Hồi ba mươi: Ngược đường theo kỳ án

Như đã hẹn, dăm ngày sau cuộc chiến, mọi người đến nói câu giã từ. Thái Anh vương và các con trở về Côn Luân thành; An Viên theo nguyên soái đến biên giới tây bắc trấn thủ, ngăn chiến cuộc ở nước chư hầu lan sang và giúp dân lưu vong có chốn tỵ nạn; Sa Liên ruổi ngựa một mình về kinh chờ tin; còn Khuê Văn song tước thì vượt rặng Đông Sơn về náu tại cổ gia trang, với Nguyệt Sinh Liên thi thoảng đến Côn Luân mang lương thực về tiếp tế. Côn Luân cách Mạc Hà chỉ nửa ngày về phía nam, nhưng ở giữa là rừng rậm trập trùng hiểm trở, ít kẻ dám liều mà đi, trừ ba kẻ viễn khách này.

Đã sáu tuần trăng kể từ trận Kinh Xuân.

Khuê Văn song tước hay được rằng Thái tử vừa trở về từ Ly quốc, nhưng không có Hồng Tước theo cùng. Đúng thật, Hồng Tước đã ở lại phủ Thái Tuệ hoàng tử, và Thái tử thế là không có cận vệ. Tin về rằng, khi ngự thuyền cập bến, có đoàn cảnh vệ được gửi đến đón ngài, tuy nhiên, có gì đó rất lạ ở họ. Họ không phải đội cảnh vệ của Thái tử chọn ra. Cố giữ bình tĩnh để không làm động đến triều sự, Thái tử điện hạ và tuỳ tùng được hộ tống về kinh, nhưng thay vì được đón tiếp như thường thì đội cảnh vệ quân đó đưa ngài thẳng về Đông cung, mang lính đến gác chừng. Trưởng công chúa cùng Thái hậu cũng bị cấm túc như thế, và họ không thể làm gì được vì hai quốc bảo— mang quyền lực đế vương Hoa Nữ quốc— đang ở trong tay Tể tướng và Lễ bộ thượng thư. Hai người đó bây giờ là hai người đứng cao nhất nước này, và với Thái tử vẫn chưa đăng ngôi vì di chiếu của cố hoàng, không có ai trên họ, không có ai ngăn họ. Tề thị và Đoàn thị bây giờ quyền lực trong tay coi như hoàng đế.

- Tứ phượng hoàng gánh vác giang sơn theo lệnh thiên tử, làm phản sao? Không thể nào! - Khuê Văn Khổng Tước nghe được tin không khỏi nghi ngờ.

Nguyệt Sinh Liên đưa tay tháo lấy ống thư trên người con chim ưng rồi thả nó bay lại lên nóc nhà, đáp:

- Thưa ngài, tin chính tay Chánh sử quan viết, khó mà sai được.

- Đây đúng là tự dạng của Sa Liên, nhưng mà... ta vẫn không dám tin cái tin này. - Khuê Tước tiên sinh mở lại cuộn thư ra đọc, mày chau trên đôi mắt - Tề Hàn và Đoàn Châu là đồng môn ta, đồng liêu ta, cũng một thuở dấn thân thí trường cùng nhau, cũng một thuở là quan ngang phẩm, cố hoàng bệ hạ tin tưởng chọn họ làm cột trụ triều đình...

- Thưa, nếu như họ mà ngài biết đó chỉ là vở diễn thì sao? Tham vọng gần tay hơn nếu được tin tưởng mà? - Nguyệt Sinh Liên ngồi xuống chỗ quen thuộc của mình bên cửa.

- Lâu nay họ vẫn giúp Chu Nguyệt dạy học cho đám trẻ, ta không tin ngài không thể thấy trước được.

- Không, học trò không thể thấy trước được. - Chu Tước đại nhân nhắm mắt, đáp - Chuyện này... hết sức bất ngờ.

