Hồi hai mươi hai: Giữa thời chiến loạn

Ba người vừa thấy vị nữ hiệp dáo dác ngang qua thì nhanh chóng kéo vào con ngõ về lại tửu lầu. Sau một thoáng để nàng hội ngộ với vị Thái tử thái phó nổi tiếng giang hồ năm xưa từng đi sứ sang, Lân phò mã dẫn mọi người về yết kiến Thái vương gia và báo cho ngài biết về thành công đầu tiên của kế hoạch.

- Một người bên ta đã có thể ung dung đi trong lòng bên địch, vương gia hay tin này hẳn vui lắm.

Phu quân nàng cười, có vẻ còn tự hào hơn mẫu vương khi tận mắt thấy nàng chiến thắng trên tỉ thí đài. Sa Liên sau trận đấu trông khác hẳn lúc đứng trên võ đài, không còn chiến khí ngút trời và vẻ liều lĩnh trong mắt khi nãy nữa; thật khó tin khi kẻ vừa múa thiết côn giao đấu với nàng khắc trước khắc sau muốn đứng vững cũng khó. Về được khách phòng Sa Liên buông gậy đi đường một góc và lên thả người xuống giường ngay, còn Khuê Tước tiên sinh thì thong thả dọn hành lý ra, miệng vẫn nở một nụ cười.

- Con thua rồi... sao... trông người vẫn vui vậy? - Sa Liên thấy lạ thì hỏi.

- Sa Liên ta biết trong đời chỉ chiến bại một lần, và lần đó một ngày nó sẽ trả đủ cả vốn cả lãi. - Khuê tiên sinh đáp.

- Lúc đó... trong đầu con nói có kéo dài trận đấu như này thì không hay gì và giục mình nhận phần thua. Nghĩ kỹ thì để Vĩnh phu nhân giữ chức tướng quân Kinh Xuân... vẫn lợi hơn con nhiều, vả lại... con từ đầu tài cán cũng không có mấy cơ hội so với Vĩnh phu nhân, thêm nữa là... con muốn để dành đủ sức mà lết về...

- Kết quả trên tỉ thí đài không quan trọng với ta, miễn là con được vui. Thôi, con cứ ngủ, ta lên rót chung rượu chén trà tái ngộ với vương gia và mọi người một lát.

Nói rồi Khuê tiên sinh rời phòng, để yên cho Sa Liên nghỉ ngơi còn mình thì bước lên lầu trên tiếp chuyện người bằng hữu viễn du đã lâu. Lân phò mã tay cầm khay rượu trà đang đợi trước cửa phòng vương gia, và Vĩnh công chúa thay xong y phục cũng vừa mới tới nơi. Khuê Tước tiên sinh đẩy nhẹ cửa để hai người bước vào trước còn mình thì theo sau. Thái vương gia vẫn yên lặng đứng ngoài ban công dõi về phía tỉ thí đài ở quảng trường trung tâm như ngóng đợi điều gì hoặc chỉ là suy nghĩ chi đó mông lung.

- Vương gia, không vào trong chung chén rượu ăn mừng?

Khuê Tước tiên sinh lên tiếng gọi. Thái vương gia giật mình quay lại thì thấy bàn trà đã bày sẵn, và những người thân quen ngài đã đứng đợi bên ghế của mình cả rồi.

- Nhìn các người vui như vậy, có phải ái nhi ta đã đột nhập được vào hàng ngũ quân phiến loạn rồi?

Thái vương gia đưa tay bảo mọi người ngồi trước rồi mình cũng theo sau. Sau khi Lân phò mã đã rót xong trà và chia xong bánh ngọt ra đĩa, Vĩnh công chúa đưa hai tay dâng ngài chén trà còn nóng, trong mắt tuy ánh lên niềm vui chiến thắng nhưng cũng thoáng một sự bối rối không dám đặt thành lời. Và lạ thay, trên môi người bằng hữu ngài hôm nay mang một nụ cười đã lâu lắm rồi ngài mới được thấy lại. Một nụ cười nhẹ nhưng chứa đầy niềm tự hào.

