Hồi hai mươi bảy: Kiếp oan khiên khi nào mới dứt

Ngày vui nào rồi cũng đến lúc tàn, và khi hiệp ước giữ trung lập cho Hoa Nữ quốc đã được ký kết xong xuôi với Ly quốc hoàng đế, Thái tử cùng đoàn tuỳ tùng thu dọn hành lý trở về Cấm Thành vài hôm sau yến tiệc mừng hôn lễ. Quen thói thường, Thái tử lên tiếng gọi tên Hồng Tước tới kiểm tra những thứ cần thiết để chuẩn bị lên đường ra hải cảng, nhưng đợi một hồi lâu chẳng thấy bóng ai. Chỉ có bước chân gia nô tỳ nữ xôn xao khắp khách phủ gói ghém hành trang chất lên đoàn xe ngựa ngoài cổng phủ.

- Bẩm điện hạ, mọi thứ đã xong xuôi. Đoàn xe sẽ khởi hành khi nào ngài sẵn sàng.

Viên tổng quản đến trước cửa phòng Thái tử chắp tay hành lễ rồi thông báo. Vậy là mọi chuyện ở xứ người này đã chu toàn. Thi thái phó, người mà Thái tử luôn coi như đứa em bé nhỏ của mình, nay đã được gửi lại chốn bình yên, ngài chẳng còn việc gì để nán lại thêm chút nữa; và, với triều đình Hoa Nữ quốc vắng bóng Thái tử, ai biết quân phản đồ lăm le long ngai đang mưu gì sau lưng ngài. Về Nội thành càng chậm trễ, nước cờ càng khó lường; dẫu Tề tể tướng và Đoàn thượng thư đã được ban quyền lực quốc bảo nhưng biết phải đối phó với từng đó kẻ gian thần thì chuyện nói ra dễ hơn làm.

Khi Thái tử chuẩn bị lên ngự xa khởi hành ra hải cảng, viên tổng quản cùng tất cả tuỳ tùng ngài đã xếp hàng ngay ngắn trước cửa khách phòng, chắp tay cúi đầu làm lễ thật đồng bộ. Ở cuối hàng gia nô tỳ nữ, ngay bên cổng khách phủ mở rộng có hai người mang áo choàng chắc chắn không trong đoàn tuỳ tòng, ai có lẽ cũng nhận ra điều đó, nhưng sao viên tổng quản lại xem như chẳng thấy gì. Thái tử trong tâm gắng giữ bình tĩnh, hai tay sau lưng phong thái bình thường, nhịp bước rảo đều ra phía cổng rồi cố tình dừng chân trước khi ngài có thể chạm mặt họ. Tuy rằng cả hai đều trùm áo choàng khó mà nhận diện, nhưng Thái tử có thể thấy rõ một người tư thế uy phong như cảnh vệ, người còn lại— nhân dáng bé nhỏ hơn— thì nép sau lưng và níu chặt ống tay áo kẻ đồng hành. Nhận ra được cố nhân, Thái tử buông một tiếng thở dài, nét mặt giãn ra với một nụ cười nhẹ nhõm.

- Chẳng ngờ một bù nhìn ngoại bang như bổn thái tử lại vinh dự được quý tức của Ly quốc hoàng đế đích thân đến tiễn chân.

Người khách đằng sau ấy nghe vậy thì giật mình, đưa tay kéo mũ choàng xuống nhận mặt rồi vội cúi mình chắp tay hành lễ.

- Học trò Thi Kỳ khấu kiến Thái tử điện hạ.

Tuy người trước mắt Thái tử bây giờ gọi là Ly quốc hoàng tử phi, nhưng sao nhân dạng này lại khác xa với danh xưng ấy như vậy. Tóc vấn dải lanh, áo vải sĩ tử hé sau lớp áo choàng thùng thình, nếu nói đây chẳng phải Thi Trà Khiết ngày xưa ngài từng biết thì chỉ có kẻ mù mới không tin.

