳn ngựa lữ khách chúng ta; thêm nữa, Tam Châu từ lúc có tổng trấn mới bình yên hơn hẳn, đi thẳng một mạch qua chính lộ mà con vẫn không thấy bóng đạo tặc nào lảng vảng, nhờ vậy mà được đi đường êm xuôi. - Nguyệt Sinh Liên đón lấy tay nải của mình rồi đáp.
- Tam Châu tổng trấn mới đó vốn thằng bé câu cá ở Mạc Hà, xuất thân miền đói khổ hẳn hiểu dân tình hơn những kẻ trên kinh kia rồi. Với lại, đỗ được trạng nguyên với chút chữ nghĩa của Khuê Văn Khổng Tước dạy cho, ai dám nói không phải tài nhân đâu.
- Chuyện này đại nhân con cũng biết à? Hẳn trên bia đá Ngũ anh tài ở Anh Phương Sơn có khắc tên ngài chẳng phải chuyện ngẫu nhiên rồi.
- Chẳng phải chuyện ngẫu nhiên mà cả năm người đều có tên trên bia đá đó. - Chu Tước đại nhân cười, buộc gói hành lý mình lên yên rồi quất ngựa lên đường.
Lúc bình minh miền biên giới đông nam xa xôi vài ngày sau, nhà vô địch trong cuộc tỉ võ hôm kia vừa khăn gói lên Đế cung— vốn phủ thành Kinh Xuân bị quân phiến loạn đánh chiếm ngày trước— nhậm chức chủ soái đại quân, chuẩn bị tiến về Cấm Thành lật đổ triều đình. Tiễn chân Kinh Xuân tướng quân đi chỉ có mẫu thân nàng - Tân Gia quốc vương, đôi ngân kiếm và bản kế hoạch phản công giả làm thư hỏi thăm từ quê nhà. Sa Liên ngồi ở bệ cửa sổ khách phòng trên lầu nhìn xuống dõi theo bước chân Tân Gia công chúa, ánh mắt đầy ưu tư và vấn vương chút hoài niệm. Đèn dầu trong phòng đã tắt từ khuya và Khuê Tước tiên sinh cũng đã thiếp đi bên án thư sau mấy ngày đêm thảo kế hoạch với đại quân triều đình bên ngoài và vẽ bản đồ đường lối thành cho ngày khai chiến. Trên màu trời tím ngắt và trong sự u tịch buổi sáng sớm, có con chim ưng không biết từ đâu lướt gió bay đến tửu lầu, sải cánh giơ móng vuốt sắc lẹm hướng thẳng phía Sa Liên; động tác nó dứt khoát, như thể nó coi vị sử quan là một con thỏ sắp bị quắp đi chứ không phải một con người. Phản ứng theo bản năng, Sa Liên chớp lấy cây gậy đi đường đặt cạnh cửa sổ, hai chân tì vào hai bên khung cửa giữ thăng bằng và đưa gậy lên phòng thủ. Khi vuốt nó sắp chạm và quắp vào gậy gỗ đi đường, nơi mái hiên ngay trên đầu vị sử quan có tiếng ai huýt sáo, và theo hiệu ấy con chim ưng vỗ cánh bay thẳng lên chỗ chủ nhân nó đang đợi.
- Lâu lắm không gặp, sử quan đại nhân. Từng đó năm vùi đầu trong Sử quán nhưng xem ra... sông núi dễ đổi, nhân tính khó dời... nhỉ? Phản xạ vẫn bén như ngày nào.
Sa Liên đưa mắt cảnh giác về hướng giọng nói đó, tay vẫn nắm chặt gậy đi đường. Đột nhiên vị khách lạ ấy nhảy xuống và đáp nhẹ nhàng trên ban công cửa sổ trước mặt kẻ học trò; người này cũng khoác áo vải sĩ tử, cũng tay nải hành lý trên vai, tuy nhiên trong ánh mắt lại mang nét bén nhạy đặc trưng của trang hào kiệt chốn giang hồ phiêu bạt, bên hông đeo bảo kiếm và trên cánh tay có con chim ưng ngoan ngoãn đậu lên chờ.
