Hồi hai mươi lăm: Huyền khôi trên đất chiến trường

Anh Phương Sơn, vùng núi biên giới phía bắc Hoa Nữ quốc hoang sơ hiểm độc quanh năm tuyết phủ dày, từ ngàn xưa đã là thánh địa của những kẻ lữ khách giang hồ phiêu bạt. Trên đỉnh rặng núi có ngôi cổ thành đã trấn giữ miền biên cương này không biết đã bao lâu, và giữa đại quảng trường trong ngôi thành này, ngay phía sau chính môn đổ nát, là một tấm bia lam thạch khắc tên năm người mà danh tiếng đã trở thành huyền thoại. Ngũ tuyệt trên bia đá ấy được ghi lại như sau:

Thái Anh vương gia, thần quyền đệ nhất;
Khuê Văn Khổng Tước, thao lược vô bì;
Khuê Văn Chu Tước, thiên nhãn bất sánh;
Trường San kiếm sĩ, vô ảnh tử thần;
Sa Huyền Khôi chúa, lẫy lừng thiết côn.

Bình minh trước đêm hẹn khai chiến, ở phòng mình trong Đế cung, Vĩnh công chúa giở bản kế hoạch ra xem lại kỹ càng và khi xuất quân sẽ chiếu theo kế hoạch này mà đánh. Tuy nhiên, nghĩ đến ngày mai đối mặt trên chiến trường Thái vương gia và Lân phò mã sẽ không còn là mẫu thân và phu quân mình, nàng lại cảm thấy nỗi sợ không tên ấy trào dâng trong lòng. Tại sao hôm ấy kẻ học trò đệ tử Khổng Tước đại nhân lại buông côn nhường nàng thắng? Và tại sao, tại sao hắn lại giơ tay khiêu chiến nếu mục đích hắn là chỉ để bại dưới tay nàng? Vĩnh công chúa không hiểu nổi lúc ấy đối thủ nàng suy nghĩ gì trong đầu, tuy nhiên nàng cũng phải thừa nhận: so với tất cả những cao thủ nàng đấu hôm đó, côn pháp kẻ học trò đệ tử Khổng Tước đại nhân rõ ràng thượng đẳng hơn và cũng... tàn nhẫn hơn nhiều, dù động tác có phần yếu ớt như người đã lâu không luyện. Nếu có phải đối mặt người quen trên chiến trường, thà rằng kẻ thù của nàng là mẫu vương hoặc tướng công còn hơn là kẻ sĩ tử áo vải Sa Liên. Chiếu theo kế hoạch của Đế Mục và quần thần y, đêm nay khi trăng xanh ló dạng, từ cổng thành tứ phía quân phiến loạn Kinh Xuân sẽ tràn ra, bốn mũi thẳng tiến về Cấm Thành; tuy nhiên, kế hoạch của Thái phó đại nhân được mã hoá trong lá thư diễn ra như sau: Nàng sẽ ra vẻ như biết trước đường đi nước bước của quân triều đình và ra lệnh dụng kế "mãn thiên quá hải - dương đông kích tây", giữ bí mật với Đế Mục và tung tin về binh kế giả cho trinh sát rằng khi phe triều đình tập trung ở chính môn, quân Kinh Xuân sẽ theo ba cổng phụ còn lại của thành tràn ra theo thế gọng kìm bao vây; tỏ ra mình nhìn thấu kế phản công của quân triều đình, nàng sẽ cho ba nhóm nhỏ ra ba cổng kia đánh dụ hàng trong khi nàng dẫn đại quân ra đường đại môn không người canh gác vì phe triều đình mắc mưu chia quân ra như binh kế giả của nàng. Tất nhiên, ở chính môn không hề vắng người: mẫu vương sẽ đón đầu nơi đó, và... nàng và đại quân Kinh Xuân sẽ phải đấu với ngài. Đệ nhất ngân kiếm triều đình Tân Gia đấu với thần quyền huyền thoại đã được khắc tên trên bia đá Ngũ anh tài. Giữa lúc hỗn loạn ấy, Thái phó đại nhân cùng với Sa Liên sẽ nhanh chóng đột nhập vào Đế cung bắt sống Đế Mục và quần thần hắn, kết thúc cuộc nổi loạn được chuẩn bị kỹ càng từ nhiều tháng trước chỉ trong một đêm trăng xanh.