- Khấu kiến Thái tử. - Hồng Tước cũng kéo mũ choàng xuống và thi lễ theo Thi Kỳ, đầu cúi gằm.

- Xưa là thư đồng của bổn thái tử có thể ra vào gặp nhau tự do, nhưng nay là thê thất của hoàng tử đại quốc, để thiên hạ nhìn thấy không hay đâu.

Thái tử đáp rồi vội nhanh bước lên ngự xa, mắt láo liên dõi xem có thường dân nào vô tình mục kiến. Dẫu trong tâm ngài những con người xưa kia ngày từng biết chưa hề thay đổi, vị thế mọi người nay đứng thật khác xa; nếu bảo nhau rằng họ là người dưng có lẽ còn tốt đẹp hơn nhận mặt quen thân bây giờ.

Lúc đến có Bích Liên tướng quân dẫn đoàn hộ tống, lúc về vướng phải chiến sự tam quốc biến động nên chẳng có ai từ Ly triều ra tiễn. Tất nhiên, ấy là nếu như không tính hai vị khách không mời này, quý tức ngoại quốc của Ly đế và hộ vệ nàng. Khi ngự xa vừa lăn bánh khỏi đại môn kinh đô, đằng sau Thái tử nghe có tiếng vó ngựa dồn dập tới và bóng Hồng Tước quất cương nước kiệu vượt mặt quân lính ra trước đầu đoàn tuỳ tùng như để dẫn đường. Một chốc sau, Thi Kỳ cũng rảo ngựa đến ngang cửa sổ ngự xa, không quên đội lại mũ choàng để lính gác đại môn khó nhận mặt. Khi đoàn tuỳ tùng Thái tử Hoa Nữ quốc đã khuất giữa rừng cây núi đá hai bờ chính lộ ra hải cảng họ mới thoải mái rảo ngựa chậm lại và bỏ mũ choàng xuống, nói cười với những lính gác ngự xa như thể bao kẻ bằng hữu quen thân. Vị tổng quản trực ngay màn cửa ngự xa lễ phép nhưng đôi phần miễn cưỡng chắp tay chào hai người, nay thuộc về ngoại quốc xa lạ, và tất nhiên không quên kèm theo một biểu cảm đầy tò mò.

- Thái tử điện hạ, học trò có thành mẫu nghi Ly quốc cũng không quên mình là thư đồng ngài, là đệ tử Khuê Văn Khổng Tước thái phó. Nếu làm dâu Ly tộc có nghĩa rằng bị cuốn vào chiến sự tam quốc, có nghĩa rằng từ đây không bao giờ còn được tái ngộ mọi người, vậy thì xin Thái tử điện hạ cho phép học trò được theo tiễn chân lần chót. Có lẽ hôm nay sẽ là ngày cuối Chấn Phiên Hồng Tước hộ vệ và An Tịnh công Thi Kỳ tồn tại trong mắt thiên hạ... - Thi Kỳ quay mặt về phía Thái tử mà tâu, trong giọng nói nghe thiết tha tột cùng.

- Không có đâu! - Hồng Tước bật cười, theo thói quen chậm ngựa xuống cửa sổ ngự xa như bao lần vẫn theo hộ vệ Thái tử - Dù Thái tử điện hạ, Chu Tước đại nhân chấp thuận cuộc hôn nhân này và đây cũng vì tốt lành cho Tiểu Kỳ, nhưng kẻ hạ thần trước mặt điện hạ nên nói thật: Thi Kỳ của chúng ta chẳng hợp tấm áo thê nương. Khuê Văn Khổng Tước tiên sinh nuôi dạy Tiểu Kỳ thành một sĩ tử, chứ không phải một thư tử để gả đi!