- Kể ta nghe nào, ái nhi, đối thủ của con có những ai, tài nghệ ra sao? - Thái vương gia hỏi khi đưa tay đón lấy chén trà.

- Thưa mẫu vương, lúc khai trận tới gần cuối chỉ là hảo hán giang hồ, võ nghệ đáng nể nhưng không có mấy sự tao nhã và chiến thuật khi đấu. Còn đối thủ cuối cùng của con... khác hẳn những kẻ kia. Từ ngày bỏ cố hương lưu vong, đây là kẻ đầu tiên có thể gọi là... đọc thấu đường kiếm của con.

- Đệ nhất ngân kiếm Tân Gia ta mà một tên giang hồ có thể đọc thấu được sao?

- Không phải một tên giang hồ, thưa mẫu vương, đối thủ của con là học trò! Học trò của Thái phó đại nhân!

Rồi Vĩnh công chúa nhìn sang Khuê Tước tiên sinh, người đang nhấp chén trà nóng và trên nét mặt trông điềm nhiên lạ thường.

- Công chúa quá lời, chút tài nghệ của đệ tử học trò làm gì sánh được với kiếm pháp vô song của công chúa.

- Thái phó đại nhân bao năm bàn sách có thể không nhìn theo kịp, nhưng tiểu nữ thấy rõ ràng: hắn thua không phải do tuột tay đánh rơi côn, hắn cố tình buông côn đầu hàng. Tài nghệ hắn có thể không bằng tiểu nữ, thưa Thái phó đại nhân, nhưng tiểu nữ chắc chắn hắn không hề yếu kém như đám hảo hán giang hồ ban đầu!

Lân phò mã gật gật đầu, nhớ lại lúc mình giả thích khách ban sáng. Nhìn trong ánh mắt đó, kẻ nghiệp dư như phò mã cũng biết được Sa Liên không đơn thuần chỉ là một học trò bình thường như Khuê Tước tiên sinh vẫn khăng khăng cho rằng.

- Khi đệ tử Tú Minh này kẻ võ tướng còn làu thông thi pháp, thì người văn quan biết chút đường côn đâu có gì là lạ? Tiểu Liên của học trò đã chọn kiếp sĩ tử, thì dù có gì đi nữa vẫn là kẻ sĩ tử thôi.

Thái vương gia nhìn sang người bằng hữu, kẻ nhìn ngoài tuy chỉ là học trò phiêu bạt nhưng tâm cốt thuộc về một hào kiệt hảo hán. Sông núi Hoa Nữ, thảo nguyên bờ biển Tân Gia, dám hỏi nơi nào còn chưa in dấu chân Khuê Văn Khổng Tước? Thí trường đã từng trải, quan trường đã từng biết, chiến trường cũng đã qua; và dù Cấm Thành không ai rõ thân thế Sa Liên, Kinh Xuân không mấy người biết tên, nhưng Thái vương gia chắc chắn một điều: thân thế thật sự của Sa Liên, những ngày tháng trước khi lên kinh khoác áo sĩ tử, trong thiên hạ này chỉ có một mình Khuê Văn Khổng Tước biết. Trong ánh mắt người bằng hữu ngài ẩn chứa "sự thật", nhưng là sự thật ra sao, vương gia không thể nào đọc thấu. Tuy nhiên, vì lý đó chi đó vương gia lại có cảm nhận là "sự thật" này có thể giúp đưa ngài và gia quyến trở về cố hương, phục hưng triều đại.