Lúc này, ở doanh trại quân triều đình nơi ngoại thành Kinh Xuân, Ngọc Phụng nguyên soái vui mừng khi gặp lại cố hữu Khuê Văn Khổng Tước, nhưng cũng bất ngờ khi lần đầu tiên được nhìn thấy nhân dạng con người bí ẩn nhất trong Tứ phượng hoàng, vị học sĩ sau tấm rèm thư phòng Khuê Văn Chu Tước. Bản kế hoạch được Khuê Văn song tước vạch ra rõ ràng và thảo luận những khả năng quân phiến loạn có thể đáp trả trước mặt các chỉ huy và tướng lãnh quân triều đình. Sau buổi họp bàn, Khuê Văn Chu Tước về ngay căn lều mới được dựng vội lên cho mình, nét mặt đăm chiêu như vừa lượng được một khả năng chi ghê gớm lắm. Nguyệt Sinh Liên ngồi ở một góc lều kiểm tra thanh bảo kiếm mình thấy vậy nhưng vẫn không nói gì, chỉ im lặng đợi lệnh; và lệnh này... lại khác hẳn lệnh thường ngày.

- Tiểu Liên? - Chu Tước đại nhân gọi.

- Vâng, con đây. - Nguyệt Sinh Liên tra bảo kiếm vào bao nhanh gọn rồi lấy thế đứng lên - Ngài cứ đưa ra một cái tên.

- Không, kẻ này... ta muốn tự tay giải quyết, ta chỉ cần con mở cửa cầu thang lên tường thành cho ta là đủ. - Nói rồi, từ trong đống hành lý Chu Tước đại nhân rút ra một thanh đoản kiếm vỏ gỗ đào và giắt vào dải thắt lưng - Vả lại, nếu chính mắt ta không thể thấy huyết tên vô lại ấy đổ xuống đền tội, có lẽ kiếp này ta nhắm mắt chẳng cam.

- Hắn có phải ai đó con hay ngài biết chăng? - Nguyệt Sinh Liên tò mò hỏi.

Chu Tước đại nhân lắc đầu.

- Hắn có thể từng nghe danh con, nhưng ta thì hoàn toàn là kẻ xa lạ.

- Vậy tại sao ngài lại muốn báo thù nếu hai bên chưa từng biết mặt nhau?

- Thù này... không phải chỉ riêng tư đâu con. Vì tên vô lại đó mà tất cả những biến cố chúng ta chứng kiến bao năm qua diễn ra như vậy. Tất cả...

Chưa bao giờ Nguyệt Sinh Liên thấy hận thù chứa trong ánh mắt vị học sĩ vốn điềm đạm và vị tha ấy bùng lên mãnh liệt vậy. Kiếp nhân sinh khó tránh khỏi thù hằn, nhưng... mối thù nung nấu trong tâm Khuê Văn Chu Tước lúc này như thể sâu đậm hơn hết thảy mọi vách thẳm trên đời. Nguyệt Sinh Liên một kẻ phàm nhân chẳng hiểu được thiên nhãn ấy phải chăng thánh phẩm hay quỷ nguyền, tuy nhiên nói rằng nó là con dao hai lưỡi không thể nào là nói quá. Trên đời có những thứ tốt hơn hãy để trôi vào dĩ vãng, và có những thứ tốt nhất hãy để chôn chặt trong quá khứ, nhưng cũng có những thứ cần phải được đào lên cho lịch sử chứng kiến.

Đột nhiên, một mảnh ký ức vội vụt qua trước mắt Nguyệt Sinh Liên. Một buổi chiều tối đó, quan quân canh gác Đông cung tìm thấy Thái tử— khi đó vẫn còn nhỏ tuổi— bị đâm trong thư phòng khoá kín. Hung khí, nằm ngay ngắn cạnh Thái tử, là đoản kiếm chuôi ngọc chính điện hạ tặng cho đương triều thái phó làm vật hộ thân. Vị thái phó ấy thì được tìm thấy ngồi bên bàn trà trong Đông cung, mắt nhắm như đang ngủ, trên áo vải thấm đầy máu đỏ tươi. Và những chuyện sau đó... đều đã là lịch sử.