- Nhị sư tỷ à, nghĩ cho cùng thì áo lụa thê nương khoác lâu ngày thành quen, nhưng kẻ sĩ tử ngây thơ thì các vị không thể trông chừng mãi, gửi đi âu cũng tốt cả đôi bên...

- Trong thời này thì tốt cả đôi bên, nhưng khi mẫu quốc đã an bình, tiên sinh chúng ta về thành bằng chính môn, vụ án sáng tỏ và Thái tử điện hạ chính thức ngồi ngai thiên tử mà xứ này vẫn còn chinh chiến, thì dẫu có phải lội núi vượt sông, dẫu có phải chèo xuồng qua Đại Hải mênh mông Chấn Phiên Anh Tử này cũng sẽ đưa được Tiểu Kỳ về cho mọi người! Nhớ đấy!- Nửa đùa nửa thật, Hồng Tước họa vào.

Tới nước này Thái tử chỉ có thể đưa tay vỗ trán khẽ cười.

- Nếu ngày xưa bổn thái tử can đảm được như hai người, không màng dị nghị bá quan, không màng nghi án sơ trọng, không màng chứng cứ giả dối mà cứ tin tưởng một dạ đứng về phía Khổng Tước thái phó, có lẽ lúc này... người sẽ không phải mang kiếp kẻ tội đồ oan khiên...

Trở lại Kinh Xuân khi ấy, dưới ánh trăng xanh vằng vặc sáng có bóng vị học sĩ với đôi chân bé nhỏ lướt như bay trên đỉnh trường thành, đoản kiếm vỏ gỗ đào giắt dải thắt lưng. Bá tánh thường dân đã di tản vài hôm trước chiến nhật nên cả hai phe phía dưới thả sức chém giết nhau, giữa hỗn chiến loạn trường chẳng ai để ý đến người. Thoáng ghé mắt xuống khoảng sân trong phủ thành, vị học sĩ thấy đệ tử mình Nguyệt Sinh Liên dừng chân giữa đường, kéo vạt áo lau kiếm sau khi vừa hạ xong đám quan quân lính gác ngoài cổng. Kẻ học trò đệ tử Khổng Tước thì tay ôm thiết côn ngồi bệt dưới một thạch trụ gần đó, ngước đầu nhìn lên trời đêm với ánh mắt lim dim đầy mệt mỏi nhưng miệng thì nở một nụ cười thoả mãn. Đưa tay nắm chặt chuôi đoản kiếm rút ra khỏi bao, vị học sĩ ấy thì thầm một lời thề báo thù và để bước chân cùng dáng hình bé nhỏ mình bị bóng tối tầng cao phủ thành và đêm đen mịt mù nuốt trọn.

- Tới khi quân triều đình ngoài kia tiến công được vào trong thành chúng ta có thể nghỉ ngơi một chút... - Nguyệt Sinh Liên ghé mắt nhìn ra tình hình chiến sự bên ngoài phủ thành, rồi cũng khẽ khàng tra kiếm lại vào bao và đến ngồi xuống bên cạnh người chiến hữu mình.

Bên ngoài cổng phủ thành chiến trường hỗn loạn, nhưng sao trong khoảng sân này lại thinh lặng im ắng đến lạ thường. Chung quanh chỉ có vài cơn gió đêm hiu hiu thổi và trên trời cao chỉ có ánh trăng xanh và màn sao tĩnh mịch. Nhân phút bình yên hiếm hoi này, Nguyệt Sinh Liên lấy ra một trúc tiêu từ trong ngực áo và thổi một khúc ca ngày xưa con người mang tên Trường San kiếm sĩ từng hay thổi mỗi khi dừng chân giữa những cuộc giao tranh hoặc khi thi thoảng ghé thăm người chiến hữu tâm giao nơi núi rừng Liêm Sơn u tịch. Một khúc ca mà dẫu bao nhiêu năm giông tố đã qua cả hai đều không thể nào quên được.

