Hồi hai mươi ba: Hỷ sự trước thềm chiến cuộc

Còn không quá năm sáu tuần nữa là tới mùa trăng xanh, không chỉ Kinh Xuân và biên giới đông nam náo động mà ở cổ trang viên ngoại biên Mạc Hà trấn cũng vậy. Nhận được mật thư từ Khổng Tước thái phó, Chu Tước đại nhân cũng như Nguyệt Sinh Liên khẩn trương cho ngày ra trận. Mọi chuyện đã gần xong xuôi, có thể hai người sẽ khởi hành trước hẹn, tuy nhiên bây giờ tình hình lại hiện lên một vướng mắc: còn Thi Kỳ? Với chiến sự ở Kinh Xuân làm bận tay, Chu Tước đại nhân không thể mang theo Thi Kỳ; ai sẽ bảo vệ họ Thi giữa cuộc giao tranh khi cả Khuê gia song tước đều bước chân ra chiến trường?

Một ngày nọ, trang viên bị bỏ hoang của tộc Khuê Văn đón vị khách viếng đầu tiên sau mấy trăm năm chưa nghe bước chân ai. Vài ngày trước đó, Nguyệt Sinh Liên để ý có nhiều người vận hắc y lảng vảng ở đồng cỏ ngoài trang viên như muốn điều tra điều chi đó; và hôm nay, một đoàn quân ngoại quốc đến gõ cánh cổng đổ nát của gia trang tìm người.

Lúc này Nguyệt Sinh Liên đang đứng gác ngay ngoài cổng gia trang, và tiếp đón được một đoàn người ngựa có vẻ long trọng nhưng cũng khá đáng ngờ. Trông y phục này thì có lẽ là người ngoại quốc, nếu không phải người xứ Tịnh Hà phía tây, Tân Gia phía nam thì cũng là một trong tam đại quốc phía đông. Nguyệt Sinh Liên đứng yên thế thủ, tay đẩy khẽ chuôi bảo kiếm khỏi bao, mắt trân trân dõi theo nhất cử nhất động của những vị khách lạ này. Đoàn kỵ sĩ đồng loạt dừng ngựa theo lệnh của người dẫn đầu, và người này cũng sau đó đích thân xuống ngựa đến trước mặt ra mắt vị hiệp sĩ gác cổng gia trang. Vị khách lạ chắp tay chào, và Nguyệt Sinh Liên theo lệ đáp lễ rồi lại về thế thủ, tay đặt trên chuôi bảo kiếm.

- Dám hỏi danh tính các hạ là gì, từ đâu đến, tìm gặp ai, có việc gì?

Vị khách nọ tự giới thiệu mình là Bích Liên tướng quân Nhan Cơ của Ly quốc, một trong tam chiến quốc phía đông Hoa Nữ quốc. Nội bộ vương quốc gặp chuyện Kinh Xuân đã phải ráo riết ra quân dẹp loạn, Nguyệt Sinh Liên thấy mình không có thời giờ để dây dưa với bất cứ ai trong tam chiến quốc, tuy nhiên sắc mặt đổi khác khi Nhan Cơ tướng quân trình ra một lá thư phong vàng in mẫu đơn và hỏi tìm Thi Kỳ. Những người này là người ngoại quốc, không phải quân triều đình, làm sao có chuyện muốn gặp Thi Kỳ, kẻ đang bị truy nã vì tình nghi có liên quan tới vụ án mất tích của Mạc Hà tổng trấn? Khuê Văn Chu Tước, Nội điện đại học sĩ, là người có quyền nhất ở gia trang bây giờ, có lẽ nên để người cho lời phán quyết. Nguyệt Sinh Liên dẫn Nhan Cơ tướng quân tới khoảng sân trước cửa chính khách phòng bảo đợi, còn mình thì đích thân vào trong đưa phong thư tận tay Chu Tước đại nhân. Ngài mở phong thư đọc qua, nét mặt bỗng trở nên đăm chiêu và sự điềm tĩnh thường ngày mất hẳn; sau khi suy nghĩ một hồi, chau mày nghiến răng bên án thư, miệng lẩm bẩm "Kiếp thư sinh thân nhi nữ học trò ngài sắp phải làm phi vương tử xứ xa, tôi biết làm chi bây giờ hỡi Tú Minh tiên sinh?", ngài cho gọi Thi Kỳ ra. Không để Thi Kỳ mở lời trước, ngài giở lá thư ra giơ lên nói một câu dứt khoát và ngắn gọn:

- Ly quốc phương đông ngỏ lời cầu thân con cho Thái Tuệ tam hoàng tử bên ấy.