- Ngài đùa tôi chắc? Thâm sơn cùng cốc nào tôi đến ngài cũng tìm ra được, ngài bỏ ba thập niên đời mình cố mang một kẻ hỏng sĩ tử về triều vì ngài thấy được tôi có thể làm gì, mà không thể thấy trước âm mưu của mấy người đồng liêu đã làm việc cùng ngài từng đó năm? Ngài không phải đồ ngốc, Khuê Văn Chu Tước, từ nhỏ đã thông thạo sử lược, chính trị, triết lý các thứ, nhân tình thế thái, điều chi cũng làu, chưa kể còn Thiên nhãn. Ngài không ngốc đến nỗi không thấy được chí ít sợi dây rối trên đầu mình!

Chu Tước đại nhân im lặng một hồi rồi cúi đầu.

- Thiên nhãn Chu Tước dù gì cũng chỉ người phàm. Ngài thấy rồi đó, Thiên nhãn thông tuệ là vậy nhưng có những thứ học trò không thể thấy trước được.

Khuê Tước tiên sinh lắc đầu, thở gắt một hơi rồi ngả người tựa vào tường.

- Vậy là... chỉ còn một mình ngài gánh vác cả giang sơn này, Chu Nguyệt à. Nhưng ngài thì đang ở đây với tôi chơi trò thám tử, triều đình để đó, tứ cột trụ từ lâu còn có tam, Tể tướng với Lễ bộ thượng thư thì làm phản, hoàng tộc thì đang bị giam lỏng. Chỉ còn ngài vẫn trung với giang sơn này thôi, mà bây giờ... coi như giang sơn cũng chẳng còn.

- Không phải ngài nói quá chứ? Hai chúng ta vẫn còn đây mà? - Chu Tước đại nhân cười trấn an.

- Ngài xem, ngài đường đường là Nội điện Đông các viện đại học sĩ, từng giữ quyền nhiếp chính, một trong những cột trụ triều đình, nay lại rúc trong gia trang đổ nát với kẻ giang hồ như tôi. Người ta có lẽ cũng muốn cái đầu ngài lắm, nếu không thì ngài đã không trốn ở chốn này suốt quãng thời gian qua, phí thời gian đi tìm một người không biết có còn sống hay không. Từ khi Thi Kỳ về Mạc Hà gặp tôi tới nay đã bốn tháng, Phan gia mất tích trước đó hai tuần, khả năng họ giữ cho y sống sót được bao nhiêu?

Chu Tước đại nhân nhắm mắt lại, ngước đầu lên suy tư.

- Khá cao. Thiên nhãn bảo rằng Phan gia vẫn còn sống vì những kẻ bắt cóc ngài ấy nghĩ ngài có giá trị nhiều. Đến hôm trước học trò vẫn thoáng thấy được ngài đang bị giam giữ ở đâu đó. Nếu chúng ta nhanh chân có thể sẽ kịp, chỉ có điều là dấu vết đã quá cũ, khó mà lần theo.

- Thi Kỳ có lẽ đã phát hiện được gì đó, khi tôi về Cấm Thành thì nó ở lại điều tra xem chuyện gì xảy ra. Chắc nó có ghi lại đầu mối ở đâu đó, nhưng tình thế này thì tôi khó mà về nhà, dù gì thì nó cũng bị bắt thay tôi để mà bị đổ tội cho vụ mất tích này. Có khi khi chúng ta đi Kinh Xuân thì cái nhà cũng bị lục lọi rồi.

Nguyệt Sinh Liên đột ngột lên tiếng xen vào:

- Thưa, tại hạ có thể về đó xem sao?

- Thôi, phiền ngươi cũng đủ rồi. Nếu vì ta mà học trò Khuê Văn Chu Tước có chuyện gì thì nợ kiếp này ta không trả nổi đâu. - Tiên sinh khoát tay.

- Tạ ơn ngài đã quan tâm, nhưng ngài quên tại hạ trước kia là gì chăng? - Nguyệt Sinh Liên cười đáp, tay giơ thanh bảo kiếm - "Tử thần vô ảnh kiếm sĩ" không phải tự dưng thiên hạ gọi cho vui.

- Ngài cứ tin tưởng Tiểu Liên một chút đi. - Chu Tước đại nhân họa vào.