Hạnh phúc là gì, hỡi người ơi?
Hãy cho tôi cùng đi theo với
Dẫu có bão tố có chông gai
Dẫu có sương buốt có đêm dài
Giang hồ lữ khách kẻ hàn tâm
Nhưng chẳng bao giờ đi đường lầm
Qua bao mùa hạ tới mùa đông
Người, tôi vẫn chung một giấc mộng
Tình thân chiến hữu ngọn lửa hồng
Vẫn cháy dù kể gió cả đông
Và giữa dày đặc màn sương mù
Sẽ ấm sáng mãi tới ngàn thu... (*)

- Hoả báu ca à, đã lâu lắm rồi... mới được nghe lại đó... - Vị sử quan khẽ ngước đầu sang bên mà mỉm cười - Các hạ bảo rằng Tử thần vô ảnh kiếm sĩ ấy đã biến mất trên cõi đời từ khi Liêm Sơn thành chúa trận vong, nhưng đó không phải sự thật, phải không? Hoả báu ca chẳng phải thứ người thường hay chơi trong những lúc thế này.

Nguyệt Sinh Liên chỉ cười trừ đáp lại và nhanh chóng cất ống trúc tiêu vào áo để tiếp tục cuộc săn đuổi, không quên chìa một tay ra giúp người chiến hữu đứng dậy.

- Tấm cà sa không làm nên vị hoà thượng, và hẳn là vạt áo vải cũng chẳng làm một kẻ giang hồ nên người thư sinh. Trường San kiếm sĩ, cái tên ấy có thể đã biến mất trên cõi đời cùng với Huyền Khôi đại vương năm đó, nhưng, người chiến hữu à, anh linh họ vẫn chưa bao giờ rời đi.

Sau một thoáng chần chờ do dự, Sa Liên nở nụ cười an lành đầu tiên trong bao năm qua và sốt sắng chấp nhận sự giúp đỡ ấy. Một mảnh quá khứ xa xưa tưởng đã chìm giữa biển huyết khổ khi nào nay lại thấy trở về trên bàn tay chìa ra của Nguyệt Sinh Liên. Hai người chiến hữu ngỡ đã bị cách chia bởi hoàng tuyền nay lại ngồi cùng nhau giữa phút bình lặng của đêm chiến trường, tuy rằng thân phận họ mang bây giờ chỉ là hai kẻ sĩ xa lạ. Vị sử quan hít dài một hơi cái không khí hôn dạ vắng sao quen thuộc rồi gượng người đứng dậy tiếp tục cuộc săn, vô tình để trâm hoa vướng vào thiết côn rơi xuống đất. Người vội cúi xuống nhặt ngay, nhưng không cài lại lên tóc mà cất kỹ vào trong ngực áo rồi buộc tạm mái tóc dài bằng dải thắt lưng dự phòng. Nguyệt Sinh Liên có chút ngỡ ngàng, tuy nhiên cũng lắc đầu cho qua nhanh và nở một nụ cười nhẹ. Trên đường đi tìm Đế Mục, vị kiếm sĩ đột nhiên thoáng hỏi:

- Cái trâm hoa gỗ cũ mèm đó... quan trọng lắm sao?

Và vị sử quan chỉ điềm nhiên đáp lại:

- Trâm gỗ cũ mèm, nhưng hẳn quan trọng hơn cái mạng còm kẻ thư sinh này.

Sâu trong lầu thượng phủ thành, Đế Mục cùng hai cận vệ và một trung thần tin cậy đang cố tìm đường tẩu thoát khỏi vòng vây quân triều đình đang bao quanh Kinh Xuân. Khi y vừa nhón mình ra ban công một tầng nào xem tình hình chiến sự phía dưới ra sao, một bóng hình bé nhỏ khoác áo thư sinh ngoài ánh trăng đứng đó im lặng khoanh tay nhìn vào như thể đã chờ đợi y từ lâu lắm rồi. Giắt trên thắt lưng kẻ học trò là một thanh đoản kiếm vỏ gỗ đào, và trên gương mặt người mang một vẻ thanh thoát điềm tĩnh đến lạ. Thấy được Đế Mục cùng tuỳ tòng, vị thư sinh bước tới ba bước, cúi người chào đúng lễ rồi rút đoản kiếm ra khỏi vỏ. Lưỡi thép bén ngọt lại càng sáng thêm dưới ánh trăng xanh khiến Đế Mục lùi dăm thước về sau trong khiếp sợ.