Nghe tin khó ngờ, Thi Kỳ đứng đó chết lặng một hồi. Chỉ vừa vài tháng trước Thi Kỳ về Mạc Hà thì hay tin tổng trấn đại nhân mất tích, rồi lại bị tình nghi khi gia nô ngài cũng biến mất theo; bị ra toà, bị giam trong ngục rồi bị truy nã khắp nơi, may mắn mới gặp Nguyệt tiên sinh đệ tử Chu Tước cứu đưa đến đây; khi chưa kịp thấy thanh danh mình trong sạch thì lại tới chuyện cầu thân này. Với một kẻ sĩ bé nhỏ như Thi Kỳ, thì những ngày vừa qua thật quá sức chịu đựng, nói chi đến chuyện đi làm vương phi một xứ xa xôi như Ly quốc.

- Cầu thân... con... cho Ly quốc tam hoàng tử...? Nhưng mà, con... chỉ là học trò, làm sao...

Chu Tước đại nhân trong một thoáng trở lại với vẻ điềm tĩnh thường thấy và nét kiên định của một vị đại học sĩ, giải thích:

- Hoa Nữ quốc ta vốn trung lập trong chiến cuộc tam quốc, giữ thế cân bằng cho thế lực cả ba. Vài ba hôm trước ta có hay tin Long quốc và Phượng quốc trao đổi mối liên hôn, liên minh với nhau đấu lại Ly quốc; có lẽ Ly quốc muốn mượn sức ảnh hưởng của con để trả lại cân bằng cho cuộc chiến...

- Nhưng mà, con chỉ là học trò, thế lực không có, ảnh hưởng chính trị lại càng thiếu, tại sao họ lại muốn con?

- Họ không muốn con, họ muốn cái danh thái phó đương triều của con. - Chu Tước đại nhân chỉ tay về phía tấm kim bài Thi Kỳ đeo trên thắt lưng.

- Đây là kim bài của đại tiên sinh, không phải con! Con chỉ là thư đồng của thái tử điện hạ, chưa bao giờ dám mơ tự gọi mình hai tiếng thái phó, tại sao họ lại...?

Khuê Văn Chu Tước im lặng một lúc, đưa mắt nhìn lên tấm bình phong cũ kỹ trên tường, lòng chùn xuống nhớ lại cái ngày định mệnh. Cái ngày đã chuyển hướng lịch sử sang một con đường tồi tệ hơn.

- Đó là... ý của tứ phượng hoàng bọn ta tâu lên Thái tử điện hạ. Thái phó là một trong tam công, dưới thiên tử nhưng trên cả thiên hạ, nếu con được mang tước vị này, chúng ta có thể ngăn được đám ô quan đó cấu kết nhau âm mưu loại bỏ con— học trò cuối cùng của Khuê Văn Khổng Tước— dù chỉ là một lúc. Nếu ngày đó ta tìm đủ chứng cứ minh oan cho người, không để cho bọn họ gây sức ép khiến Trưởng công chúa đặt bút viết chiếu huyền chức và Tú Minh tiên sinh để lại kim bài thái phó trở về với kiếp phiêu bạt, thì có lẽ... con sẽ không phải mang gánh nặng này... Thôi con ra ngoài tiếp Ly quốc tướng quân Bích Liên, xem họ có gì muốn nói với con.

Thi Kỳ gật đầu, chắp tay thi lễ rồi biến mất sau bức màn, khẽ hé cửa bước ra. Khuê Văn Chu Tước nhìn theo, ánh mắt ảm đạm cực cùng. Trước khi nhận lệnh làm khâm sai lên phía bắc điều tra một thảm họa để rồi không may tử nạn giữa đường, Thi Quân án sát sứ đã gửi lại Thi Kỳ cho Khuê Văn Khổng Tước khi đó còn mang kim bài thái phó; khi Khuê Văn Khổng Tước phải bỏ thành đi giang hồ, người đã nhờ Tứ phượng hoàng trông chừng đứa bé; và bây giờ Tứ phượng hoàng cũng đang lao đao cả chuyện triều chính lẫn những cuộc phiến loạn nổi lên như nấm sau mưa này, làm sao có thể vẹn toàn được lời hứa?

Thi Kỳ ra cửa đón khách, cố giấu sự lo lắng và những suy nghĩ vẩn vơ sau nét điềm tĩnh thanh cao thường mang trong triều. Đằng cổng có đoàn kỵ sĩ vận sắc phục khác lạ dường như đang chờ ai đó và Nguyệt Sinh Liên mang bảo kiếm ở ngưỡng cổng canh chừng, không còn vẻ gì là vị tiên sinh học trò ngày trước dẫu trên người vẫn bộ áo vải sĩ tử. Và trước cửa chính khách phòng có vị võ tướng ngoại quốc, có lẽ là chỉ huy đoàn kỵ sĩ kia, chắp tay cúi người hành lễ với họ Thi.

- Các vị là... Bích Liên tướng quân của Ly quốc?

- Thưa đúng, chắc hẳn tiểu thư là Thi Kỳ cô nương.