- Ý đại nhân con là... vụ án năm đó... - Nguyệt Sinh Liên thất thần đưa mắt chăm chăm nhìn thanh đoản kiếm trên thắt lưng vị học sĩ - Kẻ gán án oan lên Khuê tiên sinh năm đó hiện có mặt ở đây?

Chu Tước đại nhân chẳng nói gì, chỉ gật đầu.

- Hắn, một kẻ nguy hiểm như vậy... ngài không thể nào đi một mình được! Xin hãy để con theo!

- Nhưng mà, vượt qua trường thành vạn quân Đế Mục dựng lên chỉ có con... và Sa Liên... làm được. Có thể nói là thành bại trận này mười phần nhờ bảy vào Tử thần vô ảnh kiếm, ta không muốn con vì ta mà bỏ lơi đại cuộc!

- Đại nhân con đã thấy kẻ giang hồ nào đem tài hiến triều đình đâu? - Nguyệt Sinh Liên cười, lục trong đống hành lý ông lính già họ Trương vừa mang đến sau ra một bọc vải mỏng và dài - Ngài có thù phải trả, con có ân phải đền. Nghe lời đại nhân, con sẽ tìm đến chỗ ngài sau khi đã giải quyết xong xuôi đám lính gác Đế cung. Tới lúc ấy, xin hãy cố giữ mạng.

Ở một góc doanh trại là khu lều của đội cung thủ kỵ binh lừng danh dẫn bởi Tiền tướng quân An Linh Thanh. Vị tướng quân đang ngồi ưu tư một mình trong lều, thẫn thờ tay khẩy dây cung như dây đàn trong khi những người khác bận rộn đi lại chuẩn bị bữa sáng, và đột nhiên lại buông trường cung đứng phắt dậy reo như một đứa trẻ khi thấy bóng Khuê Văn Khổng Tước vén tấm màn cửa bước vào.

- Con thứ lỗi, ta đến Kinh Xuân lâu rồi nhưng tới giờ mới có dịp gặp con. - Khuê Tước tiên sinh cười cười rồi ngồi xuống ghế bên bàn khách trà - Ta mong rằng tối nay con có thể cho ta mục kiến tài của đội cung kỵ thần thánh đất Hoa Nữ quốc này.

- Thấy người bình an là chúng con vui rồi... - An Viên mỉm cười đáp lại, nhặt trường cung lên để ngay ngắn bên cạnh giáp phục của mình - Đại tiên sinh con trên đường tới đây có hay tin gì về Tiểu Kỳ chăng?

- Ta cũng chỉ vừa mới hay thôi. Chu Tước đại nhân bảo vài tuần trước có đoàn người từ Ly quốc phía đông sang mang thư cầu thân Thi Kỳ cho tam hoàng tử bên ấy. Giờ này có lẽ nó đã xuất giá rồi... Thành hoàng tử phi, xuất giá về chốn yên ấm, lánh xa khỏi miền loạn lạc này...

Khuê Tước tiên sinh khi kể chuyện này ánh mắt lại vô thức hướng về chân trời phía đông. Lâu lắm mới nghe một hỷ sự, nhưng sao tiên sinh trông chẳng vui, có lẽ người lại đang lo lắng. Trong bốn đệ tử, Thi Kỳ không chỉ nhỏ tuổi nhất mà cũng là kẻ thiên sinh bình thường nhất: không có trí óc thông tuệ như Sa Liên, không có võ tài như Hồng Tước, lại không có thân thủ nhanh nhẹn như An Viên; một mình giữa bể nguy khó, Thi Kỳ khó mà chống chọi lại nổi. Làm phi vương tử Ly quốc tuy gian truân nhưng nghĩ cho cùng đó vẫn là vận may quý nhất cho Thi Kỳ, đổi một thuở thanh xuân và vạt áo vải học trò lấy tấm nhung lụa gấm hoa xứng danh hoàng tử phi và số mệnh bình an từ nay quả là một cái giá hời khó chê, một phước lành khó kiếm. Có lẽ tiên sinh nên đặt niềm tin vào quyết định của Chu Tước đại nhân, rằng cánh nhạn bé nhỏ của người đã tìm được chốn bình yên, người không cần phải lo lắng chi nữa.