Chập tối đó, sau chén trà chung rượu tái ngộ với vương gia và mọi người, Khuê Tước tiên sinh đi một mình xem xét toàn thành Kinh Xuân, rảo hết từng con phố nẻo đường để chuẩn bị cho ngày khai chiến. Bản đồ Kinh Xuân thành cố vấn đại quân ngoài kia hẳn trong tay đã có, nhưng tiên sinh thiết nghĩ có người biết rõ đường xá vẫn tốt hơn khi nơi đây đầy dẫy quân phiến loạn hiểu đường đi nước bước trong thành như hiểu lòng bàn tay chính mình. Ở ngoài phố đã vãng người gần như vắng tanh, nhưng những hàng ăn giờ này mới bắt đầu thắp đèn buôn bán. Rảo ngang qua ánh đèn một tiệm mì đêm có vẻ đông khách, Khuê Tước tiên sinh ghé mắt nhìn vào một thoáng như thói quen thường của kẻ lữ khách, thức ăn chỗ nghỉ giữa đường luôn cám dỗ hơn đích đến mà.

- Này! Đi đâu đó!

Đột nhiên có tiếng Tân Gia vương trong tiệm vọng ra giục Khuê Tước tiên sinh quay đầu lại, đi sau đó là tiếng chân ai bước vội ra ngoài và tiếng la hét của chủ tiệm. Trước cửa tiệm, Lân phò mã hớt hải chạy ra gọi người, trên tay vẫn bê một tô mì đang ăn dở.

- Phò mã gia mà cũng ra đây ăn tối sao? Còn nữa, vừa nãy... có phải vương gia...? - Khuê Tước tiên sinh chỉ tay về phía tiệm mì, hỏi.

- Thứ lỗi tiểu sinh thất lễ, vương gia và nương tử nghe nói tiệm mì đêm này là nơi hảo hán giang hồ qua Kinh Xuân thường dừng chân nên họ tới kiếm chút thông tin, tiện thử xem mì ở đây có gì ngon mà ai cũng ghé. Nếu đại nhân không chê mời ngài vào ngồi chung bàn với mọi người. - Lân phò mã vừa giải thích vừa đôi lúc húp chút nước mì.

- Nếu phò mã gia trước mặt ta vừa ăn vừa nói, chắc mì ở đây muốn chê cũng khó.

Khuê Tước tiên sinh chỉ cười và theo Lân phò mã vào. Ở sâu trong tiệm có một góc khá đông người ăn uống chuyện trò, ai nấy ăn vận như lữ hiệp khách; cạnh nhóm người đó có một bàn nhỏ bốn ghế hai người đang im lặng ăn mì. Dù hai người y phục không khác thương buôn, Khuê Tước tiên sinh có thể nhận ra rõ ràng là Thái vương gia và Vĩnh công chúa. Vương gia thấy tiên sinh bước vào thì vỗ tay xuống ghế cạnh mình bảo ngồi xuống nhanh, còn Vĩnh công chúa nhìn tướng công chạy ra ngoài khi vẫn bê tô mì trên tay thì không nhịn được cười nữa.

Bữa tối đó trôi qua khá bình yên, đám người lữ hiệp khách nọ có vẻ không liên quan mấy tới cuộc nổi loạn sắp diễn ra ở Kinh Xuân này, nhưng nghi lầm còn hơn bỏ lỡ mà. Xong bữa, Tân Gia vương đứng phắt dậy, rút một túi tiền xu ra, đưa mắt nhìn bảng giá rồi cất lại túi xu vào trong áo, có lẽ ngài không mang theo đủ xu đồng để trả cho bốn tô mì. Thấy có vẻ như vương gia đang băn khoăn chuyện tiền bạc, Khuê Tước tiên sinh thò vào ống tay áo mình tìm túi bạc định trả giúp, nhưng Tân Gia vương ngăn lại.

- Để ta. Vương một xứ sao không có tiền trả mấy tô mì bình dân này. - Ngài nói một cách dứt khoát.

Nói rồi, Tân Gia vương rút từ trong thắt lưng ra một xấp ngân phiếu đặt lên bàn và điềm nhiên buông một câu:

- Tiểu nhị, tính tiền.