- Đế thị, hai người kia đã sắp đuổi kịp tới nơi, chạy mau nếu ngài còn muốn sống. Học trò đây tìm thù để báo, không phải tìm nhân để sát. Tuy nhiên... - Vị học sĩ giương mắt nhìn thẳng bóng trung thần nép đằng sau Đế Mục - ...các hạ không phiền nán lại một chút với học trò chứ?

Hai cận vệ hớt hải hộ tống Đế Mục rời đi, để lại trung thần đứng đó với vị học sĩ bé nhỏ. Sau một hồi nhìn nhau im lặng, người kia mở lời hỏi:

- Chúng ta chưa từng gặp mặt nhau, tiểu thần không rõ vì sao ngài muốn tiểu thần đứng lại. Ngài có thể nào giải thích cho tiểu thần chăng?

Vị học sĩ chỉ lạnh lùng giơ mũi đoản kiếm chỉ thẳng tâm hắc nhân đối diện.

- Gặp mặt nhau hay chưa chẳng quan trọng gì, nhưng bổn sĩ biết chắc chắn tên vô lại nhà ngươi có một tay trong Đông cung đại án năm đó. Vụ đại án mà trong không quá một đêm trăng đã khuynh đảo cả vương quốc này...

Hắc nhân kia khẽ đặt một tay ra sau lưng lần tìm thứ gì như ám khí, tuy nhiên Khuê Văn Chu Tước cũng chẳng chậm chạp hơn gì, nhanh chóng vụt tới trước để lưỡi kiếm sắc kề cổ đối phương. Tiếng chân dồn dập quen thuộc của đệ tử bắt đầu vọng đến nơi, nếu vị học sĩ có thể cầm chân thêm vài phút nữa...

Trong một khắc bất ngờ, hắc nhân vung tay kia giấu dưới vạt áo tung một nắm bụi mù vào vị học sĩ. Khuê Văn Chu Tước tuy phát hiện kịp lúc nhưng vẫn choáng váng tức thời vì hơi bụi vào mắt. Hắc nhân thừa cơ đó tự giải vây, rút con dao găm giấu trong áo ra nhằm thẳng tâm đối phương. Nhờ thiên nhãn mà vị học sĩ có thể tránh kịp lúc, không hề hấn gì. Kẻ kia bắt đầu lộ mặt, chẳng còn cái vỏ tiểu thần theo chân Đế Mục nữa, mà giờ là bóng đen năm đó giấu mình trên mái đợi thời cơ hành thích thái tử— kẻ mà bàn tay mang dấu chàm đại án Đông cung, gá họa oan khiên cho Khuê Văn thái phó đến bây giờ vẫn chưa được giải.

- Ra là quan triều đình. Thanh quan à, chỉ là chướng ngại cho chủ công ta. Đại nhân không phiền ta tiễn người một đoạn chứ? - Kẻ thích khách mở một nụ cười giễu.

- Nếu bổn sĩ kẻ từng qua cuộc chiến loạn, từng sống sót giữa giang lâm hiểm độc, giữa quan trường hiểm ác mà hôm nay lại bại dưới tay kẻ như ngươi, thì còn gì danh của Khuê Văn gia tộc. Ta tới đây tìm ngươi, và chỉ một mình ngươi, là để báo thù. - Khuê Văn Chu Tước ngừng một khắc để lấy lại nhịp thở, đáp.