Buổi hoàng hôn đó, cả quân phiến loạn và quân triều đình đều cùng lúc dàn hàng xông trận. Ba cánh quân bộ và thương thiết giáp do Ngọc Phụng nguyên soái thống lãnh đã sẵn sàng bẫy đón đầu loạn quân, và trong thành, Vĩnh công chúa— chiếu theo chiến kế— đặt ba nhóm nhỏ ở ba cổng phụ "đánh lạc hướng" và dồn đại quân xuất hành từ chính môn.

Trong lúc đợi trăng xanh ló dạng, nàng đứng một mình trên trường thành đại môn, giáp phục trang hoàng, cầm cờ thống soái, hướng mắt nhìn về một khoảng thảo nguyên xa xa. Trong ánh nắng vằng vặc đỏ nơi đó thoáng mờ một bóng hình thật thân quen: một dáng người vĩ đại như có thể che chở cả giang sơn cố quốc, mái tóc đen dài buộc cao như thác đổ, đôi tay to lớn nhưng mềm mại tựa lời ru và ánh mắt kiên trung vạn năm bất đổi. Thật khó tin là trong cuộc đời ngắn ngủi này nàng lại có ngày phải đứng trước mặt người ấy, không phải với danh gia quyến nhi tử, mà mang phận kẻ thù.

- Dẫu rằng con ở đây bây giờ là vì người đã cho phép, nhưng mà... mẫu vương... con không muốn chĩa mũi kiếm này về phía người...!

Trên khoảng thảo nguyên kia, Tân Gia vương cũng chắp tay đứng đợi một mình, mắt chăm chăm hướng về đại môn trường thành Kinh Xuân, về dáng nhi nữ mang chiến kỳ thống soái trên ấy. Lân phò mã, lúc này đoản đao bên hông và giáp phục sẵn sàng, khẽ khàng bước đến cạnh vương gia, cùng nhìn theo ánh mắt người dõi bóng thê tử mình đằng xa.

- Nhạc mẫu vương à, như thế này có phải quá tàn nhẫn với nàng không? Hội ngộ người nhà trên chiến trường là một chuyện, đối đầu với người nhà trên chiến trường lại là chuyện khác. Nương tử... nàng sẽ không nỡ ra tay đâu.

- Mặc kệ ai đang đứng ở đây— bổn vương, tế tử hay nhi muội— Viên Cảnh cũng sẽ phải rút kiếm ra tay. Trăm vạn cặp mắt đang dõi theo thành bại trận này, nhi tử không còn lựa chọn nào khác đâu. - Tân Gia vương đáp, tâm trí ngài vội một khắc trở về cái ngày kinh đô thất thủ. Cái cảm giác khó xử tột cùng khi phải lựa chọn giữa hai con đường không thể chọn lựa đó... ngài không muốn đặt nhi tử mình trong tình cảnh ấy, tuy nhiên lúc này đây số mệnh không cho ngài con đường thứ hai. Nhiều hôm trước vương gia định bảo Khuê Tước tiên sinh chuyển kế hoạch, cho trưởng tế mình rút đoản đao đón đầu phiến loạn, nhưng nghĩ lại thì nước ấy tàn nhẫn quá; vương gia mắt đã quen đọc tình thế chiến trận mà hành động, nhưng phò mã thì muôn phần thiếu kinh nghiệm, khó suy đoán đường đi nước bước chi ly được.

Lúc ấy, ở phía đồi Thảo Đăng, một trong những ngọn đồi chiến lược vây quanh Kinh Xuân, có Khuê Văn song tước và đội cung thủ An Viên kiên nhẫn đứng chờ. Không ai nói gì với nhau, chỉ im lặng dõi theo màu đỏ vầng dương dần tắt và ánh nguyệt xanh xanh hé dạng phía chân trời.