Anh tiểu nhị chạy tới và thất thần một lúc khi thấy số tiền quá lớn, mất một hồi lâu anh hớt hải đi gom tất cả tiền mặt trong tiệm mới đủ thối lại. Trên đường trở về tửu lầu, Khuê Tước tiên sinh hỏi tại sao vương gia rút nhiều tiền ra trả cho một bữa ăn đạm bạc như vậy, thì ngài thản nhiên đáp lại:

- Bổn vương không có tiền lẻ.

Khi mở cửa phòng mình ở tửu lầu, Khuê Tước tiên sinh bắt gặp Sa Liên ngồi trên khung cửa sổ nhìn về phía rặng núi phía tây xa xôi, tay mân mê thanh gậy gỗ đi đường. Ánh mắt vị sử quan như chìm vào bóng tối của màn đêm và tâm trí trôi về một thời nào đó dĩ vãng lắm.

- Thuở đầu khi con mới về Cấm Thành với ta, con cũng hay nhìn ra cửa sổ hướng về phía tây mỗi đêm như này. Nói ta nghe, bông hồng đen Á Lan ải của ta, có phải con vẫn mong có ngày trở về nơi đó?

Nghe tiếng Khuê Tước tiên sinh vọng tới từ ngoài cửa, Sa Liên giật mình quay đầu lại nhìn.

- Đại tiên sinh? Người... đang nói gì vậy?

- Hôm nay thấy con trên tỉ thí đài, ta đã chắc chắn mình không sai. Năm xưa con lên Cấm Thành học chữ với ta, ta cứ tưởng con đã quyết bỏ lại mọi thứ mà tái sinh làm một kẻ sĩ tử bình thường... Nhưng mà, mặc kệ con nói gì lúc này, hôm nay trên tỉ thí đài, ta chỉ thấy con người trong con tỏ bày khát vọng được hồi hương.

Nghe tới đây, Sa Liên nhảy phắt xuống khỏi khung cửa sổ, thất thần buông thanh gậy gỗ rơi dưới sàn một tiếng đinh tai; trong ánh mắt vị sử quan không còn những hồi tưởng xa xôi mà bây giờ tràn về những nỗi sợ khó nói thành lời.

- Không, không phải vậy. Con muôn đời chỉ là đệ tử người, một kẻ sĩ học trò không hơn không kém! Con sinh ra là học trò, và tới cuối đời này con sẽ vẫn là học trò thôi. Con... xin người đừng nhắc... con không muốn... Đừng đưa con về nơi đó...!

Khuê Tước tiên sinh thản nhiên bước tới gần Sa Liên, cúi xuống nhặt thanh côn gỗ dưới sàn đặt lại trên tay Sa Liên, miệng nở một nụ cười an lành.

- Có lẽ ta nên giữ lời hứa phải không?

Nói rồi tiên sinh hướng mắt vào màn đêm u tịch, nhìn về hải quốc phía nam xa xôi; ở phương đó có một vương quốc bé nhỏ mang tên Tân Gia. Người ngồi lên bệ cửa sổ, khẽ hát một khúc nhạc thời chiến và đưa tay gối đầu tựa vào khuông cửa gió lùa.