Dẫu có vạn năm vùi đầu trong đống giấy mực sử quán, kiếp này Sa Liên cũng khó mà quên thanh bảo kiếm đó. Và tất nhiên, chủ nhân nó nữa. Trước mặt vị sử quan đây là con người mà năm xưa đến cả võ lâm cao thủ bao kẻ nghe tên cũng đều khiếp sợ, trong thiên hạ rộng lớn điệp trùng vẫn đứng một mình với chiến tích bất bại. Một trong những con người đã được lịch sử lưu danh trên tấm bia lam thạch ở Anh Phương Sơn thành.
- Tr— Trường San? Tử thần vô ảnh kiếm sĩ Trường San?
Vị khách nở một nụ cười hiền lành, đưa tay đẩy đầu côn kề cổ mình sang bên và thả con chim ưng cho đậu trên xà nhà rồi thong dong ngồi xuống bệ cửa cạnh vị sử quan.
- Cái tên ấy đã biến mất trên cõi đời từ khi Liêm Sơn đại vương trận vong nơi cổ thành đó rồi, thời này cũng mấy ai nhắc tên hắn nữa. Ở đây chỉ có Nguyệt Sinh Liên, đệ tử Chu Tước đại nhân... và Sa Liên, chánh sử quan Sử quán... mà thôi.
- Nội điện đại học sĩ, Khuê Văn Chu Tước, cũng có mặt ở Kinh Xuân thành này sao?
Cả hai người giật mình quay đầu lại nhìn. Khuê Tước tiên sinh đã thức dậy từ lúc nào, người vẫn ngồi bên án thư, nhưng giờ lại hướng về cửa sổ, ánh mắt và vẻ mặt trông nghiêm túc khác thường. Nguyệt Sinh Liên nhanh chóng thi lễ cho đủ phép tắc rồi một bước phi đến cửa phòng, gõ vài cái rồi mở ra. Chắp tay cúi chào hai kẻ sĩ lữ khách ấy là con người mà cả danh tính và nhân dạng đều bí ẩn nhất trong Nội thành, Nội điện học viện đại học sĩ Khuê Văn Chu Tước; hay, vị học sĩ sau tấm rèm thư phòng trong trí nhớ mù sương của Khuê Tước tiên sinh.
- Lâu lắm mới lại được diện kiến Thái tử thái phó đại nhân và học trò ngài, cả hai người vẫn khỏe chứ?
Chu Tước đại nhân mỉm cười hỏi thăm. Trên bệ cửa sổ, Sa Liên không giấu nổi sự ngạc nhiên trên vẻ mặt mình, có ai ngờ vị Nội điện đại học sĩ lừng danh đó lại nhân dáng nhỏ nhắn như vậy đâu; và bên án thư, Khuê Tước tiên sinh lại trở về vẻ điềm nhiên thường ngày. Tuy nhiên, trong đôi mắt vị thi sĩ ấy người ta có thể thấy một nỗi lo khó mà tả ra bằng lời.
- Cố nhân chớ để tâm tới hai kẻ sĩ lang bạt này, và cũng chớ để tâm tới cái tước vị xưa cũ thiên hạ đã quên đó của học trò. Hôm nay ngài có mặt ở chốn này, vậy... Thi Kỳ ra sao rồi?
- À, đứa đệ tử bé nhỏ của ngài, đương triều thái phó Thi Kỳ... - Từ trong ống tay áo, Chu Tước đại nhân rút ra một phong thư vàng họa tiết mẫu đơn - Vừa mấy ngày trước, tướng quân của Ly quốc phương đông mang theo một đoàn người tìm đến gia trang đưa cho học trò lá thư này. Phong thư màu vàng in mẫu đơn, học trò nghĩ chắc ngài không đọc cũng hiểu trong này ghi gì.
- Thư cầu thân.