Tiếng kèn đồng trống da vang lên phía sau đại môn Kinh Xuân thành báo hiệu khai chiến. Bốn cánh cổng thép nặng nề hé mở, và vạn quân ồ ạt trào ra như sóng đổ. Chỉ trong vài khắc, Kinh Xuân đã thành bãi chiến trường hỗn loạn, không biết ai là ai, tứ bề chỉ còn tiếng giáo gươm xoang xoảng và tiếng gào thét đau đớn của những kẻ tử sĩ vô danh.

Những người đứng gần trường thành nhìn cảnh địa ngục áp đảo như vậy thì hốt hoảng vội trở vào định đóng cổng, nhưng chưa kịp quay đầu lại thì ai nấy đều ngã gục xuống, trên gương mặt in hằn nét sợ hãi tột cùng. Hai bên cổng thành bóng hai kẻ sĩ tử xuất hiện, lặng thinh và nghiêm trang canh gác; dẫu ngáng đường đại quân với bao hảo hán giang hồ không sợ trời đất tiến tới chỉ là hai thư sinh nhân dáng mảnh mai, nhưng chẳng ai dám bước thêm hoặc lùi lại bước nào. Trên tay người đứng mặt ngoài thành là thanh trường kiếm lừng danh đã đoạt mạng bao cao thủ chốn giang hồ và hạ bệ bao võ phái lẫy lừng tứ phương; còn người đứng mặt trong thành— một học trò áo vải ngón tay còn vương dấu mực— mang thanh thiết trụ kình thiên đã bảo vệ Á Lan ải qua nhiều buổi loạn. Không thể nhầm lẫn được, đó đúng là hai bảo khí mất tích cùng với chủ nhân chúng từ khi Liêm Sơn cổ thành thất thủ; đã kiếm được chút tiếng tăm trong chốn giang hồ, chỉ có kẻ mù mới không nhận ra sắc bén ngọt của thanh trường kiếm tử thần và nước thép sáng ngời dưới ánh trăng của thiết trụ kình thiên kia.

- Hồ—Hồn ma!

Hiếm khi thấy những kẻ hảo hán coi thiên hạ bằng vung lại thốt lên đầy khiếp sợ như vậy. Người bên kia nghe cả hai bị gọi là hồn ma thì một tay che miệng cố nhịn cười, một chân gõ gót giày ra hiệu đổi chỗ với kẻ đồng hành mình. Vị kiếm sĩ thong dong quay bước vào trong thành, giơ mũi kiếm về phía kẻ mặc giáp chỉ huy sau hàng quân tiên phong lực lưỡng và nở một nụ cười thật hiền lành:

- Hai kẻ sĩ có chút chuyện muốn gặp Đế công, các hạ hảo huynh đệ đây có vui vẻ nhường đường chăng?

Bây giờ thì tới lượt vị côn thủ bên kia cố nhịn cười, dù chung quanh là tứ bề chiến trường hỗn loạn.

- À, đâu có kẻ tỉnh táo nào lại nghe lời một hồn ma. Thôi thì, anh linh người chiến hữu, hay là cứ thẳng tiến phủ thành luôn đi?

- Kiên nhẫn chút nào, sắp đến lúc rồi. - Người bên kia đáp, giơ côn về phía trước trong tư thế thủ.

Một tràng vó ngựa từ trên đồi cứ áp sát dần, dù đoàn kỵ binh ấy hình bóng chìm hẳn giữa biển binh đao. Vị kiếm sĩ một chốc thoáng nhìn về phía sau, xem đoàn kỵ binh đã tới đâu. Rồi chỉ trong chớp mắt, vị kiếm sĩ ấy xoay người chém đôi cánh cửa gỗ dẫn lên tường thành và một bước phi thân lên trên đầu hàng quân, chân đạp mũ giáp mà tiến tới thẳng về phủ thành, nhẹ nhàng như bay vào hư không. Một loạt mưa tên theo đó hạ gục hàng tiên phong mặt ngoài cổng thành, mở đường cho đội cung thủ kỵ binh. Quân mặt trong nháo nhác hô hào nhau xông lên đóng cổng chặn bước đoàn kỵ binh tấn công, nhưng đứng giữa hai bên lại là vị côn thủ mang thiết trụ kình thiên với ánh mắt dâng tràn sát khí và những mũi tên xé gió của thiện xạ tướng quân đã căng dây cung chực chờ. Vài người lấy dũng cảm tuốt đại đao lao tới, nhưng bao lần cũng vẫn thất bại; phòng thủ của kẻ học trò trông yếu ớt kia thể như một trường thành bất khả xâm phạm vậy.