Vị tướng quân ngoại quốc ngước lên đáp. Có một chút bối rối thoáng qua trên nét mặt vị thư sinh và hiện thực lại tràn về trong tâm trí. Mình sinh ra đầu tiên và sau rốt không phải kiếp sĩ tử, mà là phận nữ nhi. Phận nữ nhi sắp phải dứt áo học trò mà đi làm vương tử phi xứ người. Ở hoàng cung Ly quốc đường xa vạn dặm với vị vương tử Thi Kỳ chưa hề quen mặt... có tốt hơn chốn phủ thái phó với hình bóng Khổng Tước đã phai nơi vọng nguyệt đài, với hơi ấm Sa Liên đã lạnh bên bàn bút án thư, với tiếng đàn Hồng Tước đã lặng câm cạnh khung cửa sổ và tiếng bước chân An Viên sốt sắng trở về từ biên cương xa rời trên phiến đá vườn hoa không? Tam hoàng tử Ly quốc này, vị tam hoàng tử mà Thi Kỳ sắp phải thành thân, là con người ra sao? Ly quốc có giống với Hoa Nữ quốc chăng? Thi Kỳ không biết.

- Đúng... đúng vậy, khi nãy thư của tướng quân mang tới Chu Tước đại nhân đã đọc, và ngài cũng đã nói với học trò.

- Vậy chuyện này...

Thi Kỳ có thể thấy rõ vị tướng quân ngoại quốc đang rất mong đợi câu trả lời, và có lẽ trong tình thế này, hai lựa chọn là điều không thể. Lấy tuổi trẻ một người đổi lại sự trung lập cho cả vương quốc, đây quả là một cái giá hời; tuy nhiên, Thi Kỳ không quyết định được, dù là nội tâm đã chấp nhận số mệnh này. Đường đến Ly quốc xa xôi vạn dặm, nhận lời cầu thân cũng đồng nghĩa với cược một ván đỏ đen; hoàng tộc Ly quốc có thể sẽ đối đãi Thi Kỳ chu đáo và tử tế xứng với một vị vương phi, an toàn lánh xa khỏi tiền tuyến, nhưng còn... mọi người? Tề tể tướng và Đoàn thượng thư trăm công ngàn việc, chuyện loạn quân đã đau đầu lại phải lo chuyện triều chính với bao nhiêu quan tham nhòm ngó ngai vàng; Thái tử điện hạ nhờ Hồng Tước bảo vệ, nhưng với dao bén gai nhọn trên từng bước đi trong cung điện, không chỉ Thái tử gặp nguy hiểm mà Hồng Tước xem ra cũng khó được mạng toàn; Khổng Tước tiên sinh cùng với Sa Liên và An Viên hiện đang dàn kế chuẩn bị đối đầu với quân phiến loạn, và rồi khi đoàn kỵ sĩ Ly quốc hộ tống Thi Kỳ về kinh thành bên ấy, Chu Tước đại nhân cùng Nguyệt Sinh Liên cũng sẽ lên đường ra chiến trường đầy khói lửa. Có lẽ vì đại cuộc, Thi Kỳ không còn cách nào khác ngoài đánh cược ván bài này. Tuy nhiên, họ Thi muốn nghe phán quyết của thiên tử tương lai. Thái tử điện hạ sẽ nói gì khi một vương quốc xa xôi nay đến hỏi cầu thân thư đồng của người cho hoàng tử bên ấy?

- Thứ lỗi cho học trò không thể trả lời tướng quân ngay bây giờ, đây là chuyện liên quan đến vận mệnh của nước nhà, phải có lời nói của Thái tử mới có thể định đoạt. Học trò thiết nghĩ tướng quân hãy hồi kinh thưa chuyện với điện hạ trước.

Nét mặt vị tướng quân ngoại quốc bừng sáng lên dù câu trả lời không hẳn là thứ người đang chờ đợi.

- Về chuyện này cô nương không cần lo lắng bởi đoàn sứ thần hiện giờ chắc đã có mặt ở kinh thành diện kiến Thái tử, nếu cô nương muốn hồi kinh thì xin để ta được hộ tống đoạn đường này.