Chu Tước đại nhân gật đầu. Và bên án thư, đột nhiên Khuê Tước tiên sinh quay vào tường, hai tay vỗ xuống mặt bàn một tiếng rầm và bật cười như điên dại.
- Thư cầu thân! Thi đại nhân trên cao, ngài có ngờ đến ngày này chăng! Đứa bé con ngài... sau rốt thì số mệnh vẫn chỉ là phận nhi nữ bình thường như bao tiểu thư khuê các xứ này, chẳng phải kiếp học trò lang bạt như tôi. Tuy quãng đời này tôi khó mà vẹn toàn lời hứa với ngài, nhưng nếu ngày mai có nằm lại giữa tiền tuyến tôi cũng an tâm buông tay khi biết con ngài được về chốn yên ấm...
Khuê Tước tiên sinh im lặng một lúc rồi ngước về phía vị học sĩ nơi ngưỡng cửa, hai bàn tay vẫn nắm chặt trên án thư.
- Nói tôi nghe nào cố nhân, Thi Kỳ lúc ấy dưới tay bảo hộ của ngài, và ngài có thể lựa chọn mang theo đứa bé đến Kinh Xuân hoặc để nó lại cho Trần chủ bộ phủ Định Gia và tiếp tục cuộc điều tra vụ mất tích của Phan tổng trấn, tuy nhiên ngài lại quyết định chấp thuận lời cầu thân và gửi nó đến Ly quốc xa xôi; có phải thiên nhãn của ngài đã thấy rằng, Thi Kỳ sang làm phi vương tử xứ chiến quốc ấy là nhất thượng sách?
- Không, không phải nhất thượng sách... - Chu Tước đại nhân cười, hai ngón tay khẽ đặt lên trán - Chỉ là... học trò vừa biết được Phan tổng trấn tuy mất tích nhưng vẫn còn sống, và với quan quân hiện giờ ra sức truy lùng Thi Kỳ để thế thân ngài, phương án tốt nhất học trò có thể nghĩ tới là mượn danh hoàng tử phi Ly quốc bảo vệ nó tới ngày chúng ta phục hưng được triều đình và chốn quan trường mục nát trong đó.
- Nếu hung thủ có liên quan đến mấy tên ô quan trong triều, lấy gì làm bằng Phan tổng trấn còn sống tới lúc chúng ta tìm được ngài?
- Học trò chắc chín phần, hoặc tám, tuỳ tình cảnh diễn ra như nào. Có nhiều lý do khiến họ chưa thể thủ tiêu ngài, nhưng có hai thứ mấu chốt này giữ cho ngài sống sót: Phan tổng trấn biết được điều gì đó quan trọng mà những tên ô quan trong triều muốn giấu kín, và mối quan hệ giữa ngài với Tú Minh tiên sinh cũng như thế lực của Khuê Văn gia tộc.
- Quả không hổ danh Thiên nhãn Chu Tước năm nào! - Khuê Tước tiên sinh lúc này nét mặt trông nhẹ nhõm đi hẳn, vỗ án thư mà cười - Tuy kẻ sĩ này đã sẵn sàng thí mạng sa trường từ lâu nhưng có vẻ như bây giờ không còn lựa chọn nào ngoài sống sót trở về rồi. Chiến trận Kinh Xuân sắp tới... cố nhân đây có bước chân ra tiền tuyến hay lại đứng trên tường thành mà dõi xuống nhìn thiên hạ loạn lạc?
- Thời loạn lạc nay khác thời loạn lạc xưa, hẳn là định mệnh sắp đặt cả năm người trên bia đá Ngũ anh tài ấy đều hội tụ ở Kinh Xuân thành này, học trò có thể nào không ra mặt? - Vị học sĩ cũng nở một nụ cười đáp lại - Thêm nữa, học trò đây rất tò mò muốn biết phản ứng của Đế Mục khi thấy đệ tử Khuê Văn song tước rảo qua hàng quân điệp trùng của hắn và bước vào phủ thành như chốn không người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top