- Khuê Văn gia, nghe quen quen... À đúng rồi, thị gia của vị thái phó cố chấp chạy đến bảo vệ tên thái tử. Nhớ không lầm thì là... Khuê Văn Khổng Tước. Chà, có phải đại nhân đây là Khuê Văn Khổng Tước, thật vinh hạnh cho kẻ tiểu nhân đây. Quân tử đừng nên nhớ dai quá, sống không lâu đâu.

Và y lại lao tới như một con báo, dao găm sắc giơ cao như móng vuốt. Phản ứng đã chậm hẳn đi vì sức lực cận kiệt, Khuê Văn Chu Tước nhắm mắt chấp nhận không thể né đòn, khẽ thì thầm một câu xin lỗi. Tuy nhiên ngay lúc ấy, một người không ngờ lại đến kịp lúc cứu mạng.

- Với thiên nhãn thấu vạn vật, với một người luôn cẩn trọng cân nhắc từng nước đi đường bước ngài có vẻ liều hơn tôi tưởng đó cố nhân.

Giọng nói ấy làm vị học sĩ giật mình, đưa mắt nhìn kẻ mới đến. Mộc côn giơ cao chặn tay đường dao, Khuê Văn Khổng Tước giục người chiến hữu đứng dậy mau, rồi đưa chân đá hắc nhân kia lùi lại dăm bước, giữ khoảng cách an toàn.

- Tên vô lại này là kẻ nào? - Khuê Văn Khổng Tước hỏi về phía sau.

- Tên thích khách năm đó gây nên Đông cung đại án. Y đang theo hầu Đế Mục, có vẻ như thân tín.

- Biết vậy là đủ rồi. Song Liên chúng ta đã sắp tới nơi, chỉ cần sống sót thêm dăm khắc nữa...

Hắc nhân kia lại vung dao muốn hạ kẻ sĩ tử mới đến trước, rồi sau đó lấy mạng người mà y nghĩ là Khuê Văn Khổng Tước, nhân chứng duy nhất trong Đông cung đại án để bịt đầu mối, tuy nhiên một lần nữa lại bị mộc côn chặn lấy.

- Này, Khuê Văn song tước tuy cùng sĩ tử nhưng mạng cũng không phải dễ lấy. Học trò nửa đời phiêu bạt giang hồ, đến cả Liêm Sơn cổ thành cũng ghi dấu chân, lang thang nguy sơn hiểm hải mà không học được lấy dăm món tự vệ có phải ngu ngốc chăng?

Khuê Văn Khổng Tước tay ghì mộc côn thủ thế, và dù người tỏ ra chẳng có gì khó khăn đối mặt với thích khách chuyên nghiệp ấy, sức lực cũng nhanh chóng kiệt dần. Cả đời là sĩ tử, võ luyện đâu phải ưu tiên, Khuê Văn song tước đứng vững được tới lúc này cũng kỳ tích rồi. Huống chi đối thủ lại là kẻ năm xưa suýt thành công ám sát thái tử, tận diệt dòng dõi hoàng gia để mở đường nội bộ xâu xé xưng vương. Người đưa tay hất lưỡi dao qua một bên rồi nối tiếp một đòn công, đầu côn hướng thẳng hàm tên thích khách. Hắc nhân xoay người tránh và bước dăm bước về sau giữ khoảng cách. Y nhận ra rằng dù là sĩ tử không mấy kinh nghiệm trên trường võ lâm, một thanh côn trong tay kẻ biết dùng nó cũng nguy hiểm vô cùng. Và trong từng đó năm viễn du chốn thâm sơn hiểm hà, Khuê Văn Khổng Tước đến hiểu mộc côn như hiểu đường đi miền tây sơn hoang dại. Nghiệp dư so với cơ số hiệp khách, nhưng cũng không phải thứ đáng coi thường. Thêm nữa, Khuê Văn Chu Tước kia, thiên nhãn thần thông, nguy hiểm không kém. Tuy nhiên, sau rốt cả hai vẫn chỉ là học trò, sức lực hạn chế cực cùng. Hắc nhân kia chỉ cần làm sao để là người cuối cùng đứng trụ lại, chiến thắng khi này là vấn đề thời gian thôi.