Đội kỵ binh đến vừa đúng lúc để mục kích côn pháp lẫy lừng tưởng chừng đã theo Liêm Sơn thành chúa về miền cực lạc. An Viên tướng quân dẫu đã thấy nhiều cao thủ, nhưng lại không thể rời mắt nhìn người này, thiết trụ kình thiên trong tay, đứng một mình phòng thủ chính môn đối đầu trăm vạn quân phiến loạn. Càng không thể rời mắt khỏi côn thủ đó khi vị tướng quân nhận ra người ấy chẳng ai khác hơn là chánh sử quan Sử quán liễu yếu thư sinh mọi người vẫn biết.

- Trấn thủ cổng thành cứ để đội cung kỵ An Viên và ta, con theo đệ tử Chu Tước đại nhân vào trong tìm Đế Mục mau! - Khuê Tước tiên sinh thắng ngựa lại ngay bên cạnh vị sử quan rồi khoát tay về phía phủ thành mà ra lệnh.

Vị sử quan trông có do dự một thoáng, nhưng cũng chắp tay cúi đầu tuân mệnh và quay đi, chạy lấy đà một đoạn rồi chống đầu côn xuống tung mình lên các nóc nhà phóng như bay về phủ thành, vạt áo vải phất phới trong gió đêm hồ như cánh thiên thần. Hai người ấy, quả thật là dẫu năm tháng đã phai mòn thân thể nhưng tài thiên sinh vẫn mãi sáng trong linh hồn.

- Chỉ có hai kẻ thư sinh tiến vào phủ thành mà bao vạn quân binh chẳng làm gì được hơn là đứng nhìn, đúng là Ngũ anh tài chẳng có ai hữu danh vô thực...

Khuê Văn Chu Tước giữa lúc hỗn loạn thì nhanh chóng xuống ngựa và khẽ khàng lách vào cầu thang dẫn lên tường thành, tất nhiên không quên nán lại một lúc để mục kiến những huyền thoại năm xưa bắt đầu hồi sinh trong màn khói lửa cảnh chiến trường.

Hàng phòng thủ của đội kỵ binh An Viên trông có vẻ yếu ớt nhưng lại vô cùng kín kẽ và bất khả xâm phạm; cung và tên là vũ khí chính nhất, nhưng nếu có ai may mắn vượt qua được rừng tên ấy mà áp sát thì họ cũng không ngần ngại rút kiếm ra cận chiến. Đội hình thì chia thành hai lớp: vòng ngoài với trường cung do An Viên chỉ huy, vòng trong với đoản cung và kiếm nghe lệnh Khuê Văn Khổng Tước. Hai hồn ma hiệp thánh kia đã bỏ đi, trong mắt đại quân phiến loạn chẳng còn chi ngáng đường họ chiếm lại đại môn ngăn bước tiến công của quân triều đình. Sĩ khí quân Kinh Xuân hào hùng trở lại thật nhanh chóng, nhất là khi thấy đội kỵ binh đếm bao lần cũng chỉ vài tá, so với họ chả khác châu chấu đá xe.

Ai bảo hảo hán giang hồ không cần học chữ của Tôn Tử xưa?

Giữa khoảng thảo nguyên kia, quân phiến loạn dẫn đầu bởi chủ soái Thái Viên đã hoàn toàn bao vây Tân Gia vương và tế tử ngài. Dẫu vạn quân vây kín bốn phương tứ phía con kiến cũng khó lọt qua, vương gia vẫn điềm tĩnh đứng chờ, trên tay ngài không một tấc sắt trong khi kẻ thù lăm lăm giáo mác gươm đao. Chủ soái đại quân rẽ hàng bước vào trong vòng vây, trang nghiêm rút đôi ngân kiếm đã đưa nàng đến vị trí nàng có hôm nay mà miễn cưỡng chĩa về phía hai người thân thương của nàng trước ngàn vạn cặp mắt dõi theo.