Và Nguyệt Sinh Liên thận trọng về căn nhà nhỏ bên vườn thanh cúc nơi vị thái phó lưu đày đã gọi làm nhà suốt gần một thập kỷ qua, lần tìm những phát hiện Thi Kỳ có lẽ đã thấy. Khuê Văn song tước ở lại gia trang sắp xếp các thông tin biết được. Vụ án xảy ra đã khá lâu, manh mối ít ỏi, nhưng với mạng một người treo trên thành bại này, dù ra sao họ cũng phải cố gắng truy được đến đầu mối tiếp theo.

Đêm khuya Phan Huy tổng trấn mất tích, có mưa rào nhẹ. Ấy là đầu xuân, dăm tuần trước kỳ khảo thí. Khuê Văn Khổng Tước thường hay thức đêm nên có lẽ cũng vô tình nghe hoặc thấy gì đó, nhưng người không nhớ được. Nhưng người nhớ sáng hôm sau ra xem vườn thanh cúc thì phát hiện có dấu chân giày lên hoa, dẫn về phía sông cạn; cạnh dấu chân có vết kéo lê. Sông cạn không thường có nước, nhưng vào mùa này có thể dâng thành dòng nhỏ. Người định lần theo điều tra, nhưng nghĩ rằng rủi ro quá lớn khi chỉ có một mình nên đã thôi, và chiều hôm đó hay tin muội phu mất tích. Người đến bảo gia nô trong nhà rằng cứ sinh hoạt bình thường, đừng ra vẻ hốt hoảng, sẽ có quan quân triều đình đến giúp tìm tổng trấn đại nhân. Chuyện hệ trọng như vậy, thể nào Khuê Văn Chu Tước cũng được Thiên nhãn mách bảo có biến. Trong thời gian ấy, người đảm đương hộ việc hành chính của trấn. Và đợi mãi, người của Khuê Văn Chu Tước thì không thấy, nhưng dăm tuần sau đó, Thi Kỳ về thăm và điều tra thay vụ mất tích này. Có Thi Kỳ ở Mạc Hà và được giải lệnh lưu đày, tiên sinh về kinh, rồi phụng mệnh đi Kinh Xuân dẹp cuộc phản loạn.

- Con sông cạn chảy từ Đông Sơn xuống, vòng phía tây nam trấn này, tức là về phía Côn Luân thành, rồi rẽ nhánh nhập vào một con sông lớn khác đổ ra nam hải. Cả trấn cùng nhà tôi ở bờ bắc, nhưng gia trang này ở bờ nam, nếu thủ phạm đưa Phan gia lên phía bắc hay đông tây, tôi đã có thể men theo con sông mà lần dấu vết, nhưng nếu y vượt con sông về phía nam, dấu vết sẽ ngắt đoạn hoặc bị xoá sạch ngay. Cổ gia trang này bỏ hoang giữa rừng, về phía nam là rừng rậm hiểm trở, là địa phận giang hồ, tôi không nghĩ chúng ta có thể bới đống rơm này mà tìm cây kim... - Phá vỡ sự im lặng chết người, Khuê Tước tiên sinh lên tiếng điểm lại những gì người biết.

Chu Tước đại nhân mài thêm mực, lần tìm địa đồ dưới bàn và ghi chú vào.

- Ngài có biết, sau hôm ngài về kinh, một người gia nô trong phủ đã mất tích?

- Gì cơ? Đây là Mạc Hà chứ có phải cái vùng vô luật Bắc Nguyên đâu mà người thì cứ mất tích như vậy.

Khuê Tước tiên sinh bình luận, rồi đến cái bếp nhỏ bên góc tường mà pha chút trà. Đã quá chiều, nắng đã nhạt hẳn và căn phòng cũng tối dần.

- Phiền ngài tiện tay thắp giúp đèn lên. - Chu Tước đại nhân quay sang gọi.

- Chúng ta có thể đoán là cả hai vụ này có liên quan. Nhiều khả năng là cùng một thủ phạm. - Khuê Tước tiên sinh nói, với lấy ngọn rơm gần đó làm diêm thắp đèn - Tôi muốn mượn đệ tử ngài đi dò manh mối ở nam lâm, tối nay, trong rừng cây kín kẽ như vậy nếu có dấu vết thì với tán cây che, mưa khó mà dội sạch được.

- Đợi Tiểu Liên về rồi chúng ta xem xét đầu mối đã, vội gì nào?

Vị đại học sĩ ngước sang nhìn người đồng liêu, cười nhẹ.