Nghe tới đây, có vẻ bất ngờ lộ rõ trên nét mặt Thi Kỳ. Về kinh... sao? Buổi thiết triều hôm đó Thi Kỳ xin Thái tử và Trưởng công chúa về Mạc Hà tầm ba tuần trăng, tưởng sẽ xong việc sớm nhưng mà... lại bị định mệnh kéo vào nghi án này. Vắng mặt ở kinh thành đã bao lâu rồi, Thi Kỳ không biết; hôm nay là ngày mấy họ Thi cũng chẳng buồn hay, lý gì để biết nữa khi còn ai mong chờ mình đâu. Bá quan có lẽ đã thuyết phục được Thái tử rằng thư đồng ngài đã chết trên đường hồi kinh, hoặc chính tay Thái tử đã đóng dấu tử tội lên tên Thi Kỳ. Khả năng thứ hai, Thi Kỳ mong là nó sai, mong Thái tử sẽ hiểu cho tình cảnh kẻ học trò gian truân một khi điện hạ thấy được cánh nhạn bé nhỏ của ngài đặt chân về được Nội thành bình an. Lấy hết chút can đảm còn sót lại sau tất cả những tin khó ngờ hôm nay, Thi Kỳ lên tiếng:

- Xin tướng quân đợi cho chốc lát, học trò thu dọn một chút rồi quay lại.

Khi được sự chấp thuận, Thi Kỳ vội trở lại khách phòng nơi Chu Tước đại nhân vẫn ngồi ghi chép chi đó, khẽ vén rèm và bước vào quỳ xuống cạnh án thư. Khuê Văn Chu Tước đã chuẩn bị sẵn hành lý và thư từ cho chuyến đi Kinh Xuân để ở một góc thư phòng, và bên cạnh ngài có một hộp gỗ nhỏ khuất dưới vạt áo khoác dài.

- Chu Tước đại nhân, con... muốn cầu kiến ngài.

- Có phải là chuyện Ly quốc muốn cầu thân con?

Nét mặt vị đại học sĩ khi nói vẫn điềm tĩnh như thường ngày, nhưng sao trong ánh mắt người lúc này chứa đầy nỗi đau khổ. Thi Kỳ với Chu Tước đại nhân vốn chẳng phải thân sơ, tại sao người lại lo lắng cho đứa đệ tử nhỏ của Khổng Tước đến vậy?

- Thưa... vâng. Việc này, Chu Tước đại nhân thấy thế nào ạ?

Khuê Văn Chu Tước dừng tay bút, ghé nhìn qua phong thư để mở trên bàn rồi đưa mắt về tấm kim bài thái phó Thi Kỳ đang mang. Dù đã bao nhiêu năm qua rồi nhưng đằng sau sắc vàng ánh kim của tấm thẻ bài người ta vẫn thấy dáng hình kẻ sĩ áo vải đó rảo bước dần xa, để những người còn ở lại vọng trông không biết tới ngày nào. Tiễn chân kẻ sĩ ấy về miền lang bạt là trời sao trên đầu, gió đông dẫn lối và một lời hứa từ vị học sĩ sau tấm rèm thư phòng— một lời hứa có lẽ vị học sĩ bây giờ không thể tự tay hoàn thành.

Khuê Văn Chu Tước tới đây không nói gì, chỉ đưa ra chiếc hộp nhỏ che dưới vạt áo ngài. Thi Kỳ nhận lấy mở ra thì thấy một kim bài khá giống với tấm đeo trên thắt lưng mình. Tấm kim bài trong hộp cũng buộc dải gấm thắt hoa tuy nhiên đính ở đầu dải gấm này là một sợi lông vũ rực đỏ. Lông vũ chim chu tước.

- Đi đi con. Ai biết nếu nội chiến dâng cao và khi nào nơi này thành biển khói lửa, ai biết khi nào ta không còn có thể bảo vệ con thay Khổng Tước thái phó. Dẫu là hôn nhân chính trị, thấy con được chỗ an lành gửi thân ta cũng yên lòng. Còn hai kim bài này nhờ tay con giữ, hãy xem như Khuê Văn song tước bọn ta luôn ở bên con. Mong có ngày tái ngộ.

Khuê Văn Chu Tước nở một nụ cười bình yên cuối cùng khi Thi Kỳ được Bích Liên tướng quân hộ tống về Cấm Thành với Nguyệt Sinh Liên đi đầu dẫn đường. Nụ cười ấy vội tắt ngấm khi bóng đoàn người phai hẳn trước cửa gia trang và vị học sĩ ngồi lại một mình giữa bốn bề im lặng. Ngài gục đầu xuống án thư như muốn ngủ thiếp đi, rũ bỏ mọi ưu phiền những ngày vừa qua; tuy nhiên, mắt ngài vẫn chăm chăm dõi theo ánh đèn vàng leo lắt hắt bóng trên tường và miệng lẩm bẩm như đang trò chuyện với một vị khách vô hình.

- Đã lâu lắm mới thấy một hỷ sự, nhưng sao tôi chẳng thể vui. Để đứa bé đi làm vương phi Ly quốc đường xa vạn dặm đầy gian truân khổ ải, ngài có trách tôi vì đã không chu toàn lời hứa không? Và Thi đại nhân, ngài có trách Tú Minh tiên sinh đã bỏ thành ra đi ngày đó, bỏ đứa con ngài gửi vào Thái phó phủ với tất cả hy vọng và mạng sống còn lại, chăng?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top