- Bổn soái sẽ tự tay giải quyết trọng tướng quân địch, không ai được phép can thiệp vào! - Cố kiềm chế đôi tay run rẩy, nàng dõng dạc lên tiếng ra lệnh.

Dù gương mặt phu quân nàng đã được che giấu bởi lớp mũ khăn đen tuyền, nàng có thể phần nào cảm thấy rằng chàng thà buông kiếm đầu hàng hơn là phải đấu với nàng; và Tân Gia vương, sau nét mặt điềm nhiên tự tại ấy có lẽ là một cơn bão lòng đang gào thét. Vương gia đêm nay không chỉ phải sống lại nỗi khó xử đau đớn của ngày Tân Gia kinh đô thất thủ, thấy người thân ngài gặp nguy khốn, mà còn phải chứng kiến nỗi đau ấy nhân đôi, vì chính tay ngài sắp mang nguy khốn đến cho người thân mình.

- Tế tử, con đứng qua một bên, đừng cho ai can dự vào chuyện này. - Vương gia bước đến giữa vòng vây, vén tay áo lên thủ thế - Tiểu tử kia tấn công trước đi, và chớ có nương tay với bổn vương!

Vĩnh công chúa cố ngăn vội giọt lệ đắng trên khoé mắt, nói thầm câu tạ lỗi rồi lao đến tung nhát kiếm khai cuộc bằng tất cả sức lực mình. Vương gia liền xoay người tránh nhát kiếm bổ xuống, nhẹ nhàng bắt lấy cánh tay nàng, tước lấy thanh kiếm và một cước đẩy nàng ra xa, tất cả chỉ trong chớp mắt. Ngay lúc ấy, Vĩnh công chúa lập tức thấu rằng đây chẳng phải những buổi tập kiếm trẻ con trong cung điện ngày xưa với mẫu vương nữa, mà đây là cuộc đấu sinh tử giữa chiến trường, và kẻ địch của nàng là Thái Anh vương— thần quyền thiên hạ đệ nhất đã được khắc tên trên tấm bia lam thạch Anh Phương Sơn thành.

Vương gia thoáng đưa mắt ghé nhìn bóng hình mình phản chiếu trên bản ngân kiếm rồi thẳng thừng ném xuống đất, bên cạnh nhi tử đang chống tay cố đứng dậy. Thấy chủ soái đang yếu thế hơn, đại quân vung giáo mác hô hào nhau xông vào tiếp ứng, mặc cho Lân phò mã hay Vĩnh công chúa gắng ngăn lại. Thấy trước mắt có ngàn sóng giáo gươm đổ dồn về phía mình vậy mà vẻ mặt vương gia cũng chẳng hề đổi sắc; ngài chỉ giơ tay thủ thế, và nhanh chóng chìm trong đám đông hỗn loạn.

Khi Vĩnh công chúa có thể đứng dậy nhặt thanh ngân kiếm rơi dưới đất, đại quân nhào đến tiếp ứng quá nửa đã nằm rạp dưới chân Tân Gia vương với giáp trụ binh khí (và có lẽ cũng có vài ba khúc xương trong người nữa) gãy nát, số còn lại quên cả chủ soái mà bỏ chạy lấy mạng. Từ ngày Vĩnh Viên Cảnh mới học những đường kiếm pháp vỡ lòng đến ngày kinh đô thất thủ, từ ngày đặt chân đến Côn Luân thành lưu vong đến đêm trăng xanh hôm nay, chưa bao giờ nàng— hay bất cứ ai trong triều đình Tân Gia— được chứng kiến mẫu vương phô diễn thực lực thiên sinh của người. Chẳng biết vừa nãy vương gia có tung hết sức hay không, nhưng khi nhìn xuống bách quân bại tướng dưới chân mình, ngài lại thoáng nở một nụ cười giễu. Đế Mục đã tốn thời gian chiêu mộ bao cao thủ giang hồ hảo hán, tuy nhiên sức mạnh đại quân mà y luôn tự hào ấy hôm nay đối đầu Tân Gia vương mới thấy rằng hảo hán giang hồ thời này cũng chỉ như trò chơi con trẻ với Ngũ anh tài đã thành huyền thoại.