- Một mạng người đang treo chuông, lại còn là muội phu tôi, ngài nghĩ tôi nên ngồi đợi họ gửi hài cốt trôi sông về đây à? Đi điều tra trong đêm, ít khả năng bị phát hiện.

- Trời này vào mùa mưa rồi, lại còn mưa nhiều nữa, có thể có con nước lớn. Học trò không muốn ngài lại mạo hiểm mạng mình trên đường.

- Làm như ngài có tư cách nói câu đó, Khuê Văn Chu Tước. Đồ thư sinh ngốc nào lệnh cho đệ tử mình đi bắt Đế Mục rồi một mình đến đối mặt với tên thích khách ở Kinh Xuân? - Khuê Tước tiên sinh thoáng đổi giọng giễu.

Chu Tước đại nhân chỉ cười trừ như vậy, lắc đầu cho qua.

- Không có ai khác ở đây, thôi thì tôi chỉ muốn một mình ngài nghe... - Tiên sinh lại đến ngồi cạnh bếp nhìn ánh than hồng cứ bập bùng, đợi ấm nước sôi - Chúng ta lớn lên cùng nhau, nhưng tôi không nghĩ mình từng thấy con người thật của ngài.

- Ý ngài là sao? Học trò xưa nay vẫn vậy mà.

- Khuê Văn Chu Tước tôi biết năm xưa chẳng khác tiên nhân. Luôn giấu mình trong thư phòng chẳng khi ra ngoài, cả triều không mấy ai biết mặt, luôn lãnh đạm với mọi thứ, như thể không có gì đáng cho ngài quan tâm. Ừ thì, trừ việc dạy dỗ Thái tử điện hạ. Ngài chưa bao giờ tỏ cảm xúc thật tình, chỉ như xã giao thôi, nhưng mà... trận Kinh Xuân đó, tôi lại thấy một Khuê Văn Chu Tước khác, một người mà ký ức tôi không quen.

Chu Tước đại nhân không dám quay lại nhìn, chỉ cắn răng ngước mắt lên bức bình phong treo tường.

- Chu Nguyệt tôi biết từ hồi còn ở triều sẽ không liều đến mức một mình đến đối mặt nguy hiểm, sẽ không để lộ bất cứ cảm xúc nào dù chuyện gì có xảy ra, sẽ vẫn cứ mặc kệ thiên hạ miễn là thành toại được kế. Ngàn quân vạn bá tính chỉ là con cờ trên bàn cờ của ngài, chẳng cần phiền đến ngài ra tiền tuyến, như năm xưa khi loạn nổ ra ở kinh đô vì cuộc khủng hoảng kế vị, ngài chỉ đứng đó trên tường cao Nội thành chứng kiến loạn lạc diễn ra. Vậy mà trận Kinh Xuân, ngài có thể lại đứng trên đồi quan sát thôi, nhưng ngài đi theo tôi vào tận trong phủ thành. Nhìn học trò chúng ta tiến công thú vị như vậy sao? Rồi, ngài còn một mình đi tìm tên thích khách mà quyết sinh tử. Thật là... tôi không hiểu nổi mấy thiên tài như ngài...

Vị học sĩ lại cười trừ cho qua. Ngài không dám quay đầu nhìn người đồng liêu, chỉ ngước lên tường rêu cũ nát mà giấu vội giọt nước mắt. Thiên nhãn thông tuệ đã cho ngài thấu nhiều thứ, nhưng không phải tất cả. Vẫn còn bao nhiêu bí ẩn bên ngoài tầm mắt: vụ đại án này cùng những âm mưu đằng sau nó. Ở giữa biển hiểm nguy trập trùng, ngài tự bảo vệ mình bằng tấm rèm che, bằng khiêm nhường và khoảng cách, nhưng ngài đã không ngờ chính thứ đã bảo hộ ngài khỏi những mưu đồ ám hại mình lại đẩy những người ngài muốn giữ gần bên cạnh ra xa. Dù vậy, Chu Tước đại nhân chấp nhận điều đó, như người đồng liêu đã chấp nhận mang danh tội nhân đổi lấy bình yên cho học trò mình.