- Bao lâu nữa hai đứa nó lên được tới đây?

Chu Tước đại nhân im lặng không đáp.

- Thôi được. Lùi lại đi. Ngài không cần thay tôi rửa thù. Tôi cũng chẳng còn thù để mà báo nữa. Ngài biết tôi mà, xung quanh kẻ thù đếm còn không hết, ai màng lo chuyện thù với hận nữa. Nhưng mà... cứ nghĩ nếu ngày ấy y thành công... có lẽ tôi cũng chẳng còn đứng đây với ngài kề vai chiến hữu... - Khuê Tước tiên sinh bước đến trước, một tay dang ra chắn - Tôi có nói với ngài sẽ sống sót trận này, trở về vì Thi Kỳ, tuy nhiên nếu tôi phải phơi thây đất này, phiền ngài và đệ tử trông chừng nó cho.

Lợi dụng sự im lặng chết người, hắc nhân đưa tay về sau lưng áo, với lấy ám khí giấu ở dải thắt lưng, tìm thời cơ hai kẻ sĩ tử đã kiệt sức buông lỏng phòng vệ mà một phát giết sạch. Nhưng trước khi y chạm tay được tới ám khí đã thấy mình ngã gục dưới đất. Trong tích tắc, có ai đó từ trong bóng tối phía sau phi thẳng ra, ghim y xuống nền đá. Y muốn ngẩng về để xem kẻ nào vừa tấn công, nhưng khó mà cử động được: gót giày kẻ ấy đang chẹn cổ sau gáy y và bàn tay với lấy ám khí cũng bị bế dưới sức nặng của một thanh côn. Thoáng đầu y tưởng Khuê Văn nhị sĩ kia giở mưu hèn kế bẩn ám thích từ lúc nào, nhưng không, trộm ngước mắt thấy hai người cũng hoang mang như y vậy.

- Loạn tướng Đế Mục đã bị bắt sống, cũng đến lúc ngươi đầu hàng cùng với vạn quân rồi. À không, ngươi ra tay mưu sát mệnh quan triều đình, hay là xử quyết tại đây luôn?

Chu Tước đại nhân nghe trực giác ngước lên thượng lầu, hiệu kỳ quân phiến loạn Kinh Xuân đã bị chém rách tả tơi từ lúc nào. Ngài biết ngay đó là tay nghề của đệ tử mình. Đế Mục và cận thần có lẽ đang đợi đại quân triều đình vào áp giải trên ấy.

- Đừng, ta muốn hắn sống. Tên này có biết vài thứ ta có thể dùng. - Chu Tước đại nhân bước về trước, đưa tay ra ngăn.

Tuy nhiên khi ngài vừa dứt lời hắc nhân kia vung đầu mạnh về sau, dụng gót giày của kẻ đang giữ mình ghim trên đất làm điểm tựa tự bẻ gãy cổ bịt đầu mối. Khuê Văn Chu Tước thấy thế sững sờ, dẫu là người mang danh thiên nhãn thấu mọi vật nhưng điều này sao ngài không thể thấy trước được. Người đồng liêu may mắn đến đỡ kịp khi ngài bỗng nhiên khuỵu xuống như mất hết sức lực. Và lúc ấy, giọng của An Linh Thanh tướng quân cùng rập rềnh bước chân vang dưới khoảng sân. Quân triều đình đã phá được vòng vây và đang tiến vào chiếm lấy phủ thành.

_______
(*) Phổ lại từ lời bài hát Honoo no Takaramono (Fire Treasure - "Hoả báu ca") của Oono Yuji

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top