Chỉ còn lại ba người đứng trụ trên khoảng thảo nguyên ấy.

- Hổ thẹn cho bổn vương tay không đánh bại vạn quân, ra chiến trường bách chiến bách thắng vậy mà năm xưa chẳng thể bảo vệ nổi gia quyến và bá tánh kinh đô. Nay lại càng thảm thương khi mang danh thần quyền vương mà không dám ra tay với chủ soái quân địch!

Tân Gia vương cúi xuống nhìn đôi tay mình thấm đẫm ánh trăng, máu và nước mắt chiến trường, miệng bật cười như người điên dại nhưng khoé mắt thì vương giọt lệ nhoà. Cay đắng trong lòng ngài giữ bao nhiêu năm qua nay chực trào ra, và dù có cố đến đâu ngài cũng không ngăn lại được. Thiên hạ xưng tụng thần quyền vương nhưng tất cả những gì ngài thấy ở mình là sự yếu đuối vô dụng và một giấc mộng phục quốc xa vời.

- Ha, bổn vương đang lừa dối ai vậy? Xin lỗi, người bằng hữu... Xin lỗi, nhi tử, tế tử... Dù là tập song kiếm hay thí mạng trên chiến trường, bổn vương chỉ đơn giản không thể ra tay với con!

Một nửa số quân mặt trong thành quay hàng lại cố đuổi theo bóng hai hiệp thánh đang tiến về Đế cung, nhưng chẳng ích gì mấy. Đế Mục và quần thần đã cẩn thận đặt những quân binh tinh nhuệ nhất canh gác chính môn cũng như khoảng đại lộ phía trước phủ thành, vậy mà cũng khó ngăn được hai hồn ma hiệp thánh ấy thong dong rảo bước vào đòi diện kiến Đế vương.

- Cá— Các ngươi là quỷ thần nơi nào!

Quan binh gác cổng run run tay giáo tay gươm chĩa vào hai kẻ học trò, cố gom uy thế mong dừng được họ. Lần này vị kiếm sĩ chẳng nở nụ cười hiền lành khi nãy nữa, mà đáp, với lưỡi kiếm sắc lẹm hé nửa trong bao, bằng một ánh mắt lạnh đến gai người.

- Vào bẩm với đại vương các người, y có hai lựa chọn: đầu hàng ngay lúc này, hoặc cố mà tránh khỏi bị bắt trước bình minh. Nhớ nhắn rằng tốt nhất y và quần thần nên đầu hàng lập tức, vì y sẽ không muốn biết con mèo trong trò mèo vờn chuột này là ai đâu.

Ngay lập tức, có giọng nói trên lầu cao thét vọng xuống đáp.

- Không, bổn vương thà chết không đầu hàng! Và thứ cao thủ nửa mùa các người chỉ biết to mồm, còn lâu mới bắt được bổn vương!

Vị kiếm sĩ nhíu mày ngước lên, lẩm bẩm câu gì đại loại như "Tên vô lại hạng này mà chiêu dụ được từng đó quân trong giang hồ ư?" và tra lại bảo kiếm vào bao rồi đặt tay lên chuôi kiếm thủ thế. Đế Mục gây dựng binh mã làm sao, chiếm được thành Kinh Xuân mà xưng vương nổi loạn thế nào vẫn còn là một bí ẩn khó ai giải thích được.

- Vâng, ai mà ngờ chứ. - Vị sử quan đưa tay vỗ trán lắc đầu, không muốn tin rằng chủ tướng phiến loạn trong dự đoán của mình lại xa khỏi sự thật chừng ấy.

- Xưa nay có bao giờ xúc phạm người sắp tiễn mình đi gặp tổ tiên là ý hay chưa người chiến hữu?

- Chà, tuỳ tình cảnh. Nhưng hẳn là trong trường hợp này thì có kẻ vừa mới nói câu ngu ngốc nhất cuộc đời hắn rồi. Không nương tay nhé, Sinh Liên kiếm sĩ, nhưng lệnh là phải bắt sống.

- Bắt sống chủ tướng trong khi cho hắn dừng ở một gang tay cách hoàng tuyền thì hơi khó đó sử quan đại nhân. Nhưng không sao, lệnh là lệnh.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top