- Chuyện đó cũng chẳng quan trọng nữa. - Tiên sinh đưa tay chạm nhẹ ấm nước đo độ nóng - Nói tôi nghe, ngài nghĩ trong vụ án này có bàn tay của giang hồ nhúng vào không?

- Để học trò nghe suy đoán của ngài trước.

- Tôi chỉ đoán vậy. Nếu là gia nhân của ai đó trong triều, nhiều khả năng sẽ đi về phía bắc hoặc ngược dòng sông cạn, các quan trong triều đa phần có ấp ở miền bắc hoặc miền đông, không lý gì tay chân của họ lại chạy trốn ngược hướng nhà vì miền tây và nam là miền giang hồ; tôi không nghĩ họ dám liều với chốn giang hồ. Ừ thì trừ hai tên ngốc tôi với ngài ra. Nhưng nếu là người của giang hồ thì về phía nam hoặc phía tây có lý hơn: với họ, chốn nguy hiểm nhất là chốn an toàn nhất.

Chu Tước đại nhân lần ngón tay theo đường trên địa đồ.

- Người giang hồ sẽ không tự tiện bắt cóc quan triều đình làm gì, nên tôi nghĩ có ai đó thuê họ...

Đột nhiên từ bên ngoài vọng lại tiếng gõ nhịp nhịp như dấu hiệu.

- Nó về rồi. - Chu Tước đại nhân nhìn ra cửa - Vào đi con.

Nguyệt Sinh Liên mệt mỏi đẩy cửa bước vào và lại ngồi bên góc tường, lắc đầu ngao ngán.

- Tìm thấy được gì không? - Chu Tước đại nhân hỏi.

- Thưa, không. Căn nhà vẫn y nguyên lúc con đến đón đứa bé khi nó trốn về từ Định Gia, nhưng con không tìm được gì mới. Vườn thanh cúc có dấu vết giẫm đạp kéo lê nhưng đã quá cũ, khó tìm được phương hướng.

Khuê Tước tiên sinh chau mày, lòng đầy lo lắng.

- Vụ án xảy ra lâu rồi, ngược đường theo dấu vết cũng khó. Xin lỗi đã làm phiền, nhưng ngươi có thể theo ta đi dò xét cánh rừng phía nam một chút—

- Khoan đã thưa ngài! Tại hạ vừa nhớ ra đứa bé có xin xấp giấy ghi chép gì đó để nhắn lại cho ngài. Đại nhân con có thể lục tìm ở dưới bàn...

Chu Tước đại nhân lần mò các quyển thư xếp chồng bên cạnh, nhặt lấy một quyển buộc vội rồi đưa cho người đồng liêu.

- Thi Kỳ gửi ngài. Có thể có manh mối.

- Ngài chưa hề giở ra đọc sao? - Khuê Tước tiên sinh đón lấy quyển thư.

- Đứa bé viết lại là để cho ngài, học trò không dám tự tiện.

- Nếu ngài bỏ chút thời gian thì chuyện này đã xong rồi. - Tiên sinh thở dài, mở quyển thư ra giơ dưới ánh đèn đọc vội - "...Trong vườn thấy có vết kéo lê. Bên sông cạn có dấu chân. Bờ bên kia sông trông có dấu vó ngựa."

- Y hệt như lúc Phan gia mất tích. - Chu Tước đại nhân bình luận.

- Bờ bên kia có dấu vó ngựa! Có lẽ vụ trước kia cũng như thế, dù là tôi không nhớ rõ chi tiết. Đúng như tôi đoán! Bọn chúng bỏ chạy về địa phận giang hồ!

- Vậy thì dễ rồi thưa ngài. - Nguyệt Sinh Liên cười - Tại hạ lớn lên ở Diệp Lâm. Cánh rừng lớn giáp với Tân Gia ấy. Tại hạ vẫn còn người thân ở đó, có thể họ sẽ có thông tin cho chúng ta.

- Không có rủi ro gì chứ? Dù gì thì trong giang hồ ngươi cũng là người đã chết...

- Tại hạ sẽ xoay sở, ngài đừng lo.

- Vậy bình minh hôm sau ta đi ngay nhé? - Khuê Tước tiên sinh nói, tay buộc lại quyển thư Thi Kỳ viết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top