- Lục đại phu bằng hữu con từng mang danh công chúa như Vĩnh phu nhân, khi chủ nhân— năm xưa gọi là mẫu vương— cả hai còn ngồi trên ngai cao hải quốc phía nam, muôn người xưng tụng là Tân Gia quốc vương. Thái vương gia với ta ngày xưa ở Côn Luân giám bằng hữu chi giao, hồi còn là Thái tử thái phó ta cũng có đi sứ sang một lần. Rồi thì... trong chuyến đi sứ đầu tiên và cũng là cuối cùng đó, quân đảo chánh kéo đến húc đổ đại môn kinh đô, giáo gươm tuốt bén vừa diễu qua đại lộ vừa hô đòi lấy mạng Thái Anh vương và gia quyến ngài. Đám quân hỗn tạp đó chém giết không biết bao người trong cung điện, phóng hỏa không biết bao nhà trong kinh thành, cướp không biết bao nhiêu của cải của thường dân; ta không ước lượng được, Tân Gia kinh đô ngày đó như chìm hẳn vào biển lửa đỏ mịt mù. May mắn thay, Thái Anh vương và cả vương tộc ngài đều sống sót cuộc đảo chánh và lưu vong tới Côn Luân thành, nơi mà thuở trẻ ngài từng theo học, nung nấu trong tâm ước vọng trở về cố hương phục quốc dẫu biết rằng ván cờ nghiêng hẳn về bên kẻ thù. Thái vương gia sẽ không từ bất cứ thứ gì, kể cả thanh xuân và mạng sống ngài, nếu ngài có thể đánh đổi lại bình yên sung túc ngày nào cho xứ Tân Gia, bởi vì đó là quê nhà của ngài...

- Thái vương gia mong trở về bởi vì ngài vẫn còn gia quyến, Tân Gia vẫn còn là đất tổ giang sơn ngài, còn bao thần dân quý mến ngài. Và con? Con không có gì hết! Không thân bằng quyến thuộc, không xóm giềng. Con chỉ là một kẻ giang hồ, lấy ai mong đợi con ở nơi đó?

- Vậy còn dân chúng ở thị trấn dưới chân núi? Những người dân đang bị gông cùm trong tay hắn? Họ không mong con trở về sao? Bá tánh Tân Gia mong Thái Anh vương trở về, tại sao bá tánh Á Lan ải không mong con?

Sự im lặng của màn đêm tỏa lan khắp căn phòng. Sa Liên chỉ đến ngồi bên tường dưới khuông cửa sổ, hai chân khép chặt vào người, đầu gục xuống đầu gối không đáp. Và khi Khuê Tước tiên sinh ghé mắt một thoáng nhìn vào dáng người nhỏ bé lạ thường của học trò mình bên dưới khung cửa, người khẽ mỉm cười và lại tiếp:

- Sông núi dễ đổi, bản tính khó dời; kể từ ngày đó không biết bao lâu đã trôi qua nhưng ta vẫn chưa một lần coi con là Sa Liên sĩ tử. Bởi vì trong tâm con cũng như trong tâm ta, con chưa bao giờ là Sa Liên. Con cũng thấy vậy, phải không? Từ bấy đến nay con vùi đầu trong phủ thái phó, rồi trong sử quán, vết chai vì bút mực trên tay con đã thay thế vết chai vì thiết côn, nhưng thẳm sâu trong hồn con, những ngày tháng sóng gió vẫn còn đó. Đại tiên sinh con vẫn kiếp học trò phiêu bạt, bằng hữu ta vẫn mệnh quân vương lưu vong, và nếu đệ tử Khuê Văn Chu Tước vẫn mang thanh bảo kiếm, thì ta nghĩ thế gian không còn gì cản trở bước chân con hồi hương. Hãy nhớ, con sẽ không trở lại Á Lan ải một mình, cũng như ta lần này không trở lại Kinh Xuân chiến trường một mình. Khi con đã quyết tâm lấy lại những gì đã mất tại cổ thành đó, ta sẽ đi cùng con, và sau lưng con có thể sẽ có thêm trường kiếm Hồng Tước và cánh cung An Viên tương trợ nếu định mệnh cho phép.

Giữa thời chiến loạn này không còn có gì tốt hơn để đánh thức những kẻ giang hồ tên tuổi đã thành những huyền thoại ra khỏi màn sương lịch sử. Mùa trăng xanh tới đây, Kinh Xuân này sẽ chấn động hơn cả loạn Liêm Sơn cổ thành khi xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top